Friday, April 9, 2010

Hãy Chụp Giùm Tôi

Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài-hoa,
Những tấm ảnh mang ra từ địa-ngục,
Nơi bạn mới về rong chơi hạnh-phúc,
Dù bao người vẫn tủi-nhục xót-xa.

Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
Mà bạn nghĩ đang trên đà "đổi mới",
Những thành-thị xưa hiền như bông bưởi,
Nay bỗng dưng rã-rượi nét giang-hồ.

Đừng khoe tôi những cảnh-tượng xô-bồ,
Những trụy-lạc giờ vô phương cứu-chữa.
Đất nước đã từ lâu không khói-lửa,
Sao rạc-rài hơn cả thuở chiến-chinh.

Đừng khoe tôi những yến-tiệc linh-đình,
Những phố-xá ngập phồn-vinh giả-tạo,
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.

Đừng khoe tôi cảnh tụ-họp ăn-chơi,
Của những kẻ đã một thời chui-nhủi,
Bỏ tất cả, trong đêm dài thui-thủi,
Ngược xuôi tìm đường xăm-xúi vượt biên.

Đừng khoe tôi những con phố "bưng biền",
Những quảng-cáo, những mặt tiền nham-nhở,
Những khách-sạn ánh đèn màu rực-rỡ,
Trơ-trẽn bày, dụ-dỗ khách phương xa.

Đừng khoe tôi chốn thờ-phượng nguy-nga,
Những dinh-thự xa-hoa nằm choán ngõ,
Những màu sắc lam, vàng, đen, tím, đỏ,
Đang uốn mình theo gió đón hương bay.

Đừng khoe tôi ảnh Hà Nội hôm nay,
Thành-phố đã chết từ ngày tháng đó,
Khi bị ép khoác lên màu cờ đỏ,
Khi triệu người phải trốn bỏ vô Nam.

Đừng khoe tôi những cảnh-tượng giàu sang,
Đã được bạn tóm càn vô ống kính,
Những hình-ảnh mà kẻ thù toan-tính,
Muốn tung ra để cố phỉnh-gạt người.
x
x x
Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
Nỗi thống-khổ của triệu người dân Việt,
Nửa thế-kỷ trong ngục-tù rên-xiết,
Oán-hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.

Chụp giùm tôi đàn thiếu-nữ Việt nam,
Thân trần-trụi xếp hàng chờ được lựa,
Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
Bị bán làm nô-lệ ở phương xa.

Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
Biển dập vùi, đà tách ngõ u-minh.

Chụp giùm tôi số-phận những thương-binh,
Đã vì nước quên mình trên chiến-trận,
Mà giờ đây ôm hận,
Tấm thân tàn lận-đận giữa phong-ba.

Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu-nậu gom ra đường hành-khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.

Chụp giùm tôi xác chết những ngư dân,
Bị Tàu giết bao lần trên biển rộng,
Hay những chiếc quan-tài chưa kịp đóng,
Chở cha, anh lao-động Mã-Lai về.

Chụp giùm tôi thảm-cảnh những dân quê,
Chịu đánh-đập chán chê dù vô tội,
Hay cảnh những anh-hùng không uốn gối,
Gánh đọa-đày trong ngục tối bao-la.

Chụp giùm tôi mốc biên-giới Việt Hoa,
Lấn vào đất của ông cha để lại,
Hay lãnh-thổ cao-nguyên còn hoang-dại,
Lũ sài-lang hèn nhát lạy dâng Tàu.

Chụp giùm tôi những nghĩa-địa buồn đau,
Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia-mộ.
Kẻ sống-sót đã đành cam chịu khổ,
Người chết sao cũng khốn-khó trăm đường.
x
x x
Hãy chụp giùm tôi hết những tang-thương,
Hình ảnh thật một quê-hương bất-hạnh,
Nơi mà bạn, xưa đêm trường gió lạnh,
Đã căm-hờn quyết mạnh-dạn ra khơi.

Chiếc thuyền con, ca nước lã cầm hơi,
Mạng sống nhỏ đem phơi đầu sóng dữ.
Rồi tha-phương lữ-thứ,
Tháng năm dài, quá-khứ cũng dần phai.

Lòng người chóng nguôi-ngoai,
Tháng Tư đến, có mấy ai còn nhớ !

Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2010

No comments:

Post a Comment