Tuesday, September 28, 2010

Việt Kiều hồi hương

V D T 02/09/2010


Truyện ngắn

Tôi du học Tây về! Câu đơn giản thế nhưng lanh lảnh như tiếng chuông mới đúc. Chữ “Tây” không chính xác về địa lý nhưng chuẩn xác về sự phân chia cấp bậc cũng như cái nhìn trong xã hội. Có điều tôi chỉ đi “Tây” Nga về chứ không “Tây” Mỹ, “Tây” Úc hay “Tây” Đức, Pháp… Cái “thiệt thòi” hôm nay là “ưu đãi” trước kia của Bộ đại học dành cho tôi. Chả gì nước Nga cũng “ông anh cả” của Việt nam – “nước cộng hòa thứ 16 của Liên xô”.

Tôi là kỹ sư kinh tế ở Nga về. Nghe không vang như câu trên. Phải thôi. Kinh tế Nga chục năm nay lu mu, chả ra “kế hoạch quốc gia”, chả ra “kinh tế thị trường”. Sách vở là phương tiện cãi nhau của các nhà “đổi mới”. Năm năm đèn sách nhét thứ đó vào đầu không ngớ ngẩn là may.

Tôi mang chiếc bằng đi xin việc. Đầu tiên tôi mua báo, nghiên cứu “tuyển người”, đánh dấu xanh đỏ những chỗ “khả thi” và bắt đầu gọi điện. Nhà có điện thoại lợi đủ đường. Tuy nhiên, mỗi lần “bắt” được giọng đầu dây kia, hiện tượng này chiếm 30% số lần gọi, mẹ và bà chị dâu đều “ý tứ” xem đồng hồ. Nào tôi có ham “nấu cháo điện thoại” mà tại phí điện thoại “cấu” vào đồng lương gớm quá. Tôi đi Tây, tưởng “kinh tế” cho gia đình mấy năm sinh viên. Nào đâu đúng thời kỳ khó khăn. Việt nam qua thời “tem phiếu” từ lâu mà nước Nga bắt đầu “talon”*. Tháng 2 kg đường, 7 lạng thịt, 2 chai vôtka là tiêu chuẩn sinh viên! “Talon” đường, rượu tạm đủ còn thịt thiếu nặng. Ra chợ, có đấy, nhưng học bổng eo hẹp. Chẳng nhẽ để con gái chết đói ở đất nước Xã hội chủ nghĩa, mẹ tôi đành tiếp viện. Năm năm “hạch toán” ra chắc cũng lõm của mẹ tôi ối. Biết thân, biết phận, về nước tôi không dám làm mình, làm mẩy “quen ở Tây” thế nọ, thế kia. Chỉ duy nhất cái “màn tra tấn” 6 giờ sáng bị khua bằng đủ âm thanh “nội” “ngoại” là tôi “choáng” hẳn. “Nội” là tiếng mẹ tôi mở cửa sắt đi tập thể dục, chị dâu tranh thủ sáng có nước bơm giặt giũ. Xô chậu “duyệt binh” xủng xoảng ra trữ nước dùng trong ngày. “Ngoại” là tiếng rao bán. Từ “mỳ nóng”, “bánh cuốn”, “xôi” các loại đến gạo tẻ, gạo nếp “tên tuổi” nghe như tiếng Thổ, hoặc mắm muối kèm mùi khó tả… Điên nhất là ông mãnh “mỳ nóng” sáng nào cũng như “đồng hồ Tây”. Nó đứng dưới cửa sổ tôi gào “mì nóng” lanh lỏi, kết thúc bằng chữ “ròn”. Chao ôi, khâm phục độ nẩy của lưỡi nó. Đồ rằng, cả miền Bắc có mình nó biết phát âm chữ R! Không trốn được những âm thanh đó, tôi chúi đầu vào đống chăn chịu đựng qua “cơn bĩ cực”. Nhưng giờ “thái lai” đến là lúc mẹ tôi đi tập thể dục về. Nhìn con gái còn “giương đò”, bà lại ca “dậy sớm có lợi cho sức khỏe” là lá la… Thôi thà dậy béng cho xong.

Chuyện xin việc không thể gọi điện thoại. Tôi đã qua bài học thứ nhất khi tổng kết thông tin qua điện thoại là con số 0 tròn trĩnh. Mấy người trực điện thoại hoặc nhấm nhẳng hoặc chẳng trả lời câu nào cho ra hồn.

Tôi mò tới “Trung tâm giới thiệu việc làm” và thấy ngay mình là con ngớ ngẩn. Vừa lộ “tốt nghiệp ở Nga về”, họ hỏi ngay:

- Sao không ở lại, về làm gì?

- Làm việc.

- Việc gì mà làm?

Tôi trố mắt nhìn họ, thầm điểm lại xem mình có vào nhầm chỗ.

- Ở đây không giới thiệu việc à? Sao ngoài kia cả chục người làm hồ sơ?

- Họ làm hồ sơ xin đi ra nước ngoài lao động, làm ăn. Đi Hàn quốc, Libi, Iran… có cả đi Nga đấy. Cô có muốn…

Tôi xua tay cám ơn rồi chuồn thẳng ra cổng.
Bài học thứ hai. Tránh lai vãng ở “Trung tâm giới thiệu mờ ám”. Không khéo bị lẫn vào hàng ngũ các cô gái “sính” chồng Đài Loan.
Sau hai bài học, 50% nhiệt tình “phục vụ đất nước” đã đi tong. Tôi chuyển sang “xu hướng” nghe ngóng chứ không đâm đầu làm theo báo nữa. Người thân mong ngóng tôi về sau những năm xa cách, qua 5 tháng, tình cảm cũng vơi đi. Đến mẹ tôi còn sốt ruột khi thấy con gái thất nghiệp nằm chỏng gọng ở nhà. Bà rỉ rả “nhàn cư vi rồi đấy con ạ”. Đúng quá, nhàn đến “rách việc” đây. Sáng chiều cơm nước. Từ ngày tôi về, tự dưng “Osin” về quê. Chả hiểu bà chị dâu tốt nghiệp khoa kinh tế ở đâu mà giỏi tính thế. Tôi hậm hực cũng chịu, nhăn nhó mẹ tôi chả “hát” nửa tiếng đến ong thủ mất. Bạn bè, đứa có việc đi cả ngày, đứa chưa có việc lại có người yêu, chồng con. Tôi trơ thổ địa, chẳng nhẽ trách ông Trời. May còn dăm ba đứa “lơ lửng giữa trời”. Tối tối tôi xách xe chạy qua nhà chúng tán gẫu, chia xẻ “mánh khóe sống đời”. Tôi hiểu giờ người ta xin việc là xin vào chỗ có “mầu”. “Mầu” là bổng lộc. Khoản này không thể có ngay khi mới làm mà phải nhích lên “lão làng”. Không phải ai cũng nhấp nhổm lên được. Chỉ những “tinh hoa” thôi. “Mầu” nữa là “mầu đi Tây” theo suất “nâng cao”. Tụi bạn tôi may mắn có việc thấy chí tiến thủ của chúng nhuộm sắc “hướng ngoại”. Chúng cong mông theo các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp như lũ “sống gấp”, xem ngoại ngữ là cái “cánh” mang chúng ra bầu trời tự do. Sau mấy tháng “thất nghiệp” từ một con “Nga ngố” tôi kết hợp tính nói thẳng, nói thật của Tây với ngoa ngoắt của mấy bà hàng rau, hàng thịt mà mỗi ngày hai lần tôi nhẵn mặt thành một dạng “củ chuối” mà mẹ tôi không chấp nhận được. Bạn bè bầu tôi là “huấn luyện viên phụ huynh” tầm cỡ. Từ chỗ mẹ tôi muốn lấy lại hình ảnh đứa con gái út thùy mị của trước ngày đi Tây, chuyển sang tôi “biến” bà phải chấp nhận triết lý “cái gì cũng có thể với con gái mình”, thậm chí là cướp biển! Một kết quả đôi bên cùng có lợi. Tôi được tự do, mẹ tôi khỏi thấp thỏm khi khuya khoắt. Nhưng một cái lợi nữa mà tôi chưa lường được. Tình trạng “bụi đời” của tôi khủng bố tinh thần cả nhà nên họ huy động toàn bộ các mối quen biết họ hàng từ “bắn đại bác” đến “phi dao” để tìm việc cho tôi. Vào một bữa cơm chiều, ông anh trai yêu quý thông báo một tin quan trọng rằng ông giám đốc, bạn cũ hồi phổ thông, dù mới tìm lại nhưng có nhiều duyên nợ, nhận tôi vào công ty ông ta. Mà đó là công ty nhà nước trăm phần trăm, thuộc Bộ khoa học và Công nghệ môi trường cơ mà. Cả nhà xôn xao, khởi sắc. Tôi cũng hí hửng như sắp thành “ông nọ, bà kia”. Thêm bài học thứ ba. Muốn xin được việc phải quen biết. Tổng quát, muốn được bất kỳ việc gì đều phải có “quan hệ”. Cứ kiểm chứng bằng những buổi tôi “đánh quả” nhà bạn bè là biết. Chị dâu hay mẹ tôi đi chợ, y rằng bọn bán hàng nó giúi cho rau già, bí xơ, thịt dai nhoách. Không có “quan hệ khách hàng thường xuyên” tôi xây dựng mấy tháng nay làm sao có đồ ăn ngon. Tôi giờ ra chợ mua cả tuần không trả tiền là cứ vô tư. Quen thế, không chừng khi nào cưới, tôi phát đại cho chúng thiếp mời cũng chẳng có gì muối mặt hết!

Ông anh giục tôi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xin giấy chứng nhận tốt nghiệp làm hồ sơ. Tôi ngoạc mồm cãi “bằng sờ sờ ra còn chứng nhận, chứng nhiếc gì” liền bị cả nhà xúm vào sỉ vả ác liệt. Mỗi người một giọng lên lớp hòng dẹp cái thói “ngông nghênh” của tôi.
Mười giờ sáng tôi có mặt ở cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” có khác, nhà cửa của Bộ đàng hoàng, khang trang. Khu vườn thênh thang giữa thủ đô tấc đất, tấc vàng nhìn sướng mắt. Tôi tiến đến khu nhà 5 tầng, bắt đầu một chuỗi những “xin lỗi chú”, “xin lỗi cô” và cuộc “việt dã” theo cầu thang. Giờ tôi mới biết người Việt nam nào có tính “nhúng mũi” vào chuyện người khác. Tất cả các câu hỏi của tôi đều được trả lời u ơ “không rõ”, “hình như”. Tôi khùng người vì leo thang nhưng ngộ ra vì sao mẹ tôi về hưu rồi còn tập chạy(!). Cuối cùng tôi cũng mò ra phòng phụ trách lưu học sinh tốt nghiệp. Tôi gõ cửa dõng dạc, bước vào sau tiếng hừm. Tôi chào lịch sự dù chỉ nhận lại chiếc gật hay lay động cơ cổ.
- Cô cần gì?

Một trong hai người đàn ông đang đọc báo hất hàm hỏi.

- Thưa, cháu xin chứng nhận tốt nghiệp để làm hồ sơ xin việc.

- Về bao giờ?
- Dạ, gần một năm.
- Sao giờ mới lên đây?

- Dạ… chẳng ai bảo cháu phải lên ngay cả.
- Cô này vô tổ chức, nguyên tắc về nước phải báo cáo ngay, còn chờ ai bảo.

Bị mắng “ngứa tai” lắm nhưng bài học cả nhà dạy hôm qua còn nguyên nên tôi im như hến. Tôi rút bằng, sổ điểm cùng giấy sứ quán cấp trình ông ta.

Ông ta cầm tấm bằng, không đọc mà lật qua, lật lại. Lật chán ông quay nhìn tôi. Nhìn như đánh giá mặt hàng, không khác gì tôi chọn cá. Thậm chí còn bĩu môi. Tôi nghĩ, ông này mua cá mà “thể hiện” thế, bọn hàng cá chửi cho tanh người. Nghĩ gì thì nghĩ tôi vẫn làm mặt khép nép. Chợt ông ta ném bẹt cả bằng lẫn giấy tờ của tôi xuống bàn, hỏi gọn lỏn:
- Học gì? Ở đâu?

- Dạ kinh tế, trường Plekhanov ở Matxcơva.
- Học từ năm nào? Tốt nghiệp năm nào?
- Dạ… những điều đó có cả trong bằng rồi, sao chú còn hỏi.

- Tôi hỏi là việc của tôi. Cô không trả lời được phải không?

Ông ta ngẩng nhìn tôi mãn nguyện. Chả hiểu ông ta phát minh được cái quái gì từ mấy câu hỏi trẻ con đó mà mắt ông chợt ánh lên ranh mãnh.

- Cô học hành cái gì. Sang chỉ lo đi buôn, bằng thì mua.

Tôi há hốc mồm còn chưa tin ông ta đang “vu cáo” mình. Ông ta dồn tiếp:

- Cô nói tôi nghe, bằng này cô mua bao nhiêu?

Đến nước này tôi chịu hết nổi. Bao kinh nghiệm cãi nhau với mấy bà ngoài chợ chợt loang loáng trở về. Tôi vênh mặt không kém ông ta, mắt cũng “đèn pha ôtô” xoáy áp đảo:
- Chú nói bằng này giả? Chú nói bằng này mua? Nghĩa là bảng điểm cũng giả, giấy chứng nhận của chú trưởng phòng Lưu học sinh Matxcơva cũng mua nốt. Vậy chú làm ơn ghi cho cháu mấy chữ vào đây. Tiện ký và đóng dấu luôn cho cháu. “Nói có sách, mách có chứng”, mai kia có người sang Matxcơva, cháu kiểm chứng lời chú.

Vừa nói tôi vừa rút xoạch tờ giấy và cây bút đặt trước mặt ông ta. Ông ta đứng bật dậy, há hốc mồm chẳng khác gì tôi lúc trước, lắp bắp:

- Cô… cô ăn nói với tôi thế hả. Giọng lưỡi con buôn…

- Chú nhìn người như thần. Cháu học kinh tế chú nói đi buôn. Bằng chú lật qua mà biết giả, thật kém gì người buôn “xanh”…
Ông ta đập bàn đánh rầm:

- Cô tưởng đây là chợ, cô phát biểu vô tổ chức… biết đây là đâu không?

Tôi suýt nữa cũng học bà bán thịt bò kèm 70% thịt trâu ngoài chợ chống tay vô hông, “quạc” lại:

- Cháu biết… thì chỉ có chợ mới nói “giả, thật, giá bao nhiêu” chứ.

Mặt ông ta đỏ rần như người có triệu chứng huyết áp “quá tải”. Tôi trót “cưỡi lưng hổ”, tự biết không đường lui. Cuộc đấu khẩu sẽ đến đâu nếu không có tiếng cười của người đàn ông thứ hai trong phòng. Cả hai “đối thủ” cùng dồn mắt sang ông ta. Người đàn ông chậm rãi tới bên tôi. Nét mặt hòa nhã nhưng mắt giấu vẻ khoái chí sau cặp kính.

- Cháu nói với chú Đạo thế là không được. Chú Đạo người lớn chẳng chấp cháu “trẻ người, non dạ” làm gì. Đứa nào mới đi Tây về chẳng thế. Đưa bộ copy đây chú vào sổ. Chiều mai lên lấy giấy ở phòng 32. Thôi, chưa xin lỗi chú Đạo còn chờ gì?

Nghe vậy là tôi đủ “thông minh” hiểu ý. Một trọng tài kinh nghiệm thổi còi đúng lúc nhắc hai cầu thủ “fair play”! Tôi chuyển tần số lời nói:

- Chú Đạo bỏ qua cho cháu mấy lời láo lếu vừa rồi. Ở nhà cháu vẫn bị mẹ mắng suốt vì tội cãi bướng mà.

“Chú Đạo” kia mặt vẫn đỏ nhưng lẽ nào không “miễn cưỡng bắt tay đối thủ”. Ông ta lầm lỳ chẳng ra gật, ra lắc ngồi xuống cầm tờ báo đọc tiếp. Tôi lại gần người đàn ông mang kính để ký vào sổ, khẽ nói nhỏ:

- Cháu cám ơn chú nhiều.

Ông ta mỉm cười với tôi:
- Molodec! (Cừ lắm!)

Bữa cơm chiều, tôi “tường thuật” lại chuyện “chú Đạo”. Chị dâu tôi khoái bất ngờ tới mức trước mặt mẹ chồng dám vỗ đùi đôm đốp. Tôi ngờ rằng bà này cũng từng bị cái Bộ kia “đì” rồi nên giờ được “trả thù quá khứ”. Mẹ và anh tôi nhăn nhó. Mãi sau mẹ mới chép miệng:

- Mày thật chả khác bố mày ngày xưa.
Bố tôi ra đi sớm khi tôi mới 10 tuổi. Tôi chẳng còn nhớ nhiều về bố. Nhưng tôi tin, nếu ông còn, ông sẽ xoa đầu con gái rượu chứ chẳng mắng đâu.

Đầu tuần, theo lời ông giám đốc tôi đến cơ quan làm việc. Không biết nếu tôi đi làm dâu mẹ tôi có lo như tối hôm trước ngày tôi đi làm. Bà đi ra nhắc, đi vào dặn. Anh trai tôi răn đe:

- Mày làm thế nào cho tao còn gặp lại được bạn bè. Bớt mồm đi. Người ta hỏi, trả lời cho ngoan ngoãn. Lớn rồi, nghe hỏi phải biết ý họ mà trả lời.
Con bạn thân đọc “lesson” cho tôi lĩnh hội. Nào bánh kẹo, thuốc lá, trà ra sao, chào ai cô chú, ai anh chị… Đặc biệt khoản “ngoại hình”:

- Mặc đầm cho nữ tính. Đầm dài bớt ganh ghét của đồng nghiệp nữ nhưng mất cổ động viên nam. Độ ngắn của đầm tỉ lệ thuận với trình độ văn hóa.

Tôi lục tung valy tìm ra chiếc đầm xanh. Màu hơi ngớ ngẩn nhưng có vẻ nữ tính. Độ dài của nó vừa khéo để không sexy cái đầu gối củ lạc, lại chứng tỏ tính kín đáo của bằng Đại học.

Tôi đi sớm, lởn vởn chờ phòng số 4 có người. Theo lời giám đốc, tôi xông tới “làm quen”. Ở nhà mẹ vẫn khen tôi có đức “trơ tráo”. Tôi còn nhiễm tính “tự tin mù quáng” của người Nga nên chả bối rối chút nào khi bước vào.
- Chào các chị, các anh – Tôi hơi nghêng người và nở nụ cười bài bản – Em là Thu, anh Bình giám đốc nhận em vào làm công ty mình từ hôm nay.

Năm người, định vị năm bàn quay nhìn tôi. Một giây, hai giây… năm giây. Tôi chợt thấy nụ cười trên môi mình vô duyên trước 10 chiếc mắt dọi vào. Từ hôm về nước, tôi xem nhiều phim Việt nam và không chịu được vẻ vô cảm của các “sao” điện ảnh. Giá họ học được vẻ mặt của năm người đang chiếu tướng tôi đây chắc nền điện ảnh Việt nam sẽ phất kém gì Holywood. Sang giây thứ sáu, muốn hay không nụ cười của tôi cũng không le lói hơn được nữa. Tôi đứng đực ra chờ phản hồi nhưng hình như họ cố làm vẻ nghễnh ngãng. Tôi thầm rủa số mình đi đâu cũng không xuôi xẻ.

- Sao tôi chả biết gì nhỉ?

Một giọng nam chất kim vang lên phá tan bầu không khí “mặc niệm”.

- Ông Bình làm những chuyện lạ đời. Đùng đùng cái gì cũng theo ý mình, hay dở thế nào cho người khác đổ vỏ. Giọng nữ ồ ồ cằn nhằn.

- Em có nghe loáng thoáng – giọng cô gái khá trẻ ngồi bàn gần cửa – Anh Bình nói nhận người về. Sắp tới công ty mình ký hợp đồng với công ty thiết bị y học của Nga.

- Ôi dào, viện này thiếu gì kỹ sư học Nga về. Toàn thằng chẳng làm được việc gì lại còn nhận thêm.

Giọng kim vừa nẫy nhưng tôi đã phát hiện ra của người đàn ông ngồi góc phải. Dù cửa sổ mang ánh sáng ban mai vào nhưng khuôn mặt ông vẫn không vì thế bớt già nua và nhăn nhó như quả táo Tàu. Kinh nhất là cặp mắt kẻ chỉ, khó đăm đăm đang tranh thủ “miệt thị” tôi.

Tôi vẫn đứng vì chả có ai định mời mình ngồi xuống chịu trận. May hôm nay tôi mặc chiếc đầm xanh. Tuy ngớ ngẩn nhưng theo các nhà “tâm lý học”, màu sắc có tác dụng giải tỏa. Màu xanh lờ lợ đó như lá chuối đặt trên thùng nước đang sánh qua sánh lại. Khổ nỗi “chiếc lá chuối” này không mảy may tác dụng “tâm lý” ông giọng kim. Ông chán bâng quơ, chuyển sang chĩa mũi dùi vào tôi:
- Ai bảo cô tới đây?

Kinh nghiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dạy tôi chẳng nên ngạc nhiên trước câu hỏi thừa. Ngoan ngoãn như lời ông anh dặn, tôi thỏ thẻ:

- Dạ thưa, anh Bình dặn sáng nay em tới làm quen với các anh chị.

Tình hình nghe ra chẳng sáng sủa hơn sau câu trả lời nhún nhường của tôi. May cô gái gần cửa bước tới kéo ghế mời tôi. Tôi đầy cảm kích. Tôi liếc tìm bộ ấm pha trà, lấy mấy gói bánh kẹo, thuốc lá ra đặt trên bàn, mạnh dạn hỏi cô gái còn đang đứng gần tôi:

- Cho mình mượn mấy chiếc a được không?
“Đồng minh trong hy vọng” của tôi nhanh nhẹn mở tủ lấy đồ và giúp tôi. Tôi thầm cám ơn Trời. Dù thái độ của tôi giờ không còn tự tin như trước nhưng tôi vẫn đủ “khả năng” bê ra từng bàn mời các vị đang chiễm chệ đọc báo và bình luận chuyện không đâu. Tất nhiên họ uống trà. Tất nhiên họ gặm nhấm bánh kẹo và coi sự phục vụ của tôi là “tất nhiên” khỏi cần cảm ơn. Còn tôi “tất nhiên” phải quên thói lịch sự của Tây mà coi đó là văn hóa Việt nam!

Người đàn ông ngồi gần cửa sổ chợt cắt ngang câu chuyện về giá xe máy Thái lan đang xuống:

- Em học ngành gì bên Nga?

- Dạ em học Kinh tế.

- Lại Kinh tế – giọng kim lần này hơi méo có lẽ do chiếc kẹo Hải châu còn mắc trong răng – Đâu cũng nhan nhản kỹ sư kinh tế. Mang tiếng học hành mà chả biết “đếch” gì. Làm hợp đồng viết ngu bỏ mẹ. Cháu ông Viện phó học Kinh tế vừa vào Viện, con bà Hoài phòng “Công nghệ nguyên tử” cũng đang làm hợp đồng bên đó.

Tôi khẽ nhăn mặt. “Lại gặp bạn “chú Đạo” rồi. Giờ mà ông hỏi giá bằng Đại học, mình phải hô bao nhiêu đây?”.
- Cô ở đâu đến đây?
Chiếc kẹo đã chui tọt vào họng nên câu hỏi vang lên lanh lảnh. Một câu hỏi đơn giản như bài học đầu tiên của chương trình học ngoại ngữ, ông có hỏi bằng tiếng Anh tôi vẫn trả lời vô tư.

- Em ở Hà nội ạ.

Những khuôn mặt “đầy ấn tượng” hiện ra. Cáu kỉnh là của ông giọng kim:

- Ai chả biết Hà nội. Quen ai mà tới đây?
- Á… – hơi ngượng vì sự “chậm hiểu” nhưng tôi chữa ngay- Dạ, em chỉ quen anh Bình giám đốc thôi ạ.

- Quen mỗi ông Bình mà xin được vào Viện lớn thế này. Giọng ồ ồ thắc mắc kèm theo cái nhìn nghi vấn rất “nữ tính”.

Tôi còn quen thêm được ai từ ngày về nước ngoài mấy bà buôn ngoài chợ.

- Thế cô con ai?

Cái hất hàm đầy tính “khảo sát” của ông giọng kim chĩa vào tôi. Tất nhiên lần này tôi đã “thấu” câu hỏi. Ông anh tôi chả dặn phải xem ý người ta mà trả lời là gì. Tôi dõng dạc:
- Dạ em không con ai cả ạ.

Có bịt tai tôi cũng nghe tiếng cô gái “đồng minh” cười váng lên. Tiếng ho khục khục giấu tiếng cười “thiên nhiên” là của ông ngồi kế cửa sổ, anh chàng trung niên từ đầu chưa nói gì chợt rút kính lau lấy, lau để. Chỉ còn lại hai khuôn mặt của hai chất giọng “ngược đời” là thộn ra. Giọng kim rít lên:

- Cô học đâu kiểu nói trêu ngươi thế hả? Cô biết tôi là ai không?

Tôi nghệt mặt chả hiểu mình có tội gì. Tôi quay sang “đồng minh” cầu cứu nhưng cô ta còn mải cười đến mức chạy bắn ra hành lang, vội vàng lao ngay vào ông Bình đang bước tới. Cô khẽ “Ối”, ngượng nghịu. Bốn người còn lại kéo ghế đứng lên chào đồng loạt. Chỉ có tôi đang ngẩn ngơ vì “quả mắng” nên ngồi tại chỗ khẽ lúng búng.

- Chào mọi người! – Giọng sang sảng đúng chất Sếp – Làm quen vui quá. Nhân viên mới có quà cho anh em hả. Được đấy.
Quay sang bên, ông giám đốc nói:

- Anh Trung tổ chức và chị kế toán lên phòng tôi có việc cần bàn nhé!

Hai người đứng dậy theo ông lên phòng. Tôi toát mồ hôi. Thôi xong. Ông anh nhắc “khéo lời với ông trưởng phòng tổ chức mới hòng được vào biên chế”. Loạng quạng thế nào tôi “trêu ngươi” ông ta rồi. Vụ này khéo đứt!
Ngày sau, tôi đến, chẳng có chỗ riêng của mình trong phòng, chẳng có việc cụ thể.

Giám đốc bảo làm quen công việc nhưng có ai nói năng gì với tôi đâu. Cô “đồng minh” trở nên giữ kẽ. Mặt ai cũng như bức tường. Cảm tưởng tôi bị tẩy chay. Tôi ra hành lang nghe chim sẻ chíu chít trên nhánh xà cừ, buồn bã như giữa đảo hoang. Vài ngày sau, giám đốc chỉ tôi phòng nhỏ, kêu dọn dẹp, kê bàn vào lấy chỗ làm việc. Sáng 8 giờ đi, trưa cơm nhà, chiều lại công ty. Việc duy nhất là ngồi và ngó qua cửa sổ. “8 giờ vàng ngọc” thoải mái tiêu. Chán, tôi lò dò xuống phố thăm tình hình Model của Hà nội.

Từ ngày tôi đi làm, dù tập sự không lương, mẹ yên lòng hẳn. Tôi thành “thất nghiệp” toàn phần. Hiếm hoi gặp bọn bạn chẳng biết kể chuyện gì. Chẳng lẽ kể chuyện “năm anh em trên chiếc xe tăng” hở ra là nã đạn vào tôi. Hay kể chuyện Sếp sáng đảo qua công ty vài phút là biến. Thỉnh thoảng, ông định vị trong phòng thì toàn thấy “họp… kín”. Có lần không nén được tò mò, tôi ghé tai nghe trộm. Hoá ra các bố chơi “tá lả”. Tôi chán ngấy đóng vai người thừa. Ho hoe tính chuyện xin thử chỗ khác đã bị ông anh dạy thế nào là đức kiên tâm “trường kỳ kháng chiến”. Tiền tiêu do mẹ tài trợ đủ ăn sáng, bơm xe, tình rỗng tuyếch, công việc đuổi ruồi. Tôi tù túng trong mọi ràng buộc từ nhà đến công ty. Mẹ tôi nhắc khéo chuyện “gia đình”. Tôi tỉnh queo:

- Mẹ chi tiền. Con ra chợ coi thằng nào “sạch nước cản” mua về làm chồng.

Bà chán. Tôi buồn, tôi nhớ nước Nga. Khi ở đó tôi chỉ nhìn thấy những điều đen tối mà chê nhưng khi về rồi, tôi biết, tôi thiếu nó. Cho dù ngày đó có bơ vơ, có khó khăn, khắc nghiệt nhưng tất cả thật rõ rằng để mình phải vượt qua. Còn sống nơi quê hương sao tôi lạc lõng. Ai giúp tôi mài bớt những sù sì, góc cạnh để có thể lăn tròn trong xã hội này?
Tối thứ bảy, tôi ngồi nhà xem vở tuồng “tân cổ giao duyên”, ngoan như bà góa thủ tiết với chồng. Chuông điện thoại kêu, tôi uể oải nhấc.

- Thu hả?

- Thu đây, ai đó?

- Còn nhớ Thắng “mập” không? Tao đây.
- Ôi Thắng, mày đang ở đâu vậy? Tôi reo lên khi nhận ra thằng bạn thân từ ngày học phổ thông đến suốt năm tháng ở Nga.
- Matxcơva chứ ở đâu. Mày thế nào, nghe tụi nó bảo đi làm rồi hả?

- Làm khỉ gì, chán muốn bỏ. Tao đã thấy lời mày khuyên ở lại là “chân lý”.

- Thế mày còn thích đến với “chân lý” không?

- Thích cũng phải qua ối “cửa” mới tới được “chân lý”. Còn mày thế nào?

- Tao gọi về hỏi mày chịu qua giúp tao phụ trách phần kế toán cho công ty của tao ở Matxcơva không? Đồng ý tao gửi giấy tờ về làm hộ chiếu. Tao điểm ra chỉ mày đủ khả năng, đúng nghề và tính “bà la sát” của mày mới trị được bọn trong công ty. Nghĩ sao?
Tôi bất ngờ chẳng nói được lời nào. Hơn một năm qua, tôi đã biết, ở Việt Nam “nghề” sáng giá nhất là “nghề đi Tây”, “nghề xuất ngoại” dù ngắn hạn, dài hạn. Những ai chê “nghề” này chắc chắn là Sếp. Mà Sếp chỉ chê “dài hạn” vì đi lâu dễ “vênh cạ” chứ “ngắn hạn” Sếp OK đầu tiên.

- Ê, chán nước Nga chưa mà im như thóc vậy?

- Không… tao đang tính – tôi lúng túng không biết nên nói kiểu gì để hợp “phong cách người Hà nội”- mẹ tao lo đi nữa sẽ “ê sắc ế”…

- À… mày định lấy chồng kiểu gì tao không biết nhưng nếu định lấy thằng yêu mày thì lấy tao đi. Tao yêu mày lâu rồi.

Lần này tôi “cấm khẩu” hoàn toàn. Thắng chợt chuyển giọng:

- Nói thật đấy.

Trời ạ, mẹ tôi nói cấm có sai “Ngưu tầm ngưu, báng bổ như mày, chỉ gặp thằng ngang ngửa”. Nhưng dù “củ chuối” cỡ nào tôi cũng không thể tưởng tượng ra được màn tỏ tình “mày” “tao” qua điện thoại quốc tế!

- Thu ơi, suy nghĩ đến trưa mai nhé! Thời Edison chỉ cho suy nghĩ 5 phút thôi mà -Thắng cười hì hì- không đùa đâu, 100% nghiêm túc. Hẹn mai!

Máy bay cất cánh, mảnh đất quê hương chao nghiêng. Dòng sông Hồng kia rồi, quanh năm đỏ đậm phù sa. Hà nội li ti, nhấp nhô mái ngói. Tôi lại ra đi lần nữa. Chút nhơ nhớ, bâng khuâng về Hà nội, về mẹ.

Giọng cô chiêu đãi viên Nga nhắc người ngồi cạnh đeo dây an toàn nghe quen như mới hôm qua. Nhưng hình như vẫn có gì là lạ. Có lẽ, lạ vì không ngơ ngác như khi xưa sang học. Con đường phía trước sẽ không trải thảm, sẽ không ít khó khăn, nhưng tôi biết, ở đó tôi có thể sống và làm việc mình mong muốn. Cảm giác tự do ngọt ngào.

Hà nội mờ dần qua làn mây mỏng. Quê hương ơi, ta sẽ về như tìm bóng cây giữa con đường chang nắng. Sẽ về để thêm động lực ra đi. Về để hiểu ta Người Việt Nam và Quê hương ngàn đời vẫn một…

Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long: Tìm đâu hồn Việt?

Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân

Bài đã được xuất bản.: 26/09/2010 06:00 GMT+7
"Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt" Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long nếu được Việt Nam quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước Việt Nam từng là chư hầu của Trung Quốc. - Nhà văn nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân viết.

LTS: Nhà văn - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân gửi tới Tuần Việt Nam bài viết chia sẻ những suy ngẫm, trăn trở của ông khi xem giới thiệu phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long.

Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông, để bạn đọc cùng thảo luận.

Là một nhà văn nghiên cứu lịch sử ở Huế và không chuyên về chuyện làm điện ảnh, nhưng do tôi có chút kinh nghiệm nghiên cứu cổ trang để "tái hiện lễ đăng quang của vua Quang Trung"- một lễ hội quan trọng trong Chương trình Festival Huế 2008 và là tác giả bài báo "Làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn - kiến nghị một giải pháp" đăng trên báo Hồn Việt (số 11, tháng 5-2008) cách đây mấy năm, một vài báo hình và báo điện tử chuyển cho tôi xem một số hình ảnh, đoạn phim ngắn giới thiệu bộ phim cổ trang truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long sẽ phát sóng trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Họ đặt cho tôi một số câu hỏi về sự cảm nhận về bộ phim đó.

Chưa được xem bộ phim dài 19 tập này, khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước", nên tôi chưa có ý kiến gì về nội dung kịch bản, về tư tưởng thời Lý xuyên suốt bộ phim, về thông điệp của triều Lý để lại trong lịch sử VN. Tôi chỉ xin bình luận về những thông tin, hình ảnh đã thu thập được từ những đoạn phim quảng cáo, giới thiệu phim mới.

Không chuyên về chuyện làm điện ảnh, nhất là phim lịch sử, nên bài viết có điều gì bất cập, kính mong các nhà chuyên môn, các nhà sử học, các thức giả bổ cứu hoặc cho tôi một cơ hội được học thêm.

Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên- có hiểu lịch sử VN?

Người viết kịch bản: Tác giả kịch bản được công bố là ông Trịnh Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Trường Thành (có người gọi ông là Sơn Trường Thành - cũng là Giám đốc sản xuất bộ phim). Trịnh Văn Sơn là một người chưa bao giờ được giới điện ảnh VN biết tên là một nhà viết kịch bản phim nói chung chứ chưa đề cập đến người viết kịch bản phim lịch sử nói riêng.

Ông đột nhiên "nổi lên" như một bậc thầy viết kịch bản lớn. Không rõ kịch bản phim lịch sử đầu tay của ông Sơn Trường Thành có được một bậc thầy viết kịch bản phim lịch sử VN nào góp ý trước chưa? Chỉ biết ông đem kịch bản của ông qua nhờ nhà viết kịch bản nổi tiếng của Trung Quốc là Kha Chương Hòa "chuốt lại".

Ông Kha Chương Hòa là một nhà viết kịch bản phim lịch sử cổ trang Trung Quốc giỏi, nhưng ông chưa hề biết tâm tính người Việt Nam, chưa hề học lịch sử Việt Nam, (nếu có học thì cũng là sự méo mó, xuyên tạc từ sách sử Trung Quốc về Việt Nam). Vì thế tôi nghi ngờ cái sự chuốt đúng đắn của ông Chương Hòa về lịch sử VN quá!

Ông Sơn Trường Thành lại nổi lên như một nhà "đại tư bản" trong giới kinh doanh văn hóa VN. Ông đã bỏ ra đến trên 100 tỷ đồng (nghe nói 7 triệu USD) để thuê người Tàu dựng cuốn phim đầu tay của mình. Ông đóng góp một công trình nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay ông lợi dụng 1000 năm Thăng Long để kinh doanh văn hóa nghệ thuật? Sự thực như thế nào còn phải chờ thực tế trả lời.
Đạo diễn Cận Đức Mậu (trái) và ông Trịnh Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành

Đạo diễn: Bộ phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long có 3 đạo diễn:

Đạo diễn Cận Đức Mậu, là một người làm phim cổ trang của Trung Quốc nổi tiếng, tôi rất kinh phục. Nghe nói trước khi bắt tay làm phim, Cận Đức Mậu đã có lần lần sang VN, đến thắp hương ở đền vua Đinh, vua Lê, tượng đài Lý Công Uẩn, tuyển chọn diễn viên và "cảm nhận văn hóa Việt". Nhưng tôi không tin "ông ấy hiểu rất rõ về VN", nhất là lịch sử VN như một người có trách nhiệm trong đoàn làm phim đã khẳng định.

Cận Đức Mậu sang VN vái chỗ này, thắp hương nơi kia có khác gì hàng triệu khách du lịch đến VN? Vài cái chắp tay vái lạy, đôi lần thắp vài cây hương không thể chứng tỏ được sự hiểu biết lịch sử và sự kính trọng tổ tiên chúng ta của vị đạo diễn.

Nếu hiểu và tôn trọng lịch sử VN thì không bao giờ ông tùy tiện tạo sự hoành tráng cho bộ phim bằng những cảnh kỵ mã phi trên thảo nguyên vô cùng xa lạ với dân tộc VN như ảnh dưới đây:
Ngựa phi đường xa

Đây là đội kỵ binh của Nguyên Mông. Trong lịch sử từ xưa đến nay VN chưa bao giờ có một đội quân mặc giáp trụ cưỡi ngựa như thế. Đường VN hẹp, nhiều sông suối, cầu nhỏ, không có những cánh đồng cỏ lớn lấy đường đâu cho kỵ binh đi, lấy cỏ đâu cho một đoàn ngựa chiến như thế ăn?

Chỉ có những đạo diễn không biết gì về hoàn cảnh VN mới tự tiện ghép những những màn kỵ binh có sẵn trong phim cổ trang của Trung Quốc vào cho phim VN như thế thôi.

Một thông tin trên mạng tôi không nhớ địa chỉ cho biết bộ phim còn có một đạo diễn thứ hai nữa cũng là người Trung Quốc. Vị này là người phụ tá đắc lực cho đạo diễn chính Cận Đức Mậu, được đạo diễn chính giao thực hiện phần quan trọng của bộ phim.

Đạo diễn Tạ Huy Cường là người VN, đã đạo diễn một số phim ngắn ở VN (đạo diễn game show Chắp cánh thương hiệu) chưa có mấy tên tuổi trong giới điện ảnh VN. Chính anh đã tự nhận là "lần đầu tiên làm phim cổ trang lớn" ở Trung Quốc. Anh không biết tiếng Trung nên khi "không có phiên dịch... thì chúng tôi nói chuyện với ê kíp của Trung Quốc bằng hình thể hoặc nói xong nhìn nhau cười".

Qua đó ta có thể biết đạo diễn Tạ Huy Cường không có vai trò gì nhiều khi quay các trường đoạn hoành tráng do hàng trăm diễn viên Trung Quốc đóng.

Đạo diễn Tạ Huy Cường có mặt ở trường quay Hoành Điếm, Triết Giang (Trung Quốc) trong thời gian quay bộ phim, có lẽ chỉ trên tư cách một người đi học việc, đi tu nghiệp làm phim cổ trang và được thực tập đạo diễn một số đoạn dân chúng đơn giản thôi.
Đạo diễn Tạ Huy Cường (VN)

Vai trò của đạo diễn VN giới hạn như vậy khó có thể tạo được cái hồn Việt cho bộ phim.

Diễn viên: Phim có 45 nhân vật chính, phần lớn những nhân vật chính do diễn viên VN đảm nhận. Diễn viên Tiến Lộc (theo báo chí viết anh vừa được biết đến trong vai ca sỹ Quang Bình đồng tính trong phim Nhà có nhiều cửa sổ) đảm nhận vai Lý Công Uẩn. Lần đầu tiên Tiến Lộc đóng phim lịch sử. Á hậu Thụy Vân (chưa hề đóng phim bao giờ) vào vai Lê Thị Thanh Liên - hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn. Diễn viên - NSƯT Trung Hiếu của nhà hát kịch Hà Nội được chọn vào vai Đinh Bộ Lĩnh. Nam diễn viên Hoàng Hải vào vai Lê Hoàn, Phan Hòa trong vai Thái hậu Dương Vân Nga.v.v.

Sự hiểu biết về lịch sử VN đặc biệt là triều Lý của những diễn viên chính này rất mỏng. Do đó mọi diễn xuất của họ đều do đạo diễn Trung Quốc "bảo chi làm nấy".

Ngoài những diễn viên chính, còn toàn bộ diễn viên đóng thế, hàng trăm diễn viên quần chúng đều thuê người Trung Quốc. Với một dàn diễn viên làm theo ý Trung Quốc hoặc diễn viên Trung Quốc chính cống chuyên đóng phim Trung Quốc như thế thì lấy đâu ra cái hồn Việt để kỷ niêm 1000 năm Thăng Long đây?

Một cháu nhỏ ghiền phim Trung Quốc xem tấm ảnh này:
Tần Thủy Hoàng?

Cháu liền kêu lên - "Tần Thủy Hoàng! Tần Thủy Hoàng!" Tôi đính chính: "Vua nhà Lý nước mình đó!". Cháu vui mừng: "Rứa hả ông? Vua Lý nước mình giống Tần Thủy Hoàng. Oai thật!".

Một người bạn ngồi uống cà-phê bên sông Hương thấy tấm ảnh này trên tay tôi liền có lời bình rằng: "Tổ tiên mình làm gì có cái búi tóc dựng đứng trên chóp đầu như vậy? Đến đầu thế kỷ 19, điện Minh Thành trong lăng Gia Long vẫn chưa có sơn, còn để mộc, huống chi thời Lý cách đó 9 thế kỷ mà cung điện nhà Lý đã sơn đỏ chót như rứa? Nội cái màu sơn đỏ chót đó cũng đã toát lên cái "chất Tàu" của bộ phim rồi!"

Người thiết kế, người sản xuất cổ trang và câu chuyện "Trung hoa hóa"

Chuyện thiết kế cổ trang: Như trên đã viết, cách đây mấy năm, tôi được mời cùng với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ở Huế nghiên cứu thiết kế cổ trang để phục dựng Lễ tế Nam Giao (2004) và lễ đăng quang của vua Quang Trung (2008). Phục trang cổ của Tế Nam Giao chỉ cách chúng ta có hơn 60 năm, trong các thư viện còn nhiều hình ảnh của Pháp để lại nên việc nghiên cứu phục chế cổ trang không khó lắm.

Nhưng việc nghiên cứu phục trang của dân chúng và quân đội của vua Quang Trung trong lễ đăng quang của ông thì vô cùng khó khăn. Không tìm đâu ra hình ảnh trang phục của các dân tộc đã từng phục vụ vua Quang Trung hồi cuối thế kỷ XVIII (chỉ cách nay 2 thế kỷ thôi). May sao chúng tôi đọc được cuốn Voyage to Cochinchina in the Years 1792 anhd 1793 (Hành trình đến xứ Đàng Trong những năm 1792 và 1793) của John Barrow.

Trong sách có nhiều hình ảnh các tầng lớp dân chúng, dụng cụ trong đời sống, thuyền bè, sông núi năm 1792. Người phương Tây vẽ, nên người Việt ra Tây cả. Chúng tôi nhờ các họa sĩ có tay nghề ở Đại học Mỹ thuật Huế vẽ lại các hình vẽ đó bằng nét vẽ VN. Các bạn dù tay nghề cao nhưng phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới được duyệt để dùng. Đến khi đi may mẫu, thợ may là con cháu của thợ may Cung đình Nguyễn ngày xưa nhưng cũng phải may đi may lại nhiều lần mới đạt yêu cầu.

Nhờ có phục trang cổ như thế mà cuộc lễ Đăng quang của vua Quang Trung ở núi Bân tháng 12-2008 đã được báo chí và giới nghiên cứu hoan nghênh.

Với một chút kinh nghiệm đó, trong bài "Làm phim Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn - kiến nghị một giải pháp " (Hồn Việt, số 11, 5-2008, tr. 12-13) tôi nghi ngờ khả năng phục chế được "Dân phục, quan phục, vua phục, cảnh trí cách đây 1000 ngàn năm" của VN, và đề nghị hoãn lại việc làm phim Lý Thái Tổ đã đặt hàng cho Hãng phim truyện VN sản xuất. Bài báo của tôi là một trong những ý kiến tham khảo của ông Phạm Quang Long - GĐ Sở VHTT Hà Nội trong việc rút lui quyết định làm phim Lý Thái Tổ với kinh phí 200 tỷ đồng.

Với một chút kinh nghiệm nghiên cứu thiết kế cổ trang năm ấy, tôi xin có ý kiến về việc thiết kế cổ trang phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long như sau:

Người được mời thiết kể trang phục cổ cho phim là Tiến sĩ Đoàn Thị Tình. Qua báo chí tôi được biết TS Tình đã có một bản thiết kế rất chi tiết giao cho đoàn làm phim đem sang Trung Quốc thuê may. Nhưng vì "tuổi tác" không qua tận nơi để theo dõi việc sản xuất cổ trang được, bà phải nhờ họa sĩ Phan Cẩm Thượng giúp. Đoàn làm phim đã sử dụng trang phục cổ do bà thiết kế và sản xuất bên Trung Quốc.

Nay bộ phim đã xong và đã trích đoạn làm trailer quảng bá rộng rãi trên mạng toàn cầu và báo chí VN. Dư luận la hoảng lên là phim cổ trang "lai Tàu" quá. Bà đã trả lời báo chí trong nước và các đài phát thanh nước ngoài rằng trang phục cổ trong phim đúng như ý của bà, "người Trung Quốc phục chế trang phục ấy không can thiệp gì vào thiết kế" của bà cả.

Trả lời phỏng vấn, bà nói: "Bộ phim về vua Lý Công Uẩn, phía Trung Quốc hoàn toàn không can thiệp vào quá trình thiết kế các bộ trang phục sử dụng trong phim. Gọi những chỉ trích rằng "phim trông quá Trung Quốc "là không có căn cứ".

Như vậy bà là người chịu trách nhiệm về trang phục của bộ phim. Tôi trân trọng ý kiến của bà. Để rõ hơn tôi xin bà trả lời hộ cho tôi hai sự việc sau:

1) Căn cứ vào tài liệu nào để thiết kế cái mão Bình Thiên của vua Lý có chùm tua trước trán như ảnh trong phim trích dẫn dưới đây? Và bà căn cứ vào tài liệu nào bà cho vai vua Lý Công Uẩn mặc giáp trụ như một võ tướng trong các phim cổ trang của Trung Quốc đã chiếu "búa xua" trên truyền hình lâu nay như sau:

Diễn viên Tiến Lộc trong tạo hình Lý Công Uẩn mặc long bào đội mũ bình thiên (ảnh trái) và mặc áo giáp đội mũ trụ (ảnh phải) trong phim.

Phải chăng bà đã "Trung hoa hóa" ông vua sáng lập ra triều Lý VN?

2) Bà có ý kiến gì về những câu trả lời phỏng vấn của họa sĩ Phan Cẩm Thượng - người bà nhờ giúp theo dõi việc sản xuất trang phục cổ do bà thiết kế, đã đăng trên báo Hồn Việt (Bài Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: "Sang Trung Quốc làm phim lịch sử, rất dễ bị Trung Hoa hóa", (Hồn Việt số 36, tháng 6-2010, tr. 36-38) sau đây:

Nhà báo Hoàng Đăng hỏi- Có người ở đoàn phim kể rằng, các chuyên gia may phục trang của Trung Quốc có quyền năng rất lớn, vì thế, ngoài những trang phục có sẵn hay trang phục họ may theo cách của họ, ta muốn thay đổi họ cũng không đồng ý. Vậy nên đa phần trang phục và đạo cụ sử dụng từ kho trang phục của họ...

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng trả lời- Có 2 loại trang phục: Quan phục và dân phục. Y phục cổ truyền của ta mới chỉ được xem qua hình ảnh vua chúa thế kỷ 17 trở lại chứ trước đây hầu như chúng ta không được biết nhiều. Có tài liệu chép trang phục của vua chúa VN từ thời này sử dụng y phục Trung Quốc và các họa sĩ thiết kế dựa theo tài liệu đó để thiết kế.

Nhưng thợ may Trung Quốc xem thiết kế là biết ngay y phục theo "gốc" Trung Quốc nên họ chữa lại theo nguyên bản trang phục Trung Quốc mà không chấp nhận sáng tác của mình. Ví dụ, trang phục vua Đinh và vua Lê, họa sĩ Đoàn Thị Tình không vẽ hình rồng nhưng thợ may bảo thiết kế Vương phục không thể không có rồng, nếu ta không đồng ý như vậy thì họ không may.
" Khó có thể nhận ra chất Việt qua bối cảnh cung điện và trang phục vua Lý Thái Tổ trong phim"(Chú thích trên báo Hồn Việt số 36, tr.36)

Các nhà làm phim nói, họ (TQ) có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ (trường hợp sáng tạo các mẫu mới không theo truyền thống nữa là chuyện khác). Kết quả, ta thiết kế một đằng nhưng thợ Trung Quốc vẫn may theo ý họ... (cột 3 tr. 36 và cột 1 tr. 36)

...Bộ phim do hãng tư nhân đầu tư nên nếu trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều may mới thì kinh phí rất lớn. Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng), mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp nên tiền đầu tư sẽ lớn. Phương án chính là thuê trang phục và khi thuê thì tất nhiên y phục giống TQ.(cột 3, tr.37) (!)

Nội dung trả lời phỏng vấn của Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã đăng trên báo Hồn Việt cách đây 3 tháng hoàn toàn mâu thuẫn với ý kiến bảo vệ bộ phim của bà. Vậy người xem truyền hình VN tin ai? Tin bà là người ngồi ở Hà Nội thiết kế trên giấy hay tin Phan Cẩm Thượng - người theo dõi việc sản xuất 700 bộ trang phục cổ và đưa vào phục vụ đóng xong bộ phim?

Người hóa trang: Viết chuyện trang điểm, hóa trang có liên quan đến Trung Quốc, tự nhiên tôi nhớ đến chuyện "Chiêu quân" thời Hán. Chỉ vì gia đình không biết hối lộ nên Chiêu Quận bị Mao Diên Thọ điểm cho một cái nốt ruồi "sát phu", không những Chiêu Quân không được vua Hán nhận mà còn bị nhốt vào lãnh cung suýt chết.

Đoàn làm phim của chúng ta không có người Việt đi theo hóa trang và trang điểm cho diễn viên. Người làm hóa trang - trang điểm đều là người Trung Quốc thì làm sao cái mặt của các diễn viên VN có "hồn Việt" được? Đề nghị đoàn làm phim chỉ cho con cháu nước Việt thấy cái "hồn Việt" ở đâu trong hình ảnh vai Lý Công Uẩn sau đây:
Hồn Việt ở đâu trong vai diễn Lý Công Uẩn này?

Tôi có cảm giác ông Sơn Trường Thành bỏ tiền sản xuất bộ phim để thỏa mãn thị hiếu của người Trung Quốc chứ không phải dành cho người Việt. Một nghìn năm sau con cháu VN tưởng nhớ đến vua Lý Thái Tổ bằng hình ảnh dưới đây sao?
Hoàng hậu và Hoàng đế TQ?

Trẻ con từng xem phim Tàu trên tivi cũng có thể bảo rằng đây là vợ chồng một ông vua Tàu chứ làm sao có thể bảo đó là vua và Hoàng hậu đầu Triều Lý.

Còn hình ảnh vị Quốc sư Vạn Hạnh thì đạo diễn bê ngay hình ảnh của "Sư phụ" Tam Tạng đi thỉnh kinh trong phim TQ hiện đang chiếu trên tivi VN như thế này:
Tam Tạng" (Sư Tàu) và vua Tàu áp đặt cho Sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn

Tôi cũng xin hỏi họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người Trung Quốc thiết kế các vai vua quan triều Lý có cái búi tóc dựng ngược trên đỉnh đầu (xem 3 ảnh trên), họ có hỏi ý kiến của cố vấn văn hóa mỹ thuật của đoàn làm phim không?

Trong lịch sử 1000 năm Thăng Long có sự kiện thiên tài quân sự Quang Trung đã đánh thắng 29 vạn quân Thanh hồi đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Trước khi xung trận, trong lời dụ tướng sĩ, vua Quang Trung đã nói lên quyết tâm đánh bại quân Thanh xâm lược để giải phóng Thăng Long, bảo vệ nền độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc: "Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chính luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử trí Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" [1]

Cách đây trên 220 năm vua Quang Trung làm nên chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) khiến cho quan quân nhà Thanh khiếp sợ cũng chỉ để bảo vệ "tóc dài, răng đen", bảo vệ độc lập dân tộc. Bây giờ ta đang có độc lập, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong đó có chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) nỡ nào đoàn làm phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" để cho các nhân vật lịch sử VN đội tóc của người Trung Hoa?

Sự có mặt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng và cả đạo diễn trẻ Tạ Huy Cường ở trường quay Hoành Điếm chẳng qua chỉ để "làm cảnh". Nhưng nếu bộ phim được lên sóng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này thì họ vẫn phải chịu một phần trách nhiệm với lịch sử văn hóa dân tộc.

Sau "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long", sẽ là gì?

Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân

Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đó nếu được VN quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước VN từng là "chư hầu" của Trung Quốc.

LTS: Nhà văn - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân gửi tới Tuần Việt Nam bài viết chia sẻ những suy ngẫm, trăn trở của ông khi xem giới thiệu phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long.

Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông, để bạn đọc cùng thảo luận.

>> Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long: Tìm đâu hồn Việt?

Kiến trúc, cảnh quan không đúng lịch sử

Cụm kiến trúc tầng tầng lớp lớp và tháp cao đã có sẵn ở trường quay Hoành Điếm hoàn toàn chưa hề có cái tương tự trong bất kỳ thời kỳ nào ở VN - về qui mô cũng như kiểu dáng. Nên không thể áp đặt cho thời Lý cách đây 1000 năm được.

Kiến trúc cung điện, đình chùa ở VN xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim:

Cung điện nguy nga tầng tầng lớp lớp Nét kiến trúc tiêu biếu của TQ

Bộ mái cung điện, đền, chùa miền Bắc VN có Kinh đô Hoa Lư và Thăng Long xưa có các đầu đao bộ mái cong vút lên như ảnh cửa cổng và chùa ở Sơn Tây ngày xưa:
Bộ đầu đao vút cong của kiến trúc VN ở bắc bộ.

Cái hồn Việt ở Bắc Bộ khác Trung Quốc ở hình dáng vút cong đó.

So sánh cung điện của Trung Quốc trong trường quay Hoành Điếm đã được dùng trong phim với Cửa Ngọ Môn ta thấy:

Kiến trúc trong một cảnh phim và Cửa Ngọ Môn xây dựng từ đầu TK 19

Kiến trúc tòa lầu trong phim nặng nề. Kiến trúc lầu Ngọ Môn thanh thoát nhẹ nhàng. Thế mà những người làm phim vẫn cứ đưa vào.

Trường quay Hoành Điếm không có thiên nhiên và cảnh thôn quê Việt Nam nên họ đã dựng lên những cảnh giả tạo còn thua sân khấu cải lương do nông dân Nam Bộ đóng nữa. Ở Việt Nam không có cung vàng điện ngọc giả tạo như ở trường quay Hoành Điếm, nhưng nông thôn, làng xóm, đình chùa Việt Nam đâu có thiếu để phải dựng lên cảnh nông thôn bôi bác như tấm ảnh dưới đây:
Nhà cửa nông thôn VN giả tạo tùy tiện trong phim

Động tác múa võ tùy tiện: Nhân vật chính của bộ phim là Lý Công Uẩn. Ông từng ở trong chùa, nên đã phải học võ (Thiếu Lâm). Khi làm vua càng phải luyện võ nữa để rèn luyện thân thể và khi "quốc gia hữu sự" có thể cầm gươm ra trận. Diễn viên Tiến Lộc thủ vai Lý Công Uẩn thì phải có nhiều đoạn múa gậy, múa võ. Nhưng múa võ gì, múa gậy gì đều phải có thầy hướng dẫn.

Không rõ trong đoàn làm phim có thầy võ Việt Nam nào không, chứ qua những câu chuyện tự kể của Tiến Lộc đăng trên báo chí thì Tiến Lộc múa may lung tung không có bài bản nào cả.
Lý Công Uẩn (Tiến Lộc) múa võ gì đây?

Xin trích tự sự của Tiến Lộc: "Khi được yêu cầu múa gậy, tôi đã giơ gậy lên múa lung tung, và trong lúc múa quá say sưa, tôi đã đập gậy trúng đầu... anh quay phim. Tôi đã phải xin lỗi rối rít. Chưa hết hoảng hồn, đạo diễn lại yêu cầu tôi múa võ tiếp, và không may, tôi tiếp tục đạp trúng một diễn viên quần chúng khiến anh ấy ngã lăn".

Một bộ phim mà từ diễn viên được hóa trang theo kiểu cách Trung Quốc, trang phục, kiến trúc, đạo diễn, quay phim Trung Quốc (?), các động tác theo lối Trung Quốc như thế đủ để kết luận phim là bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đúng như nhận xét của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Kinh doanh phim với số vốn 100 tỷ, lời hay lỗ?

Báo chí đã đưa tin Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành (Hà Nội) hợp tác với EASTV Hồng Kông đồng sản xuất phim và sẽ chiếu ở Trung Quốc và các nước ASEAN.

Cũng có thông tin Cty Trường Thành hợp tác cùng Đài Truyền hình SCTV lưu hành bộ phim trên nhiều nước khác trên thế giới nữa.

Các phim Việt Nam có trước đây chưa bao giờ được chiếu ra nước ngoài như dự định của Cty Trường Thành đối với phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long cả. Nếu phim có giá trị và được quảng bá rộng rãi trên thế giới như thế thì thật phúc cho phim ảnh Việt Nam. Nhưng....

Người TQ nói gì về giá trị bộ phim này?

Một cô bạn ở Hà Nội biết tôi đang ngồi ở Huế viết bình luận một số hình ảnh trong bộ phim, liền phone cho tôi: "Thế thì tôi sẽ nhờ người giỏi Trung văn dịch cung cấp cho anh một thông tin về phía Trung Quốc rất đáng quan tâm về bộ phim ấy!".

Mấy tiếng đồng hồ sau chị gửi cho tôi địa chỉ trang blog của một người Trung Quốc có trách nhiệm đón đoàn làm phim của Việt Nam sang Trung Quốc hồi đầu năm. Sau vài thao tác kích chuột, máy vi tính của tôi nhận được cái giao diện dưới đây.
Trang blog của một người TQ viết về lịch sử Lý Công Uẩn và bộ phim

Bài trên trang blog này tương đối dài và nhiều chỗ rất dễ gây sốc với độc giả Việt Nam. Tôi chỉ xin trích đoạn viết về Lý Công Uẩn và bộ phim:

"Lý Công Uẩn là quân chủ khai quốc của triều Lý Việt Nam, niên hiệu Thuận Thiên. Năm 1010, tương truyền Lý Công Uẩn đích thân tới La Thành, bỗng nhìn thấy Rồng Vàng từ hồ bay lên, vụt thẳng lên trời. Thế là ông liền dời kinh thành đến La Thành, đồng thời đổi tên là Thăng Long, cũng chính là Hà Nội ngày nay. Lý Công Uẩn đổi thành Nguyên Thuận Thiên, kiến lập triều Lý, trở thành vương triều phong kiến thứ tư của Việt Nam. Việt Nam bắt đầu bước vào cường quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trung ương phong kiến. Thế nước mỗi ngày một mạnh lớn, xưng bá ở Nam cương (biên giới phía Nam - ND).

Để kỷ niệm 1000 năm lập kinh đô Hà Nội, do Đông Minh Vệ Thị (của Trung Quốc - ND) cùng Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành của Việt Nam đầu tư, vở kịch truyền hình lấy sinh thời Lý Công Uẩn làm đề tài đang được chính thức bấm máy tại Hoành Điếm, Trung Quốc vào ngày 9 tháng Giêng.

Ngày 13/12/2009, tại Hữu nghị auan Trung Quốc, chúng tôi đã đón đoàn diễn viên thuộc nhóm kịch "Lý Công Uẩn". Họ đều tới từ Việt Nam, đến Trung Quốc làm việc lần này, họ sẽ tới trường quay Hoành Điếm ở Chiết Giang, để tham gia quay vở kịch truyền hình chào đón ngày kỷ niệm hợp tác Trung-Việt lần đầu tiên.

Vở kịch truyền hình này do Trung Quốc và Việt Nam hợp tác quay, đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Cận Đức Mậu làm đạo diễn, nhà biên kịch kịch lịch sử Trung Quốc nổi tiếng Kha Chương Hòa chấp bút, đã hội tụ được nhiều diễn viên hàng đầu của Việt Nam tham gia quay, đội hình rất lớn. Đạo diễn Việt Nam của vở kịch truyền hình này cũng tràn đầy tin tưởng khi lần đầu quay ở Trung Quốc". (Tất cả những cụm từ được tô đậm và gạch dưới do người viết nhấn mạnh)

Qua đoạn trích trang blog trên, tôi đọc được vài thông tin mà báo chí Việt Nam chưa nhắc tới như: Đông Minh Vệ Thị (của TQ) là doanh nghiệp hợp tác với Cty Trường Thành (của VN) sản xuất bộ phim. Người "chắp bút" kịch bản là Kha Chương Hòa chứ không nhắc gì đến ông Trịnh Văn Sơn cả.

Có một thông tin không đúng là họ đã cho rằng những người làm phim đã "hội tụ được nhiều diễn viên hàng đầu của Việt Nam".Như tôi đã nêu ở đoạn trên đây, dàn diễn viên đóng phim thuộc loại trung bình thôi. Nếu nói đó là các diễn viên hàng đầu ở VN thì tội cho nền điện ảnh VN quá.

Điều lạ và bất ngờ nhất đối với tôi là họ xem bộ phim chỉ là một vở kịch truyền hình nhiều tập mà thôi. Lạ hơn nữa là đạo diễn TQ nổi tiếng Cận Đức Mậu đã đạo diễn những bộ phim cổ trang TQ lừng danh lại bỏ thì giờ đi làm đạo diễn cho một vở kịch truyền hình của VN(?)

Từ những thông tin trên, tôi có nhận định rằng: Cty CP Trường Thành (VN) hợp tác với Đông Minh Vệ Thị (TQ) đầu tư 100 tỷ ĐVN để làm một vở kịch truyền hình 19 tập để kinh doanh là một vấn đề cần phải bình luận.

Đi buôn thì phải tính lời - lỗ. Phát hành bộ phim ở Việt Nam thu lợi bằng các cách: Bán cho Truyền hình Việt Nam để phát sóng vào giờ vàng, vừa đóng góp một hoạt động văn hóa tầm cỡ cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, vừa thu tiền quảng cáo. Liệu 19 tập có thu được 19 tỷ không?

Phát hành bộ phim 19 a DVD, mỗi bộ cao tay độ 500.000 Đ, giỏi lắm cũng bán được vài ba trăm bộ là cùng, (chủ đầu tư thu khoảng 500.000 x 300 = 150.000.000Đ), Nếu phim hấp dẫn thì bị in lậu bán mỗi bộ 100.000 Đ ngay, chủ đầu tư phá sản chuyện in a. (Bài học của Thúy Nga by night)

Như vậy, nếu bộ phim được phát hành và đưa lên sóng Đài Truyền hình VN thì bộ phim chỉ được tiếng là đóng góp cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long còn thu lợi về kinh tế thì hoàn toàn thất bại.

Chiếu và phát hành bên Trung Quốc và thế giới còn phải trải qua một hậu kỳ nữa là phụ đề hoặc lồng tiếng Trung và tiếng Anh.

Chúng ta biết, Trung Quốc đã và đang sản xuất ra hàng trăm (có người nói hàng ngàn) bộ phim cổ trang cực kỳ hấp dẫn chen nhau chiếm lĩnh thời lượng giờ phát sóng của các đài truyền hình Trung Quốc, các đài trong thế giới biết tiếng Trung và ngay cả VN ta hiện giờ. Liệu người Trung Quốc có ưu ái mua hộ cho bộ "kịch truyền hình" này không? Nếu cái bộ "kịch truyền hình" hấp dẫn, liệu có bị họ "vi phạm bản quyền" in ra hàng triệu bản như thế giới đang kêu trời về họ không? Chuyện phát hành ở Trung Quốc và thế giới rất ít hy vọng thu được vốn.

Tôi là người sống bằng ngòi bút chưa từng biết kinh doanh chuyện gì, lấy chút hiểu biết của người buôn bán sách ngoài chợ tôi cũng đã thấy được chuyện kinh doanh bộ phim là thất bại rồi. Đối với Cty Trường Thành (VN) và Đông Minh Vệ Thị (TQ) thì chuyện kinh doanh, tính toán đầu vào, đầu ra, chuyện quảng cáo, phát hành, lời lỗ họ nắm chắt trong tay. Đầu tư cho một món hàng đến bạc 100 tỷ họ đã tính nát nước rồi. Biết chắc là không thu được vốn, nhưng vì sao họ vẫn khẩn trương lao vào làm bất chấp ngày nghỉ ngày tết, mùa đông lạnh giá dưới 0 độ, tốn kém vô cùng như thế? Phải chăng vì "cơ hội ngàn năm có một"? Đúng theo nghĩa đen!

Bộ phim kể chuyện 1000 năm trước ở Việt Nam có diễn viên được hóa trang theo kiểu Trung Quốc, trang phục cổ trang, các động tác, kiến trúc cung điện đền đài, cảnh quan đồng quê Trung Quốc .v.v. Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đó nếu được Việt Nam quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước Việt Nam từng là "chư hầu" của Trung Quốc.

Sự xác nhận ấy có giá trị hơn cả ngàn pho sử do sử gia hai nước hợp tác biên soạn trong tương lai. Nếu đúng như thế thì số vốn 100 tỷ ĐVN hay 7 triệu USD như báo chí đăng cũng không có nghĩa lý gì, bởi vì họ sẽ thu được một món lời không thể nào ghi lại được bằng con số. Có đúng như thế không, thực tế sẽ trả lời.

Xin những người có trách nhiệm hãy quan tâm đặc biệt đến vận mệnh văn hóa của dân tộc.

1 THÁNG 10, 2010 KỶ NIÊM CỐ ĐÔ THĂNG LONG, NGÀY QUỐC NHỤC?

Từ ngày còn nhỏ học sử về những thời vua trong chính sử Việt Nam như Lý Lê Trần, tôi chưa bao giờ thắc mắc đâu là kinh thành của những triều vua này. Hình như cố đô Huế của những vị vua triều Nguyễn với những cung điện còn còn sừng sững đã che kín cái thắc mắc đáng lẽ đã phải có của học trò đang học về lịch sử nước mình.

Rồi lớn lên và để cả tuổi thanh niên cuốn theo cuộc chiến tranh tương tàn, tôi cũng quên bẵng đi cái cung đình của tiền nhân, không biết nó lưu lạc phương nào, được kiến trúc ra sao. Chỉ có một thời gian ngắn khi học về văn chương lúc mài đũng quần trên ghế trung học, tôi được học thuộc lòng bài thơ của thi sĩ có cái tên kỳ cục là Bà Huyện Thanh Quan và mới biết cái cố đô có tên là Thăng Long, nhưng lúc này đã điêu tàn, qua hai câu thơ buồn man mác của thi sĩ:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Lúc đó tôi cũng cảm với cái buồn của thi sĩ và đoán rằng cố đô đã tan hoang, còn lại chăng là cái nền đất đá nằm tĩnh lặng trong bóng chiều tàn. Hai câu thơ mà chắc ai cũng nghe qua đã để lại cho tôi cái tâm trạng của một dân tộc vì chiến tranh tàn phá liên tục nên không còn cái gì tồn tại với thời gian.

Theo lịch sử thì kinh thành Thăng Long đã được bắt đầu xây dựng từ năm 1010 trong vùng đất mà bây giờ là thành phố Hà Nội, và vua Lý…. Đã về ngự ở cung thành này vào tháng bẩy cùng năm. Và Thăng Long cũng đã là nơi nhiều triều vua dùng để cầm cân nẩy mực trị vì thiên hạ trên mấy trăm năm cho đến khi vua Gia Long nhà Nguyễn lên ngôi năm 1802, về Huế lập cung thành mới, bỏ mặc cho Thăng Long phơi sương cùng tuế nguyệt và từ đó cũng tàn tạ theo thời gian, chẳng ai trông nom hay giữ gìn. Nguyễn Du, cũng như bà Huyện Thanh Quan, khi đi sứ qua Thăng Long năm 1813 cũng cảm khái làm mấy câu thơ:

Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một ố cung

(Nhà lớn nghìn năm thành đường cái
Một mảnh tân thành mất cung xưa)

Câu thơ nói lên cái thay đổi theo thời gian của vật của đời của con người, hay cũng là cái vô thường của mọi vật, nhất là cái biểu tượng của lịch sử của những vị vua không phải từ triều Nguyễn.

Tôi không biết người Pháp, một dân tộc ưa chuộng những di tích lịch sử, khi đô hộ Việtnam trong 80 năm đã làm gì để bảo tồn những di sản lịch sử của dân Việt. Tôi nghĩ cũng không nhiều, và tôi cũng nghĩ rằng khi Cộng Sản chủ trương tiêu thổ kháng chiến, thì cái cung thành này lại bị đập phá tan hoang thêm nữa. Nhất là cộng thêm với cái chủ trương căm thù những giai cấp có quyền thế, có tài sản và kiến thức thì nhất định cái cung thành tiêu biểu cho sự tập trung quyền hành vào tay một số người, cha truyền con nối làm sao còn được bảo vệ và trùng tu. Đập hết, phá hết, giết hết những biểu hiệu của những gì không phải vô sản là chủ trương chính của CSVN trong những năm 1950, 1960, rồi cho đến khi CSVN nắm quyền cai trị miền Bắc trước năm 1975, và những năm hậu chiến, khi CSVN còn đang hăng say với chủ nghĩa CS trong nhũng năm 1980, 1990, cố đô Thăng Long đã không có giá trị gì trong lòng người CS.

Từ năm 2000, khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu mang về tiền bạc và quyền lợi cho đảng CSVN, và khi chủ nghĩa CS đã phải lùi bước trước luồng tiền tư bản thổi xoáy vào xã hội VN, từ đảng viên đến dân chúng, CSVN có chút thời gian và phương tiện để lục lọi lại những kho tàng của quá khứ, mà di tích của cố đô Thăng Long là một trong những kho tàng lịch sử mà CSVN khám phá ra năm 2003. Chúng ta hãy nghe một đoạn CSVN viết về cái khám phá này:

Trích: “…Phát lộ di tích Hoàng Thành năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong Thư chúc Tết năm Giáp Thân năm 2004, chủ tịch nước Trần Đức Lương có đoạn viết: “... tiến hành khảo cổ ở khu vực Ba Đình Hà Nội làm xuất lộ nhiều di tích lịch sử - văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Những thành tựu đó đang tiếp tục khích lệ, cổ vũ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta...” . Hết trích.

Tại sao TĐL lại cho sự khám phá này là “cổ vũ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta”. Một di tích lịch sử quan trọng của đất nước, nằm dưới sự quản trị của mình trên dưới 60 năm, từ 1945, mà mãi đến năm 2003 CSVN mới khám phá ra được cái di sản đã bị nát bét tan hoang rồi mà còn can đảm lên tiếng tự khen ngợi cái lòng tự hào của dân tộc. Tự hào cái gì, tôi vẫn không hiểu. Sự khám phá này, theo TĐL lại cổ vũ ý chí vươn lên của nhân dân ta. Ý chí vươn lên cái gì, tôi cũng không biết.

Trần Đức Lương cũng nói rằng Cố đô Thăng Long là cái di tích vô giá của dân tộc. Cũng cho là đúng đi vì đó là một phần lịch sử của dân tộc, của tiền nhân, và là cái gia sản của đất nước mà con dân phải có bổn phận giữ gìn, bảo vệ. Khám phá lúc này dù trễ vẫn còn hơn không và mặc dù những di vật được khai quật chỉ có thể được trưng bầy trong bảo tàng viện, còn những khu vực nơi kinh thành được xây cất, người ta chỉ còn tìm thấy được những cái nền, cái móng của những cung điện thời xưa.

Nhưng! Cái chữ nhưng này mới bộc lộ được khuôn mặt thật của CSVN, và nó sẽ chứng minh rằng CSVN đã không biết cái gì là di sản vô giá của dân tộc.

Nhưng, cũng trong năm 2000, khi CSVN bắt đầu khai quật gia sản quá khứ, thì CSVN lại làm một chuyện tầy trời, đó là bán đi hay nhượng một phần đất, phần biển lớn lao lên đến trên 20000 cây số vuông cho Trung cộng qua hiệp định ký với TC ngày 25/12/2000. Dân Việt Nam có nghe nói và có đọc công hàm của Phạn Văn Đồng năm 1958, công nhận chủ quyền của TC trên biển Đông ngoài hải phận VN, nhưng không hay biết gì về cái thỏa thuận năm 2000 này giữa CSVN và TC.

Ngoài ra, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc khi các nước liên quan phải nộp quan điểm của mình về vùng biển tranh chấp, CSVN có 10 năm để chuẩn bị hồ sơ (13 tháng 5, 1999 đến 13 tháng 5 năm 2009) nhưng mãi đến khi chỉ còn vài ngày nữa trong gia hạn 10 năm, ngày 7 tháng 5 năm 2009 CSVN mới nộp quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao CSVN lại để đến ngày thứ 3644 trong 3650 ngày mới công bố cho LHQ và dân chúng biết cái lập trường của mình. Theo sự phân tích của những chuyên viên về vấn đề biển Đông, CSVN làm như thế để dân VN phải chấp nhận một sự đã rồi, có ý kiến cũng đã muộn. Đồng thời CSVN lại giải thích quan niệm của mình theo tiêu chuẩn mới của LHQ nên đối với người dân thường, họ sẽ không nắm vững vấn đề, so với tiêu chuẩn cũ mà người dân quen thuộc. Chúng ta hãy đọc một phần bài viết của LS Nguyễn Thành, một điều hợp viên cho một Hội Luận Quốc Tế về Biển Đông do hội Nghiên Cứu Quốc Tế về Biển Dông tồ chức tại USA:

Trích: “…Ngày 7/5/2009, Hà Nội nộp Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa hồ sơ liên quan đến phía Bắc Biển Đông, tức liên quan đến Vịnh Bắc Việt và quần đảo Hoàng Sa. Tuy lời mở đầu hồ sơ này có nói Hoàng Sa và Trường Sa là của VN và nói tới việc "mở rộng" Thềm Lục Điạ VN ra ngoài 200 hải lý nhưng phần chính văn bản thì lờ đi không đề cập gì tới Hoàng Sa nữa và điều quan trọng là bản đồ kỹ thuật kèm theo hồ sơ thì đường ranh 200 hải lý đột ngột dừng lại ở vĩ độ 15 N khi vừa đụng tới nhóm đảo Hoàng Sa, với lý do vùng trên vĩ độ 15 N này đã "được giải quyết" giữa Hà Nội và Bắc Kinh.



"...Đến đây, xin được mượn lời của học giả Vũ Hữu San, chuyên về Biển Đông, để kết luận phần phân tích hai hồ sơ Hà Nội nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009: "Hà Nội đã lùi bước khi vẽ hải-đồ nộp LHQ. Dân chúng VN đừng bao giờ nghe chúng nói, hãy nhìn những gì chúng làm. Nếu xem hải-đồ do Hà Nội vẽ để nộp LHQ, chúng ta sẽ thấy: 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận Trung-quốc; VN chỉ còn 1 đảo độc nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa; 4/5 biển Trường Sa không còn trong hải phận VN; VN chỉ còn đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số hơn 100 đảo nổi, chìm của nhóm Trường Sa. Hà Nội đã công khai vẽ hải-đồ và chính thức nộp cho LHQ. Từ nay, Việt Nam cãi gì ngược lại về hải phận cũng không được. Hà Nội tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề Biển Đông và trong thời gian sắp tới, hai bên "cùng bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới biển. Khi đó, Trung Quốc sẽ dùng hải-đồ mà Việt Nam đã nộp LHQ để đàm phán thì số phận Hoàng Sa Trường Sa coi như xong!" Hết trích.

Đã nhượng đất đai của tổ quốc cho TC mà CSVN lại còn dám tuyên bố những câu như sau trong một trang Web chính thức của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch VN thì thật là đáng kết tội:

Trích: “…Một di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ chúng được cho đến hôm nay, vì thế chúng ta phải gánh vác trách nhiệm này tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau với nhiệm vụ cao cả là GÌN GIỮ BẢO TỒN MỘT DI SẢN VĂN HOÁ VÔ GIÁ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.: Hết trích.

Năm nay, CSVN đã tốn hàng ngàn tỷ để tổ chức mừng 1000 năm ngày vua nhà Lý dời đô về Thăng Long. Hãy bỏ qua đi những phí tổn mà đáng lẽ không nên tiêu phí, chúng ta nói đến cái ngày được chọn chính thức để kỷ niệm 1000 năm này. Trước đó CSVN đã có Nghị Định tổ chức vào ngày 28 tháng 10, 2010 sau đổi lại vào ngày 1 tháng 10, trùng với ngày quốc khánh của TC. Tại sao lại ngày quốc khánh của TC này thay vì trong tháng 7 khi vua Lý chính thức chọn và dời kinh đô về Thăng Long. Trong nước đã có bao nhiêu trí thức, nhà báo và nhân sĩ đặt câu hỏi này cho nhà cầm quyền CS chưa hay cả nước và trên 600 tờ báo đã ngậm miệng trước quyền lực.

CSVN đã đánh bóng quá mức cái kinh thành đã chỉ còn nền đất và những di vật sẽ nằm trong bảo tang viện, và trong lúc đó CSVN lại đã cho TC những cái tài sản đất đai vô giá mà đáng lẽ phải bảo vệ tới cùng, rồi lại còn chọn lại cái ngày kỷ niệm cho trùng với ngày quốc khánh của TC để thêm muối cho xót vào chỗ đau của dân tộc.

Có cái gì đáng để làm rùm beng lên. Một quốc gia có 4000 năm văn hiến nếu có những hoàng thành để vua quan trị vì đất nước thì cũng là điều bình thường, có gì đặc biệt hơn với những quốc gia có nền quân chủ như VN. Không còn được cái điện chính điện phụ, mà cái còn lại là những nền đất và hàng ngàn cổ vật chôn cất khắp nơi thì mới đáng xấu hổ chứ có gì mà hãnh diện. Chúng ta có gì để khoe với thế giới ngoài cái nền đất trong thành phố Hà Nội đầy bụi bậm và xe cộ, chưa kể những ngày mưa nền đất khó tránh khỏi ngập lụt. Khoe là Unesco đã công nhận Thăng Long là di sản văn hóa của thế giới rồi hàng năm cho CSVN tiền để giữ gìn tu bổ thì có gì mà khoe ầm làng nước. Con cháu đâu mà không đóng góp tiền của giữ gìn di sản của tổ tiên mình, phải nhờ đến người ngoài?

Theo tôi, những ngày lễ hội 1000 năm Thăng Long phải gọi là những ngày quốc nhục. Nhục vì CSVN khoe với thế giới chỉ là những cái nền đất của một kinh thành đáng lẽ ra phải còn nguyên vẹn. Nhục vì CSVN đã phải chọn ngày quốc khánh của TC để kỷ niệm một di sản của tổ tiên. Nhục vì người dân đã (bị) ngậm miệng không dám khóc vì mất chủ quyền biển Đông nhưng lại được đảng cho hưởng vui thú lễ lạc với những cái tàn dư của một kinh thành tàn phế. Và cái nhục lớn nhất là cái nhục CSVN không biết nhục là gì. Hay họ nghĩ rằng, có tiền và quyền lực trong tay thì không thể bị nhục.

SBL/TSL

Thư gởi bạn trẻ VN nhân ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Thư gởi bạn trẻ VN nhân ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Hôm nay là 28, chỉ còn 3 ngày nữa là là lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

NN VN đã chuẩn bị vài năm trước cho dịp lễ nây. Đây là lễ hội trọng đại quảng bá thành phố cho tất cả mọi người trên thế giới, ngày mà con cháu VN nên nhớ những công ơn các đời vua, tướng, binh sĩ đã đổ máu bảo vệ, hay chiếm lại Thăng Long từ ngoại bang, cũng là ngày ghi ơn những quan văn, những bậc trí thức đã có công lao xây dựng 1 nền văn hóa, đạo đức lâu đời.

Thăng Long xưa có Lý, Lê, Trần, Nguyễn, và những anh hùng áo vải chân đất đã dùng máu tô thắm non sông. Nơi đó có ấn tích những cuộc chiến huy hoàng, cũng như thảm sầu của các triều đại hậu Lý, Lê, Trần, Nguyễn. Những tướng Tàu đã bị chém, những giọt nước mắt của người lính Tàu được nhà vua thời Thăng Long ban phát cơm áo đưa tiễn về nước sum vầy với gia đình.

Thăng Long cũng là Hà nội, nơi đã có 1 hội kín Nguyễn An Ninh, 1 Phó đức Chính, 1 Cô Giang, v.v... cũng đã bỏ mình vì đại nghĩa dân tôc. Máu họ đã đổ để cho con cháu có 1đời sống đáng sống, để con cháu có thể ngẩng mặt làm người, và tự hào về cha ông chúng mỗi khi chúng tận hưởng những giá trị làm người.

Ngày 1/10 là ngày quốc khánh Trung Hoa, cũng ngày mở hội, đây có phải là sự trùng hợp vô tình, hay cố ý, thì câu trả lời chỉ có những vị lãnh đạo VN trả lời được thôi. Nhưng nếu là vô tình, thì các ông lãnh đạo có thể khai mạc sớm hay trễ vài ngày.

Ngày đó, các bạn trẻ sẽ có dịp thửng thưởng thức những đèn dây, hoa, những màn kịch, ca nhạc, vũ hội, v.v... để các bạn có thể tạm thời quên đi những khó khăn lầm than trong cuộc sống, và cũng để các bạn thư giãn, cùng nắm tay vui cười, và cũng có thể các bạn nhân đó bầy tỏ tình yêu nam nữ.

Các bạn có nghĩ là dịp lễ đó có đáng làm hoành tráng như thế không, khi đất nước vẫn còn nghèo, nhà nhà vẫn có người chạy gạo mỗi ngày, trẻ em đi học phải lội qua sông, và đi bộ xa hàng km để tới trường v.v....

Có thể các bạn sẽ nghĩ: người nghèo thời nào là không có, chính phủ đâu có thể lo hết cho dân, và chính phủ làm lễ nầy để mọi người có chút giải tri, như thế tốt rồi. Đúng là trên đất nước tôi đang ở vẫn có người nghèo, nhưng họ được chính phủ giúp đỡ mọi phuơng tiện để họ có thể vuơn lên, lo cho bản thân cùng gia đình. Số tiền đó lấy từ tiền thuế từ công dân, còn VN thì NN hoang phí tiền thuế của bạn vào những nhà máy, công ty, công trình v.v... không chân chính, và từ đó mầm mống tham nhũng, đục khoét của công bắt đầu.

"Thời thế tạo anh hùng", nhưng anh hùng vẫn có thể tạo thời thế. Tôi không muốn các bạn làm anh hùng, nhưng tôi chỉ mong các bạn hãy mạnh dạn cất tiếng nói, đòi hỏi công bằng, công lý cho đời sống hằng ngày của các bạn, gia đình, thân nhân cùng bạn bè, và cho cả những người bạn không quen biết.

Những Lê Thị Công Nhân, Phạm Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳng Duy Thức, Lê Công Định, v.v... họ từ bỏ con đường giầu sang, phú quý đi vào con đường tranh đấu cho bản thân họ, cho gia đình, cho dân Việt. Họ đã nhóm lên ngọn lửa dân tộc, lửa công lý, và tùy các bạn ngọn lửa đó có cháy sáng, và trường tồn.

Hãy thử nhìn lại quốc tế trong những ngày qua. Nhật bắt thuyền trưởng người Hoa, TQ đã mạnh dạn lên tiếng. Còn ngư phủ VN bị lính TQ cướp bóc, đánh đập, đòi tiền chuộc 1 cách trắng trợn, thì NN đã làm gì để bảo vệ mạng sống, cũng đời sống của ngư phủ cùng gia đình

Các bạn hãy tẩy chay dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, không tham dự, mà ở nhà giúp gia đình những việc nhỏ, đó cũng là hành động các bạn yêu nước, vì các bạn sẽ không xả rác, người phu quét đường sẽ không mệt mõi vì phải làm thêm, người ngoại quốc sẽ có mắt thiện cảm hơn về các bạn, v.v...

Còn như các bạn không bằng lòng tẩy chay, thì tôi xin chúc các bạn có những ngày vui mà quên đi sự an ninh tổ quốc, cũng như không thấy được nỗi nhục của chính mình.

Friday, September 24, 2010

Bô Xít – Những Tác Hại Nhiều Mặt cho Việt Nam

Kính quý độc giả, bài này là sự tổng kết trích ra từ nhiều bài viết khác của nhiều tác giả những tác hại do khai thác bô xít gây ra cho Việt Nam như về an ninh, người dân M’Nong thiểu số, và sự ô nhiễm môi trường. Hoàng Hoa



Thưa ông, trong khi tham dự hội thảo bàn về việc khai thác Bô-xít tại tỉnh Đắc Nông, theo ông thì ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường ra thì việc gì khiến ông quan tâm nhất?

-Đó là vấn đề đất đai vì khi khai thác quặng bô-xit thì phải phân bổ gần 2 phần 3 diện tích của tỉnh vì muốn khai thác thì phải phá hết rừng đi, sau đó thì đào khoảng 1 mét đến 1 mét rưỡi đất. Cái mà người ta gọi là kế hoạch sẽ hoàn thổ trở lại cho dân thì tôi cho là không khả thi.

-Là một người nghiên cứu Tây Nguyên trong nhiều năm, ông nhận thấy thế nào khi một số lớn người dân thiểu số phải thay đổi chỗ ở hiện nay vì yêu cầu di dân của dự án. Liệu những ảnh hưởng này có lớn lắm không?

-Về mặt dân tộc và văn hóa như vậy tất nhiên nó sẽ xáo trộn hoàn toàn đời sống của người dân thiểu số. Theo tôi thì suốt mấy chục năm qua chưa có nơi nào giải quyết tốt cho người dân tộc khi có bất cứ một dự án nào.

Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bauxite-Mining-Scheme-and-the-Concerns-about-Disturbances-in-ethnic-minorities-living-conditions-10292008142825.html?searchterm=None

Khi khai thác, họ có tính đến việc những cơn mưa ở đầu nguồn sẽ đổ xuống không? Họ có biết những cơn mưa lũ đầu nguồn sẽ gây ra những tai hại gì khi đống đất dở dang đang được bóc? Hay họ sẽ “vắt đất thay trời làm mưa, nghiêng ruộng đổ nước ra biển”? Có thể lắm, xưa nay họ vẫn chủ trương như vậy mà, nếu vậy kinh nghiêm “chông bão, chống lũ, chống lụt, chống …”chống cả trời đất bao nhiêu năm nay sẽ dạy họ thêm bài học nào nữa? Bao nhiêu người dân vô tội, của cải ruộng vườn, cơ nghiệp, .. sẽ chịu thiệt hại để trả giá cho bài học kiêu ngạo?

Làm sao để bóc tách được oxid nhôm ra khỏi quặng thô? Sẽ phải dùng bao nhiêu nước, bao nhiêu điện cho công việc này? Ngay đầu nguồn, nước bị tận dụng vào khai thác quặng, mạch nước ngầm cũng như không ngầm sẽ ra sao? Số phận của bao nhiêu gia đình miền xuôi cuối nguồn nước sẽ ra sao? Ngay bây giờ đã thiều nước sạch sinh hoạt, khai thác quặng ở đầu nguồn thì thiếu cái gì? Mấy ngày nay trời chưa khô điện đã thiếu, “mấy ông lớn”đổ lỗi cho nhau, chỉ người dân nghèo chịu … chết, các ông vẫn nằm phòng máy điều hòa không khí, vẫn ngồi xe máy lạnh và vẫn đổ bia đổ rượu để trầm mình trong các cuộc truy hoan “vì công vụ”!

Để bóc tách quặng có dùng hóa chất không? Các nhà chuyên môn bảo rằng có, mà là hóa chất cực độc, vậy thì những giòng hóa chất thải ra len lỏi đến tận đâu, có thấm vào thịt đất không? Có tràn vào các giòng sông giòng suối không? Ai bảo đảm rằng ngăn chặn được giòng chảy này? Ai bảo đàm rằng không thấm vào thịt đất? Ai bảo đảm được xin trả lời cho công luận. Công trình hầm Thủ Thiêm, hàng chục chuyên gia, bao nhiêu máy móc tối tân, những bài tính được xây dựng bằng những phương pháp hiện đại, chọn lựa vật liệu rất kỹ lưỡng, thử nghiệm thiết kế cấp phối trước khi thi công, xay đá cục lạnh trộn vào để chống tăng nhiệt, tính toán phụ gia, hàng trăm cán bộ giám sát, thi công thử nghiệm mô hình thu nhỏ, ... Thế mà 4 đốt hầm vượt sông Saigon sang Thủ Thiên bị … nứt thê thảm !

Source: (Tiếng Kêu Cứu của Núi Rừng LM Vĩnh Sang DCCT Mùa Chay 2009)



2. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên của TKV[1] về lâu dài, sẽ gây ra thảm họa về môi trường, sinh thái.

- Một là, các hồ chứa bùn đỏ ở Dak Nông và Lâm Đồng có thể an toàn trong khoảng 10 - 15 năm tới, ngoài 20 năm không ai có thể yên tâm. Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài nhiều tháng; có những trận mưa lớn kéo dài tới 5 -7 ngày, thậm chí đến 10 ngàỵ. Trong điều kiện đó các hồ chứa bùn đỏ trên cao nguyên rất có thể xảy ra sự cố (tràn hồ, lún sụt, vỡ đập, rạn nứt đáy hồ…).

- Hai là, nơi khai thác, chế biến Bauxite ở Dak Nông và Lâm Đồng nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Sê-rê-Pôk (chảy sang đất Campuchia và sông Mê Kông). Không ai có thể bảo đảm là khai thác, chế biến Bauxite sẽ không làm ô nhiễm (nhiễm bẩn, nhiễmđộc) nguồn nước của hai con sông này. Có khoảng 15 triệu người sử dụng nước của hệ thống sông Đồng Nai (nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất…). Tập đoàn TKV hoàn toàn không có khả năng (về tài chánh, công nghệ…) khắc phục, xử lý ô nhiểm đốivới sông Đồng Nai và sông Sê-rê-Pôk.

Chi phí để khắc phục thảm họa môi trường sẽ lên đến hàng chục tỷđôla, sẽ lớn hơn hàng chục lần lợi ích thu được từ khai thác, chế biến Bauxite.

1. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia.

Các đe dọa đối với an ninh quốc gia không diễn ra nhanh chóng và dễ nhận thấy như hiệu quả kinh tế và tai biến môi trường. An ninh quốc gia bị suy yếu nghiêm trọng do:

- Một là, dự án không có hiệu quả về kinh tế, thậm chí thua lỗ, từđó tác động lớn đến chính trị - xã hội của đất nước, dân mất lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

- Hai là, thảm họa về môi trường sinh thái sẽ tác động to lớn đến ổn định chính trị- xã hội. Hàng chục triệu người sẽ phải chịu hậu quả nặng nề về môi trường sống mà không thể khắc phục đư ợc trong thời gian ngắn.

- Ba là, Trung Quốc vào Tây Nguyên là họđã có điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện nay Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri[2] - sát biên giới tỉnh Dak Nông với thời gian 99 năm, và Trung Quốc đã làm chủ các dự án kinh tế lớn ở tỉnh A-Ta-Pu - tỉnh cực Nam của Lào, giáp với Việt Nam và Campuchia (tại ngã baĐông Dương).Đây là hậu họa khôn lườngđối với an ninh quốc gia.
Không rõ những người quyết định cho Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không?

(Thiếu tướng, PGS TS Lê Văn Cương

Viện Chiến lược và Khoa học Công an

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2009

http://www.scribd.com/doc/14603633/LeVanCuongBoxit)



Phản biện khoa học này, được nói là làm theo yêu cầu, nhận định rằng "đáng tiếc trong quá trình xây dựng quy hoạch, chúng ta đã thiếu một chiến lược tổng thể cho phát triển Tây Nguyên".

Khuyến cáo mà các nhà khoa học đưa ra trong văn bản là chính phủ nên thận trọng trong tiến hành các dự án bauxite, có thể bắt đầu bằng thí điểm, đánh giá kỹ lưỡng môi trường và chú trọng bảo đảm an ninh quốc phòng.

Source: Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009 'Giới khoa học sẽ đưa ra khuyến cáo 090403’



Có thể nói, tất cả góp ý về việc khai thác quặng mõ bauxite ở vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam là một việc làm hoàn toàn không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường cùng hiệu quả kinh tế của việc khai thác, cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là những người thiểu số. Tất cả đểu khuyến cáo là không hiệu quả kinh tế và mức độ ô nhiễm môi trường rất cao. Chính Trung Cộng bị buộc phải đóng cửa trên 100 nhà máy khai thác bauxite trong đó có một nhà máy vừa mới khánh thành tiêu tốn trên 1 tỷ Nhân dân tệ vì không giải quyết được áp lực của người dân và sức ép của luật môi trường.
….

Qua thời gian, qua mưa bão, bùn đỏ có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm và làm cho nguồn nước nầy bị ô nhiễm. Nên nhớ, nước ngầm là nguồn nước sinh hoạt của toàn thể cư dân vùng cao nguyên. Thứ nữa, bùn đỏ, đặc biệt là tại vùng Đắk Nông và Nhân Cơ, qua thời gian và mưa có thể di chuyển theo các rạch nước để đi vào song Serépôk và di chuyển xuống thượng nguồn sông Đồng Nai. Và như chúng ta đã biết, sông Đồng Nai là nguồn nước cung cấp cho toàn vùng Miền Đông Nam Việt và đặc biệt là thành phồ Sài Gòn.
Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước cung cấp cho 30 triệu cư dân bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm ảnh hưởng đến trên.
….

Để kết luận cho dự án khai thác bauxite, chúng ta có thể xác quyết là, dự án khai thác bauxite đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ và nguồn nước thật dồi dào, nước cũng bị ô nhiễm do bùn “đỏ” trôi theo đường nước đi vào sông Đồng Nai, nguồn nước chính dự trù cho việc khai thác nầy. Nguy hiểm nhất là bụi đỏ và bùn đỏ sẽ che phủ một diện tích vô cùng to lớn và hệ sinh thái chung quanh hoàn toàn bị hủy diệt, cùng vùng đất khai thác và vùng đất chứa bùn đỏ bị hoang hoá hoàn toàn. Do đó, có thể nói, tính khả thi của dự án không cao, nếu không nói là bất khả thi.

Source: Mai Thanh Truyết - Phát biểu tại Hội Thảo VAST 22-11-2009 Westminster Civic Center



Người M'Nong theo lời thầy giáo Y Long chiếm gần 40%[3] dân số Đắk Nông (tổng số dân trong tỉnh khoảng 500.000 người) và sống trên 90% diện tích đất đai của tỉnh.

"Dân đang lo lắng cái nguồn lợi chính để người dân địa phương được hưởng lợi từ khai thác đấy thì cũng không mặn mà lắm, không đồng tình lắm, tốt nhất không nên làm là tốt nhất.

''Ngay hiện nay tuyển công nhân để khai thác cái quặng đó mà người dân địa phương hình như không được đào tạo. Đào tạo kỹ sư rồi đào tạo chuẩn bị nhân lực cho khai thác quặng thì người địa phương bản địa không hề biết gì hết.''

Source: 14:16 - 06 2009 - 16 1387 Người M’Nong nói về dự án Bô xít



(Bìa) bản báo cáo của Phóng viên Không biên giới ngày 03/06/2010 tố cáo Việt Nam ngăn chặn thông tin về tác hại của việc khai thác bauxite.

Ngày 03/06/2010, tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Sans Frontières), trụ sở tại Paris công bố bản báo cáo: «Những cuộc điều tra nhiều hiểm nguy: Nạn phá rừng và các vụ ô nhiễm». Bản báo cáo lên án những hành động sách nhiễu, bắt bớ ngày càng nhiều trên thế giới nhắm vào các phóng viên điều tra về những vụ phá hoại môi trường. Trong phần nói về Việt Nam, bản báo cáo mô tả cách thức mà chính quyền Hà Nội tìm cách bóp nghẹt mọi tranh luận về tác hại của các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do một công ty Trung Quốc thực hiện.

Source: Phóng viên Không biên giới ngày 03/06/2010

Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội mới đây nêu lên quan điểm của mình qua trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Quang A với Nhã Trân.

Ts Nguyễn Quang A: Chúng tôi tin rằng khai thác một vùng quan trọng như vùng Tây Nguyên thì phải tính đến độ bền vững của sự phát triển. Và, khai thác bauxite trong thời điểm này không có lợi. Xét về mọi khía cạnh thì dự án này là một dự án không tốt. Xét về mặt môi trường, dự án này có thể gây ô nhiễm môi trường rất là nặng nề. Xét về mặt kinh tế thì dự án này không có lợi, không có hiệu quả kinh tế.

Xét về mặt môi trường, dự án này có thể gây ô nhiễm môi trường rất là nặng nề. Xét về mặt kinh tế thì dự án này không có lợi, không có hiệu quả kinh tế.

TS.Nguyễn Quang A

Nhã Trân: Thưa Ts, Viện Nghiên cứu Phát triển đã dựa trên những cơ sở nào mà có kết luận như vậy về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên?

Ts Nguyễn Quang A: Chúng tôi tuy không nghiên cứu chi tiết dự án này nhưng các nhà nghiên cứu của IDS bằng cách này hoặc cách kia có tham gia vào khảo sát, nhất là anh Nguyễn Trung và anh Nguyên Ngọc.

Nhã Trân: Vâng. Trước hết Ts có thể cho biết ý kiến của Viện Nghiên cứu Phát triển về những tác hại đến môi trường trong việc khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên?

Ts Nguyễn Quang A: Nói đến vấn đề môi trường thì khai thác bauxite ảnh hưởng đến môi trường vùng đó, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vùng đó. Đầu tiên là vấn đề nguồn nước. Bản thân nước ở Tây Nguyên vốn lâu nay không phải là nhiều. Thế mà bây giờ lại lấy nguồn nước đó để mà khai thác bauxite !

Và một điều hết sức quan trọng là, đó là thượng nguồn, và là thượng nguồn của nhiều con sông. Sự ô nhiễm môi trường của con sông ở vùng đó như vậy sẽ lan xuống các vùng quan trọng khác như là miền Trung, Đồng Nai, rồi miền Đông Nam Bộ.

Bản thân nước ở Tây Nguyên vốn lâu nay không phải là nhiều. Thế mà bây giờ lại lấy nguồn nước đó để mà khai thác bauxite ! Và một điều hết sức quan trọng là, đó là thượng nguồn, và là thượng nguồn của nhiều con sông. Sự ô nhiễm môi trường của con sông ở vùng đó như vậy sẽ lan xuống các vùng quan trọng khác như là miền Trung, Đồng Nai, rồi miền Đông Nam Bộ.

TS.Nguyễn Quang A

Đó là vấn đề về nước. Rồi tới vấn vấn đền bùn đỏ. Vấn đề bùn đỏ thì xử lý như thế nào? Theo chúng tôi biết thì cái cách xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên là một công nghệ môi sinh không phải là tốt. Chất thải của bùn đỏ có thể gây nhiều ô nhiễm môi trường. Rồi vùng Tây Nguyên có một mùa khô và một mùa mưa. Trong thời gian mùa khô thì chất thải đó có thể gây ô nhiễm rất là lớn. Và nếu mà không xử lý tốt thì cái bùn đỏ này có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường.

….

Báo cáo cho biết, sự có mặt của công nhân Trung Quốc “ảnh hưởng nặng nề công ăn việc làm của cư dân tại chỗ.” Và “cũng không thể quản lý được hoạt động của công nhân Trung Quốc vào làm việc theo visa du lịch ở đó, là điều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh địa phương.” Và một trong bốn kiến nghị mà báo cáo của VUSTA đưa ra là phải xem an ninh quốc gia như là một tiêu chí quan trọng nhất cần phải tôn trọng.

Source: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội

Trong lá thư đề ngày 29.3, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được nhà nước công nhận nói "nguy cơ mất nước bắt đầu" từ chủ trương cho nhà thầu Trung Quốc đưa hàng ngàn công nhân vào cao nguyên trung phần.

Lá thư kêu gọi người Việt trong ngoài nước "tỏ thái độ trước nguy cơ hủy hoại mầu xanh Tây Nguyên và đời sống của người Việt cũng như hàng chục dân tộc ít người".

Hòa thượng cũng kêu gọi người Việt ở nước ngoài "khẩn cấp báo động công luận thế giới về đại nạn sinh thái Tây Nguyên, và nguy cơ nối giáo Bắc Kinh trấn đóng yết hầu chiến lược vùng ba biên giới".

Nhiều nhà khoa học và trí thức Việt Nam trước đó đã phê phán chủ trương của chính phủ cho phép Trung Quốc tham gia dự án bauxite, chủ yếu do lo ngại về môi trường và an ninh.

(Nhưng) những người chỉ trích như Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lan, lại cho rằng dự án như đang triển khai "sẽ (1) hủy hoại môi trường đồng thời làm biến đổi khí hậu toàn bộ vùng này và chung quanh, (2) thu hẹp vùng dân cư sinh sống, (3) gây phương hại cho an ninh của đất nước".

Viết trên BBC mới đây, nhà báo Lê Phú Khải ở TP. HCM nói: "Nếu một đường lối, chủ trương lớn của Đảng mà từ Đại tướng đại công thần của chế độ như Võ Nguyên Giáp đến người dân bình thường lại không đồng thuận thì dù có một ngàn lần đưa sự lãnh đạo của Đảng vào điều 4 Hiến pháp cũng vô nghĩa!"

Source: Hòa thượng bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ ra lời kêu gọi "bất tuân dân sự" từ TP. HCM để phản đối chính sách khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên. BBC



Khu vực công trường bao quanh bởi những cánh rừng thông đang bị chặt phá, gần đó có một đầm nước. Theo quy hoạch, vùng đầm nước này sẽ được cải tạo thành hồ chứa bùn đỏ. Không cần phải có con mắt chuyên môn, có thể dễ dàng nhận thấy vùng đầm nước này quá nhỏ bé để có thể chứa hết được khối lượng bùn đỏ khổng lồ sắp sửa thải ra.
….
Anh còn cho biết thêm, công nhân Trung Quốc ở đây khoảng 1.500 người, trong đó có nhiều người từng là lính giải ngũ, chưa kể hàng trăm chuyên gia thường xuyên ra vào. Sắp tới sẽ có thêm một đợt công nhân nữa kéo sang với số lượng khá đông...

Nghe đến đây bất giác tôi cảm thấy bất nhẫn. Sự khó chịu trào dâng với những gì xảy ra trước mặt, đúng là không thể hiểu được việc họ khai thác bauxite sẽ mang đến lợi ích cho ai. Tôi miên man nghĩ đến một viễn cảnh đáng sợ, đó là khi mảnh đất cao nguyên đang bắt đầu bị người Trung Quốc cắm rễ mang theo thứ văn hóa ô hợp, việc khai thác Bauxite sẽ làm đất canh tác ngày càng thu hẹp, khi đất đai trở nên khô cằn, nguồn nước ô nhiễm... Phải chăng trong tương lai, Tây Nguyên phải chứng kiến những đứa con rứt ruột bỏ đi "tị nạn môi trường", hay Tây Nguyên sẽ bị giày xéo bởi một cuộc đại di dân ồ ạt từ Bắc Phương ?

Mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân địa phương và người Trung Quốc chưa thực sự bùng phát, nhưng khả năng tiềm ẩn một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra nếu tình trạng di dân ào ạt này tiếp diễn. Ấy là khi dân địa phương hiểu ra rằng việc khai thác Bauxite sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, trái lại còn làm cuộc sống hỗn tạp, đất canh tác thì mất dần. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, khai thác Bauxite chỉ làm kiệt quệ đất đai, ô nhiễm môi sinh, gia tăng đói nghèo, kéo theo sự lầm than của cư dân địa phương mà thôi. Thêm vào đó, phải chứng kiến những người TQ khai thác tài nguyên trên mảnh đất của mình, trong khi bản thân bị mất công ăn việc làm, liệu họ có dễ dàng chấp nhận ?



Người dân nơi đây tuy chưa hiểu rõ về tác hại của Bauxite, nhưng trước mắt, họ tỏ ra rất khó chịu và bực tức về cuộc "đổ bộ" của những. ..."thằng Tàu" quái đản. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe kể những câu chuyện dở khóc, dở cười xung quanh thói keo kiệt của những anh Tàu ba phải. Cuộc sống đang bình yên bỗng bị xáo trộn, bởi bao nhiêu rắc rối, phiền hà của các dự án với "đội ngũ quân Tàu xâm nhập". Mới chân ướt chân ráo qua VN, vậy mà trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã xảy ra khá nhiều vụ xô xát, quậy phá của các nhóm công nhân TQ với người dân địa phương. Tình hình an ninh ngày càng trở nên phức tạp, công an có đến giải quyết cũng chỉ giỏi đe nẹt dân mình, còn với người TQ thì họ chỉ làm qua loa cho có lệ rồi về. Đó là, chưa kể những vụ "cuộc tình dị chủng" làm một số cô gái Việt mang bầu, đẻ con...

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi ghé vào thăm một cụ già được coi là "thổ địa" ở đây, vì cụ đã sống ở mảnh đất này gần 50 năm. Trong căn bếp xiêu vẹo, ngọn lửa cháy leo lét, cụ hướng cái nhìn xa xăm về những cánh rừng thông thưa thớt và thở dài: "Mới có một năm mà đổi thay nhanh quá, chẳng còn nhận ra Tân Rai nữa. Rừng bị chặt phá, suối cũng bị ô nhiễm. Thanh niên trai tráng không có việc làm, bỏ đi hết cả, những đứa ở lại thì buồn chán sinh ra lắm tệ nạn. Bây giờ lại thêm thằng Tàu kéo vào, mang văn hóa của nó đến cắm rễ, còn văn hóa của người dân tộc mình ngày càng mất dần".

Cơn ho sù sụ kéo dài, đôi mắt nhăn nheo của cụ đượm buồn. Không gian căn bếp trở nên im ắng, lặng lẽ. "Cô cậu ở Thành phố có điều kiện, chắc biết rõ hơn tôi. Cái bô-xit này tai hại lắm, nó giết đất, giết người từ từ. Nó giết cả thế hệ con cháu mình. Tôi già rồi, nhưng lo lắm. Lo nhất là thằng Tàu nó đổ người vào đất Tân Rai này làm loạn, mà sắp loạn thật rồi, nó vào đông quá, không ai quản lý được..."
(Tuyên Bố và Sự Thật Bô Xít – Nhóm Phóng viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự do)



Đón xem bài tới “Bô Xít - Những Con Số Mang Ý Nghĩa Chính Trị”


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Than Khoáng sản Việt Nam

[2] Mondul Kiri (Hoàng Hoa)

[3] Thực sự dân số người M’Nong khoảng 90.000 so với tổng số dân DakNong là 492.000 người

THƯ HÀ NỘI (Ngày 15-08-2010)

Hànội: Ngày 15-08-2010


Bất cứ Người Việt Nam nào thường xuyên theo dõi hiện tình đất nước thì đều nhận thấy rất rõ rằng lòng dân trên khắp mọi miền đất nước đã quá chán ngán, căm phẫn đa số các cán bộ của Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam đương quyền. Bất cứ cương vị cán bộ nào từ thôn, ấp, xã, phường, huyện, tỉnh, trung ương đang ngày đêm vơ vét, ăn quỵt, cướp bóc, hoành hành làm điêu đứng cả xã hội, nhân quyền và tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng, cộng đồng dân tộc bị chia rẽ sâu sắc. Thậm chí, những người dân càng hiền lành, chất phát, lao động chân chính bao nhiêu thì lại càng bị những kẻ thống trị trấn áp, cướp giật nhà cửa đất đai, bị đẩy đến tận cùng của sự nghèo đói, oan khuất và ly tán.


Xã hội gần như là rơi vào tình trạng vô chính phủ, từ trung ương tập quyền tới địa phương cát cứ, quốc nạn tham nhũng tràn lan, tính dối trá và sợ hãi sự thật bao trùm lên cả nước. Tinh thần quốc gia dân tộc bạc nhược. Người dân sống ở đâu cũng lo sợ nhân tai, nhân họa đến từ các Cơ quan công quyền, đi đâu cũng phải lo tiền đút lót, hối lộ cho nhân viên từ hộ lý, y tá, bác sỹ trong bệnh viện đến giáo viên trong trường học, hay các ngành, các cấp, các cơ quan dịch vụ, truyền thông, công quyền. Cả dân tộc đang phải sinh tồn trong bất ổn trước sự lộng hành của lưc lượng công an, an ninh, mật vụ. Và, chưa biết bao giờ nhìn thấy được ánh sáng tương lai tốt đẹp thật sự.


Sự mua bán chức, quyền, bằng, cấp gần như công khai. Nếu muốn mua chức Cục trưởng, Vụ trưởng, Sư đoàn trưởng hay muốn được phong cấp tướng phải mất vài tỷ đồng. Chạy chức thứ trưởng phải mất 5-7 tỷ đồng. Chức Bộ trưởng phải tính tiền triệu đô la Mỹ. Dư luận ở Hà Nội biết rõ việc Ông Lê Thế Thảo chạy chức Chủ Tịch UBND Thành phố Hà Nội mất hơn 30 tỷ đồng. Rồi chuyện các Lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN có nhiều triệu đô la Mỹ. Mỗi ủy viên trung ương Đảng CSVN hàng năm cũng vơ vét được vài chục triệu đô la Mỹ là chuyện thường. Cái danh sách tên 300 vị có chức, quyền của đảng và nhà nước CHXHCNVN đã và đang có hàng trăm triệu đôla đến hơn vài tỷ đô la Mỹ mà rất nhiều người đều biết được loan tải trên mạng internet lâu nay. Rồi chuyện Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn có hơn 50 cái Vi-la khắp cả nước, có con riêng 7-8 tuổi. Và mấy ông Bộ trưởng về hưu khác cũng có con riêng nhưng báo chí cấm được viết về những hiện tượng này. Rồi chuyện ông Trịnh Trọng Quyền - Cựu bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa lập Công ty riêng cho con trai để tham gia các thầu xây dựng đường sá trong tỉnh và luôn thắng thầu (theo tin từ Cán bộ đảng viên cao cấp của ĐCSVN). Sau đó bán lại thầu ngay tức khắc lấy 5% tổng giá trị gói thầu. Rồi chuyện lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên cho con mua lại nhà máy thép cũ như là cướp luôn cả nhà máy để bán sắt vụn kiếm tiền. Chuyện Thượng tướng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, UV TƯ ĐCSVN Nguyễn Huy Hiệu bị một phụ nữ đưa con đến Cơ quan Bộ Quốc Phòng đòi ông Hiệu nhận là con đẻ.


Trong nhiều năm qua, công luận Việt Nam lưu truyền sự kiện ông Đỗ Mười nhận 1 triệu USD hối lộ của một Công ty Hàn Quốc. Chuyện ông Lê Đức Anh bị xuất huyết não và nhà cầm quyền Bắc Kinh cử một phái đoàn bác sỹ đặc biệt sang cứu sống. Từ đó ông Lê Đức Anh mang nặng thâm ơn CS Trung Quốc. Hàng năm Trung Quốc vẫn cử một đoàn cán bộ y tế sang kiểm tra, bồi dưỡng sức khỏe cho ông Lê Đức Anh để bằng mọi giá giúp ông Lê Đức Anh sống lâu hơn. Đây là hành động thể hiện “Thiên Triều” bảo dưỡng một “tên Thái Thú - Chư Hầu”.

Chính ông Lê Đức Anh là người quyết định toàn bộ quá trình bình thường hóa quan hệ giữa ĐCSVN với ĐCSTQ, nó hoàn toàn bất thường tới mức: Lãnh đạo ĐCSVN phải xin ý kiến Bắc Kinh và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán ... Đây là bằng chứng rõ ràng Lãnh đạo ĐCS Việt Nam chịu làm Chư hầu, Thái thú, đàn em, làm một tỉnh của TQ hay TQ bảo gì phải nghe nấy. Theo các vị Lão thành cách mạng từng lãnh đạo, cấp trên của ông Lê Đức Anh như ông Phạm Văn Xô (Cựu phó ban Tổ chức TƯ ĐCSVN), Đồng Văn Cống (Cựu phó Tổng Thanh tra QĐNDVN) và Nguyễn Văn Thi (Cựu chủ nhiệm hậu cần Bộ tư lệnh Miền Nam) thì ông Lê Đức Anh đã khai man lý lịch cá nhân và khai man tư cách Đảng viên đảng CS: “Lê Đức Anh không phải là công nhân cao su như tự khai mà là người giúp việc thân cận cho chủ đồn điền De Lalant-một sỹ quan phòng nhì của Pháp. Ông Lê Đức Anh chưa bao giờ được kết nạp vào ĐCSVN”, ấy thế mà tự khai là Đảng viên ĐCSVN từ trước năm 1940, nay đã hơn 70 năm tuổi đảng.

Ông Lê Đức Anh, ông Đỗ Mười và Nguyễn Chí Vịnh cũng đã từng cùng dựng ra vụ Sáu Sứ-Năm Châu để vu khống Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Trà cùng với tay chân định lật đổ Bộ Chính Trị và chính quyền trong dịp Đại hội 7 ĐCSVN, năm 1991. Còn vụ T4 thì ba ông trên đã dựng chuyện quy kết Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, TT Võ Văn Kiệt, TT Phan Văn Khải, CT QH Nguyễn Văn An, bà Võ Thị Thắng,,, là tay sai của tình báo CIA-Mỹ nhằm mục đích triệt hạ uy tín các đối thủ để xây dựng Phe thân CS Trung Quốc, làm tay sai cho Bắc Kinh. Thời kỳ ông Lê Đức Thọ còn sống mỗi khi ông Lê Đức Anh là đệ tử ruột được truyền ngôi đến thăm và đi ra khỏi nhà ông Thọ đều phải đi thụt lùi không dám quay lưng vào nhà ông Lê Đức Thọ. Có ý kiến, nhận định rằng hầu như 100% các sỹ quan quân đội cao cấp của CHXHCN Việt Nam hiện nay đều rất căm ghét „cha con“ ông Lê Đức Anh - Nguyễn Chí Vịnh (con nuôi). Nhưng, hầu hết các cấp tướng lĩnh lại rất quý trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của QĐNDVN. Nhiều nhân sỹ, trí thức, các cựu cán bộ cao cấp của ĐCSVN và nhân dân khắp nơi phải lên tiếng, thậm chí kêu gọi “lật đổ, đảo chính quân sự” thì mới đây Lãnh đạo ĐCSVN đã phải mời Mỹ và Nga vào hợp tác với ASEAN. Ngay lập tức cách đây vài tuần trên Vietnamnet ông Lê Đức Anh có bài viết có nội dung rằng Ông là người đầu tiên bảo trợ cho quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ từ những năm 1986 qua việc cứu giúp một ông Bác Sỹ. Chuyện này có thật hay không?


Chuyện con dâu ông Lê Đức Anh là bà Nguyễn Thị Doan cũng nhờ cậy thế thần của bố chồng hiện nắm giữ chức Phó Chủ tịch nước. Qua những chứng cứ trên cho thấy rằng ông Lê Đức Anh là trụ cột cho quan hệ CS Việt Nam - CS Trung Quốc sau năm 1991. Ông Lê Đức Anh, một con người gian trá, xảo quyệt, vu khống dựng chuyện nói xấu các Đại Công Thần thời Cách mạng tháng 8 còn sống đồng thời đẩy đất nước vào tình trạng bị Trung Quốc thôn tính toàn diện, một người hoàn toàn không có tư tưởng triết lý, lý luận gì, mà chỉ có ít mưu mô quỷ quyệt. Hiện tại đất nước ta vẫn nghèo đói, chậm tiến mọi mặt. Hệ thống chính trị độc tài, tham nhũng thối nát
�» Ÿ khắp mọi nơi. Lê Đức Anh đã sống và làm việc chỉ vì lợi ích cho cá nhân và chính con cháu ông ấy, chứ hoàn toàn không vì đất nước, vì dân tộc gì cả. Nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận một “Nhà chính trị” độc ác và tàn bạo, xấu xa như vậy được. Phe đảng của ông Lê Đức Anh - Đỗ Mười thực sự đã hết thời, cần phải chấm dứt một hệ thống cai trị cổ hủ, độc quyền trên đất nước Việt Nam một cách sớm nhất!


Ông Nông Đức Mạnh có một khu trang trại rộng lớn ở tỉnh Thái Nguyên. Ông Mạnh thường xuyên đuổi vợ về quê, hàng ngày ông Mạnh sống ở Villa tại Hồ Tây có diện tích 500 m2, có „gái chân dài“ vào phục dịch hàng ngày (nguồn tin khá tin cậy cung cấp rằng Tổng Cục II bảo kê 100%). Bên cạnh có khu Villa của em ruột cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tất Trung có diện tích là 150m2. Cộng Sản Bắc Kinh khẳng định rằng ông Nông Đức Mạnh đã tự nhận mình là người dân tộc Choang của Trung Quốc. Trong nhiều chỉ thị của lãnh đạo đảng, ông Nông Đức Mạnh nêu v/đ “đất rừng VN chưa dùng đến thì để cho người khác thuê cũng được chứ sao?”. Hầu hết các trí thức và người dân Việt Nam ai cũng phê phán và chán ghét ông Mạnh. (Một tiến sỹ, cựu giảng viên ĐHBKHN và ĐH Mỏ Địa chất, nguyên thành viên Ban hiến kế cho Bộ chính trị nói: Ông Nông Đức Mạnh trí tuệ kém lắm, suy nghĩ và nói năng không có một chút lô-gíc nào cả.
Ý kiến của một anh nông dân, lái xe ở Nghi Lộc, Nghệ An nói: Ông Nông Đức Mạnh đầu óc tối tăm, không có sáng kiến gì, không làm được gì cho dân, cho nước. Các Cụ Lão thành thì khẳng định “ Nông Đức Mạnh đã ngả hẳn vào lòng Trung Quốc rồi”) . Ông Nông Đức Mạnh đã câu kết chặt chẽ cùng với Nguyễn Chí Vịnh là hai nhân vật quyết định cho TQ vào Tây Nguyên khai thác Bauxite nhôm tạo nên một „cửa ngõ” thuận lợi và,hợp pháp“ để cho CS Trung Quốc tiến hành xâm lược và thôn tính nước ta. Đây là một trọng tội không thể tha thứ được! Con trai ông Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn sinh năm 1963, đã đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức mà khi trở về VN lại làm đến chức Chủ tịch Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, để dọn đường chuẩn bị vào Bộ chính trị Trung Ương ĐCSVN, rồi kế tục ông Mạnh chăng? Mấy ngày vừa qua hàng chục nghìn người dân Bắc Giang biểu tình đòi giải quyết vụ một thanh niên bị CA đánh chết và chứng kiến Nông Đức Tuấn, Bí thư Tỉnh Ủy Bắc Giang vẫn đưa 2 đầu bếp từ Hà Nội về để nấu món thịt cừu, ăn nhậu phả phê, thiết đãi bạn bè thì thử hỏi ý thức và trí tuệ của một “chính trị gia” vì nhân dân ở chỗ nào? Vậy Phe cánh của cha, con ông Nông Đức Mạnh có xứng đáng là những “chính trị gia” và lãnh đạo đất nước có hơn 4000 năm văn hiến hay không?

Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội, là một “Lý thuyết gia” của ĐCSVN, một tiến sỹ triết học Mác-Lê-Mao nhưng nói năng không có một chút triết lý hay lý luận gì. Một Nhà chính trị phải có tư tưởng riêng, lý luận riêng, chính kiến riêng, có chí khí, có lòng dũng cảm, có nhiều sáng kiến, có tư duy lô-gíc và sâu sắc, có ý thức luôn giữ cho mình trong sạch nhất có thể và phải đạt quyền lợi của đất nước và dân tộc mình lên trên hết. Nhưng, thực tế thì ông Nguyễn Phú Trọng không làm được gì cả, ông chưa thể hiện được giá trị gì cho đất nước. Ông Nguyễn Phú Trọng còn công khai ủng hộ cho Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bauxite nhôm, ý kiến vô trách nhiệm của ông Trọng:
Quyết „Ngăn cản không cho QHVN bàn về dự án bauxite,…và lừa rối rằng: “Dự án Bauxite có vốn đầu tư chỉ dưới 600 triệu USD”. Vậy thử hỏi ông Nguyễn Phú Trọng vì quyền lợi của đất nước và quyền lợi của dân tộc ở chỗ nào? Ông và ông Phạm Quang Nghị cũng là hai người được cử sang Trung Quốc thực tập làm Tổng bí thư của ĐCSVN khóa này. Đây rõ ràng là để bằng chứng làm tay sai cho Trung Quốc, chịu thua Trung Quốc, Trung Quốc can thiệp vào nội bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nếu hai Ông ấy là những Chính trị gia tài giỏi thì không bao giờ chấp nhận sang TQ thực tập để làm Tổng Bí Thư giả tưởng - đó là hành động nhục nhã, cúi đầu quy phục Trung Quốc! Trong dịp ĐH ĐCSVN năm 2006 ông Giả Khánh Lâm là Ủy viên BCT, CT QH Trung Quốc còn sang Hà Nội đặt một „ Bộ chỉ huy“ để theo dõi và chỉ đạo ĐH của ĐCSVN (theo tin của cán bộ cao cấp của ĐCSVN). Hiện nay còn có tin BCT ĐCSVN phải báo cáo tình hình nhân sự từ cấp tỉnh hay các cấp bí thư từ cấp quận, huyện đều phải sang Trung Quốc tập huấn chính trị. Ở các tỉnh Biên giới giáp với TQ thì phải báo cáo nhân sự từ cấp huyện trở lên đối với những huyện giáp biên giới với TQ. Vậy Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN đã hoàn toàn là bù nhìn!

Ông Nguyễn Tấn Dũng nguyên là một viên cứu thương trong một đơn vị địa phương quân ở chiến khu Cà Mau. Khi còn là một người lính, với tin đồn khá chính xác là con của một Đồng chí của ông Võ Văn Kiệt (nhưng cũng có tin là con rơi của cựu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Ông Nguyễn Tấn Dũng nguyên trình độ chưa học hết cấp I, sau năm 1975, học tại chức mà đỗ đạt tới cử nhân luật (không rõ từ năm nào đến năm nào, ở trường nào, ai là thầy dạy?), ông ta tự khai, thân thể mang tới 32 vết thương. Một người bạn của ông Dũng nay làm quan lớn ở tỉnh Thanh Hóa nói rằng ngày trước phải luôn giúp làm hộ bài, chép bài thế cho ông Dũng vì ông Dũng không biết gì cả. Vậy một Chính trị gia lại học dốt, để cho bạn chép bài hộ à? Nhân dân Việt Nam chưa nghe thấy ông Dũng không có tư duy riêng, cũng chẳng có lý luận gì hết. Ông chưa nói được câu nào chúng ta thấy có giá trị, thấy có lô-gíc, hoàn toàn không có tố chất chính trị gì cả. Ông lại là một người ba phải. Khi ông Võ Văn Kiệt còn sống thì ông Dũng có chỗ dựa nên còn dám chống lại Phe tay sai Trung Quốc của ông Nông Đức Mạnh. Khi ông Kiệt chết thì ông Dũng ngả hẳn theo Phe ông Nông Đức Mạnh + Nguyễn Chí Vịnh. Gần đây, ông Dũng đi ký hợp tác làm ăn với mấy địa phương trực thuộc mấy tỉnh của Trung Quốc. Rõ ràng là hành động của “một chính trị gia rừng tràm U Minh hạ”. Đất nước ta, dân tộc ta chỉ ngang hàng với một địa phương, một tỉnh của Trung Quốc hay sao? Làm như vậy TQ sẽ „phỉ nhổ“ và mặt ông Dũng - Thủ tướng CHXHCN Việt Nam . TQ chỉ xem Việt Nam như một tỉnh, một địa phương nhỏ của họ, sẽ vô cùng thiệt hại, tai hại cho các ngành, nghề giao thương, hàng hoá Việt Nam ”. Đây là một hành động thiển cận phục vụ ý đồ thôn tính nước ta của TQ. Ông Dũng lại cho xây dựng nhà thờ họ ở quê tốn tới 40 tỷ VNĐ, trong khi dân chúng đói khổ và thiếu việc làm khắp nơi, trẻ em thiếu trường, lớp học, bệnh nhân không gường nằm, người ốm đau thiếu thuốc men, dân chúng sinh sống không điện, nước. Trong nội bộ cơ quan Trung ương loan tin rằng “Doanh nghiệp nào muốn ông Dũng đến thăm thì phải chi 1, vài trăm triệu đồng cho ông Dũng và cho trợ lý của ông Dũng cũng phải 50 triệu đồng là ít”. Nghe tin con ông Dũng ở Tây Nguyên hay đứa ở lấy chồng ở Mỹ đang sống như đế vương vậy. Các quan sếp tỉnh hay cac cơ, ngành… làm gì cũng phải chạy đến hỏi con ông Dũng. Và, mỗi lần hỏi, cậy nhờ là phải có „bao thư xanh“.

Dũng vẫn tưởng trò ranh ma hơn người là gả con gái cho con của sĩ quan VNCH "kẻ thù không đội trời chung với CS“ đã vượt biên hiện đang cư ngụ ở Hoa Kỳ để làm phương tiện hay cứu cánh cho hành động ăn cướp và bỏ chạy khi lâm nguy. Nhà chính trị phải chứng tỏ mình thông minh, tài trí, cao siêu, cao thượng để nhân dân và thế giới nể phục, chứ như ông Dũng thì không ai có thể nể trọng được.


Ông Phùng Quang Thanh nghe tin đồn thổi là con cháu mấy đời của ông Phùng Khắc Khoan, cũng như các vị Ủy viên BCT ĐCSVN khác chẳng có gì đặc biệt. Từ lúc 17-18 tuổi vào bộ đội làm lính binh nhì thì làm sao có thể trở thành một chính trị gia giỏi được? Ông Thanh cho TGĐ Công ty xăng dầu Quân đội bán xăng dầu dự trữ quốc phòng để kiếm chênh lệch bỏ túi hàng trăm tỷ đồng, để khi quân đội cần xăng diễn tập thì không có mà dùng. Ông Thanh còn nhận hối lộ của một Tỉnh đội trưởng hàng tỷ đồng để được phong lên cấp tướng. Trong dịp đi thăm Trung Quốc vừa rồi Báo QĐND viết: “Đồng chí Phùng Quang Thanh lên báo cáo Đồng Chí Từ Huy Hậu”. Ông Từ Huy Hậu chỉ là một viên tướng của Trung Quốc, phó chủ tịch quân ủy TQ, ngang hàng với Thứ trưởng Bộ QP Trung Quốc mà ông Thanh là Bộ trưởng BQP Việt Nam lại phải đến “báo cáo”. Như vậy Bộ trưởng BQP Phùng Quang Thanh chỉ như một Tỉnh đội trưởng lên báo cáo với Thứ trưởng BQP? Đây là một động thái mạt nhược, ươn hèn hiếm có trong lịch sử dân tộc Việt Nam . Tổng biên tập báo QĐND và cá nhân đưa tin đó lên rõ ràng đã bị bàn tay của bọn Tay sai - Thái thú của TQ chèn ép, chỉ đạo hay tự nguyện làm tay sai cho TQ rồi.

Nhân vật, Nguyễn Chí Vịnh ai cũng biết là con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một đối trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày xưa, thuộc phe ông Lê Duẩn-Lê Đức Thọ. Vì vậy ông Nguyễn Chí Vịnh được nhận là con nuôi của ông Lê Đức Anh. Ngày trước đi học tuy là con nhà quyền uy, giàu có nhưng vẫn đi ăn trộm, ăn cắp Kho Quân Nhu của Học viện Kỹ thuật Quân Sự nên bị đuổi học cùng với một số đồng sự khác. Ăn cắp, ăn trộm trong Trường Sĩ Quan-khi đã là người trưởng thành- là chuyện quá ti tiện, hèn mạt, xấu xa, phi đạo đức không ai có thể chấp nhận được thế mà đòi đi làm chính trị, lại còn nhăm nhe lên tới chức Tổng Bí Thư. Một tên ăn cắp thuở nào là thứ trưởng, trung tướng thì ảnh hưởng vô cùng xấu xa đến toàn bộ binh sỹ, sỹ quan QĐND Việt Nam, chưa nói tới là Ủy viên BCT hay Bộ Trưởng Bộ QP, dự định còn làm TBT ĐCSVN thì sẽ gây nguy hại đạo đức của các Đảng viên ĐCSVN còn có lương tri, nhân cách. Nhưng, CS TQ- với tư cách là nước muốn thôn tính Việt Nam và muốn biến Việt Nam ta thành nước chư hầu- lại rất cần những kẻ làm tay sai. Chỉ có những kẻ xấu xa, gian trá, dốt nát mới chịu làm tay sai-thái thú cho nước khác để phản lại lợi ích của dân tộc mình, của đồng bào mình để bản thân, gia đình vợ con được hưởng sung sướng, bổng lộc trước mắt của kẻ tay sai-thái thú.

Nguyễn Chí Vịnh như đã ghi nhận ở trên đã tham gia cùng ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh những chuyện rất xấu xa, thiếu nhân cách. Nguyễn Chí Vịnh là người đã gọi điện cho ông Nguyễn Tấn Dũng năm nào nói ông Dũng cho TQ thắng thầu xây sân Mỹ Đình với giá 55 triệu USD, trong khi đó CHLB Đức bỏ thầu chỉ có 50 triệu USD thì thua thầu.

Thức tế thì Vịnh và Dũng đã nhận “ tiền lót tay“ của nhà thầu TQ là bao nhiêu, có ai biết được? Nguyễn Chí Vịnh còn trực tiếp sang Trung Quốc chọn gái tên là Trương Vỹ Hoa cho ông Lê Khả Phiêu chơi bời một tuần để sinh đẻ ra một đứa con nay đã mười mấy tuổi để rồi ông Lê Khả Phiêu phải hạ bút ký Hiệp định Biên giới năm 1999.

Nguyễn Chí Vịnh là "con thoi" "cầu nối“ giữa ông Nông Đức Mạnh với Bắc Kinh để cho TQ vào VN khai thác Bauxite. Tay chân của Nguyễn Chí Vịnh trong TC2 toàn là những kẻ hư đốn và ăn cắp năm nào ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nguyễn Chí vịnh đã cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách cán bộ lãnh đạo Việt Nam có cảm tình và không có cảm tình với Trung Quốc. Dựa vào danh sách này Trung Quốc đã mua chuộc và gây ảnh hưởng lên hàng ngũ lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay để từng bước biến lãnh đạo ĐCSVN trở thành tay sai-thái thú. Đây rõ ràng là một hành động làm chỉ điểm cho nước ngoài, một hành động làm tay sai cho Trung Quốc, một hành động tội phạm, phản bội Tổ Quốc của Nguyễn Chí Vịnh. Nhiều nguồn tin khác nói rằng còn nhiều cá nhân khác trong nội bộ ĐCSVN làm như Nguyễn Chí Vịnh. Theo các sỹ quan quân đội cao cấp ở Hà Nội thì vừa qua 18 tỉnh cho Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (thực chất là người TQ tất cả) thuê đất rừng đều có sự chỉ đạo của Tổng Cục 2 của Nguyễn Chí Vịnh. Với những việc làm bất hảo và phạm pháp như nêu trên Nguyễn Chí Vịnh có xứng đáng là Trung Tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng hay không?
Và đây cũng là bằng chứng chứng tỏ rằng Phe đảng của ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh chủ đích nâng đỡ Nguyễn Chí Vịnh- tên tay sai của TQ, có nhiều điều xấu xa, bất hảo- chẳng hiểu biết gì chính trị cả, mà cốt vì bảo vệ quyền lợi ích kỷ của các ông ấy. Họ không xứng đáng một chút nào là những “Nhà chính trị”, nhà lãnh đạo đất nước hay có trách nhiệm với nhân dân!

Còn các Vị Ủy viên Trung Ương ĐCSVN khác như ông Hoàng Trung Hải hay Nguyễn Thiện Nhân, các Bí thư tỉnh ủy khác thì „chỉ ngậm miệng“ ăn tiền chia chác hay cũng chỉ như cái đuôi, cái bóng của ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng và một số UV BCT mà thôi,Quốc Nạn tham nhũng, hối lộ, cướp bóc, trấn lột, đánh, bắn, giết người xẩy ra 24/24 trên toàn cõi Việt Nam. Xin mạn phép hỏi toàn thể 85 triệu đồng bào Việt Nam có thể mãi cúi đầu chịu đựng hết đời mình, đời con, cháu chúng ta được chăng? liệu có thể tiếp tục chấp nhận sự bất công, nghèo đói và vô vọng một khi mà các “Nhà chính trị, lãnh đạo” của hệ thống độc tài toàn trị CSVN bất tài, vô dụng đang bủa vây, khép kín, đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta hay không? Chắc chắn là không – Toàn dân cẩn phải thức tỉnh và đứng dậy khi thấy cần thiết.

Ở CHLB Đức trong những năm 90 của Thế kỷ trước, ông Engholm- Chủ tịch đảng đối lập SPD, Thống đốc bang, Ứng cử viên tranh chức Thủ tướng với ông Helmut Kohl- bị phát hiện gian lận về việc đóng thuế thu nhập đã phải họp báo xin chấm dứt sự nghiệp chính trị, trở về làm một ông Luật sư quèn. Từ đó vĩnh viễn không bao giờ nói tới chính trị nữa. Còn ông Sharping - nguyên là một người hoạt động chính trị từ thời học sinh cấp 3, Thống đốc bang, có lần ra tranh cử Thủ tướng, là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Thủ tướng của CHLB Đức là Gehart Shreoder (thỉnh thoảng bây giờ Ông vẫn đến Việt Nam) - Ông ấy chỉ bị phát hiện “cầm nhầm” có 1000 EURO (một nghìn EU ) mà phải tuyên bố từ chức Bộ trưởng BQP, chấm dứt sự nghiệp chính trị về làm dân thường, không bao giờ dám xuất hiện trước công chúng nữa.

Qua những dẫn chứng như trên chúng ta có thể kết luận rằng Phe đảng của ông Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Vịnh và các UV TƯ ĐCSVN khác hoàn toàn không xứng đáng là các “chính trị gia” của Dân Tộc ta, không xứng đáng giữ các vị trí lãnh đạo đất nước, cần phải rút lui càng sớm càng tốt! Nếu không biết điều sớm thì e rằng sẽ chuốc lấy hậu họa như ông Ceaucescu-cựu Tổng bí thư ĐCS Rumani- và Honecker- cựu Tổng bí thư ĐCS Đông Đức năm 1989, hay ông Escada-cựu Tổng thống Philippin- tham nhũng 1 triệu USD và bị kết án 20 năm tù giam. Bài học gianh ma của cựu Thủ tướng Thái lan, Thalshin không thoát khỏi “lưới trời“ đã bị tịch thu tài sản và lệnh truy nã toàn cầu…

Tình hình quốc tế và khu vực hiện hiện nay đang diễn ra khá thuận lợi cho hướng đi đúng đắn của cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng và bác ái cho dân tộc Việt nam chúng ta. Lực lượng đối lập chính nghĩa với Phe đảng chóp bu cầm quyền phi nghĩa nêu trên (họ chỉ là một bộ phận nhỏ trong số đảng viên ĐCSVN) Toàn dân Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước sẽ có đủ khả năng trí tuệ, nhân tài, vật lực đối trọng đã và đang hình thành là đòi hỏi bức thiết trong nước. LL đối lập với bốn vị tướng đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh với hàng chục tướng lĩnh khác cùng các vị Lão thành cách mạng kết hợp với các lực lượng trí thức, quân đội, cảnh sát, sinh viên, quần chúng yêu nước đang khát khao Tự Do – Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam thực sự sẽ phải cương quyết đấu tranh bằng mọi giá để giành lại vận mệnh Tổ Quốc đang lâm nguy đứng trước bờ vực thẳm, quyết tranh đấu giành nắm quyền lãnh đạo đất nước và đẩy Phe đảng cầm quyền hiện nay vào thế đối lập. Để chuẩn bị cho việc thành lập một lực lượng đối lập có mặt trên toàn quốc nhằm cạnh tranh ôn hoà với Phe đảng của ông Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Chí Vịnh thì ngay từ lúc này từ mỗi Thôn, Ấp, Bản, Khu phố hãy kết nối các công dân yêu nước có cùng chí hướng thành những nhóm nhỏ 2-5 người. LL đối lập yêu cầu Phe đảng cầm quyền hiện nay chấp nhận Tổng Tuyển Cử tự do, bầu lại Quốc Hội và Người đứng đầu đất nước trong thời gian sớm nhất. Nhân dân cả nước đều nhận thấy rằng Hiến pháp và Pháp luật hiện nay là của Phe đảng cầm quyền, chứ hoàn toàn không phải của toàn thể Nhân dân Việt Nam . Lực lượng đối lập lấy phương châm ôn hoà, đối thoại làm chủ thuyết đấu tranh. Tuy nhiên, thời gian và hiệu qủa không đạt được thì bắt buộc phải kêu gọi toàn dân xuống đường cùng các phương sách tương ứng để biểu dương sức mạnh và hào khí dân tộc. Đó là những hành động thực tế nhất để cứu nguy cho đất nước của chúng ta.

Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả lực lượng võ trang trong đó có những chiến sĩ, sĩ quan Công an, Quân đội đang tại ngũ, và lực lượng cựu chiến binh từ hai phía của hai miền Nam – Bắc trước 1975 còn có lương tri trong tình tự dân tộc, nghĩa đồng bào đồng thời kêu gọi toàn thể các Tôn giáo Việt Nam hãy tiếp tay, hỗ trợ. Đó là những hành động thực tế nhất để cứu nguy cho đất nước của chúng ta.


LL đối lập xin kêu gọi toàn thể đồng bào hải ngoại, các đảng phái, chính khách, hiệp hội, phương tiện truyền thông quốc tế hãy tiếp giúp và yểm trợ cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chúng tôi.

Tổ Quốc Việt Nam sẽ ghi ơn tất cả sự hy sinh, cống hiến của các Quý vị và các bạn!

Độc tài cộng sản đã hết thời, Tự do dân chủ cho Việt Nam , Tổ quốc trên hết!