Tuesday, July 27, 2010

Cập nhật tin tức về các em nhỏ ở TT Ung Bướu Sài Gòn

Chị V. đã gửi tin cập nhật về các em nhỏ ở Trung Tâm Ung Bướu Sài Gòn từ chiều Chủ Nhật (25 tháng Bảy, 2010) mà DQ lu bu sao đó mà quên mất không kịp cập nhật liền tin tức cho mọi người cùng theo dõi và cùng cầu nguyện cho các em. Xin lỗi chị V.! Xin lỗi tất cả nha.


Sun, Jul 25, 2010 at 9:58 PM

Hi em,

I/ Chị đã liên lạc và gởi tiền cho các em với danh sách mà chị update ở dưới nha:

200USD chị quy ra tiền Việt là 3,820,000 đồng, xấp xỉ 4.000.000 đồng. Chị chia đều cho 5 bé, mỗi em được 800,000 đồng.

Danh sách các em như sau :

1/ Bé Ngô Nhon
Đt: 01693322952 (anh Ngô Nhum, ba bé Nhon)
Phòng 3, lầu 2, khu B, Khoa Nhi, TT Ung Bướu SG

2/ bé Lê Văn Dư (chị Tám, mẹ Bé)
Đt: 01663983736 (anh Em, cha bé)
Phòng 6, lầu 2, khu B, Khoa Nhi, TT Ung Bướu SG

3/ Bé Nguyễn Thị Thêm (Chị Sen-Mẹ Bé)
Đt: 0165.455.6447
Phòng 6, lầu 2, khu B, Khoa Nhi, TT Ung Bướu Sài Gòn

4/ Bé Hà Cẩm Tú
Đt: 0902.318.928 (chị Nga)
Phòng 6, lầu 2, khu B, Khoa Nhi, TT Ung Bướu SG

5/Bé Nguyễn Minh Tiến (chị Nguyễn Thị Bích Phượng- Mẹ Bé)
Đt: 0122.653.3355
Lầu 2, khu B, Khoa Nhi, TT Ung Bướu SG

II/ Chị cũng đưa phần tiền còn lại cho mẹ bé Tường (7,638,000-3,500,000 = 4,138,000đ) rồi.


oOo

Cám ơn chị V. đã đến tận nơi để trao chút ít quà mọn đến cho các mảnh đời khốn khó này. Tụi em ở xa xôi bên này chỉ biết góp chút sức mọn, chút xíu quà mọn và cầu xin cùng Thượng Đế ban ơn bình an và trao đầy nghị lực, sức khỏe đến cho các em, và cả người thân của các em nữa.

Vì đã được dặn dò kỹ lưỡng trước nên lần này chị V. đã "giả dạng thường dân" và hẹn gặp người thân cũng như các em ở dưới sân chứ không lên trên lầu như lần trước nữa. Lần trước, chị đã bị vây quanh bởi nhiều mảnh đời ....nhói đau quá. Chị cầm lòng không nổi nên đã vét sạch túi, vét sạch ví rồi. Lần này, chị không dám trở lại tận nơi Khoa Nhi như lần trước vì biết rằng nếu chỉ giúp được bé này, bỏ rơi bé khác thì không đành lòng. Mà nếu phải giúp hết thì ....thật tình quỹ này chưa đủ sức, và chính bản thân chị cũng ....lực bất tòng tâm rồi.

Lần này, chị đã liên lạc điện thoại trước cho người thân của các bé, hẹn gặp dưới sân. Gặp ai thì chị đưa nguyên phong bì có nguyên số tiền trong đó cho người đó. Vậy thôi. Tại có nhiều gia đình bệnh nhân, và ngay cả nhiều bệnh nhân lớn khác khi thấy chị đến giúp đỡ các em bé thì cũng bu quanh lại và nài xin sự giúp đỡ. Ngoài số tiền quỹ mà chị đang mang trong từng phong bì kia thì chị làm gì còn số tiền nào khác để mà giúp thêm bệnh nhân khác. Thế nên, chị đàng lòng, cắn răng chịu nghe mọi người cùng than thở, cùng nài xin sự giúp đỡ. Nghe chị kể thôi mà em ở bên này cũng nao lòng theo, nghẹn ngào cả rồi chị ơi.

Cám ơn chị thêm một lần nữa nhé!

oOo

Và bây giờ, danh sách của các bệnh nhân trong Khoa Nhi, TT Ung Bướu SG mỗi ngày một tăng thêm. Lại thêm một số em (trong đó có cả em Tường mà chị Nguyễn Ngọc Tư đã có nhắc đến) đã nhập viện và nằm lây lất ở đấy cả tháng, thậm chí vài tháng cho đến cả năm mà vẫn chưa được điều trị thoả đáng. Tưởng tượng cảnh các em quằn quại trong cơn đau mà đau lòng xót dạ quá đỗi!

Số điện thoại di động của chị V. bây giờ bỗng dưng trở thành số điện thoại ..........công cộng và hình như đã trở thành số điện thoại của một trung tâm cứu trợ xã hội mất rồi. Thật mà. Những gia đình, những người thân của các em nhỏ đã từng được chị đến tận nơi giúp đỡ đã chuyền tay cho những gia đình khác số điện thoại của chị. Nói chuyện với chị mà cứ thỉnh thoảng lại nghe điện thoại của chị reng liên hồi. Chị nhấc máy nghe trong chốc lát ....và rồi ngậm ngùi báo tin cho DQ bên này: "DQ ơi, bác này đang cần sự giúp đỡ nè.". Và một lát sau, điện thoại của chị lại reng, "DQ ơi, lại có gia đình khác cần sự trợ giúp nè!". Chị cứ nhận điện thoại, và rồi lại nghẹn ngào, và rồi lại nói: "DQ ơi. Làm sao bây giờ hả em??". ....

Cả chị lẫn em đều rưng rưng bật khóc. Chị bên đó thì "lực bất tòng tâm" rồi. Nhưng thấy nhiều mảnh đời khốn khó quá, nao lòng quá, không nỡ lòng .... đánh mất hy vọng của người ta. Thôi thì vậy nhé: Chị cứ nghe điện thoại. Chị cứ nghe những lời nài xin sự trợ giúp. Và sẵn đó, chị lập lại một danh sách những trường hợp này và nhớ ghi tên bệnh nhân, bệnh án, mức độ nặng/nhẹ, số điện thoại liên lạc, v.v.... Và gửi qua đây cho tụi em. Bên này, em sẽ tiếp tục gây quỹ, tiếp tục kêu gọi mọi người góp một tấm lòng, một bàn tay nhé chị!

Phải chi em trúng số ha chị?!

oOo

Tạm thời, đây là tin cập nhất mới nhất nhé. Nếu có tin gì mới, DQ sẽ tiếp tục cập nhật thêm.

DQ xin thay mặt các em nhỏ và gia đình các em, gửi lời cám ơn đến các mạnh thường quân đã có nhã ý, có lòng trợ giúp các em và gia đình các em nhé!

Nguyện xin Thượng Đế trả công bội hậu cho quý vị. Xin quý vị tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho các em chóng bình phục và gia đình các em có đủ nghị lực nhé.

hugsssssssssss

Monday, July 19, 2010

Virasimex đem con bỏ chợ

Hơn 25 người lao động làm việc tại Bulgaria về nước trước hạn

Ký hợp đồng lao động tại Bulgaria với thời hạn 2 năm song 25 lao động chỉ làm việc được gần 1 năm đã phải về nước với lý do hết hợp đồng lao động.

“Tiền của chúng tôi phải trả cho chúng tôi!”, “Lãnh đạo công ty phải nói chuyện với người lao động (NLĐ)!”. Đó là phản ứng của 25 lao động vừa từ Bulgaria về nước trước hạn tại Trung tâm Phát triển việc làm và XKLĐ của Công ty Cổ phần XNK Vật tư thiết bị đường sắt (Virasimex) (số 132 Lê Duẩn, Hà Nội) để đòi quyền lợi vào ngày 5-5.



Anh Đinh Xuân Cơ (SN 1976, ngụ Sóc Sơn, Hà Nội), đại diện cho tập thể NLĐ, trình bày: “Tháng 7-2008, chúng tôi sang Bulgaria làm việc qua Công ty môi giới Virasimex. Hai bên ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 2 năm với mức lương cơ bản là 450 leva/tháng (tương đương 320 USD). Song chúng tôi chỉ mới làm việc được gần 1 năm đã phải về nước với lý do hết HĐLĐ”.

Ngày 23-4, theo thông báo của công ty, 25 lao động về nước đã đến công ty để thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, họ chỉ được nhận lại số tiền đặt cọc là 8 triệu đồng cùng với 3,4 triệu đồng- gọi là tiền công ty “hỗ trợ” cho NLĐ.

Ngoài 4 lao động chịu nhận số tiền này, số còn lại đều không đồng ý với lý do: “Chúng tôi không cần nhận tiền “hỗ trợ” của công ty mà chỉ đòi lại một phần tiền môi giới do công ty không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký”. Giải thích về sự việc trên, ông Lê Mai An, Phó Giám đốc Virasimex, cho rằng do suy thoái kinh tế nên phía bạn cắt giảm lao động. “Đây là rủi ro mang tính khách quan. Chúng tôi đã có ý định tìm việc khác nhưng do thủ tục quá phức tạp và kéo dài nên quyết định đưa NLĐ về nước” - ông An nói.

Anh Phạm Văn Hùng (SN 1981, ngụ Quảng Trạch, Quảng Bình) khẳng định: “Không có chuyện công ty nước bạn cắt giảm lao động do suy thoái kinh tế như phía Virasimex giải thích”. Anh Cơ cho biết công ty mà các anh sang làm việc chuyên sản xuất sơn đã có lịch sử 106 năm với hàng ngàn lao động và vẫn có nhu cầu tuyển dụng.

Điều đáng nói là trong cả hai hợp đồng mà Virasimex ký với phía Bulgaria và với NLĐ đều không có điều khoản về trách nhiệm của Virasimex cũng như quy định bồi thường nếu NLĐ bị về nước trước hạn. Hợp đồng nêu chung chung “Trong trường hợp chủ sử dụng lao động gặp tình huống bất khả kháng như bị phá sản, sản xuất kinh doanh bị đình đốn thì hợp đồng sẽ chấm dứt tại thời điểm người sử dụng lao động thông báo. NLĐ phải về nước và sẽ được người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi theo Luật Lao động của Bulgaria”.

Theo các lao động trên, tổng số tiền mỗi người phải chi để sang Bulgaria làm việc là 2.500 USD. Trong đó, 500 USD tiền ký quỹ, 400 USD phí dịch vụ XKLĐ tại VN, phí dịch vụ môi giới là 1.440 USD... Số lao động này đều có chung mong muốn được trả lại một phần phí môi giới đã nộp cho công ty, theo tỉ lệ tương ứng thời gian chưa được làm việc(15tháng).

Thế nhưng khi đề cập đến vấn đề này, ông Lê Mai An cho rằng: “Làm gì có số tiền này”. Bức xúc vì cách trả lời của lãnh đạo công ty, một số NLĐ đã có sự phản ứng như trên. Song họ chỉ nhận được sự im lặng của các nhân viên kèm theo lời khuyên giải: “Các anh cứ bình tĩnh, rồi lãnh đạo sẽ giải quyết cho mọi người”.

(Theo website: nld.com.vn)

Từ Jordan đến Hoa Kỳ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-07-18
Một nữ công nhân Việt Nam, cô Vũ Phương Anh, đi xuất khẩu lao động sang Jordan, bị chủ vi phạm hợp đồng và hành hung khi lên tiếng phản đối, đã tới Hoa Kỳ theo diện tị nạn nhờ sự giúp đỡ của tổ chức CAMSA Liên Minh Phòng Chống Nạn Nô Lệ Mới Ở Á Châu.

Thanh Trúc có bài chi tiết về trường hợp này.

Xuất khẩu lao động qua Jordan

Chuyện xảy ra từ 2008 mà đã lôi kéo sự chú ý của người Việt ở nước ngoài, với hơn hai trăm nữ công nhân Việt Nam, đa số ở làng quê, sang Jordan làm trong công ty may mặc W&D Apparel có chủ nhân là người Đài Loan.

Công ty may mặc W&D Apparel chuyên cung cấp đồng phục cho hai công ty lớn ở Hoa Kỳ.

Tháng Hai năm 2008, hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân Việt đã đình công để phản đối chủ nhân W&D Apparel không trả lương theo đúng mức đã ghi trong hợp đồng.

Giám đốc W&D Apparel, ông Chen Sen, gọi nhân viên bảo vệ và cảnh sát Jordan đến giải quyết. Hậu quả là năm nữ công nhân bị đánh trọng thương, có người bị hôn mê và nằm liệt giường sau đó.

Từ thành phố Houston bang Texas, cô Phương Anh, vừa đến Hoa Kỳ trong tư cách nạn nhân của trường hợp lao động bị bóc lột và bị ngược đãi mà tổ chức CAMSA, tức Liên Minh Phòng Chống Nạn Nô Lệ Mới Ở Châu Á, căn cứ vào đó để can thiệp cho cô được tị nạn tại Hoa Kỳ, cho biết cô cùng hai trăm bảy mươi sáu chị khác, phần lớn là dân quê, đi xuất khẩu lao động qua Jordan theo chương trình xóa đói giảm nghèo, qua trung gian của ba công ty môi giới trong nước là Tổng Công Ty Da Giày Việt Nam, Công Ty Than Âu Việt, Trường Đại Học Công Nghiệp 1 Hà Nội:

“Phương Anh cũng như các bạn đều hiểu là có một chỉ tiêu về xã và huyện nơi mình ở, nói rằng đây là chính sách do nhà nước để giúp nông dân nghèo ở nông thôn. Tóm lại người ta nói là đi lao động để xóa đói giảm nghèo.

Công ty may mặc W&D Apparel ở Jordan. Hình chụp từ youtube. Đa phần là ở các tỉnh nghèo ở vùng nông thôn phía Bắc. Rất nhiều người còn chưa biết ký tên mình mà phải dùng tay để điểm chỉ thôi, họ cũng như Phương Anh, học rất thấp.”


Số tiền nộp cho công ty môi giới để đi Jordan là hai chục đến ba chục triệu đồng, tương đương hai hay hơn hai ngàn đô la, theo thời giá lúc ấy:

“Có nhiều người còn hơn nữa. Khi đi thì người ta bắt ký hợp đồng lúc 9 giờ đêm, sáng hôm sau 7 giờ 30 phút ra phi trường. Thực chất ra Phương Anh cũng không biết đó là bản hợp đồng, người ta chỉ nói là bọn em ký vào đây, ký nhanh lên rồi đi nghỉ đi vì mai còn phải ra phi trường.

Không trả lương đúng mức

Tuy thế, Phương Anh kể tiếp, những người trong công ty môi giới đều bảo với công nhân là qua Jordan làm việc rất tốt, một ngày tám tiếng, mức lương hai trăm hai mươi đô la. Nếu cộng thêm tiền chuyên cần và tiền trợ cấp xa nhà thì tổng cộng vào khoảng ba trăm đô la:

“Khi sang Jordan rồi thì ngay lập tức chủ nhà máy thu giữ hoàn toàn hộ chiếu của bọn em và bắt bọn em phải đi làm một cách không tưởng tượng nổi, là từ 7 giờ 30 sáng mà làm tới 12 giờ đêm. Những ngày đó là giáp Tết, làm cứ tới một hai giờ sáng là bình thường, ngày nào cũng như vậy.

Hôm đó là nghỉ Tết, thì Phương Anh cũng đã nhận tiền. Và cũng như các bạn, Phương Anh làm mười ngày chỉ nhận được 10 đô la thôi. Phương Anh có hỏi thì người ta nói trong thời gian thử việc. Phương Anh cũng không thắc mắc.

Nhưng khi tất cả làm đã một hai tháng thì được 80 đô la, còn những người như em Luyến đi làm bốn năm tháng chỉ nhận được 120 đô la. Sau đó Phương Anh cùng các bạn viết đơn xin ông chủ, là ông Chen Sen, chỉnh lại mức lương đúng theo lời đã hứa với bọn em để bọn em có thể yên tâm làm việc trong ba năm.

Ông chủ nói công ty làm đúng theo bản hợp đồng rồi, muốn hỏi thì các bạn gọi về Việt Nam mà hỏi. Thì Phương Anh cũng đã gọi rồi nhưng chính bà La Thanh Phương cũng như ông Trịnh Quang Trung, những người làm trong Tổng Công Ty Da Giày Việt Nam, nói là các bạn cứ đi làm đi rồi công ty sẽ thương lượng sau.”


Bị đánh đập, bỏ đói



(video: Tường trình đặc biệt giải cứu công nhân Việt ở Jordan của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển)


Vì tiền lương không được giải quyết thỏa đáng trong lúc giờ làm việc quá nhiều, hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân quyết định đình công để phản đối:

“Nghỉ hết Tết rồi bọn em cùng nhau không có đi làm. Đến ngày 18 hay 19 tháng Hai, em không nhớ chính xác, những người cảnh sát, bảo vệ, rồi có cô thông dịch viên tên Vũ Thu Hà nữa. Người ta cầm cái bình xịt hơi cay vào mặt mũi bọn em. Nhiều người chạy hoảng loạn. Chính mắt em và các bạn nhìn thấy người cảnh sát Jordan, rất to lớn, cầm tóc của Ánh và Vang, lôi và đập xuống thành giường và nền nhà, hộc máu mồm máu mũi ra. Phương Anh lấy điện thoại, bật lên và quay lại cái hình ảnh đó. Nhiều người chạy rồi la khóc thì họ cầm tóc của Vang lên, nhìn thấy máu mồm máu mũi như vậy thì họ thả bịch xuống một cái.

Sau đó họ kéo tiếp Hà Thị Ngoãn và Đỗ Thị Thuý Hà ra phòng ăn. Thì em cầm điện thoại gọi về cho công ty môi giới thì người quản lý ở đó bảo bây giờ cứ đi làm đi rồi công ty sẽ sang giàn hòa với công ty bên đó. Quay trở lại nhà ăn, nơi mọi người đang kêu khóc, Phương Anh nhìn thấy ông chủ Chen Sen cười rất vui vẻ và bắt tay những người cảnh sát vừa mới đánh những người lao động xong.”


Những ngày tiếp sau, các nữ công nhân bị bỏ đói trong ký túc xá. Họ cố liên lạc tiếp về Việt Nam nhưng không ai bắt điện thoại:

“Sau đợt đó người ta cắt hoàn toàn khẩu phần của bọn em. Các bạn bị đánh không được cứu giúp, xin người quản lý đưa đi bệnh viện đều không được giúp đỡ. Bọn em bị bỏ đói, phải gom từng cái băng vệ sinh và từng cái áo lót bán đi. Nhưng một gói băng vệ sinh chỉ mua được một gói mì tôm thôi vì mì tôm ở Jordan rất đắt.”

Đem con bỏ chợ

Khi đó, Phương Anh kể tiếp, nữ công nhân tên Tuyết có người chị làm trong báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội, đã liên lạc với người chị này. Kết quả là hôm sau câu chuyện một trăm bảy mươi lăm lao động nữ đình công ở Jordan bị hành hung và bị bỏ đói được đưa lên báo Tuổi Trẻ.

Nhưng báo Tuổi Trẻ chỉ đăng hai bài về Jordan rồi ngưng. Người chị làm trong tòa soạn sau đó báo với cô em tên Tuyết ở Jordan là cô bị đình chỉ. Từ Hoa Kỳ, người của tổ chức CAMSA Liên Minh Phòng Chống Nô Lệ Mới Ở Châu Á, đọc được mẫu tin trên báo Tuổi Trẻ và đã tìm cách gọi qua Jordan:

“Rất may mắn là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đọc được mẫu tin đó và đã liên lạc với Phương Anh và các bạn của Phương Anh. Chú Thắng đã nhờ người đưa đến ba ngàn đô la Mỹ, chia đều cho hai trăm bảy mươi sáu người lao động đình công thì mỗi người được năm đồng CT, tương đương bảy tám đô tiền Mỹ.

Sau thời gian đó thì vẫn bị bỏ đói, Phương Anh kêu cứu tiếp với chú Thắng. Chú Thắng liên lạc với tổ chức IOM (Tổ Chức Di Dân Quốc Tế). IOM đã đến giúp, đưa những người bệnh đi.”


Phương Anh cho biết trong thời gian đó hoàn toàn hai trăm bảy mươi sáu nữ công nhân không đi làm việc. Tuy nhiên khi người của công ty môi giới trong nước qua, khoảng một trăm người vì sợ mất tiền nếu phải trở về nên quyết định đi làm. Từ hai trăm bảy mươi sáu còn lại một trăm bảy mươi lăm tiếp tục khiếu nại và xin về là vậy:

“Khi mà người ta sang là gồm ông Trương Xuân Thanh ở Bộ Ngoại Giao, ông Trần Việt Tú ở Lãnh Sự Quán tại Cairo, Ai Cập. Hơn mười người sang, nhìn thấy bọn em như vậy rồi mà người ta vẫn tiếp tục đưa mười người nữa sang.

Ông Trương Xuân Thanh và ông Trần Việt Tú nhìn thấy bọn em như vậy rồi cũng không một lời hỏi thăm, động viên. Người ta ép bọn em phải đi làm, nếu không đi làm mà về thì phải bồi thường vì đã phá vỡ hợp đồng lao động rồi là đình công bất hợp pháp. Trước khi đình công Phương Anh cũng đã gọi về, cũng đã ra thủ đô Amman để tìm người của lãnh sự quán Việt Nam để kêu cứu nhưng không có.

Đa phần là muốn về nhưng khi các ông ấy nói vậy thì có một trăm người ở lại bởi vì người ta sợ. Mà chính ông Phương là trợ lý giám đốc của ông Việt, đi theo phái đoàn chính phủ Việt Nam, toàn là đe dọa và còn giật tóc của Vang và Anh đến nỗi ngất xỉu luôn.”


Hiện tại, khi lên tiếng với đài Á Châu Tự Do qua bài này, Phương Anh đã có mặt tại thành phố Houston bang Texas được một tuần. Cô bày tỏ:

“Bởi vì trong suốt thời gian như vậy Phương Anh nhận ra là mình bị lừa cho nên phải giải cứu ngay bản thân mình đã. Bởi vì ông Trương Xuân Thanh nói là tất cả nên đi làm, không nghe lời cô Vũ Phương Anh, Vũ Phương Anh bị thành phần phản động, thành phần phi chính phủ dùng tiền để nhồi sọ rồi mà nếu về Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị bắt.”

Cầu cứu CAMSA

Cô nói những lời cảnh báo đó khiến cô không dám trở về mà phải cầu cứu tổ chức CAMSA và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng:

“Lúc đó Phương Anh chỉ nghĩ vì sợ mà Phương Anh chạy trốn chứ có biết chú Thắng là ai đâu. Được ngày hôm nay Phương Anh thực sự cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cùng các cô chú, các anh chị ở tổ chức SOS và tất cả mọi người đã ủng hộ Phương Anh.

Trong thời gian chạy trốn như vậy Phương Anh đã được tận tình chỉ bảo từng bước. Khi về đến thủ đô Bangkok đã có người đến sân bay đưa về nơi an toàn cũng như hướng dẫn Phương Anh làm thủ tục xin tị nạn ở Thái Lan.”


Được hỏi điều gì làm cô tin tưởng là một người xa lạ như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng mà có thể giúp cô được, Phương Anh trả lời:

“Bởi vì nhóm lao động này có phải là con em gì của ông ta vậy mà ông ta lại lo lắng, động viên và an ủi như vậy. Còn người của chính phủ Việt Nam muốn nói sao mà chả được.”

Sau hơn hai năm tá túc ở Thái Lan vẫn dưới sự giúp đỡ của CAMSA, hôm 7 tây tháng này Phương Anh rời Bangkok và đến Hoa Kỳ ngày 9 vừa qua:

“Lần đầu tiên Phương Anh bị trượt, chú Thắng liên lạc với luật sư giúp cho Phương Anh. Khi đậu được tị nạn rồi thì dần dần qua các bước kiểm tra sức khỏe, qua tòa đại sứ Mỹ rồi tất cả mọi thứ Phương Anh đã đến đây vào ngày mùng 9.”

Đến Hoa Kỳ theo diện tị nạn vì bị ngược đãi khi đi xuất khẩu lao động, cô Phương Anh được sự bảo trợ của Interfaith Ministry, tổ chức vô vụ lợi thường giúp đỡ cho những người mới đến định cư tại Mỹ.

Văn phòng BPSOS ở Texas và những người trong CAMSA trực thuộc BPSOS vẫn tiếp tục hỗ trợ Phương Anh về mặt tinh thần, giúp cô tìm việc làm và ổn định cuộc sống sau bốn tháng nhận hỗ trợ từ Interfaith Ministry.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Female-worker-finally-arrives-to-us-as-labor-refugee-ttruc-07182010160627.html

Có nên làm Từ Thiện cho VN ???

Ngày nay, mỗi năm Việt Nam ngồi không thu lợi :

- 500.000 Việt Kiều về nước & mỗi ngưòi mang theo trung bình 2000USD = 10 tỷ đô la Mỹ.
- Người Việt hải ngoại gửi về nước 8 tỷ Mỹ kim thống kê được, nếu kể thêm số không thống kê được ít nhất 2 tỷ nữa, chúng ta có con số tròn 10 tỷ Mỹ kim.
- Mỗi năm Việt Nam nhận các khoản viện trợ nước ngoài và LHQ trên 3 tỷ Mỹ kim.

Tổng cộng gần 25 tỷ đô la.

Miền Nam Việt Nam (MNVN) trước 1975, không có sản xuất quan trọng, không mỏ dầu, chỉ nhận trung bình 700 triệu Mỹ kim một năm nuôi 17 triệu người và gồng gánh bộ máy chiến tranh. Trung bình 42USD/người /năm.

Thế nhưng, MNVN là con rồng Đông Nam Á. Trường học MNVN từ mẫu giáo đến Đại học đều được hưởng quy chế miễn học phí. Người bệnh vào bệnh viện từ xã phường đến trung ương đều được miễn phí. Thiên tai năm nào cũng có nhưng cả nước đùm bọc lấy nhau. MNVN không cần ngửa tay xin tiền ngoại quốc.

Ngày nay không cần làm gì mỗi năm Việt Nam vẫn nhận đều khoảng 25 tỷ đô la.
Tính trung bình 287USD/người /năm. Thế nhưng học sinh mẫu giáo đến đại học đều đóng học phí cắt cổ.
Bệnh viện từ xã đến trung ương đều thu lệ phí rất cao. Dù cấp cứu, không tiền không được nhập viện.

Từ 1989 đến nay đã 20 năm nay, VN vẫn lẽo đẽo phía sau các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Tụt hậu 35 năm so với VNCH năm 1975.

Việt Nam ngày nay ở vào thời đại WTO, thời đại mở cửa, không còn là thời đại thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ thuở trước 1989. Trước 1989 việc cứu trợ thiên tai tại VN là việc cần. Sau thời đại mở cửa 20 năm nay, VN phát triển vượt bực. Nhũng người về VN đều thấy việc hàng quán đầy đường, người xe kín lối, nhà chọc trời đầy dẫy, tất cả các nhà hàng đều đông nghẹt, khách sạn giá quốc tế, địa ốc ngang tầm hay mắc hơn cả Tokyo, Sydney, Whasington DC, ....

Mọi người đều biết triệu phú USD ở Việt Nam nhiều hơn triệu phú trong Cộng đồng người Việt Hải ngoại. Số tiền trong nước đổ ra nước ngoài mỗi năm rất lớn đều tuôn vào các ngân hàng và các trương mục tư bản đỏ. Do vậy việc cứu trợ và từ thiện Việt Nam đã đến lúc cần được xét lại một cách đúng mức.

Giúp đỡ thương phế binh VNCH bị bỏ rơi tại VN là cần.
Giúp đỡ những cơn bệnh hiểm nghèo VN không có phương tiện chữa trị là không thể bỏ.
Giúp đỡ những trường hợp cá biệt là cần.
Giúp đỡ những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân và dân quyền là không thể thiếu.

Tuy nhiên việc tổ chức thành những phong trào rầm rộ dưới hình thức từ thiện mang tiền về nước cống nạp cho CSVN là chuyện phải chống vì vi phạm luật lệ VN và không phục vụ lợi ích đích thực của cộng đồng hải ngoại.

Luật lệ CHXHVN ghi rõ không tổ chức nào trong nước và ngoài được phân phối tiền cứu trợ tại Việt Nam ngoại trừ cơ quan Cứu trợ có thẩm quyền từ Trung Ương tới địa phương do Mặt Trận Tổ quốc lãnh đạo (Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính & Nghị định số 64/2008 /NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ).

Những tổ chức vận động lạc quyên hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn mà nói rằng có thể mang về mua quà cứu trợ trao tận tay nạn nhân hết số tiền này, đó là vấn đề cần đưọc các tổ chức khác nhau trong Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại nghiên cứu và tìm hiểu thích đáng.

Thay vì mang tiền về ! Chúng ta chỉ giải quyết ngọn mà không giải quyết gốc.

Tại sao chúng ta không vận động chính phủ, vận động các nhà hảo tâm, vận động các nhà tư bản đỏ trong nước để họ tự đùm bọc giúp đỡ nhau ? Tại sao không vận động chính phủ tổ chức cứu trợ đúng mức cho nạn nhân trong nước ? Việc cứu trợ có thể giải quyết thỏa đáng bằng quy hoạch của chính phủ chứ không bằng các vận động ồn ào bòn rút của cải hải ngoại. VN trước 1975 không cần xin hải ngoại như hiện nay để giải quyết thiên tai, thế nhưng người dân vẫn no ấm và “phồn vinh giả tạo”.

35 năm qua chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào ruột thịt của mình tại hải ngoại và cho tổ quốc mới của chúng ta. Đừng nên quá ôm đồm.

