Tác giả: Thu Hà
Bài đã được xuất bản.: 27/02/2010 06:00 GMT+7
Tướng Đồng Sĩ Nguyên lên tiếng về việc một số địa phương cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn.
"Với Việt Nam đừng tưởng mạnh mà thắng được yếu"
Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc
Trách nhiệm phải lên tiếng
- Được biết ông đã có thư gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cảnh báo nguy cơ từ việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn. Vì sao ông không đồng tình với việc này?
Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng.
Đặc điểm nước ta nhỏ hơn một tỉnh của Trung Quốc, chiều ngang hẹp, chiều dài dài, độ dốc núi đổ ra biển rất gần, các cơn lũ quét nhanh ngang tiếng động, thiên tai xảy ra liên tục, môi trường ngày càng xấu đi, đặc biệt nước biển dâng mất thêm diện tích ruộng đồng bằng. Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.
Ngoài chuyện chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Nhớ lại các thời kháng chiến, tất cả các tỉnh đều có căn cứ là các vùng rừng núi, kháng chiến chống Pháp ta có Việt Bắc, kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường sơn và vùng Tây Nam Bộ. Những đất rừng đầu nguồn này đều nằm trong đất căn cứ hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ. Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đây là 3 địa bàn phên dậu quốc gia. Lạng Sơn cũng vậy.
Đảng, Nhà nước ta trong thời đổi mới cần sử dụng đất cho các mục tiêu là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ quy mô, địa điểm, tính từng mét đất. Trong khi dân ta còn thiếu đất, thiếu nhà, thiếu việc làm, triệt để không bán, không cho nước ngoài thuê dài hạn để kinh doanh, trồng rừng nguyên liệu, địa ốc, sân gôn, sòng bạc...
Tuy đã muộn, nhưng ngay từ bây giờ, bất cứ cấp nào đều phải trân trọng từng tấc đất của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.
Nhiều ý kiến phản đối, chính quyền tỉnh vẫn ký
Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh Thu Hà
- Có ý kiến cho rằng kiến nghị của ông bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác, do đó phản ứng như vậy là có phần cực đoan?
Tôi có thông tin chứ không phải chỉ nghe nói đâu đó. Sở dĩ tôi có thông tin là do anh em ở bộ chỉ huy quân sự tỉnh và công an báo lên. Ngay khi nhận được tin báo tôi đã gọi về các địa phương để hỏi, lãnh đạo tỉnh cũng công nhận với tôi là có chuyện đó.
Ở một số địa phương, công an và bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên tiếng ngăn cản nhưng chính quyền vẫn ký. Thậm chí, có nơi Chủ tịch tỉnh kí cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn.
Hồi anh Võ Văn Kiệt làm Phó Thủ tướng, anh Kiệt có giao cho tôi làm đặc phái viên hai việc: Một là làm sao chấm dứt được việc đốt rừng; Hai là tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu gỗ. Anh Kiệt cho đến lúc cuối đời vẫn còn trăn trở với 2 phần việc này.
Trong một văn bản ủy quyền cho tôi, anh ghi rõ giao đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có quyền xử lí tại trận không cần báo. Gay gắt đến thế trong việc giữ rừng giữ đất. Để đồng bào có sức trồng rừng, anh Kiệt còn cho chở gạo từ phía Nam ra tiếp trợ.
Trong bảy năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách chương trình 327, tôi đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng 1000m, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.
Mối nguy hại của việc tàn phá rừng đầu nguồn thế nào mọi người đều đã rõ. Bởi vậy, trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng.
Đã cho thuê hơn 300 ngàn ha rừng
- Đến nay ông đã nhận được phản hồi nào về kiến nghị của mình chưa?
Khi tôi gửi kiến nghị lên thì có nhận được điện thoại của Thủ tướng. Thủ tướng nói với tôi là đã nhận được thư và đang giao cho Bộ Nông nghiệp đi điều tra thực tế. Bộ Nông nghiệp cũng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều tra xong và gửi lại bằng văn bản cho tôi.
- Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp ra sao, thưa ông?
Bộ Nông nghiệp đồng ý với tôi việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn là sự thật. Bộ đã trực tiếp kiểm tra tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra tổng hợp từ báo cáo của 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. 10 tỉnh này đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó DN từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
"Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng". Ảnh: Thu Hà
Đó là một tầm nhìn rất ngắn!
- Giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư. Ông nghĩ sao về lập luận này?
Nói như thế là không thuyết phục.
Ngay trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng đã xác nhận một sự thật là một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê.
Theo tự nhiên, dân đồng bằng phải có ruộng, người miền núi phải có rừng. Nay cho thuê hết đất rừng thì người dân sẽ mưu sinh thế nào, điều đó cần phải làm rõ. Bao nhiêu cuộc kháng chiến của ta cũng chỉ vì mục tiêu người cày có ruộng, người dân miền núi có rừng. Cách mạng thành công cũng nhờ mục tiêu đó mà người dân hướng theo.
Việc lo cho dân phải là việc đặt lên hàng đầu, trước cả việc thu ngân sách. Cứ dựa vào những lập luận như tăng thu ngân sách để có những quyết định ví dụ như cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn là một tầm nhìn rất ngắn!
Sao không tự hỏi vì sao các DN nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử. Bản thân dân nước mình cũng đang thiếu việc làm.Và khi đã thuê được rồi thì liệu họ có sử dụng lao động là người Việt Nam hay là đưa người của họ sang?
Lấy ngay ví dụ việc cho nước ngoài thuê đất ở Đồ Sơn. Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra, xung quanh khu vực đó, họ cho đóng những cột mốc to như cột mốc biên giới và không cho người Việt vào đó. Cận vệ của tôi tiếp cận xin vào họ cũng không cho, đến khi tôi trực tiếp xuống xe, làm căng quá mới vào được.
Việc một số địa phương nói rằng có những vị trí cho người nước ngoài thuê vì bao lâu nay vẫn để trống, nói như vậy là vô trách nhiệm, địa bàn anh quản lí mà để như thế tức là đã không làm tròn nhiệm vụ. Hồi tôi đi làm dự án 327, tôi rõ lắm, dân mình lúc nào cũng thiếu đất, muốn làm dự án còn không có mà làm, sao có đất để không được.
Kiến nghị đình chỉ ngay những dự án chưa ký
"Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc,
hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng". Ảnh: Thu Hà
- Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì trước hiện trạng này?
Một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, những tỉnh chưa kỷ đình chỉ ngay. Thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn chương trình 5 triệu ha rừng để thực hiện.
Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường lập ra bộ phận chuyên trách. Trong vòng một năm, chính thức giao khoán đất, khoán rừng cho từng hộ. Trong bản, trong xã cấp sổ đỏ quyền sở hữu sử dụng đất rừng vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.
Từ đây, tôi đề nghị mở rộng chương trình xoá đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp bố trí tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng.
Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment