Dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải không ngừng chiến đấu để bảo vệ quyền tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi con sông đã mang đầy chứng tích của những cuộc chiến tranh tự vệ khốc liệt. Tổ tiên chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu chịu đựng gian nan trong suốt nhiều thế kỷ, sáng xuống biển tìm ngọc trai, chiều lên non tìm ngà voi châu báu.
Nhưng từ những chịu đựng, từ những máu xương và nước mắt, tinh thần độc lập, tự chủ đã được khai sinh và lớn lên cùng chiều dài lịch sử. Nếu không nhờ tinh thần độc lập tự chủ đó, ngày nay Việt Nam không phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng.
Với một lãnh hải dài hơn ba ngàn cây số, với một nguồn dự trữ tài nguyên thiên thiên phong phú, Việt Nam luôn là miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng của ngoại bang. Họa bắc phương chưa qua, giặt tây phương đã đến. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và hy sinh. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một Trần Cao Vân, một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi trong những ngày đập đá Côn Luân, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã
chết trong âm thầm, không để lại họ tên.
Sau khi vừa thoát ra khỏi ách thực dân. Những ngày tháng thanh bình trên quê hương không được bao lâu, tiếng súng lại nổ vang. Bộ chính trị đảng Lao Động Viêt Nam, tên đối ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, quyết định Cộng Sản hóa miền Nam bằng vũ lực. Từng đoàn thanh niên miền Bắc lại phải từ giã mái trường, từ giã gia đình thân thuộc, băng rừng vượt suối vào Nam để hoàn thành giấc mơ nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của Hồ Chí Minh và quốc tế Cộng Sản. Chim rừng Trường Sơn bặt tiếng hót. Màu hỏa châu thay thế ánh trăng vàng. Tiếng đại bác đêm đêm đã thay cho tiếng ru ngọt ngào của mẹ. Những chiếc bánh vẻ độc lập, tự do, hạnh phúc lần nữa được trưng bày giữa căn nhà đổ nát và nghèo đói Việt Nam.
Trong suốt 20 năm từ sau 1954, quân dân miền Nam, không có một con đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong một xã hội họ đã chọn lựa, quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền được hát bài hát họ thích. Quân dân miền Nam không chỉ phải bảo vệ miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để gìn giữ vùng trời và vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu máu của Ngụy Văn Thà và hàng trăm chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh.
Việt Nam Cộng Hòa có một quân lực hùng hậu, tinh nhuệ nhất Đông Nam Á được chứng minh qua những chiến tích lẫy lừng trong việc bảo vệ An Lộc, tái chiếm Cổ Thành, trấn giữ Bồng Sơn, Thường Đức v.v…Vâng, nhưng một đạo quân, dù tinh nhuệ bao nhiêu, các tướng lãnh dù tài ba thao lược bao nhiêu, trong một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tự vệ và kéo dài quá lâu, cũng không thể thắng một đạo quân xâm lược, cuồng tín và không từ chối bất cứ một phương tiện gì để đạt được mục đích thôn tính miền Nam.
Tháng tư đen 1975 đã đến.
Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen. Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của
những cao ốc. Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố. Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ Việt Nam đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.
Và cũng bắt đầu từ đó. Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1975. Những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão. Đói khát. Lo âu. Những địa danh xa lạ bỗng trở thành thân thiết, Camp Pendleton, Leamsing, Palawan, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom, Galang. Ngửa tay cầm chén gạo tình người. Thank you, merci, danke, gracias. Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi mới bắt đầu tập nói. Những câu tiếng Anh bập bẹ, những dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.
Nhưng từ vực sâu của đau thương chịu đựng đó, dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh và nhận diện ra kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam không phải là Pháp hay Mỹ, mà chính là giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, những kẻ chỉ vì tham vọng quyền lực và quyền lợi đã manh tâm bán đứng dân tộc, làm tôi mọi cho ngoại bang, rước voi về giày lên mảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam mà tổ tiên chúng ta bao đời gìn giữ.
Những que diêm độc lập tự do dân chủ thật sự đã được thắp lên. Thắp lên ở nhà thờ Vinh Sơn, thắp lên trong nhà giam Phan Đăng Lưu, thắp lên ở các trại tù Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Phong, Thanh Hóa, An Điềm.