Cộng đồng VN hải ngoại còn nhiều người “mù vi tính”. VN sắp sang giai đoạn xoá mù vi tính. Cộng đồng VN hải ngoại chưa dám mơ mọi người tốt nghiệp cử nhân. VN đã tính chuyện mọi nhân viên Bộ Sở trung ương từ quét dọn trở lên phải đạt bằng Tiến Sĩ. Cộng đồng VN hải ngoại đang trên đà tụt hậu so với sự tiến bộ vượt bực trong nước.

Chúng ta đã giúp VN từ 1975 đến nay. 35 năm cũng đã quá tròn tình nghĩa đối với người đã đưa tiễn chúng ta khi ra đi bằng đại liên trực xạ và trìu mến gọi ta bằng “ngụy quân, ngụy quyền, ham mê bơ thừa sữa cặn của đế quốc, chây lười lao động, vượt biên phản quốc, ...”

Đã qua thời 20 năm mở cửa (1989 – 2010).

Chúng ta đã làm đủ mọi thứ cho Việt Nam. Xây cầu. Cất trường. Nuôi dạy trẻ mồ côi. Nuôi dưỡng người tàn tật. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Xây chùa, nhà thờ, ...

Thời gian 35 năm qua Bộ Thương Binh Xã hội VN đã báo cáo nhiều thành tích tốt mà không cần động đến móng tay và không cần quan tâm chăm sóc phúc lợi người dân trong nước vì ... mọi thứ đã có “bò sữa” hải ngoại chăm lo.

Thời gian qua đảng Cộng Sản Việt Nam bồi dưỡng sức mình tung Nghị Quyết 36, cán bộ, đảng viên, tu sĩ vào Cộng đồng hải ngoại (CĐHN) để rồi ngày nay CĐHN đang dần dần tan ra từng mảnh. Đổi khách thành chủ. CSVN đang dần nắm ưu thế trong nhiều lãnh vực tại căn cứ địa vững chắc của chúng ta.

Nếu không khéo, chỉ mươi năm sau, chúng ta không còn con đường để vượt biên lần thứ hai !

Nhìn chung, theo quan điểm những nhà “pro-VietNam” hiện chúng ta còn hai việc lớn chúng ta chưa làm. Một là dồn sức hải ngoại về VN, mỗi ngày hốt rác từ Bắc vào Nam để tư bản đỏ và cán bộ đảng viên mỗi chiều bia rượu cho thơm miệng. Hai là tiếp tay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dâng nốt mảnh đất còn lại cho Hán triều để tổ quốc Việt Nam thêm một lần nữa nghìn năm nô lệ giặc Tàu.

o0o

35 năm qua đã đủ dài để chúng ta nên nhìn lại, phản tỉnh.

Chúng ta không nên ôm đồm làm thay mà cần nên giao trách nhiệm chăm sóc phúc lợi xã hội trong nước cho Đảng và Chính phủ “bách chiến bách thắng” của Việt Nam làm tròn sứ mạng của mình đối với đất nước và dân tộc mà họ muốn dành độc quyền cai trị.

Chúng ta cần làm tốt hơn vai trò đòn bẩy để giúp VN tiến nhanh tiến mạnh trên con đường mở cửa, hội nhập WTO và hội nhập trào lưu tự do - dân chủ - nhân quyền đang rộ nở trên mọi ngỏ ngách của địa cầu ngõ hầu cứu thoát Việt Nam một tai họa nghìn năm bắc thuộc lần thứ hai và chúng ta cũng không phải vượt biên thêm một lần nữa từ hải ngoại.

Nguồn: Người Việt Ly Hương Úc Châu

Thursday, July 15, 2010

Hãy biết xấu hổ!

Một đoạn phim vừa được tung lên YouTube đang gây xôn xao cộng đồng mạng: một nhóm quay phim người nước ngoài quay một quán ăn ở Việt Nam có nuôi nhốt gấu thì bị bà chủ quán lao ra, rút dép quật túi bụi và mắng chửi ầm ĩ với lời lẽ hết sức thô tục

Nhóm quay phim đó là những người cứu hộ động vật hoang dã. Đoạn phim chỉ 40 giây nhưng để lại trong người xem những cảm xúc ngổn ngang và trên hết là sự xấu hổ. Đoạn phim sau đó được bình luận trên một đài truyền hình nước ngoài. Và chắc chắn người xem trên toàn thế giới có thể biết câu chuyện diễn ra ở Việt Nam, về cách hành xử kém văn hóa, không chỉ với những người cứu hộ mà với cả các loài động vật hoang dã.



Camera crew đang quay 1 quán ăn của người Việt. Trong quán có những loại động vật quý hiếm và cần được giải cứu…nhưng bị bà chủ quán phản ứng dữ dội… Phụ nữ Âu nhận xét phụ nữ Việt: “Không quan tâm đến sự đau đớn của động vật. Chỉ biết có tiền”

Bất cứ người Việt nào ban đầu xem đoạn phim này cũng sẽ bật cười. Có lẽ vì nó quá hài hước. Nhưng sau đó sẽ phải thấy xấu hổ, xấu hổ tận cùng: người nước ngoài muốn cứu những con gấu tội nghiệp, còn người mình xông ra hùng hổ như những con gấu hung tợn để cố che giấu việc làm đáng xấu hổ của mình!

Sừng tê giác, cao hổ cốt, cao khỉ, mật gấu hoặc heo rừng, chồn hương, cheo, nai, mễn, nhím… luôn là những món quà quý để tặng nhau hoặc đãi đằng nhau của không ít người. Người chức to hoặc người nhiều tiền lại càng có cơ hội sở hữu các món “quà quý” đó và có nhiều “bữa ăn hoang dã” hơn.

Mấy năm trước, Việt Nam thu hút sự chú ý của thế giới bởi một phát hiện chấn động: có một quần thể tê giác cư ngụ tại rừng Nam Cát Tiên. Nhưng cách đây vài tháng, con tê giác – có thể là cuối cùng – đã bị bắn hạ.

Cũng trong thời gian này, liên tục bảy con voi rừng ngã lăn ra chết bí hiểm ở khu vực tỉnh Đồng Nai mà nhiều khả năng do bị đánh thuốc độc. Rồi hàng chục con voọc chà vá chân đen bị bắn và phanh thây ở Khánh Hòa. Nhiều con voọc ngũ sắc khác bị bắt, giết ở các tỉnh miền Trung. Ở Bắc Trung bộ, cháo khỉ, óc khỉ sống là món được coi là đặc sản (!). Ở TP.HCM, giới đại gia kháo nhau có thể mở tiệc bằng một con bò rừng thui tươi roi rói mà dứt khoát khi cần là có!

Ai cũng muốn sống nhưng ít ai quan tâm đến sinh mạng của các loài khác. Ai cũng sợ một ngày trái đất không còn sự sống nhưng mạnh ai nấy tàn sát sự sống trên Trái đất này. Rừng bị tận diệt, thú bị tận diệt và thiên tai trên Trái đất cũng ngày càng dữ dội, nghiệt ngã. Chưa nói trên thế giới nhiều nước vừa qua chịu cái nắng nóng lên đến 50ºC, ngay tại nước ta năm nay hạn hán nghiêm trọng và kéo dài đến khắc nghiệt.

Sông Hồng trơ đáy, mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long hàng chục kilômet, lũ lụt dữ dội ở miền Trung và Tây nguyên… Những chỉ dấu đó là hệ quả của lối sống vô độ của chính con người, vốn được xem là loài động vật tiên tiến nhất trên hành tinh này.

Ngày nào đó chúng ta sẽ thức tỉnh, khi bên bờ vực của sự hủy diệt. Nhưng sao không phải là hôm nay? Hãy biết xấu hổ hoặc giận dữ, hoặc đơn giản là biết từ chối một món thịt rừng, một lạng cao hổ cốt là chúng ta đã bắt đầu có một ứng xử văn hóa, công bằng và có trách nhiệm với hành tinh này.

ĐẶNG PHƯƠNG

Báo Tuổi Trẻ

Monday, July 12, 2010

Khi Người Rơm là Phụ Nữ (theo BBC)

Christine Nguyễn
Ký giả tự do, gửi tới BBC từ Paris


Vào một ngày nắng ấm cuối xuân, chúng tôi đã tiếp cận được 2 người rơm tại công viên Villemin quận 10 Paris. Đó là hai phụ nữ còn rất trẻ, dưới 20 tuổi và khá xinh. Nhưng đấy là những điều chúng tôi ghi nhận được sau khi đã tiếp xúc, chuyện trò. Còn ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy họ thì hoàn toàn khác hẳn.

Họ đi đứng xiêu vẹo, quần áo tả tơi hoàn toàn giống hình ảnh của những người bù nhìn bằng rơm được sử dụng lâu ngày trên cánh đồng. Mặt mũi đầu tóc xơ xác bơ phờ. Họ đói và hôi. Mùi hôi của họ thật khủng khiếp đấm thẳng vào mũi chúng tôi.

Em Tr, 17 tuổi, cho chúng tôi biết các em từ một nơi gần thủ đô Prague của Czech, được đưa đến công viên Villemin này cả tuần nay, và các em uống nước lã cầm hơi là chính. T, 19 tuổi, với vẻ lúng túng, ngại ngần khi nhìn thấy được phản ứng tự nhiên của tôi, em cho biết đã 10 ngày nay các em chưa hề được tắm rửa mà một trong hai em lại đang trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Khi tôi tỏ ý ái ngại khả năng các em sẽ mắc phải bệnh viêm nhiễm phụ khoa, em T cho biết vì đi theo đường bộ từ Trung Quốc sang nên có những lần cả nửa tháng các em không tắm gội, không làm vệ sinh ngay cả "trong những ngày ấy" và vẫn phải "đóng thuế" bằng thân xác trải dài qua những lộ trình "đường cỏ" cho các tay chăn dắt đường dây và các thành phần khác. "Kinh khủng lắm ạ, ban đầu em còn không chịu nổi mùi hôi hám từ chính cơ thể của em, nhưng rồi cũng phải cố mà quen thôi," T nói.
Hôm ấy, các em đang đợi người trong đường dây đưa đến một địa điểm gần cảng Calais chờ cơ hội để "nhảy bãi", tức là bám trên những chiếc xe tải chở containner để trốn sang Anh Quốc.

Vào rừng

Gặp và nghe những chuyện của hai em Tr và T, chúng tôi quyết định trở lại các cánh rừng quanh cảng Calais một lần nữa.


Phụ nữ trên đường vượt biên phải đối mặt với nhiều nỗi tủi nhục

Một góc rừng Grande Synthe, đây là khu rừng gần nhất dẫn đến cảng Calais, cách cảng khoảng 40 km nên có rất nhiều khu vực trong rừng bị các nhóm người rơm chiếm đóng.

Vẫn những lều trại tạm bợ, nhếch nhác, nhưng lớp người cũ của lần trước không còn một ai. Số người lần này có ít hơn, và cũng "trẻ hóa" hơn nhiều. Tất cả cùng đang tìm cơ hội trốn được đến nước Anh "lao động" với giấc mơ có vài nghìn bảng gửi về nhà mỗi tháng, đầu tiên là để chuộc lại những quyển sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, sau đấy sẽ là một cuộc đổi đời cho cả dòng họ.

H, một phụ nữ Hà Tây 35 tuổi để lại chồng và 2 con, từ Cộng hòa Czech đến cánh rừng Grande Synthe này được khoảng 1 tháng. Cô cho biết tuy vấn đề thực phẩm và vệ sinh cá nhân tương đối ổn thỏa nhờ vào trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện địa phương, nhưng là phụ nữ, H thường xuyên phải đối mặt với những cơn khủng hoảng vì bị bắt buộc phải quan hệ thân xác với những gã thanh niên có gốc Trung Đông, Nam Á vá một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có mặt trong rừng.

Khi tôi hỏi tại sao những người trong nhóm không bảo vệ cho nhau, H nói: "Chúng nó rất hung dữ, nơi rừng rú này mạnh ai nấy lo thân, em mà chống cự lại thì đến xác cũng không còn".

Theo chúng tôi được biết, những thanh niên hung dữ nói trên thuộc thành phần bất hảo vô nghề nghiệp có gia đình sinh sống tại Pháp, thậm chí có những kẻ đến từ Anh. Chúng tụ tập thành từng nhóm lập lều trại ở bất cứ nơi nào có người rơm Việt Nam tập trung với mục đích "xin đểu" tất cả những gì có thể "xin" được của những người rơm này, từ thực phẩm, quần áo đến cả thân xác của người rơm phụ nữ.

Vừa "xin đểu", những thanh niên này vừa chi phối và kiểm soát tất cả các hoạt động của các nhóm người rơm theo những mệnh lệnh bí mật nào đấy từ các tay chăn dắt đường dây người rơm.


Hết nhóm này đi lại đến nhóm khác tới

Cũng như lần trước, tiếp xúc với nhóm 5 người rơm chưa đầy 15 phút, chúng tôi liền bị một đám thanh niên gốc Trung Đông và Nam Á bao vây đe dọa và hành hung "nhè nhẹ". Khi đám thanh niên này ngang nhiên có những hành động rất sỗ sàng với cả một phụ nữ đứng tuổi như tôi giữa ban ngày, tôi nhìn H và thấy một đôi mắt đầy vẻ chịu đựng và sợ hãi, đôi mắt cho tôi biết những nỗi đau mà H phải trải qua trong những ngày đi tìm miền đất mơ. Rời Grande Synthe, chúng tôi đến rừng Tétéghem, cách cảng Calais khoảng 50 km về phía Đông Nam và gặp được C, một nữ người rơm gốc Thanh Hóa 22 tuổi, mới thử sức "nhảy bãi" lần đầu tối hôm trước thất bại vừa quay về trại. Sau ít phút chuyện trò với chúng tôi, em bức xúc kể: "Cháu bám trên mui bạt xe tải, khi xe chạy cháu mới thật sự thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà tai nạn có nghĩa là chết, thậm chí là chết không toàn thây".


Một chặng dừng chân của người rơm Việt Nam ở Paris

Khoảng 18 giờ, chia tay các em mà không biết phải chúc các em điều gì. Khi ra đến bìa rừng, chúng tôi gặp một đôi nam nữ mới được "xuống hàng" đang dò tìm đường vào lán trại. Những thanh niên gốc Trung Đông đang lượn lờ quanh đấy không thèm che giấu cái nhìn thèm thuồng trước con mồi mới. Tôi chợt nhớ đến chuyện một phiên dịch viên từ thiện kể về những phụ nữ lỡ có thai bất đắc dĩ trên con đường đi làm người rơm đã phải khốn đốn như thế nào để giải quyết bào thai đó, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Chặng về chúng tôi ghé qua rừng Angre, một khu rừng cách cảng Calais 50 km và gần Paris nhất (hơn 160 km). Có lẽ do phải bất đắc dĩ đón tiếp sự quan tâm của nhiều nhóm truyền thông Pháp cũng như quốc tế nên lán trại chỗ này đã được giải tán. Được biết hiện tại, trại đã được "ai đó" dời sang góc khác của khu rừng, kín đáo hơn nhiều.

Nơi đặt trại trước đây chỉ còn lại vài dấu tích của bếp lò dã chiến, của sàn nước tạm bợ. Tất cả những dấu vết khác gần như mất hẳn với sức sống của thiên nhiên, nhanh chóng trả lại cho rừng màu xanh bất diệt.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100701_nguoirom.shtml

Thursday, July 8, 2010

Từ việc: CNN phỏng vấn Blogger Mẹ Nấm



Đoạn phóng sự cho thấy Phóng viên CNN vào một tiệm Internet ở Sài Gòn và thử mở một trang tin về Nhân Quyền (Website của Human Rights Watch) thì bị tường lửa (Firewall) chặn lại.

Tuyệt vời! Một phóng sự rất có ý nghĩa đã đưa hình ảnh cuộc sống người dân VN bị kèm kẹp vì mất tự do thông tin với thế giới bên ngoài. Từ ngày 18/6/2010, đoạn phóng sự về chế độ bưng bít thông tin để mị dân của cộng sản VN đã được CNN chiếu khắp thế giới.

Khi được CNN phỏng vấn, Mẹ Nấm tâm sự qua dòng nước mắt uất nghẹn: "Tôi đã từ bỏ blog nhưng mà họ không để cho tôi yên... vì vậy tôi quyết định viết blog lại".

CNN: "Cô là một người phụ nữ can đảm. Cô có nghĩ Cô là một người phụ nữ can đảm không?"

Mẹ Nấm: "Không. Bởi vì tôi cũng sợ; nhưng ai sẽ lên tiếng nếu chúng tôi không lên tiếng?".

oOo

Và ngay sau đó, Blogger Mẹ Nấm đã có bài viết này:

Thái độ chính trị
Blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)

Hai ngày sau khi CNN phát sóng qua phóng sự Vietnam Internet Crackdown, một người quen sơ gặp tôi tại siêu thị và nói với tôi một cách rất bí mật :

- Anh vừa thấy em trả lời phỏng vấn trên CNN. Sao em gan quá vậy? Em nói như vậy mà không sợ an ninh sẽ làm khó dễ sao?

Tôi hỏi lại : - Em nói cái gì sai mà phải sợ khó dễ hả anh?

- Ờ thì em không nói sai, nhưng mà em phải biết là Việt Nam có hẳn nguyên một bộ phận ngồi chắt lọc thông tin trên thế giới đưa ra, em nói vậy là em chết rồi .

Tôi không biết nói gì ngoài câu : Dạ, cám ơn anh, em biết rồi.

- Mà em nói như vậy để làm gì, có được lợi ích gì đâu?

Đến câu này thì tôi nghẹn, thật sự nghẹn vì không biết phải chọn câu trả lời nào cho thích hợp, bởi theo những gì tôi biết thì người nói chuyện với tôi có bằng MBA ở Mỹ, có gia sản, có sự nghiệp . Có lẽ khi có những thứ đó thì người ta không cần tự do ?

Nếu tôi được lựa chọn... liệu tôi sẽ như thế nào? Câu hỏi này lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều ngày nay.
Bạn bè xung quanh tôi ai cũng nói, "mày quan tâm đến những thứ đó làm gì? tập trung vào chuyên môn đi".

Ừ thì cũng đã từng rồi đó, cũng có việc làm ổn định, cũng kiếm được tiền như mọi người, cũng ăn chơi sa đà, đàn đúm, cũng la cà và la đà không thua kém ai, và rồi thấy ngứa mắt, ngứa miệng thì lên tiếng , dù chuyện đó xét cho cùng không ảnh hưởng gì đến mình, nhưng cứ thấy ức ức không chịu được, và rồi thấy mình bất lực khi không thể hoà mình vào dòng chảy của cơ chế.

Bạn nói, mình có quá nhiều tham vọng khi tham gia viết bài trên blog (ý của bạn chắc là tham vọng chính trị nhưng bạn không nói ra).

Tôi lại nghĩ, đó là trách nhiệm, với chính bản thân mình, và với tương lai của con mình.

Không thể nào tách rời mối liên kết của chính trị và xã hội, bởi tất cả mọi chính sách tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội đều do đường lối chính trị mà ra.

Bạn thử nghĩ đi, những ngày vừa qua , cả nước điêu đứng vì cúp điện liên tục , người người khổ sở, nhà nhà mệt mỏi , doanh nghiệp than trời vì không thể sản xuất... xã hội rối loạn. Quyền lợi của mình không được bảo đảm, tụi mình biết kêu ai ?

Bạn chắc hẳn sẽ nói, "sao cái gì mày cũng lôi chính trị vô hết vậy?" khi tôi đưa ví dụ này ra. Nhưng bạn thử nghĩ đi, cơ chế độc quyền, phân phát theo kiểu mậu dịch quốc doanh có phải bắt nguồn từ thể chế chính trị mà nước ta đang theo đuổi không?

Bạn và tôi có sự lựa chọn nào khác ngoài những thứ người ta trao cho mình không?

Hãy thử nghĩ đi, nếu bạn có sự lựa chọn khác liệu bạn có chấp nhận như chúng ta đang bị ép buộc phải chấp nhận không?

Thể chế chính trị nơi mà ta đang sống , buộc cả xã hội phát triển theo định hướng của nó, vậy làm sao có thể tách rời hai khái niệm xã hội và chính trị ra riêng biệt?

Một đất nước chỉ thực sự tiến bộ khi mà mọi công dân luôn vận động cùng xã hội , quan tâm đến xã hội, quan tâm đến sự phát triển của quốc gia . Vậy quan tâm và có thái độ chính trị đúng đắn đối với đất nước mình đang sống thì có gì là sai?

Chính trị - hai từ này thường khiến người ta liên tưởng đến sự khô khan, cứng nhắc , cùng những âm mưu và tham vọng hơn là trách nhiệm và lương tâm.

Ở Việt Nam, nhiều người né tránh khi bàn đến chủ để này vì muốn yên thân, và để khỏi phải bị "vạ lây". Những người tham gia đòi quyền tự do, bình đẳng , những người đấu tranh vì công bằng và lẽ phải trong xã hội ở đất nước mình đang sống không ít thì nhiều đều bị gán ghép vì "động cơ chính trị", và kết quả là nhiều người đón nhận sự hy sinh đầy ý nghĩa của họ với ánh nhìn ngờ vực và thương hại.

Không nói đến những điều cao siêu, chỉ bày tỏ lòng tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước, kêu gọi giữ lấy màu xanh cho môi trường và an ninh cho quốc gia, bày tỏ sự phẫn nộ trước sự bành trướng xâm lược của Bắc Kinh, cũng bị xem là dại dột và ngông cuồng, là lợi dụng quyền tự do (vốn dĩ không có)..

Buồn không? Đau không?

Hạnh phúc - không đơn giản chỉ là cơm no và áo mặc, nó còn là sự tự do trong suy nghĩ, tự do được bày tỏ cảm xúc yêu - ghét, nóng - lạnh của mỗi con người. Sự nồng nhiệt hay ơ hờ trong lòng mỗi người dân đều phải được chính phủ xem xét, bởi khi người dân quay lưng với chính đất nước mình thì thực sự quốc gia đó đã bị diệt vong.

Bạn tôi nói: "Tao không hy vọng gì ở đất nước mình".

Một bạn khác lại hẹn: "Tao sẽ về khi Việt Nam thay đổi".

Hãy thử nghĩ đi, khi chúng ta không hy vọng gì nữa, không muốn quay về nữa, thì hai tiếng Việt Nam có phải đã bị nhạt nhoà ngay từ trong tâm thức rồi không?

Sẽ chẳng có gì thay đổi, khi chính bản thân chúng ta không có thái độ và trách nhiệm thật rõ ràng với xã hội mà mình đang sống, với nơi mình đã sinh ra. Một hòn đá to cản đường không thể tự biến mất khi chúng ta ngồi không niệm thần chú, cũng như sự thay đổi, nó không xuất hiện từ những lời cầu nguyện, bạn hiểu không?

Bởi vậy, đừng bao giờ đặt ra câu hỏi "nói để làm gì?", mà hãy tự vấn lương tâm mình "nếu chúng ta không nói , thì mọi chuyện rồi vẫn y như cũ sao?". Những người đi trước, nếu họ cũng cân nhắc thiệt hơn, cũng đặt câu hỏi "được gì? ", "để làm gì?", thì có lẽ, họ đã chọn sự im lặng và thoả hiệp.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, và chắc chắn là chúng ta không hề cô đơn khi chọn cho mình một thái độ rõ ràng.

Tôi tin vào điều đó, bạn ơi!


oOo

Mẹ Nấm là một người dũng cảm. Những người THỰC SỰ quan tâm đến tự do dân chủ cho VN nên lưu ý vài điểm:

1. Để đưa được tiếng nói của Mẹ Nấm ra ngoài, một mình Mẹ Nấm không chưa đủ, cần phải có sự quan tâm của giới truyền thông. Trong lần này đã có thêm hai phần tử quan trọng: CNN (Pamela Boykoff) và Human Right Watch. Nhờ hai cơ quan này mà các thông tấn xã lấy tin khắp nơi trên thế giới đã đưa tin này. Nếu bạn thử lên google, bạn sẽ thấy nhiều người từ một số quốc gia khác cũng quan tâm, bình luận về sự việc này.

Thế nên, luôn phải giữ liên lạc những người như Pamela Boykoff và Human Right Watch để họ tiếp tục quan tâm và tường thuật về những người như Mẹ Nấm, về những blogger, về những người đang đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở VN. Cần phải giữ liên lạc và cung cấp tin tức với họ thường xuyên. Không chỉ là những tin tức về văn hóa, về ẩm thực của VN, mà còn luôn cả những tin tức về vi phạm nhân quyền, về thiếu dân chủ, v.v..

2. Qua cuộc phỏng vấn và nhiều sự việc đã cho thấy cái cần thiết của tự do ngôn luận ở VN. Cái tức tưởi của Mẹ Nấm (trong cuộc phỏng vấn) không phải chỉ là "không được nói", mà còn là bị chụp cái mũ "vi phạm, lạm dụng quyền tự do ngôn luận". Tự do mà bị lạm dụng, e rằng không được tự do lắm.

Cái tức tưởi ở đây là bị chụp mũ, nhưng vào cái thế không cãi được (vì cãi cùng ai? trừ phi có dịp như CNN làm một cú ngoạn mục lần này). Chưa hết, người đại diện cho chính phủ còn bô bô cho rằng VN không hề thiếu tự do ngôn luận. Đúng là miệng nhà quan có gang có thép.

Và hãy nghe phát ngôn(g) viên của VN phát biểu: "Việt Nam luôn luôn tôn trọng tự do ngôn luận"

Hà Nội - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga bác bỏ chuyện nhà nước cố kiểm soát người sử dụng internet.

Bà Nga nói rằng tự do thông tin và tự do ngôn luận được bảo đảm và được quy định thành luật. Mối quan tâm “nhà nước hăm dọa sự tự do bày tỏ quan điểm của người dân trên mạng internet” là vô căn cứ.

Bà Nguyễn Phương Nga nói như trên khi trả lời câu hỏi của các phóng viên hôm qua thứ Năm ngày 17 tháng Sáu, khi phóng viên cho hay có bài viết đăng trên mạng internet tố cáo Việt Nam ban lệnh cho các tiệm cung cấp internet phải kiểm soát chặt chẽ hơn những người dùng.

Bà Nga nói rằng Quyết định được ban hành bởi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 26 tháng Tư năm nay là nhằm bảo đảm an toàn và sự lành mạnh cho người dùng internet ở các điểm cung cấp dịch vụ internet trong toàn thành phố.

Bà nêu lên dữ kiện là đã có nhiều điều sai trái xảy ra liên quan đến internet chẳng hạn như tải lên mạng những cảnh bạo hành và hình ảnh khiêu dâm cũng như những nội dung khó chịu đi ngược lại phong tục Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước trên thế giới có tỉ lệ sử dụng internet phát triển nhanh nhất. Số người sử dụng internet trong nước gia tăng 100 phần trăm kể từ năm 2000 và hiện nay gần 24 triệu người sử dụng, chiếm gần 28 phần trăm dân số của cả nước. Chỉ riêng ở thành phố Hà Nội, hơn 60 phần trăm dân số có khả năng tiếp cận và sử dụng internet.


oOo

Đúng! Ai mà không có cái "sợ" trong người. Bởi tất cả đều là con người cả, có ai là thần thánh đâu? Nhưng khi thấy đất ta bị cắt dần cho giặc phương Bắc, biển ta bị chia cắt dần, ngư phủ khắp nơi bị bắt, bị đánh đập bởi "kẻ lạ", ..... trong khi chính phủ đương thời thì lại ngậm tăm, hèn nhát. Nếu chính chúng ta, những người con dân đất Việt không lên tiếng thì còn ai lên tiếng nữa bây giờ? Tương lai con cháu của chúng ta sẽ ra sao nếu mai đây giặc phương Bắc tràn xuống, đồng hóa dần dân Việt? Thế hệ con cháu mai này sẽ ra sao khi môi trường sống bị huỷ hoại bởi bauxite?

Đừng bảo tôi phải câm nín. Đừng bảo tôi phải giữ im lặng. Lên tiếng nói cho thế giới bên ngoài biết chính là tránh nhiệm đối với chính lương tâm mình và cho cả tương lai của cả bao thế hệ sau này nữa.

Bao lâu nay, cả nước điêu đứng vì nạn cúp điện liên tục đã khiến bao nhiêu người khổ sở, mệt mỏi, than trời. Thử hỏi nguồn rễ ở đâu mà ra cớ sự như vậy? Có phải vì cơ chế độc quyền không?

Hãy nhìn những bệnh nhân đang lây lất, thoi thóp, khốn đốn, vất vả nơi các hành lang bệnh viện, trong những gầm giường chật chội kia. Nếu một chính phủ thật sự quan tâm đến xã hội, đến sự phát triển của một quốc gia thì tại sao lại không có thái độ gì đối với những việc vô lý như này xảy ra? Một đất nước không thể tiến bộ nổi nếu như người dân vẫn cứ phải khiếu kiện, vẫn cứ phải kêu oan, vẫn mất những quyền tự do căn bản nhất của con người!

Tôi vẫn biết, có nhiều người bạn ở VN luôn muốn tránh né khi bàn đến vấn đề này. Có lẽ vì chỉ muốn yên thân, sợ phải vạ lây chăng??? Chỉ cần bày tỏ lòng tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước bằng cách lên tiếng khi chính quyền TQ xâm chiếm đất, biển của mình hay lên tiếng khi khai thác bauxite thì sẽ bị ảnh hưởng đến môi trường mà cũng bị cấm đoán, cũng phải tránh né ư?!? Bày tỏ sự phẫn nộ khi bao nhiêu ngư phủ của đất Việt ta bị chính những kẻ ngoại bang bắt bớ, đánh đập....cũng sợ ư?!? Thậm chí, có nhiều người còn gán cho mác "chính trị" hay khinh bỉ, nhiếc móc là "dại dột", là "ngông". Dại dột là dại chỗ nào? Dại vì nói lên sự thật à? Ngông là ngông ra sao? Ngông vì dám đứng lên gióng tiếng nói cho dân chủ, nhân quyền à?

Nếu các bạn muốn yên thân, sợ bị vạ lây thì các bạn cứ việc ngậm tăm, im lặng (đó là quyền của các bạn mà). Riêng tôi, tôi vẫn cứ phải lên tiếng! Vậy nhé!