Wednesday, June 15, 2011

Hoàng Sa Nộ Khí Phú

Hoàng Sa Nộ Khí Phú

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
...Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!

Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.

Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?

Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long, là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỷ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:

Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút. (3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!

Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải quy,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!

Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?

Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

K.T.L.
_________
Chú thích:

(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đem quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
(3) Sự kiện dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống (hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị)

Thursday, June 9, 2011

Nhiều chuyện 1: Tản mạn về lòng yêu nước

Copy từ Facebook bạn Long Trinh Huu

Đã hơn 2 ngày trôi qua kể từ khi tôi từ đoàn biểu tình trở về nhà, tôi vẫn không thôi suy nghĩ về sự kiện đặc biệt này, cùng những gì trước và sau nó. Tôi rất muốn viết một cái gì đó cho xả hết những suy nghĩ u uẩn trong đầu, nhưng mấy ngày qua tôi cảm thấy mình chưa đủ thấu đáo để có thể viết được một cái gì cho ra hồn. Ngay cả khi đang gõ những dòng này, tôi cũng không chắc là nó sẽ ra hồn, nên tôi đặt cho cái loạt bài mà tôi sẽ viết 1 cái tựa chung là "nhiều chuyện". Tôi vốn là kẻ nhiều chuyện mà.
___________

Nếu như Trung Quốc thực sự muốn làm một phép thử đối với Việt Nam thì sự thật là họ đã thành công. Hành động khiêu khích của họ ngày 26.5 vừa qua là một cuộc sát hạch về lòng yêu nước của người Việt Nam. Đó là khi vấn đề được đẩy đến tận cùng và mỗi người chúng ta đều tự đặt ra câu hỏi về lòng yêu nước cho bản thân mình.

Đại ngôn về lòng yêu nước

Tôi chắc là từ khi tôi phát tán cái tin kêu gọi biểu tình và sau đó là liên tục những phát biểu khác của tôi trên Facebook và một diễn đàn sinh viên, nhiều người đã đánh giá tôi là một kẻ đại ngôn về lòng yêu nước. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó vì tôi đã nói về lòng yêu nước một cách tự nhiên như hơi thở mà chẳng cần nghĩ ngợi 1 giây nào về việc chau chuốt câu từ. Thế sau rồi tôi cũng nghĩ ra, à, ở cái đất nước mà bản thân cụm từ "lòng yêu nước" thường chỉ được nhắc đến trong sách giáo khoa, những tài liệu cổ động hay bài phát biểu của các quan chức cỡ lớn, thì bất cứ ai nói đến nó cũng đều sẽ là đại ngôn cả mà thôi. Nghĩ ra nguyên nhân rồi thì tôi cũng chẳng bận lòng về nó làm gì nữa.

Đứng trước vận mệnh của đất nước, mỗi người đã lựa chọn cho mình một cách xử sự. Có người coi im lặng là sự bảo đảm bằng vàng cho sự an toàn của mình. Có người lớn tiếng phản đối trên các diễn đàn mạng. Có người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Có người thay avatar. Có người kêu gọi và đi biểu tình. Có người viết những bài phân tích, như một cậu em tôi viết bài về những quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.

Hay như cô bạn thân của tôi, chẳng phát biểu lời nào đao to búa lớn như tôi, nhưng lại tâm sự với tôi những trăn trở về việc làm thế nào để người Trung Quốc hiểu chúng ta hơn, hai dân tộc xích lại gần nhau hơn và cô có hẳn 1 ý tưởng thực hiện videoclip để thỏa mãn trăn trở ấy.

Hay có những người lựa chọn những cách xử sự khác mà tôi không biết.

Tất cả những lựa chọn ấy đều có những lý do của nó và dường như ai cũng có lý. Tôi hiểu rất rõ gánh nặng sợ hãi mà dân tộc chúng ta đang mang trên vai. Mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình lại vốn là bản năng cốt lõi của con người. Và trên hết, mỗi người yêu nước đều có cách riêng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Tôi không dám và hoàn toàn không đủ tư cách để phán xét về những lựa chọn ấy. Ai biết đâu được đằng sau cái sự im lặng của nhiều người, họ đang âm thầm hi sinh và làm những điều vĩ đại cho đất nước này thì sao? Mà cũng chẳng cần thiết phải đặt ra câu hỏi đó, bởi tôi tin chắc ở đâu đó có những con người đang âm thầm hi sinh như vậy.

Cô bạn tôi nói một câu rất đúng: đâu phải cứ hét toáng lên thì mới là yêu nước đâu. Điều tối thiểu chúng ta phải làm là tôn trọng những người xung quanh ta.

Những điều làm tôi đau lòng

Khi tất cả những điều trên đều dễ hiểu và dễ chấp nhận, thì lại có những điều làm tôi thực sự đau lòng.

Có những người phát biểu rằng những kẻ đi biểu tình chẳng qua là những kẻ to mồm, chỉ biết kêu ca chứ chẳng làm được cái gì thiết thực để giải quyết chuyện này. Họ cho rằng yêu nước thì phải như họ, đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là ngồi xem bà Nguyễn Phương Nga đáp trả sắc sảo các luận điệu của bà Khương Du, là quyên tiền giúp đỡ các chiến sĩ, là đi hiến máu, là phát triển kinh tế để làm đất nước giàu mạnh,... Rồi họ phê phán chúng tôi là đi theo lời kêu gọi của bọn phản động, có ăn học mà xử sự như thế à, lập trường chính trị như thế à?

Lúc đó tôi trộm nghĩ, chẳng nhẽ cứ đi biểu tình là không tin tưởng Đảng và Nhà nước hay sao? Cứ đi biểu tình là không quyên góp được tiền, không hiến được máu, không làm cho đất nước giàu mạnh được hay sao? Và họ lấy đâu ra cơ sở để cho rằng lựa chọn của họ là "yêu nước hơn" sự lựa chọn của chúng tôi?

Có người mỉa mai hỏi tôi rằng: sau tất cả những cuộc tuần hành này, các bạn làm được cái gì cho đời? Lúc đó tôi nghĩ, cuộc tuần hành và những gì chúng tôi làm được cho đời sau đó thì có liên quan gì đến nhau không? Tôi hỏi họ đã làm được gì cho đời chưa, thì một người bảo thà họ ngồi xem TV còn hơn, còn một người bảo là họ đã đi hiến máu vào ngày 5.6 rồi. Tôi không biết nên cười hay nên khóc khi đọc những câu trả lời này.

Tôi biết chắc có nhiều người nhếch mép cười khẩy vào đoàn biểu tình và ở đâu đó họ công khai mỉa mai chúng tôi, ngay từ khi cuộc biểu tình chưa diễn ra.

Còn có một điều nữa khiến tôi ghê tởm, nhưng có lẽ không tiện nói ở đây.

Chưa bàn đến chuyện đi biểu tình là đúng hay sai, tôi chỉ đau lòng vì cách những người đó tiếp cận vấn đề.

Một là, trong khi chúng tôi đi biểu tình, chẳng có ai mảy may so sánh việc chúng tôi làm với việc họ làm, thì họ lại công khai mỉa mai chúng tôi. Chúng tôi đã tôn trọng cách ứng xử mà họ đã lựa chọn, tôn trọng cách họ thể hiện lòng yêu nước, tại sao họ không dành điều tương tự cho chúng tôi?

Hai là, trong khi cả dân tộc cần đoàn kết để chống lại thế lực ngoại bang đang âm mưu giày xéo đất nước, thì họ lại làm cái việc ngược lại là chia rẽ sự đoàn kết ấy bằng việc đề cao cái Tôi của họ và hạ thấp việc làm của người khác, ngôn ngữ bình dân người ta gọi là "dìm hàng".

Chúng tôi chấp nhận rước lấy những hiểm nguy cho bản thân mình, bỏ một buổi sáng đi bộ đến kiệt sức để xuống đường nói lên tiếng nói yêu nước, chẳng nhẽ để nhận về những lời mỉa mai như vậy hay sao?

Chúng tôi có phán xét lòng yêu nước của ai đâu, sao các bạn lại phán xét chúng tôi?

Nhiều chuyện 2: Tại sao tôi đi biểu tình?

Copy từ Facebook bạn Long Trinh Huu

Wednesday, June 8, 2011

CHÍNH EM, NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ

CHÍNH EM, NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ
(Gởi tuổi trẻ VN- xin các bạn vui lòng giúp chuyển bài thơ nhỏ bé này đến với các em. Vô vàn đa tạ)

Nhìn người sinh viên nước Việt
Hiên ngang, em đứng biểu tình
Hoàng Sa, Trường Sa đòi lại
Bởi đây danh địa nước mình

Phục em, tinh thần yêu nước
Khen em, can đảm anh hùng
Nhưng em, nơi này đã được
Dâng Tàu, trừ nợ rồi cưng !!!

Quê mình, Nam Quan, Bản Giốc
Hoàng Sa và cả Trường Sa
Đảng ký dâng cho Trung Cộng
Trừ vào nợ đảng, em à !

Món nợ ấy là súng đạn
Chiến tranh xâm lược miền Nam
Đảng vay, hẹn rằng đảng trả
Bằng phần máu thịt Việt Nam

Nợ ấy, em ơi, súng đạn
Miền Nam, đảng tạo chiến trường
Triệu người trai hùng chết thảm
Rừng sâu triệu nữa vuìxương

Nợ ấy, em ơi, hoả tiễn
Đảng đem bắn ở trường làng
Thơ ngây, học sinh đảng giết
Xác nằm cháy giữa tro than

Nợ ấy, em ơi, đại bác
Bắn vào thành phố từng đêm
Nhà dân, bao căn tan nát
Xác dân, già trẻ chết mềm ....

Nợ ấy, em ơi, hoả tiễn
Bắn vào buổi chợ đang đông
Người bán kẻ mua náo nhiệt
Bỗng ôi... biển máu loang hồng...

Nợ ấy, em ơi, súng đạn
Tấn công ngày Tết Mậu Thân
Đảng đào bao mồtập thể
Chôn vuì cả vạn người dân !

Nợ ấy, xe tăng, đại bác
Bắn vào trạm gác, đồn binh
Cùng nòi da vàng máu đỏ
Đảng ta giết rất vô tình !

Nợ ấy, xe tăng, súng đạn
Đảng cày nát cả miền Nam
Tháng Tư Bảy Lăm, dân tộc
Rơi sâu đáy vực kinh hoàng !!!

Em ơi, đấy làmón nợ
Đảng ta mang nặng của Tàu
Em ơi, đừng thêm bỡ ngỡ...
Nam Quan, Bản Giốc còn đâu !!!

Tàu không là anh dại dột
Giang sơn chẳng phải đồ chơi
Đảng không là bày con nít
Mà cho rồi để em đòi !!

Nếu đòi, xin em hỏi đảng
Hỏi rằng tài sản ông cha
Sao dám đi đêm, đảng bán
Cho bày cộng sản Trung Hoa ???

Đất kia không dâng Tàu cộng
Tàu nào dám nhận chủ quyền ?
Chính đảng là người trách nhiệm
Đòi về tài sản tổ tiên !

Từ đảng giang sơn làm chủ
Thành tư bản đỏ giàu sang
Dân không tự do, nhân phẩm
Nước thì hẹp lại giang san !

Chính em, những người thừa kế
Xin cho bờ cõi vẹn tuyền
Và trị tội loài bán nước
Tội làm dân tộc ngửa nghiêng

Các em, tương lai nước Việt
Hiên ngang em đứng biểu tình
Xin em thuơng đời oan nghiệt
Vùng lên dựng một bình minh

Ngô Minh Hằng

Thằng Sản cô đơn

Sông Kôn (danlambao) - Kể từ lúc ra đời đến nay, chưa bao giờ thằng Sản con bà Việt nó cô đơn như lúc này. Ngày xưa nó vui lắm, bạn bè nó ở khắp nới, xa có, gần có. Hễ nhà nó có chuyện gì là bạn bè của nó ùa vô mà giúp. Từ cái ngày mấy thằng bạn to con tốt tính của nó ở tận bên châu Âu xa xôi qua đời nó cảm thấy buồn buồn.
Một hôm mẹ nó thấy con buồn mà an ủi: thôi quên mấy bạn ở xa đó đi con, rồi mẹ sinh cho con mấy đứa em nữa, nhà có anh có em cuộc sống của con sẽ vui hơn. Vì có tính tham lam nên Sản không nghe lời mẹ, Sản sợ có em rồi Sản phải chia phần ăn của mẹ cho em, Sản đâu còn là đứa con một mà độc hưởng cái gia tài của mẹ này. Nên Sản nhất quyết không chịu, Sản luôn miệng nói kiên định như để cảnh báo mẹ không được sinh ra em.

Sản còn lại thằng bạn nhà bên to xác và xấu tính vẫn chơi với Sản thường ngày. Mặc cho mẹ Sản nhắc nhở về cái tính xấu xa của người bạn ấy Sản cũng vẫn cứ chơi. Sản không dám bỏ bạn vì sợ bạn đánh. Sản nghĩ rằng cứ theo nịnh anh bạn to xác đó thì chẳng có việc gì. Nói rồi Sản làm thật, Sản lấy của quí của mẹ Sản là Bu xịt đem làm quà cho bạn. Không ngờ thằng bạn láng giềng của Sản được voi lại đòi tiên, ăn bu xịt rồi mà chưa thấy đủ còn muốn đòi xin thêm cái ao trong vườn nhà của Sản. Riêng Sản thì Sản cũng muốn cho luôn bạn cái ao cho rồi, Sản chỉ cần sống vui vẻ trong cái nhà đầy tiện nghi của mẹ là đủ, Sản ra vườn và xuống ao làm gì cho lấm cái chân. Mà không cho bạn cái ao thì cũng khó đấy vì thằng bạn to xác nhà bên chắc gì nó để cho Sản được yên thân, vậy là Sản đồng ý cho bạn cái ao. Về nhà Sản sợ mẹ mắng nên Sản làm thinh mà không nói ra chuyện cho bạn cái ao cho mẹ biết.

Rồi một hôm mẹ Sản chèo thuyền ra ao bắt cá về nấu món canh chua cho đứa con một yêu dấu của mẹ ăn. Bỗng anh bạn láng giềng của Sản chèo thuyền ra mà ngăn cản mẹ bắt cá. Mẹ ấm ức lắm nhưng Sản lại nói là mẹ đừng lo, chuyện này để Sản lo, Sản sẽ nói với bạn Sản đừng làm thế với mẹ Sản nữa. Mẹ Sản nghe Sản nói tức muốn ói máu mà chẳng làm gì được, hàng ngày mẹ chứng kiến cảnh thằng Sản con mẹ hư hỏng ăn chơi mà mẹ không làm gì được Sản, chỉ vì Sản là đứa con một của mẹ nên mẹ không làm gì được mà thôi.

Uất mãi cũng đến hồi không chịu được nữa, mẹ Sản đành phải lên tiếng, mẹ không chửi thằng con hèn mạt của mẹ mà đến chửi cái thằng bạn hàng xóm của con mẹ kia. Mẹ bước đến bên hiên nhà nó mà chửi, mẹ chửi rất to cho hàng xóm nghe, mẹ chửi thằng bạn của Sản to con nhưng xấu tính, dám cả gan sang xâm lấn cái ao của mẹ, mẹ nói là thằng Sản nhà mẹ nó hèn nhát chứ mẹ thì mẹ chẳng hèn đâu, tài sản của mẹ mẹ quyết tâm gìn giữ. Thấy chuyện khó xử Sản chạy ra mà kéo mẹ vào, bảo mẹ đừng chửi bạn Sản nữa.

Sau hôm nổi giận của mẹ, thằng bạn láng giềng của Sản đâm ra trách móc Sản, mẹ Sản cũng ngấm ngầm mà giận đứa con mình.

Bạn xa đã mất, bạn gần thì lại ăn hiếp, giờ đây Sản còn bị mẹ mắng nữa nên Sản chẳng còn ai chơi với Sản. Suốt ngày Sản đóng cửa ở trong nhà mà ca hát vui chơi, thỉnh thoảng Sản lục lấy nhật ký những năm tháng của mình ra đọc, xem lại những tấm hình đã cũ. Sản tự sướng đến ngất ngây cho đến khi mẹ Sản dọn lên mâm cỗ cho Sản ăn, cái mâm cỗ mà ngày nào mẹ cũng khổ công làm việc.

Thằng Sản sướng thật nhưng có ai biết nó đang cô đơn !

Nguồn: Dân Làm Báo

Căn nhà Việt Nam

Căn nhà thân yêu của Người Việt Nam đã bị CSVN soán đoạt, làm chủ. Vậy người chủ nhà đương nhiên là người phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ căn nhà đó.

Khốn nạn thay, người chủ nhà đã không bảo vệ căn nhà và con dân đang sống trong căn nhà đó mà còn cắt đất bên hông (thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, ...) dâng cho thằng cha hàng xóm, để cho nó tự động vào tàn phá và cắm dùi ngay sau vườn (rừng đầu nguồn và bauxite cao nguyên). Rồi còn để cho nó lấn ép, lấy mất đi phần lớn cái sân trước (biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa). Đã thế lại còn để cho con cháu của thằng cha hàng xóm tự tiện vô ra (không cần visa), sinh sống, làm trời, làm đất (bắt bớ, đánh giết dân Việt) trước sân, sau vườn và ngay trong căn nhà của mình như chổ không người.

Vậy thằng cha hàng xóm đúng là kẻ thù của con dân Đất Việt, nhưng hắn ta là ngoại thù và kẻ đáng trách, đáng nguyền rủa nhất và nhất định phải bị trị tội là người đang là chủ căn nhà, là nội thù của toàn dân Việt Nam, là CSVN.

CSVN là căn nguyên của bao nhiêu đau thương mất mát, là cội nguồn của những suy đồi về luân lý, đạo đức, là thảm họa cho đất nước, là tội đồ dân tộc đã dâng đất, biển và hải đảo cho TC, là một băng đảng mafia, côn đồ, ác với dân nhưng hèn với giặc. Và kết quả là đất nước VN càng ngày càng bị lấn chiếm bởi người "đồng chí anh em" TC.

Chuyện tàu TC ung dung xâm phạm hải phận VN và ngang nhiên cắt dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 vừa xảy ra, rồi tiếp theo là chuyện TC khiêu khích một chiếc tàu khảo sát khác, và kế đến là việc TC nổ súng uy hiếp, ngăn cản 4 tàu đánh cá của tỉnh Phú Yên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam - là chuổi sự kiện đã làm sôi sục lòng căm phẩn của con dân nước Việt.

Nhưng việc gây hấn, lấn chiếm của TC là những chuyện phải đến, là những việc phải xảy ra vì sự khiếp nhược của đảng CSVN. Đến nỗi một chuyên viên trên tàu Bình Minh 2 đã phải thốt lên rằng: "Thấy nhục nhã cho cái tổ quốc này, cho bao nhiêu năm kiên cường bất khuất. Giờ bị nó can thiệp sâu như thế cũng không dám động đến nó. Trong khi vùng biển này cách bờ chưa tới 200 hải lý."

Với một đất nước bị gậm nhấm và xâm thực bởi TC từ đất đai, biển, đảo cho đến việc tuôn hàng hoá và đưa dân TC sang VN sinh sống để từ từ biến VN thành một phần đất của TC. Là con dân đất Việt chúng ta phải có bổn phận lên án hành động xâm lăng trắng trợn của Trung Cộng đối với Việt Nam. Việc lên án TC tuy là một việc cần làm nhưng đó chỉ mới là lời nói chứ chưa có hành động. Để có những hành động thực tiễn chống lại sự xâm lấn của TC, bảo vệ dân lành và bảo toàn sự trọn vẹn của lãnh thổ thì chúng ta phải diệt trừ cái nguồn gốc đã gây ra bao thảm hoạ cho đất nước VN - đó là CSVN.

Vậy chúng ta cần phải cổ động cao trào dân chủ và hỗ trợ đồng bào Quốc Nội đứng lên giải thể chế độ CSVN. Đấy là việc phải làm. Vì một khi chế độ CSVN bị giải thể, thì lúc đó - với sự đoàn kết của toàn dân - con dân đất Viết sẽ một lòng quyết tâm và sẵn sàng có những hành động thích đáng để đối phó, đánh trả lại những sự khiêu khích, gây hấn, xâm lấn của TC.