Tuesday, April 26, 2011

'Bà Nhu như tôi từng biết' (phần 1)

'Bà Nhu như tôi từng biết' (phần 1)

Người được coi là như là cựu 'Đệ nhất Phu nhân' của nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền Việt Nam, bà Trần Lệ Xuân, vừa qua đời ở tuổi 87.

Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tin bà Trần Lệ Xuân qua đời được loan báo tới các phương tiện thông tin đại chúng từ luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà trong những năm gần đây.

Từ Seattle, Hoa Kỳ, ông Trương Phú Thứ cho BBC biết:

LS Trương Phú Thứ: Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu, gần như không nói được nữa.

Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.

Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt.

Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.

BBC: Vậy thông tin nói bà Trần Lệ Xuân sống một mình trong biệt thự xa hoa lộng lẫy mà bạn của bà tặng thì là tin thất thiệt?

LS Trương Phú Thứ: Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!

Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.

Cũng như là thông tin bà bị mất trộm một số tiền lớn ở Rome, hay năm 1963 bà đi mua đồ trang sức trị giá 30.000 đôla ở New York mà quịt không trả... Toàn chuyện họ bày đặt ra, đâu có được.

BBC: Thưa, lần cuối cùng ông có tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân là khi nào?

LS Trương Phú Thứ: Lần cuối tôi nói chuyện với bà là chừng cách đây hơn hai tháng. Lần ấy bà còn khỏe lắm, tiếng nói khỏe và rất to, trong cuộc nói chuyện bà còn cười rất vui vẻ. Vậy mà tôi cũng không ngờ bà suy sụp mau lẹ như vậy.

BBC: Và các cuộc nói chuyện của ông với bà Trần Lệ Xuân là để bàn thảo về cuốn sách của bà ấy phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Vâng, đúng là như vậy. Bà Nhu viết bằng tiếng Pháp vì tiếng Việt bà viết không được giỏi nhưng tiếng Pháp của bà thì anh bạn tôi là Nguyễn Kim Quý, tiến sỹ văn chương Pháp, phải công nhận là lối hành văn của người rất giỏi Pháp văn.

Bà học trường Tây, có tú tài phần hai và cũng sống ở Pháp nhiều năm. Hồi tôi đi thăm bà lần đầu bên Paris năm 2002, bà sống một mình trong một căn hộ bên đó.

Lại nói về điều kiện sinh sống thì căn hộ đó của bà trông cũng rất bình thường, không thể so được với nhiều căn hộ bên Mỹ, mà lại tận trên tầng lầu thứ 11. Người già mà có tiền ai người ta chịu sống như vậy chứ?

Sống lưu vong từ năm 1963 sau khi có đảo chính ở miền Nam Việt Nam
Cuốn sách của bà Nhu thoạt ra dự tính sẽ phát hành vào tháng 9 năm nay, thế nhưng với cái chết đột ngột của bà thì chúng tôi phải tạm hoãn phát hành để truy cứu cho thật cẩn thận, không thể vội vàng được.

Vậy cho nên cuốn sách chắc sẽ ra trễ hơn độ dăm ba tháng.

BBC: Lần đầu tiên ông yết kiến bà Trần Lệ Xuân thì ấn tượng của ông như thế nào ạ. Ông có ngỡ ngàng vì người thực khác xa với tưởng tượng không?

LS Trương Phú Thứ: Cái hình ảnh mà hồi xưa chúng ta hay xem trên báo chí là hình ảnh một phụ nữ 28-29 tuổi, trẻ và đẹp. Nhưng hình ảnh của bà Nhu khi tôi gặp bà lần đầu là hình ảnh một bà cụ, tất nhiên là có khác nhau.

Tôi thì không ngỡ ngàng, vì biết ai cũng phải như thế, con người ta ai mà chẳng phải già đi. Tất nhiên vẻ đẹp bên ngoài thì không thể giống như hồi xưa.

Bàn tay người Mỹ

BBC: Thế nhưng còn sự quyền uy của người phụ nữ từng được cho là một thời khuynh đảo chính trường, ông có cảm thấy điều này không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Thực ra, bà Ngô Đình Nhu có quyền lực gì? Giống như một cô ca sỹ, hát một bài có người khen kẻ chê, thì bà Nhu cũng vậy.

Bà là vợ của một ông cố vấn, thậm chí còn không có sự bổ nhiệm chính thức của chính phủ. Vì ông cố vấn là em của ông tổng thống nên ông giúp ông tổng thống mà thôi chứ đâu có giấy tờ gì.

Nói vì bà Nhu khuynh đảo mà chế độ sụp đổ là điều sai lầm.

Quyết định lật đổ chính quyền Đệ nhất Cộng hòa và thủ tiêu anh em ông Tổng thống Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, không phải là quyết định của người Việt Nam, mà là của người Hoa Kỳ. Đó là quyết định của một nhóm siêu quyền lực đứng sau tòa Bạch ốc của Hoa Kỳ, vì lợi ích của nước Mỹ mà họ làm vậy.

Ông Ngô Đình Diệm hay ai khác lúc đó làm tổng thống thì chắc đều chung số phận ấy cả.

Mà chúng ta thấy, ông Tổng thống J.F. Kennedy, chỉ có trì hoãn hoặc từ chối thi hành đòi hỏi của nhóm quyền lực đó mà cũng bị ám sát chết dưới con mắt chứng kiến của hàng nghìn người. Tổng thống Mỹ còn như vậy, huống hồ là tổng thống của nước Việt Nam?

BBC: Vâng nhưng thưa ông, chúng ta cũng không thể quên rằng bà Nhu được coi như Đệ nhất Phu nhân một thời vì ông Ngô Đình Diệm không lập gia đình, bà còn là dân biểu, Chủ tịch Hội phụ nữ. Và nhiều người cũng chưa quên những câu phát ngôn gây tranh cãi của bà, như trong chiến dịch đối với Phật giáo, vụ Hòa thượng Thích Quảng Đức vv...

LS Trương Phú Thứ: Tôi thì thấy rằng đa số vụ, người ta muốn nhắm vào ông tổng thống, nhưng không biết làm cách nào. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải thánh nhân, tất nhiên ông cũng có sai lầm.

Nhưng họ không bới móc tấn công được gì ông ấy, nên họ quay ra tấn công bà Ngô Đình Nhu.

Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện của tôi với bà Nhu, chúng tôi không bao giờ nói chuyện chính trị cả, ngay cả những chuyện xảy ra với bản thân bà lúc đó.

Chúng tôi nói những chuyện khác, những điều rồi sẽ nằm trong cuốn sách sẽ phát hành trong tương lai.

(Còn tiếp)

Nguồn: BBC

No comments:

Post a Comment