Tuesday, April 15, 2008

Giỗ Tổ Hùng Vương

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba ...
Năm nào cũng thế! Hễ đến ngày 10 tháng 3 AL là Bố lại nhắc chị em nhà nó nhớ về ngày giỗ tổ, về nguồn gốc "con Lạc cháu Hồng". Hôm qua, Bố chưa kịp nhắc thì nó đã gọi điện thoại nói với Bố: "Mai là giỗ tổ vua Hùng kìa Bố". Bố mừng hẳn ra. Vì biết mấy chị em nhà nó vẫn còn nhớ.
Không biết phải đến khi nào thì nó mới có thể đưa Bố về đất Tổ để thắp nén hương thơm lên bàn thờ các vị vua Hùng, thành kính tri ân công đức Tổ tiên đã có công dựng nước cho dân tộc Việt Nam đến ngày hôm nay.
Bố vẫn kể cho chị em nó nghe truyện ngày xưa:
Tương truyền, hơn 4000 năm trước, vua Hùng Vương đời thứ nhất trong quá trình dựng nước Văn Lang đã đi khắp chốn tìm nơi đóng đô. Đến một vùng đất rộng rãi, bằng phẳng, nhiều khe suối, Vua sai chim đại bàng khuân đất đá đắp thành 100 quả gò, hẹn phải xong trước khi trời sáng. Đắp được 99 quả, chợt có chú gà trống ngủ mơ cất tiếng gáy, đại bàng giật mình bay mất. Vua không ưng bụng, bèn tìm vùng đất khác. Đến một quả núi cao sừng sững có hàng trăm ngọn đồi bao quanh, non sông tươi đẹp, Vua rất vừa ý nhưng khi xuống núi, vó ngựa giẫm mạnh làm sạt một góc đồi. Vua cho rằng thế đất nơi đây không vững, lại tiếp tục đi. Ngài đã xem xét 99 nơi nhưng chưa vừa ý. Một hôm, khi đến một vùng trung du, ngựa bỗng ghì cương hý vang, vua thấy lạ bèn lên đỉnh núi cao nhất ngắm nhìn bốn phương. Trước mặt là ba sông tụ hội: Sông Đà, Sông Thao, Sông Lô; hai bên là Tân Viên, Tam Đảo chầu về. Cuộc đất này có nơi như long chầu hổ phục, nơi lại như phượng bay ngựa chạy; bãi rộng phù sa; cây lá xanh tươi; đủ hiểm để giữ, đủ thế để mở, có thể tụ hội muôn dân, dựng nước muôn đời. Từ đó, núi Nghĩa Lĩnh (hay núi Cả, núi Hy Cương, núi Cổ tích, núi Hùng) cao 175 mét được chọn làm kinh đô nước Văn Lang, nơi 18 đời Vua Hùng thay nhau trị vì dân Lạc Việt.
Theo các nhà khảo cổ học, kiến trúc của Đền Hùng hiện nay đã bị thời gian hủy hoại, dấu tích còn lại chỉ là các di vật khảo cổ đào tìm được trong những năm gần đây. Kiến trúc hiện nay của Đền Hùng được xây mới lại từ thời hậu Lê và thời nhà Nguyễn. Sau nhiều lần trùng tu, Đền Hùng nay chỉ còn lại đền Trung, đền Hạ và gác chuông. Cổng đền và hàng trăm bậc thang đi lên được làm sau này.

Vào thời nhà Lê, ý thức dân tộc Việt phát triển mạnh, Đền Hùng được vua Lê Thánh Tôn cho viết lại thần tích, đặt làm quốc lễ và cử đại thần về tế lễ hằng năm, người trưởng xã Hy Cương được vua phong quan chức. Cũng từ thời ấy, người Việt có định lệ 5 năm mở hội lớn một lần, còn hàng năm thì giao cho dân Trưởng tạo lệ làm lễ cúng Tổ. Theo con số thống kê bách thần của Bộ Lễ thời Lê thì các tỉnh miền Bắc nước ta có đến 1027 nơi thờ Hùng Vương.
Không biết khi nào Bố con nhà nó mới được đi qua hết 225 bậc thang bằng đá để đến đền Hạ (nơi tương truyền bà Âu Cơ đã sinh ra chiếc bọc trăm trứng); rồi thêm 168 bậc thang nữa để lên đền Trung (Đây là chốn các Vua Hùng nghỉ ngơi, bàn việc nước cùng Lạc hầu, Lạc tướng; bàn bạc việc nhà với các quan Lang, Mị Nương. Đây cũng là nơi chàng Lang Liêu dâng lên vua cha tấm bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho đất trời, tạo vật ... ); rồi đi tiếp 102 bậc thang để lên đền Thượng (Đây là nơi các Vua Hùng thờ thần trời, đất, thần lửa, thần lúa; lập đàn tế cáo cầu mưa, cầu nắng và tương truyền đây chính là nơi vua Hùng Vương thứ 6 đã cho xây đền thờ Thánh Gióng - người anh hùng tuổi nhỏ đã cỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi).
Rồi còn Giếng Ngọc (nghe kể lại rằng ngày xưa, hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa vẫn thường đến đây tắm gội, chải tóc), Cột Đá Thề (một chứng tích lịch sử ghi dấu lời thề của Vua Thục Phán khi nhận lại non sông nước Việt từ Hùng Vương thứ 18 “Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông Vũ miếu Họ Hùng”),...và bao nhiêu nơi khác nữa !

Vua Hùng có công dựng nước, còn CS bây giờ thì đang tâm bán nước, bán biển, bán cả những gì có thể bán được (ngay cả lương tâm) !!!

Monday, April 7, 2008

Nuôi Hy Vọng Từ Hôm Nay


(gửi các chú, bác ... và đặc biệt kính tặng Bố)

Từ thưở bé nào đâu hay biết
Bố trở về, nhất quyết không theo
"Ai đâu gầy yếu, tong teo ?
Xác thân còm cõi, khó điều nhận ra !"

Mẹ ngấn lệ, khóc òa trước ngõ
Giang vòng tay nói: "Bố về rồi"
Con thơ nào biết gì nơi ?
Quay lưng, ngoảnh mặt - rã rời: Bố - Con !

Bố buồn tủi héo mòn ngày tháng
Con chẳng hay - lơ đãng nói, cười
Mẹ thầm lau nước mắt rơi
Làm sao dùng hết nghĩa, lời - giải khuây ?

Theo năm tháng, con nay khôn lớn
Chợt hiểu ra tủi hận ngày nào
"Bố mình chứ phải ai đâu ?
Xả thân vì nước, nát nhàu tấm thân

Vì vận nước muôn phần thất thế
"Người thua cuộc" nuốt lệ trong lòng
"Cải tạo" - Bố phải long đong
Năm (5) năm ròng rã - vợ chồng phân chia

Con thơ dại chưa hề biết Bố
Khi trở về ú ớ gọi tên
Bố giữ hết cả nỗi niềm
Mẹ buồn ngấn lệ u phiền hằn sâu"

Con nay hiểu niềm đau của Bố
Và hiểu thêm nỗi khổ ngàn dân
Nuôi niềm hy vọng ân cần
Gắng công từ những thăng trầm hôm nay

Vết thời gian mỗi ngày đong mãi
Tóc Mẹ Cha còn lại màu gì ?
Bạc trắng hết những nghĩ suy
Nếp nhăn thời thế, lấy gì xẻ chia ?

Đứa con nhỏ nay về nguồn cội
Góp sức mình theo mỗi niềm tin
Mong ngày đất nước yên bình
Muôn nhà đoàn tụ, sáng tình quê hương