Tại miền Bắc, những tướng lãnh, những cán bộ cao cấp một thời là trụ cột trong triều đình Cộng Sản như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, những cán bộ lãnh đạo của phong trào Cộng Sản miền Nam như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Văn Trấn, dù trễ còn hơn không, đã gióng lên tiếng nói trước thảm họa đen tối mà dân tộc Việt Nam đang bị chìm sâu.
Tại miền Nam, các lãnh đạo Phật Giáo, Công Giáo, Hòa Hảo như Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm v.v.. đã công khai phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Các phong trào cách mạng dân tộc nhân bản, bằng nhiều hình thức khác nhau, võ trang
và không võ trang, ôn hòa và cứng rắn, đã bùng nỗ tại nhiều nơi.
Các cấp lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tuy đã bị tước đoạt vũ khí, bị đày ải trong các trại tập trung khắp ba miền đất nước nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu dưới hình thức khác. Ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm
tin vào chính nghĩa tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những người chiến thắng.
Tức khắc sau khi được nhận định cư tại Mỹ qua chương trình HO, dù thể lực đã cạn dần sau nhiều năm bị đầy đọa, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã cùng với đồng bào đến trước, tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng tự do dân chủ mà bao nhiêu đồng đội của họ đã đổ máu để giữ gìn.
Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự tiếng nói, bằng thái độ. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị hay Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu, An Điềm… mà bằng các phượng tiện truyền thông dân chủ.
Ba mươi lăm năm. Thời gian trôi trên giòng sông đời bất tận. Những mái tóc xanh nay đã bạc, những khổ đau chồng chất đã vơi đi, nhưng ý thức dân tộc, khát vọng dân chủ tự do không già đi, không yếu đi theo tuổi tác mà mỗi ngày đã mạnh hơn, mỗi ngày có thêm nhiều chất liệu trẻ
trung và hy vọng hơn.
Các thế hệ trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã đứng lên đáp lời sông núi, tiếp tục hành trình của thế hệ cha anh. Hình thức đấu tranh của thời đại hôm nay có thể khác với hình thức của 35 năm trước, phương pháp đấu tranh có thể khác với phương pháp của 35 năm trước, vũ
khí đấu tranh có thể cũng khác với vũ khí của 35 năm trước, nhưng mục đích cuối cùng: tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam vẫn không thay đổi.
Việc bỏ tù hàng loạt các trí thức trẻ như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn v.v và mới đây như luật sư Lê Công Định, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung v.v.. chỉ chứng tỏ sự tuyệt vọng của nhà cầm quyền Cộng Sản, và như chúng ta đang thấy trong những tuần qua, càng bắt bớ, càng bỏ tù, ngọn lửa yêu nước trong tuổi trẻ càng bùng cháy cao hơn.
Cuộc vận động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý tưởng tự do dân tộc như cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi ngành nghề và mọi người đều có thể tham gia.
Cuộc tranh đấu ngày nay không bắt đầu từ những trận đánh lớn ngoài mặt trận như trong thời chiến mà bắt đầu từ công việc nhỏ của mỗi chúng ta đang làm; không bắt đầu từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến địa phương mà bắt đầu từ trong hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi toàn xã hội.
Mỗi người Việt Nam yêu nước, trong hay ngoài nước, vận dụng mọi điều kiện thuận lợi của mình, chủ động tạo nên một mặt trận riêng nhưng nhằm theo đuổi mục tiêu chung là cô lập, bào mòn, tẩy chay và cuối cùng loại bỏ cơ chế chính trị độc tài, độc đảng, mở đường cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam, giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Cộng.
Vũ khi mạnh nhất của thời đại hôm nay là Đoàn Kết Dân Tộc. Với sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.
Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam độc lập sau một ngàn năm bắc thuộc. Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam tự do sau một trăm năm dưới ách thực dân, dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng Cộng Sản độc tài. Ngọn lửa vô thần đã tàn lụi trên phần lớn trái đất và sẽ tàn lụi tại
Việt Nam.
Ba mươi lăm năm là một quảng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trể hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội nào khác. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vỡ, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.
NguoiVietBoston
http://nguoivietboston.com/?p=24012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment