Monday, November 29, 2010

DỰ THẢO LUẬT PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI CỦA VIỆT NAM (Lần thứ 7)

Dự thảo Luật phòng chống mua bán người (lần thứ 7)
DỰ THẢO LUẬT PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI CỦA VIỆT NAM (Lần thứ 7)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống mua bán người.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định các biện pháp phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người; xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mua bán người được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Chuyển giao, tiếp nhận người hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để chuyển giao bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách của người khác hoặc bằng các thủ đoạn khác để đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác hoặc nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác.
b) Chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất để chuyển giao nhằm đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác hoặc nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Nạn nhân là người được xác định bị mua bán trong vụ án mua bán người
Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống mua bán người
1. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mua bán người kết hợp với công tác quản lý về an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mua bán người.
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các hành vi mua bán người theo quy định của pháp luật.
3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Kết hợp chặt chẽ phòng, chống mua bán người với phòng, chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
4. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các nạn nhân.
5. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người
1. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
2. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phòng, chống mua bán người.
3. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
4. Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân
1. Nạn nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
b) Được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định của Luật này;
c) Được xem xét để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính đối với một số hành vi vi phạm cụ thể do mình thực hiện trong quá trình bị mua bán;
d) Cung cấp thông tin liên quan đến việc mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
đ) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Người đang chờ xác minh là nạn nhân có các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
2. Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
3. Các Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người tại địa phương.
Điều 7. Những hành vi bị cấm
1. Các hành vi mua bán người.
2. Cưỡng bức người khác thực hiện hành vi mua bán người.
3. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi mua bán người.
4. Tiết lộ các thông tin cá nhân của nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân liên quan đến việc bị mua bán khi chưa có sự đồng ý của họ.
5. Cản trở việc tố giác, khai báo và xử lý hành vi mua bán người.
6. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
7. Giả mạo là nạn nhân.
8. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
9. Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người.
10. Rửa tiền do phạm tội về mua bán người.
CHƯƠNG II
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Điều 8. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, về mối hiểm hoạ của mua bán người, làm cho mọi người đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
2. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người bao gồm:
a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
b) Thủ đoạn và tác hại của hành vi mua bán người;
c) Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;
d) Biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống mua bán người;
đ) Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người;
e) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân;
g) Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
3. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
a) Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;
b) Cung cấp tài liệu tuyên truyền;
c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;
d) Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
đ) Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác;
e) Các phương thức khác.
4. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội.
5. Chú trọng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người đối với đối tượng là phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Điều 9. Tư vấn về phòng, chống mua bán người
1. Tư vấn về phòng, chống mua bán người bao gồm các nội dung sau đây:
a) Cung cấp kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người; thông tin về nguy cơ và mối hiểm hoạ mua bán người;
b) Cung cấp thông tin về thủ đoạn mua bán người và hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;
c) Cung cấp những thông tin về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân và hướng dẫn cách thức thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó.
2. Việc tư vấn phòng, chống mua bán người tập trung vào các đối tượng sau đây:
a) Người có nhu cầu tìm kiếm việc làm hoặc đi du lịch trong nước hoặc ở nước ngoài;
b) Người có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài;
c) Người có nhu cầu cho, nhận con nuôi;
d) Người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ;
đ) Nạn nhân và thân nhân của họ.
Điều 10. Quản lý về an ninh, trật tự
1. Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu ở địa bàn dân cư thông qua công tác hộ tịch, hộ khẩu; tăng cường kiểm tra nhân khẩu ở địa bàn.
2. Giám sát chặt chẽ sự biến động dân cư trên địa bàn thông qua chế độ đăng ký tạm trú, tạm vắng.
3. Giám sát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng có nghi vấn khác trên địa bàn.
4. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các thông tin về tàng thư, căn cước, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.
5. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
6. Trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.
7. Quản lý chặt chẽ công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.
8. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng khác của các nước láng giềng trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn mua bán người, giải cứu nạn nhân.
Điều 11. Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người
1. Quản lý chặt chẽ các hoạt động cho, nhận con nuôi, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập hoặc du lịch ở nước ngoài, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người theo quy định của pháp luật.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này nhằm phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
Điều 12. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội
1. Phòng, chống mua bán người là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống mại dâm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
Điều 13. Phát hiện, tố giác tội phạm về mua bán người
1. Cá nhân khi phát hiện hành vi mua bán người có trách nhiệm tố giác với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức khác. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
2. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác về tội phạm mua bán người có trách nhiệm kịp thời báo tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản, giữ bí mật về nhân thân người tố giác và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật khi người đó có nguy cơ bị tấn công.
Điều 14. Phát hiện tội phạm về mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra
1. Các tổ chức hoạt động cho, nhận con nuôi, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập hoặc du lịch ở nước ngoài, cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người phải tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; nếu phát hiện có hành vi mua bán người thì phải kịp thời báo tin bằng văn bản cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm phát hiện tội phạm về mua bán người và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án mua bán người theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Phát hiện, ngăn chặn tội phạm về mua bán người thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm
1. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về mua bán người trong Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện một số hoạt động sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đấu tranh phòng, chống tội phạm về mua bán người tại các địa bàn biên giới, trên biển và nội địa;
b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện, ngăn chặn tội phạm về mua bán người;
c) Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ cho việc điều tra, phát hiện, ngăn chặn tội phạm về mua bán người, bảo vệ nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân, người làm chứng và những người khác theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan;
d) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân, người tố giác, người làm chứng cũng như người thân thích của họ khi những người này bị đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản.
2. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu của lực lượng phòng, chống tội phạm về mua bán người quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 16. Giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người hoặc kiến nghị khởi tố vụ án về mua bán người
1. Trong thời hạn không quá hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người hoặc kiến nghị khởi tố vụ án về mua bán người, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự về mua bán người.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tin báo, tố giác hoặc kiến nghị khởi tố có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng.
2. Kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người hoặc kiến nghị khởi tố vụ án về mua bán người phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin, tố giác hoặc kiến nghị khởi tố biết.
3. Trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người, cơ quan điều tra có trách nhiệm giữ bí mật về nhân thân người tố giác, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cho người tố giác và người thân thích của họ khi những người này bị đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Điều 17. Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người
1. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án về mua bán người được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Trong quá trình giải quyết vụ án về mua bán người, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người bị hại, người làm chứng và người thân thích của họ khi những người này bị đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và của Luật này.
CHƯƠNG III
XÁC MINH NẠN NHÂN. TIẾP NHẬN VÀ BẢO VỆ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG CHỜ XÁC MINH LÀ NẠN NHÂN
MỤC I. TIẾP NHẬN NẠN NHÂN VÀ NGƯỜI ĐANG CHỜ XÁC MINH LÀ NẠN NHÂN. XÁC MINH NẠN NHÂN.
Điều 18. Tiếp nhận nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc bị mua bán ra nước ngoài tự trở về
1. Nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc bị mua bán ra nước ngoài tự trở về có thể đến khai báo tại Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất.
Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển người đó đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.
2. Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều này; hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết và làm thủ tục chuyển giao những người này cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú trước khi bị mua bán hoặc cho cơ sở bảo trợ xã hội nếu họ không có nơi cư trú. Trường hợp họ có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân cư trú trước khi bị mua bán và cơ sở bảo trợ xã hội đã tiếp nhận họ thực hiện việc phân loại đối tượng. Đối với những người có giấy tờ xác định là nạn nhân thì hướng dẫn họ làm thủ tục nhận các chế độ hỗ trợ quy định tại Điều 26 của Luật này. Trường hợp chưa có giấy tờ xác định là nạn nhân thì làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
Điều 19. Tiếp nhận nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài được Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển giải cứu hoặc tự trở về qua biên giới
1. Nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển giải cứu hoặc tự trở về qua biên giới được Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đưa về cơ sở tiếp nhận nạn nhân.
2. Cơ sở tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều này; thực hiện hỗ trợ ban đầu và làm các thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này.
Điều 20. Trình tự, thủ tục xác minh nạn nhân
1. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đang chờ xác minh là nạn nhân cư trú trước khi bị mua bán và cơ sở bảo trợ xã hội đã tiếp nhận người đang chờ xác minh là nạn nhân có trách nhiệm thu thập thông tin về người đang chờ xác minh là nạn nhân và làm thủ tục đề nghị Công an cấp huyện xác minh nạn nhân.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở bảo trợ xã hội, Công an cấp huyện có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày.
Điều 21. Xác minh, tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc theo thoả thuận song phương
1. Việc xác minh, tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước;
b) Bộ Công an tiếp nhận và chuyển giao nạn nhân cho cơ sở tiếp nhận nạn nhân;
c) Cơ sở tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này.
2. Việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài có đủ điều kiện trở về Việt Nam theo khuôn khổ thoả thuận song phương được thực hiện theo quy định của thoả thuận song phương đó.
Điều 22. Giấy tờ, tài liệu xác định nạn nhân
Giấy tờ, tài liệu xác định nạn nhân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
1. Giấy tờ của Cơ quan điều tra hoặc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác nhận người đó là người bị hại trong vụ án mua bán người.
2. Bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra.
3. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát.
4. Bản án, quyết định của Toà án.
5. Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự hoặc Bộ Ngoại Giao Việt Nam chứng nhận lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
MỤC II. GIẢI CỨU NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG CHỜ XÁC MINH LÀ NẠN NHÂN. BẢO VỆ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG CHỜ XÁC MINH LÀ NẠN NHÂN VÀ NGƯỜI THÂN THÍCH CỦA HỌ
Điều 23. Giải cứu, bảo vệ khẩn cấp
Khi có cơ sở cho rằng một người bị mua bán thì cơ quan quy định tại khoản 1, Điều 15 của Luật này có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu; trong trường hợp người đó có nguy cơ bị gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ thì áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Điều 24. Bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và người thân thích của họ
1. Các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và người thân thích của họ bao gồm:
a) Cung cấp nơi tạm lánh khi có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của họ;
b) Bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập hoặc tại phiên tòa theo quy định của pháp luật;
c) Thay đổi chỗ ở và giữ bí mật thông tin về nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và người thân thích của họ;
d) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa đối tượng có hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và người thân thích của họ;
đ) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và người thân thích của họ.
Điều 25. Bảo vệ bí mật cá nhân trong quá trình tố tụng
1. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, người tiến hành tố tụng, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác không được tiết lộ các thông tin cá nhân của nạn nhân do mình biết được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp có sự đồng ý của nạn nhân.
2. Tòa án có thể xem xét, quyết định xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân.
CHƯƠNG IV
HỖ TRỢ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG CHỜ XÁC MINH LÀ NẠN NHÂN
Điều 26. Chế độ hỗ trợ
1. Người đang chờ xác minh là nạn nhân quy định tại các điều 18, 19 và 21 của Luật này và trẻ em đi cùng được hưởng chế độ hỗ trợ ban đầu bao gồm: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ tâm lý.
2. Nạn nhân là người có quốc tịch Việt Nam, người không quốc tịch có nơi thường trú ở Việt Nam được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:
a) Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu;
b) Hỗ trợ y tế;
c) Hỗ trợ tâm lý;
d) Trợ giúp pháp lý;
đ) Hỗ trợ học văn hóa, học nghề;
e) Trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn.
3. Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này.
4. Nạn nhân là trẻ em được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ của khoản 2 Điều này.
Điều 27. Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu
Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân cần thiết khác. Nếu họ có nguyện vọng trở về địa phương thì được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường.
Điều 28. Hỗ trợ y tế
Trong trường hợp nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân cần được điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
Điều 29. Hỗ trợ tâm lý
Nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý ngay sau khi được giải cứu, tiếp nhận và trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Điều 30. Trợ giúp pháp lý
1. Nạn nhân được trợ giúp pháp lý tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
2. Phạm vi, hình thức, thủ tục đề nghị trợ giúp pháp lý được thực hiện theo các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Điều 31. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề
1. Nạn nhân là trẻ em, nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.
2. Nạn nhân khi trở về địa phương thì được xem xét, hỗ trợ học nghề. Việc tổ chức dạy nghề do hệ thống các Trung tâm dạy nghề tại địa phương thực hiện.
Điều 32. Trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn
1. Nạn nhân khi trở về địa phương nếu thuộc hộ nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.
2. Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Tài chính phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
CHƯƠNG V
HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Điều 33. Nguyên tắc hợp tác quốc tế
Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia với các nước trong khu vực và các nước khác trên thế giới; khuyến khích các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong hoạt động phòng, chống mua bán người.
Điều 34. Thực hiện hợp tác quốc tế
1. Trên cơ sở các quy định của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các chương trình hợp tác với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo về phòng, chống mua bán người.
2. Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với nước có liên quan để giải quyết vụ việc cụ thể về mua bán người phải tuân theo các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước có liên quan là thành viên hoặc theo thoả thuận trực tiếp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước có liên quan.
Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế đa phương hoặc chưa ký với nhau điều ước quốc tế song phương thì các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn của mình, được thoả thuận trực tiếp với cơ quan tư pháp của nước có liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về mua bán người.
Điều 35. Hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân
1. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan hữu quan của nước khác trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người.
2. Nhà nước Việt Nam thỏa thuận và tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng tiến hành hồi hương nạn nhân trở về nước mà người đó mang quốc tịch; áp dụng các biện pháp thích hợp để thực hiện việc hồi hương theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Điều 36. Tương trợ tư pháp và dẫn độ
Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về mua bán người.
Việc tương trợ tư pháp và dẫn độ được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật của Việt Nam.
CHƯƠNG VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH, CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Điều 37. Trách nhiệm của cá nhân
1. Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.
2. Kịp thời ngăn chặn, tố giác tội phạm về mua bán người với cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này.
3. Tham gia các hoạt động hỗ trợ nạn nhân.
4. Thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Điều 38. Trách nhiệm của gia đình
1. Tạo môi trường sống lành mạnh trong gia đình; giáo dục, nhắc nhở thành viên của gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Thông tin cho thành viên của gia đình các thủ đoạn của tội phạm về mua bán người và hướng dẫn kỹ năng ứng xử khi có nghi ngờ về việc mua bán người.
3. Can ngăn, ngăn chặn thành viên của gia đình tham gia vào hoạt động mua bán người.
4. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.
5. Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống tội phạm về mua bán người.
6. Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống mua bán người.
Điều 39. Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
1. Thực hiện việc lồng ghép kiến thức phòng, chống mua bán người vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học; tổ chức các hoạt động ngoại khoá tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.
2. Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân được học văn hoá, học nghề.
3. Tạo môi trường thân thiện để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân hoà nhập cộng đồng.
4. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.
Điều 40. Trách nhiệm của các tổ chức, cơ sở kinh doanh dịch vụ
1. Các tổ chức hoạt động cho, nhận con nuôi, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập hoặc du lịch ở nước ngoài, cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người có trách nhiệm:
a) Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
b) Nắm thông tin về khách hàng và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ;
c) Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; không tham gia hoặc tạo điều kiện cho cho hoạt động mua bán người, không để xảy ra tình trạng mua bán người ở cơ sở mình;
d) Tư vấn cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến phòng, chống mua bán người.
2. Người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Điều 41. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng
1. Thông tin kịp thời, chính xác chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phản ánh về tình hình tội phạm mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; giới thiệu các gương điển hình trong đấu tranh phòng, chống mua bán người; những mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả.
2. Giữ bí mật thông tin cá nhân của nạn nhân, bí mật điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người trong quá trình đưa tin bài theo quy định của pháp luật.
3. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình thông tin, truyền thông khác.
4. Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người trên đài phát thanh, đài truyền hình; về dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Trách nhiệm của cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội
1. Cơ sở tiếp nhận nạn nhân có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận nạn nhân và người đang chờ xác minh là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về;
b) Thực hiện việc hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân. Nếu họ có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn khi đi đường. Trường hợp cần bố trí chỗ ở tạm thời cho họ thì thời hạn lưu trú không quá 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận;
c) Làm thủ tục chuyển giao nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú trước khi bị mua bán, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc cho cơ sở bảo trợ xã hội khi hết thời hạn lưu trú.
2. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận và cung cấp nơi lưu trú cho nạn nhân. Thời hạn lưu trú của nạn nhân không quá 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận. Đối với nạn nhân cần hỗ trợ về sức khoẻ, y tế, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì thời gian lưu trú có thể dài hơn nhưng không quá 60 ngày;
b) Thực hiện chế độ hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân sau khi tiếp nhận phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguyện vọng của họ và khả năng đáp ứng của cơ sở;
c) Giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho nạn nhân;
d) Đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng;
đ) Cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng, chống tội phạm về mua bán người.
3. Cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ sở tiếp nhận nạn nhân hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyển đến;
b) Làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh nạn nhân theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
c) Hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục nhận các chế độ hỗ trợ quy định tại Điều 26 của Luật này.
Điều 43. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người:
a) Đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người;
b) Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người;
c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống mua bán người; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người;
e) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
2. Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người:
a) Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về mua bán người;
b) Thực hiện quản lý về an ninh, trật tự để phòng ngừa tội phạm về mua bán người;
c) Phát động phong trào quần chúng tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 44. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở địa bàn khu vực biên giới tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người.
2. Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới và trên biển.
3. Thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới, cửa khẩu nhằm ngăn chặn việc đưa người ra nước ngoài.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 45. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì công tác hỗ trợ nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân.
2. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ nạn nhân.
3. Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
4. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phòng ngừa tội phạm về mua bán người.
Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Thực hiện công tác bảo hộ đối với công dân Việt Nam là nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Phối hợp với cơ quan hữu quan trong nước và nước ngoài trong việc xác minh, xác định nạn nhân, làm thủ tục đưa nạn nhân về nước.
3. Phối hợp với Bộ Công an và cơ quan hữu quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người cho các bộ, ngành và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí phòng, chống mua bán người.
3. Thực hiện việc kiểm tra, quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng mục đích.
4. Chủ trì nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp nhằm huy động sự đóng góp kinh phí từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước.
Điều 48. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân
1. Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có trách nhiệm:
a) Thực hiện việc truy tố, xét xử nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ án về mua bán người;
b) Trong quá trình truy tố, xét xử vụ án về mua bán người, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa;
c) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong các vụ án về mua bán người.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan thực hiện việc thống kê tội phạm về mua bán người.
Điều 49. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
a) Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mua bán người ở địa phương;
c) Lập dự toán và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người ở địa phương.
2. Ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, người đang chờ xác minh là nạn nhân và làm các thủ tục cần thiết theo quy định tại các điều 18 và 20 của Luật này;
b) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng;
c) Theo dõi và thông báo định kỳ cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình sinh sống của nạn nhân trên địa bàn; có biện pháp hỗ trợ cần thiết khi nạn nhân có yêu cầu.
Điều 50. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
1. Tổ chức và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm về mua bán người.
2. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phát hiện và phòng ngừa mua bán người.
3. Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia vào hoạt động mua bán người.
4. Tham gia công tác tư vấn về phòng, chống mua bán người và các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ động viên, giúp đỡ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
5. Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Điều 51. Trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 50 của Luật này.
2. Tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm về mua bán người.
3. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
4. Tham gia công tác tư vấn về phòng, chống mua bán người và các hoạt động vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân là phụ nữ, đoàn viên thanh niên .
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 52. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ...... tháng ...... năm 20......
Điều 53. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá ....., kỳ họp thứ ..... thông qua ngày ....... tháng ...... năm 20.....
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

Thursday, November 18, 2010

Lại Câu Chuyện Bùn Đỏ: Cao Bằng

TS Mai Thanh Truyết


Đúng một tháng sau tai nạn thảm khốc ở Hungary do một bức tường chắn của một trong 10 hồ chứa bùn đỏ , phế thải của việc khai thác bauxite bị bể ngày 4 tháng 10, tin tức từ Việt Nam thông báo là vào đêm mùng bốn rạng mùng năm tháng 11, 2010, cơn “lũ” bùn đỏ kéo theo hàng vạn khối bùn đỏ từ thượng nguồn đổ xuống. Bùn nầy là phế thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng, tức công ty TKV, cũng là công ty đang thực hiện việc khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Đây là một sự kiện đã được tiên liệu trong hầu hết các công cuộc phát triển của Việt Nam qua việc khai thác khoáng sản cũng như xây dựng các đập thủy điện và các công trình phát triển khác. Tiên liệu vấn nạn môi trường sẽ xảy ra là một “logic tất yếu” vì một nguyên nhân căn bản chính là hầu hết dự án khai triển ở Việt Nam đều không có nghiên cứu tác động môi trường (Environmental Assessment Impacts-EAI), điều đã được ghi rõ ràng trong Luật Môi Trường Việt Nam (1993) và Luật Đầu tư trước khi cung cấp giấy phép xây dựng dự án…

Chúng ta đã từng nghe và thấy thảm nạn đã xảy ra cho các đập thủy điện trên các sông ngòi ở miền Trung bị bể hay xả nước vô tội vạ làm ngập nhiều làng xóm, thị xã từ nhiều năm qua, mỗi lần mùa mưa đến…

Chúng ta đã từng nghe và thấy dòng sông Thị Vải hầu như hoàn toàn bị ô nhiễm từ năm 1997 do công ty Vedan, ngay sau khi bắt đầu khai thác bột ngọt từ năm 1994. Qua mốc ngoặt, qua bao che v.v…tất cả đều êm xuôi mặc dù nước thải độc hại đã được thải hồi ngay sau khi sản xuất những mẽ đầu tiên. Năm 2007, chúng tôi đã nêu lên vấn nạn nầy, và đã được “phản hồi” bằng những lời lẽ cho là bôi bác chế độ! Mãi đến năm 2008, Công ty Vedan “mới” bị khám phá là có một đường ống “bí mật” xả nước thải thắng vào sông vào ban đêm từ hàng chục năm qua…

Và sự kiện tương tự đã diễn ra tại một công ty khai thác quặng sắt ở Cao Bằng ngày hôm nay…

Vài thông tin về quặng sắt

Sắt có công thức hóa học là Fe, là một thành phần kim loại chiếm 5% của vỏ trái đất. Khi nguyên chất, sắt có màu xẩm đen goi là màu xám bạc kim loại (silvery-gray metal). Đây là một kim loại rất dễ bị oxid hóa còn gọi là rỉ sét và biến thành màu đỏ giống như bùn đỏ trong công nghệ khái thác quặng sắt hay bauxite. Các màu đỏ, cam, hay vàng thường thấy trong đất và đá thông thường là các loại oxid sắt dưới nhiều kết nối giữa sắt và oxy với tỷ lệ khác nhau..

Phần dưới của vỏ trái đất được dự đoán là do hợp kim sắt và nickel vì hợp kim nầy là các “thiên thạch” (meteorites) thỉnh thoảng rơi vào mặt đất, và hợp kim nầy cũng được dự đoán là kim loại đầu tiên cấu tạo ra vũ trụ! Sao Hỏa (Mars) được gọi tên như thế là vì lớp vỏ ngoài được bao bọc bằng oxid sắt có màu đỏ.

Tên Sắt (Iron) có được từ danh từ Old English tên là Isaern, nguyên ủy từ tiếng Celtic là Isarnon.

Trên thế giới, ước tính có khoảng 800 tỷ tấn quặng mỏ sắt dung chứa độ 230 tỷ tấn sắt ròng (nguyên chất). Hàm lượng sắt ở Hoa Kỳ chiếm độ 27 tỷ tấn. Hầu hết (gần 100%) sắt nguyên chất khai thác từ các quặng mỏ được chế biến thành các loại thép khác nhau tùy theo nhu cầu, như hỗn hợp sắt và tungsten, manganese, nickel, vanadium, hay chromium v.v..dùng cho kỹ nghệ xây cất, xe hơi v.v…

Các quặng sắt thường xuất hiện dưới dạng Hematite tức oxid sắt III (Fe2O3) chứa 70% sắt, dạng Magnetite tức oxid sắt sesqui (Fe3O4) chứa 72%, và dạng Taconite chứa độ 30% hỗn hợp hai dạng trên và nhiều kim loại khác.

Sắt còn là một nguyên tố tối cần thiết cho cơ thể con người. Cơ thể con người chứa 0.006% sắt, phần lớn tồn chứa trong máu. Tế bào máu chứa sắt mang oxy từ buồng phổi đi khắp châu thân. Nếu cơ thể thiếu chất sắt, sức miễm nhiễm của cơ thể sẽ bị giảm đi.

Câu chuyện bùn đỏ Cao Bằng

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, những nạn nhân ở xã Duyệt Chung đã điện thoại lên UBND Xã để báo tình hình. Và cũng ngay sau đó (?) (theo lời báo chí!), nhân viên xí nghiệp khai thác Nà Lũng đã tìm cách bít lỗ hổng của đập bị vỡ. Dòng chảy của bùn cao từ 2 đến 3 thước chảy như con rắn tràn vào nhà, tràn xuống giếng, vào các cánh đồng. Nhiều nhà tầng thứ nhứt, tức tầng trệt bị ngập hoàn toàn…

Mãi đến 4 ngày sau, bùn mới rút dần vào con suối cuối làng và chảy vào sông Bằng.

Chính Ông phó Chủ tịch UBND thị xã đã cho biết trước đây từ năm 2005, đã nhiều lần xí nghiệp xả bùn làm ngập đồng ruộng gây thiệt hại cho dân mà không đền bù thiệt hại gì cả.

Mỏ quặng Nà Lũng đã được khai thác từ năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào sới lên (giống như quặng bauxite, chỉ che phủ bới lớp đất thịt khoảng 1 m) sẽ được phun nước đểu tầy rửa chất bẩn như đất cát, và các hợp kim khác lẫn trong quặng như các oxid Manganese, Selemium, Arsenic v.v… Sau đó phế thải lỏng nầy chảy vào 4 đập lớn thông nhau và các bờ đập đều được đấp “sơ sài” bằng đất.

Chính đập số 4 là đập bị vỡ và nước thải bùn đỏ ở các đập 1,2,3 vẫn tiếp tục chảy vào đập số 4 cho đến khi công ty ngăn chặn dòng chảy lại. Do đó, ước tính lượng bùn đỏ tràn vào xã Duyệt Chung không chính xác. Nhiều cơ quan ước tính hàng ngàn m3, nhiều báo ước tính hàng chục ngàn…có lẽ những con số trên thay đổi tùy theo mức thay đổi của “thủ tục đầu tiên”.

Giải quyết vần đề của những người có trách nhiệm

Như đã nói ở phần trên, ngay từ đầu, Ông Lê Ngọc Quang, Phó CT UBND thị xã Cao Bằng cho biết không phải là lần đầu tiên người dân Nà Lũng bị ngập bùn, chính quyền đã yêu cầu nhiều lần, lên đến công ty, đến cơ quan bảo vệ môi trường và tài nguyên tỉnh…nhưng tất cả là “vũ như cẩn” cho đến khi có “sự cố” vừa qua.

Hiện nay (9/11), người dân phải đích thân dọn nhà cửa của chính mình, công ty chỉ cho máy hút bùn trên những đoạn đường đi vào cổng xí nghiệp. Con suối từ cuối xã Duyệt Chung, một nguồn nước sinh hoạt cho dân chúng của xã, hoàn toàn đặc quánh màu đỏ và vẫn từ từ chảy vào sông Bằng. Dấu hiệu cá chết nổi trên mặt nước cũng đã xảy ra.

Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bằng cho biết công tác khắc phục bùn đỏ như sau: “Đang khắc phục, mọi hoạt động trở lại chỉ có học sinh đi lại còn vất vả. Đang chuẩn bị gia cố lại hồ chứa. Bùn đỏ tràn ra thì hốt đi khỏi khu vực ấy. Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, kể cả người dân sử dụng máy gạt, máy ủi, đưa xuống nơi bùn tràn qua và đưa đi nơi khác”.

Quả thật người viết hoàn toàn mù tịt về phương pháp giải quyết của một Ông CT Hội BVMT của tỉnh…là làm sao hốt bùn tràn vào suối, tràn vào sông, hay bùn đã thấm vào lòng đất, vào mạch nước ngầm? (Nếu Ông Chủ tịch nhận được thông tin nầy xin giải thích cho người dân khắp nơi được rõ để viết bài về phương pháp xử lý bùn đỏ sau khi có “sự cố” bể bờ chắn hồ chứa, hay “xả “lậu” phế thải bùn đỏ”.

Tiếp theo, vào ngày 9/11, một nhà lãnh đạo chuyên môn của Tập đoàn Than-Khóang sản Việt Nam tức TKV, Ông Phó Tổng Giám đốc tuyên bố sẽ dùng máy hút bùn từ dòng suối trở lại đập chứa chất thải của công ty.

Giời ạ! Người viết chỉ còn biết đấm ngực ba lần xưng tội với Chúa, lạy 4 lạy sám hối với Trời Phật, xin tội với Alla…cầu mong có được một trí thông minh tối thiểu để có thể hiểu được và cảm nhận được một phương cách giải quyết vấn đề thần sầu của một nhà chuyện môn, đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ nhân loại!

Thay lời kết

Qua những phát biểu và các kế hoạch ban đầu của những người có trách nhiệm trong việc tràn bùn đỏ của xí nghiệp Nà Lũng, chúng ta có thể rút tỉa một số kinh nghiệm sau đây, mặc dù ngay từ sau 1975, chúng ta đã từng rút tỉa biết bao nhiêu kinh nghiệm “xương máu” trong cung cách điều khiển và vận hành những công trình phát triển Việt Nam. Đó là:

· Thái độ vô trách nhiệm của những người chiụ trách nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra;

· Cung cách phát triển chỉ tập trung vào lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường;

· Cung cách xem thường sự hiểu biết của người dân và những nhà khoa học trong nước và ngoài nước qua việc “giấu kín” chi tiết của các dự án;

· Bưng bít, che đậy, trấn áp người người tố cáo tai nạn, bịt miệng truyền thông, thông tin sai lệch là những thủ thuật của cường quyền áp dụng cho người dân trong nước;

· Coi thường sinh mạng, sức khỏe của người bằng cách che đậy mức nguy hại của tai nạn môi trường, nhứt là trong việc khai thác “dưới đất” (khoáng sản).

Tất cả những điều trên đây thể hiện một não trạng cứng ngắt. Đó là não trạng của một chủ nghĩa Sô Viết Liên Sô còn sót lại trong suốt quá trình thành lập và xây dựng cọng sản chủ nghĩa chúng ta đã “chiêm ngưỡng” qua sự bể từơng chắn bùn đỏ bauxite ở Ukraina vào năm 2005 (bể tường chắn bằng bê tông cao 140m), vụ bể tường chắn tại Hungary tháng vừa qua (tường chắn cao 41m), và tại Việt Nam qua vụ vỡ bờ chắn bằng đất của xí nghiệp Nà Lũng.

Xin hỏi, kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã khai thác bauxite tại Lâm Đồng bằng phương pháp thủ công để sản xuất hàng năm độ 12.000 tấn Alumina (oxid nhôm Al2O3) dùng trong việc lọc nước sinh hoạt ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như vậy số lượng bùn đỏ thải ra từ đó đến giờ đã được chứa ở đâu hay được xử lý như thế nào?

Mai Thanh Truyết

Nỗi đau bùn đỏ tháng 11/2010

Về đoạn video 'bắt mại dâm' tại Việt Nam

Trên 300 người bình luận về đoạn video được Like-No-Other đưa lên Facebook

Cộng đồng mạng tiếng Việt đang bàn nhiều về đoạn video quay cảnh được cho là bắt giữ một vụ mại dâm.

Tin từ Bấm báo Việt Nam ngày 17/11 cho hay "Bộ Công an cho biết sẽ xem xét vụ việc dưới góc độ pháp luật, trong khi luật sư khẳng định vụ việc đã đi quá giới hạn".

Trong gian phòng giống như nhà nghỉ và khách sạn, hai cô gái không mặc quần áo trên người bị yêu cầu đứng thẳng, dang tay, để chụp ảnh, trong lúc có một số người mặc thường phục lập biên bản.

"Con này, mày đứng dậy tao chụp kiểu ảnh. Nhanh," giọng một người ra lệnh. "Ngẩng mặt lên, dang hai tay ra."

Cô gái bị "nhắc nhở" này lúc đó đang dùng hai tay để che chỗ kín.

Trong video cũng thấy cảnh một người đàn ông khác cũng đang quay phim hoặc chụp hình bằng điện thoại cầm tay.

Một cô gái bật khóc, và giọng nói đó đặt câu hỏi "mày khóc cái gì?".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101115_police_video.shtml

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Trên đoạn video cũng thấy những người này ghi chép vào giấy tờ ngay trên giường phủ nệm trắng.

Đoạn phim xuất hiện trên YouTube và sau đó biến mất, hiện trở lại trên mạng xã hội Facebook, được blogger có tên là Like-No-Other chia sẻ trực tuyến và giới thiệu đường dẫn để tải xuống máy tính riêng.

Tức giận và hoài nghi

Cho đến tối 15/11/2010 đã có trên 330 bình luận mà đa số là thể hiện sự tức giận, bên cạnh những câu hỏi hoài nghi.

"Có ai xác thực không, hay chỉ là một trò trá hình của bọn phản động hoặc biến thái bày trò," blogger PHT nghi vấn.

"Mấy ông này giống dân phòng chứ không phải công an," blogger IP nhận xét.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng những hành động như vậy là xâm hại đến nhân phẩm của người khác.

Một blogger là HA nói: "Hành vi sỉ nhục người khác dù người đó vi phạm pháp luật là một hành vi đáng lên án."

Một số khác nhìn vào hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay, như PN: "Thương quá, cũng vì hoàn cảnh nhiều người nghèo quá mà mới ra nông nỗi này."

Việt Nam và Mỹ, ai cần ai hơn?

Bà Hillary Clinton đã có nhiều chuyến thăm Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Là một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng khá cao trong vùng thời gian qua, trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế trên thế giới, song liệu Việt Nam cần tới Mỹ hơn hay là cường quốc kinh tế hàng đầu này phải cần tới Việt Nam hơn tại Đông Nam Á.

Chủ đề này đã được cây viết Jonathan Tepperman dành nhiều thời lượng phân tích ở bài báo mới nhất trong tháng 11 của ông trên tờ báo Mỹ chuyên về nghị luận chính trị và các vấn đề quốc tế The Atlantic có tựa đề "Obama làm bạn với các quốc gia chuyên quyền ở châu Á."

Sau khi cho rằng Tổng thống Mỹ đã ít nhiều tỏ ra 'mềm mỏng' trước các cường quốc như Nga và Trung Quốc, đặc biệt trên địa hạt dân chủ và nhân quyền, phó chủ biên quốc tế của tờ New York Magazine nhận định, chính sách này không nhất quán ở nơi khác, đặc biệt với Việt Nam.

"Việt Nam vẫn là một nước nhỏ và yếu. Dù đây là một đối tác mới của Mỹ cả về kinh tế và chiến lược. Với thu nhập quốc nội tăng chừng 7% vào quý trước, vốn làm cho nước này trở thành một trong các nền kinh tế nóng nhất ở châu Á..." tác giả viết.

Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới

"Nhưng mặc dù các cải cách kinh tế của Hà Nội, Việt Nam vẫn còn là một thể chế khá độc tài, thậm chí tổ chức Human Right Watch còn gọi đây là một trong những quốc gia có sự đàn áp sâu sắc nhất ở châu Á."

Cựu phó chủ biên của tờ Foreign Affairs Magazine còn xác nhận qua bài báo rằng trong thời gian hai năm qua, chính phủ Việt Nam đã "tiến hành các vụ đàn áp rộng khắp", o bế và bỏ tù nhiều nông dân phản đối nạn mà ông gọi là 'cướp đất' ở đồng bằng Sông Cửu Long, "chế áp các giáo dân công giáo và các chủ chăn" ở các giáo sứ "phản đối việc tịch biên, quốc hữu hóa đất đai và tài sản của nhà thờ".

"Nhiều nhà hoạt động người Thượng chống lại việc chính phủ kiểm soát các nhà thờ, cũng như hàng trăm nhà hoạt động chính trị ôn hòa đã bị bắt giữ," Tepperman viết.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo cho các nhà sản xuất Mỹ cơ hội hưởng giá nhân lực lao động thấp trong so sánh với mức giá lao động của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng giá, tác giả bài báo trên The Atlantic nhận xét:

"Nhưng đối phó với Việt Nam thì dễ hơn. Mỹ có đủ sức để ép nước này mạnh hơn trên các giá trị cơ bản của tự do chẳng hạn, bằng cách hướng cho các hợp tác làm cho Việt Nam phải nhẹ tay hơn, vì lý do đơn giản là Việt Nam cần Mỹ hơn là Washington cần Hà Nội rất nhiều."

Điều kiện làm bạn



Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, vừa tới thăm Việt Nam tuần vừa qua.

Theo hướng nhận định này, tác giả lý giải trước hết rằng trong khi kinh tế Việt Nam đang "nóng và tăng trưởng" thì nền độ lớn của nền kinh tế "vẫn còn nhỏ nhoi" với quy mô còn thấp hơn một nửa so với Thái Lan.

Lý do tiếp theo là do Việt Nam "là quốc gia đặc biệt bị đe dọa bởi hành vi ngày một hiếu chiến của Trung Quốc, nhất là với các tuyên bố đòi chủ quyền với lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông."

"Điều này có nghĩa là Việt Nam đang rất muốn có bạn bè mới tại thời điểm hiện nay và có thể chịu 'ngậm đắng nuốt cay' chấp nhận một số điều kiện, nếu như không có cơ hội nào khác," bài bào khẳng định.

làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt công dân của mình

"Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới."

Ở phần cuối bài viết, Tapperman trích lại ý của tờ New York Times nhận định chính quyền của Tổng thống Obama quan tâm tới việc gây dựng các liên minh trong khu vực châu Á vào thời điểm hiện nay là để "cân bằng trước một Bắc Kinh ngày một gia tăng sức nặng của nó trên trường quốc tế."

Và tác giả cho rằng với toàn bộ những lý do trên, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton hoàn toàn có đủ tự tin để chuyển một thông điệp như sau tới Hà Nội, trong thời điểm hiện nay:

"Quý vị muốn có bạn phải không? Rất tuyệt vời. Chúng tôi rất vui nhận quý vị làm bạn. Thế nhưng làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt các công dân của mình."

Đòn Xâm Lược Bẩn của Trung Cộng

November 16, 2010

Giới thiệu vài dòng tiểu sử của GS. Vũ Cao Đàm:

"... Gần hết cuộc đời, tôi đã nuôi trong lòng tình hữu nghị cao cả với đất nước quê hương của Đức Tổ họ Vũ của tôi. Tôi có lai lịch là người gốc Trung Hoa. Đức Tổ khai sinh ra dòng họ Vũ của tôi là một người thuộc dòng họ Vũ xã Long Khê, huyện Phúc Điền, tỉnh Phúc Kiến, bên Trung Hoa.

Đức Tổ của tôi là Vũ Hồn, được Vua Đường Vũ Tông cử làm An Nam Đô hộ sứ cai trị xứ An Nam trong khoảng thời gian 841-843 theo Tây lịch.

Nhưng rồi vì thất sủng với Nhà Đường, Vũ Hồn đã về sống ẩn dật với người vợ An Nam ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc tỉnh tỉnh Hải Dương sinh cơ lập nghiệp, dựng nên dòng họ Vũ ở Việt Nam ngày nay.

Tôi nuôi những tình cảm ấm áp với người Trung Hoa từ cuối những năm 1930, khi tôi mới 3-4 tuổi, ở một vùng quê rất xa thành phố. Đó là châu Dực Yên thuộc tỉnh Hải Ninh ngày xưa, mà hôm nay vẫn còn giữ nếp sống bằng lặng, yên bình, ngay sát thành phố Móng Cái, ở đó, vẫn còn dấu ấn của hàng xóm là những người Hoa chất phác, đôn hậu, tắt lửa tối đèn cùng gia đình chúng tôi chia sẻ từng bát cháo hoa ăn với chao và trứng muối…"

oOo


Lướt nhanh trên mạng những ngày này, chúng ta luôn tìm được nhiều thông tin đắt giá:

Thương lái Trung Quốc (dân thường nói ngắn gọn, là bọn Tàu) về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được bọn Tàu mua với giá hơn hẳn một con trâu. Thế là nông dân Việt Nam và bọn “trâu tặc” ra sức chặt móng trâu đem bán… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ. Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo Việt Nam. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, hàng lũ lái trâu từ bên Tàu tràn qua biên giới để “tiếp thị” bán trâu. Trong cái lũ thương lái mới này còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Dân tình vỡ lẽ: Thì ra chúng thu mua móng trâu là vì như thế!

Ở một nơi khác, thương lái Tàu đi các chợ thu mua rễ hồi, thế là những bọn “hồi tặc” mở chiến dịch triệt phá rừng hồi, một dược liệu quý hiếm của Việt Nam; chúng mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh vào trúng cái dạ dày của những người mà bọn Tàu gọi là “đồng chí tốt” Việt Nam; chúng thu mua mèo nhằm triệt phá một nguồn trừ chuột cắn lúa; rồi chúng mua ốc bươu vàng, xúi giục nông dân nuôi ốc bươu vàng tràn ngập đồng ruộng phá hoại mùa màng, tấn công vào chiến lược an ninh lương thực của quốc gia “láng giềng tốt” Việt Nam.

Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè Việt Nam. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp chè Việt Nam phải sang mua chè nguyên liệu từ Trung Quốc. Đến khi nông dân Việt Nam cần trồng lại đồi chè, thì các “đồng chí tốt” từ bên kia biên giới, vì tình quốc tế vô sản lại lọ mọ xuất hiện, “giúp” mua giống chè từ Trung Quốc chở qua cho nông dân Việt Nam.

Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao “trên trời”, đẩy từng đoàn “đồng tặc” lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia của nước “láng giềng tốt” để nước này đốt đèn dầu đi theo họ “hướng tới tương lai”. Có nơi, bọn “đồng tặc” lẻn vào kho ăn cắp từng cuộn dây đồng mới “coong” mang bán, thì “các đồng chí tốt” lên mặt đạo đức: “Ấy chết, cái ngộ không mua cái cuộn dây tôồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các tôồng chí tâu lố!” (Chúng tôi không mua cái cuộn dây đồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các đồng chí đâu nhé).

Cho đến khi bọn thương lái Tàu đi thu mua cáp quang phế liệu, thì các nhà đương cục của chúng ta mới được phen ngớ ra, không hiểu bọn chúng mua cái “của nợ” này để làm gì. Vì mua dây đồng thì còn có thể hiểu là chúng lấy nguyên liệu, nhưng cáp quang thì thật không thể hiểu được chúng mua để làm gì? Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì mới “ngã ngửa” ra, là chúng đang phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam… Chắc là các “đồng chí Việt Nam” nghĩ mãi không biết xử thế nào với những người “đồng chí tốt” bên nước vô sản Trung Hoa, đành phải đưa ra tòa vài thằng dân nghèo “trót dại” lặn xuống biển chặt trộm cáp quang.


“Láng giềng tốt” giúp… xây dựng các công trình thủy lợi

Sau 1954, Việt Nam được Trung Quốc giúp xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Tôi đã tiến hành một cuộc phỏng vấn với Giáo sư TTA, Viện trưởng một viện nghiên cứu thủy lợi ở Hà Nội về sự giúp đỡ thủy lợi của người “đồng chí tốt”, vị Giáo sư kéo tôi vào phòng làm việc và cho xem một video clip quay suốt dọc dòng sông biên giới Việt – Trung.

Trời ơi, chúng ta không thể tưởng tượng được, người “đồng chí tốt” đã làm những trò gì đâu! Các “đồng chí” xây 120 cái kè chắn chéo dòng nước trên các dòng sông biên giới, tạo những luồng nước xoáy để làm sạt lở bờ phía Việt Nam, ăn cắp đất mang về phía đất nước “láng giềng tốt” bên kia biên giới. Đất bồi sang phía bắc đến đâu, các đồng chí xây nhà cao tầng và kéo giai cấp vô sản quốc tế Trung Hoa đến đó.

Xem xong clip của Giáo sư TTA, tôi bàng hoàng… Tất cả các triều đại Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh, chưa có bất kỳ một triều đại nào trước Triều đại cộng sản Trung Hoa sử dụng những biện pháp tồi tệ như vậy với Việt Nam.

Việt Nam đã đối đầu với những đế quốc lớn, đã đối mặt với đủ loại thủ đoạn tàn bạo của nhiều loại đế quốc, nhưng có lẽ đây là ngón đòn xâm lược thâm hiểm và bẩn thỉu nhất của một loại đế quốc mới nổi: Đế quốc Trung Cộng.

Tôi hỏi Giáo sư TTA: “Ông có thể cho biết, có công trình thủy lợi nào mà Cộng sản Trung Hoa giúp Việt Nam không chứa đựng những “yếu tố đểu” tương tự như vậy không?”. Ông chau mày trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu…

“Tôi khó trả lời anh quá”, Giáo sư nói với tôi như vậy.

Đến hành vi gây ô nhiễm môi trường “gien” Việt Nam

Trên đường phố và sân bay Việt Nam hôm nay tràn ngập người Trung Quốc. Tôi vừa ngồi ở sân bay Đà Nẵng. Tôi đến hơi trễ, hỏi anh bạn ngồi bên phải tôi: “Máy bay Hà Nội gọi vào chưa?”, thì nghe câu hỏi lại bằng tiếng Tàu “Shen ma?” (Cái gì?). Tôi quay bên trái hỏi, thì lại nghe “Shen ma?”. Tôi quay phía sau hỏi, lại thấy “Ni shuo shen ma?” (Ông nói cái gì?)… Tôi ngỡ ngàng, tưởng mình lạc vào sân bay Bắc Kinh.

Làng sinh viên HACINKO (Phố Ngụy Như Kontum) không còn chỗ cho thuê vì hơn 500 người Trung Quốc đã “trấn” ở đó. Họ chen lấn trong thang máy và trong nhà ăn, thậm chí chiếm đứt thang máy để chơi đùa leo lên leo xuống, không cho bất kỳ ai sử dụng thang máy. Người Tàu đến đó mở hàng ăn, hàng bán quần áo, mua bán tấp nập như một chợ Tàu. Tối tối sinh viên Tàu trượt patin và la ó huyên náo một góc phố… Họ làm cho tôi liên tưởng tới hai mươi vạn quân Tàu Tưởng tràn vào Việt Nam năm 1945,… ghẻ lở, bẩn thỉu, ngông nghênh và láo xược.

Sao mà người Trung Quốc thắng thầu lắm thế? Chuyện bauxite Tây Nguyên đã có quá nhiều người nói rồi. Tôi đơn cử vài chuyện vặt vãnh khác: Chỉ ở một tỉnh ở rất gần Hà Nội thôi, Trung Quốc chưa làm xong Nhà máy điện HB, hàng ngàn công nhân Tàu chưa kịp rút, thì Tàu đã thắng thầu làm Nhà máy điện MK, và hàng ngàn công nhân Tàu lại xuất hiện. Những người Tàu từ các cơ sở sản xuất này lan tỏa khắp nơi để gieo rắc “hạt giống đỏ” cho cách mạng vô sản Trung Hoa, đỡ cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và các công ty môi giới hôn nhân khỏi phải xuất con gái qua Tàu… Tôi có dịp trao đổi với các chị phụ trách hội phụ nữ ở mấy tỉnh Tây Nguyên, thì được biết, các chị đang rất lo ngại, chưa biết xử lý thế nào với nạn con gái Tây Nguyên có bầu với công nhân Tàu (!).

Chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đang đến gần: Đội quân thứ 5 của Trung Cộng đang ngày càng được mở rộng. Cần cảnh báo: Khi Trung Cộng mới sáp nhập Tân Cương vào Trung Quốc, dân Hán ở đây chỉ chiếm chừng 4-5%. Sau nửa thế kỷ, dân Hán đã lên tới 45%. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, chúng ta có thể rất cần đặt câu hỏi: “Bao giờ dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thiểu số trên chính đất nước mình?”.

Và rồi xoa dịu bằng mấy công trình văn hóa?

Gần đây chắc là Trung Nam Hải đã nhận ra sự phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước những hành vi xâm lược của họ, họ đã “kỷ niệm” cho dân Việt Nam mấy pha ngoạn mục: Trước hết là 30 triệu USD xây dựng ký túc xá cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để đào tạo cán bộ cho Đảng. Tiếp đó là Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Trung, chắc rồi đến Viện Khổng Tử… và rồi không biết còn những thứ gì nữa.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ cái thời lớp thanh niên chúng tôi say mê theo các nghệ sỹ ca ngợi… những cánh hoa mộc miên bay tới đâu, tình hữu nghị của dân tộc Trung Hoa lan tỏa đến đó… Sao mà lãng mạn.

Ngẫu nhiên, tôi ngồi để hồi tưởng tâm tình lãng mạn theo những “Cánh hoa mộc miên” với Giáo sư Phạm Huy Tiến, một nhà địa chất, cũng có thời đi tu nghiệp “tiến tu Giáo sư” ở Học viện Địa chất Bắc Kinh (đối diện Học viện Khoáng nghiệp của tôi). Giáo sư Tiến cười rũ ngắt lời tôi: “Các bố nhầm hết rồi. Các nghệ sỹ cũng nhầm rồi. Cánh rừng mộc miên khi xưa nằm trên đất Việt Nam. Bọn địa chất chúng tôi lăn lộn ở đó quá nhiều. Cả đỉnh thác Bản Giốc nữa, cánh địa chất chúng tôi từng lên đó nấu cơm ăn… Nhưng rồi Trung Quốc lấn chiếm, nuốt toàn bộ cánh rừng mộc miên vào lòng Tổ quốc Trung Hoa”… Và thế là những cánh hoa mộc miên lại hồn nhiên bay “từ đất Trung Hoa”, lan tỏa tình hữu nghị “vạn cổ trường sinh” giữa hai dân tộc.

Ấy thế mà, trong khi tôi được nghe các bạn nghệ sỹ của chúng ta ca ngợi “Hoa mộc miên mọc đến đâu, lan tỏa tình thữu nghị của dân tộc Trung Hoa đến đó”, thì, trong một trang mạng nào đó, tôi lại nghe những người cộng sản Bắc Kinh lập luận: “Hoa mộc miên bay đến đâu gieo hạt đến đó; Cây mộc miên mọc ở đâu, đất trung Hoa ở đó. Việt Nam chỉ có cây tre, làm gì có cây hoa mộc miên!”.

Trung Hoa là một đất nước có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Như vậy có thể suy luận, mà không sợ sai lầm: Tất cả những sự kiện nêu trong bài viết này đều do các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đưa đường chỉ lối.

Chính những người cộng sản Trung Hoa đã làm tan vỡ hoàn toàn tình cảm nồng ấm của những người thuộc thế hệ chúng tôi với một đất nước đã sinh ra Đức Tổ Vũ Hồn của dòng tộc của tôi, một đất nước, mà có thời tôi đã coi là Tổ quốc thứ hai của mình.


Vũ Cao Đàm

Tuesday, November 16, 2010

Thư gửi các dân tộc Tây Nguyên,

Kính gửi các đồng bào dân tộc Tây Nguyên,

Cùng với sự phát triển tột bực về khoa học và kỹ thuật giúp phát triển đời sống, khiến con người có cuộc sống thêm tốt đẹp vǎn minh và hạnh phúc, nó còn chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giảm bớt sức tác hại gây ra bởi thiên tai, lụt lội, sóng thần trong bảo tố, biển cả hay đất đai. Rủi thay ở Việt Nam dân chúng Tây nguyên ít học, thiếu thốn mọi phương tiện kỹ thuật khoa học, nghèo nàn lạc hậu, lại them chính quyền cộng sản không có chút lương tâm nên những thiên tai như lũ lụt, bảo tố gây rất nhiều chết chóc và ác nghiệt cho sự sống còn, hủy hoại sức khoẻ của cả dân tộc Việt Nam nhất là cho người dân tại miền Trung và ven biển. Từ nhiều nǎm qua, cây rừng trên núi cao đã bị đốn chặt, phá sạch tìm gỗ quý, để xây đập thủy điện mà tác dụng ích lợi của chúng thì nhỏ mà tác hại thì nhiều. Một khi cây rừng bị chặt phá, nhổ tận gốc rễ thì nước mưa và sương lạnh trên đầu nguồn trên núi đã không thể đuợc hút thấm vào các tầng đất trở thành nguồn nước tinh khiết và trong sạch để uống, nhưng sẽ chảy tràn lan trên mặt đất và đổ xuống hạ lưu các sông suối như thác lũ. Không còn cây rừng ngǎn chận nước chảy nhanh từ trên dốc cao, nước lập tức chảy tràn xuống dưới. Không có gốc rễ cây bám vào đất,nước phá vỡ đất nơi triền núi làm xạt lỡ gây tắt nghẽn lưu thông nước khiến nước lại điên cuồng dâng cao và đổ xuống thấp như sấm sét. Nước không còn có chỗ hội tụ chảy ra biển mà dâng ngập tràn vùng trũng nơi mà cư dân sinh sống trồng trọt. Như vậy lũ lụt sẽ khiến người chết, gia súc chết, trâu bò nuôi để cày bừa chết, hoa màu chết úng và rồi nhà cửa hư hại đổ nát, của cải mất sạch và tội lỗi thay, con người không có một giọt nước trong sạch để uống.

Tây nguyên không ra ngoài định luật ấy. Những con đập được xây dựng đầu nguồn một cách vội vã thiếu trách nhiệm và không có người trách nhiệm, dùng để chứa nước rửa quặng bô xít thì lập tức vào mùa nắng, nguồn nước hạ lưu sẽ cạn kiệt, hồ nước sinh hoạt không đủ tưới tiêu, tắm giặt và từ đó khí hậu thay đổi trở nên oi bức, từ đó thay đổi nếp sống vǎn hóa Tây Nguyên có từ ngàn xưa. Vào mùa mưa, những đập nước trở nên đầy ứ và có thể bị xã nước thoát không biết khi nào. Khi mực nước dâng cao chảy tràn xuống hạ lưu có thể mang theo chất bùn đỏ từ các hồ chứa bùn đỏ. Thực tế cho thấy trong suốt một trǎm nǎm người Tàu khai thác mỏ bô xít tại Tây Nguyên, số lượng chất bùn đỏ lên tới hàng tỷ mét khối. Nếu hình dung một phần ba diện tích Dak Nong khai thác đất đỏ chứa alumina tức là (651km2)/3= 217km2= (217.000.000)m2 thì chiều cao của chất bùn đỏ ít nhất 4,5m chiều cao chất bùn đỏ. Như vậy, nếu chất bùn đỏ chảy tràn vỡ ra ngoài, một diện tích 217km2 sẽ ngập sâu dưới ít nhất 4m bùn đỏ. Nhưng lượng bùn đỏ sẽ không dừng tại Dak Nong, nó sẽ chảy tràn xuống các tỉnh có cao độ thấp hơn và đổ xuống các sông Đồng Nai, sông Sài gòn xuống thành phố Sài gòn. Như vậy hơn 20 triệu người Việt Nam sẽ lãnh đủ tai hoạ này. Đó là chưa kể một hậu quả di hại không lường về các các cǎn bệnh độc hại kéo dài hàng trǎm nǎm sau không hết. Hình dung thảm hoạ bô xít như một trận đại hồng thủy tiêu diệt những 20 triệu người Việt Nam “tội lỗi” vẫn chưa đủ. Các dân tộc Tây Nguyên sống trong câm nín khi quyền con người của họ bị phỉnh gạt và lừa dối bởi những tên cán bộ cộng sản mang nhãn hiệu “đại biểu dân tộc ít người” nay đã chết trong oan khiên nghiệt ngã. Khi tình yêu trong trắng về quê hương xanh tươi và xinh đẹp của mình bị tắt nghẽn, khi nền vǎn hoá cồng chiêng biến mất, khi những ché rượu cần tan vỡ, những chiếc vòng kết hôn không còn trong sử sách, khi tiếng chày giã gạo dưới trǎng khuya không còn nữa, khi hình ảnh những người con gái miền sơn cước đáng yêu trở thành ký ức, khi những đàn voi biến mất cùng với tình yêu bản sắc dân tộc Tây Nguyên… thì người ta mới biết rằng nguyên nhân của một cuộc tàn sát và hủy diệt đến tận cùng của mọi loài vật đó chính là từ chất độc hại bùn đỏ bô xít Tây Nguyên. Tây nguyên từ đó trở thành sa mạc không có một sự sống thoi thóp vì mặt đất oằn lên, nhǎn nhúm, nứt nẻ với những tảng bùn đỏ đến tận chân trời. Nếu có ai sống sót bước đi trên vùng đất chết nầy của Tây Nguyên, người ấy không còn nghe một hơi thở của một sự tồn tại nào. Cây cối chung quanh đã chết, loài chim không còn nữa, những cánh hoa sim dại biến mất.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Nói lên thảm kịch ấy không phải vẽ lên một chân dung dối trá và cường điệu tấn bi kịch bô xít, nhưng đấy chính là hình ảnh thật sự của một ngày tận thế của Tây nguyên mà người cộng sản rất sợ phổ biến sự thật.

Đó chính là thảm kịch của Tây Nguyên, nhưng chúng ta không ai có thể bó tay để cho cái chết đến mà không phản ứng vì sự sinh tồn của mình. Vì tình yêu về Tây Nguyên mộc mạc hiền hoà, vì tình yêu về một Tây Nguyên trong gian khổ nhưng trong trắng và thơm ngát những nụ hoa lài, của những rừng cà phê nặng trĩu hạt, người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo, và gửi đi một lời kêu gọi đến các tổ chức nhân quyền, môi trường và các cơ quan chính trị quốc tế để họ có thể quan tâm hết sức đặc biệt và khẩn cấp về hiện trạng nguy khốn của Tây Nguyên khi vùng đất này bị cộng sản Việt Nam giao cho Trung cộng khai thác bô xít trong suốt 100 nǎm.

Các dân tộc Tây Nguyên thân mến, chúng tôi gửi lời thǎm hỏi các bạn và cầu nguyện Thượng đế ban phước lành bình an cho các bạn và hổ trợ tinh thần cho các bạn biết yêu thương nhau và sống hoà bình với những người Kinh chung quanh các bạn để cùng nhau chia xẽ những gian khổ, cay đắng và thiệt thòi mất mát do nạn khai thác bô xít tại Tây Nguyên gây ra cho các bạn. Chúng tôi nguyện cầu Tây nguyên sớm trở lại màu xanh, suối nguồn trở lại trong vắt ngọt ngào và các loài chim rừng cất lên tiếng hót ngọt lịm trong bầu trời Tây Nguyên đầy tình yêu và nắng ấm một ngày không xa.

Quan Điểm Việt Nam 2011

Monday, November 15, 2010

Bà Suu Kyi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại trụ sở đảng NLD

RFA-15-11-2010
Bà Aung Shan Suu Kyi sáng hôm nay, thứ Hai 15 tháng 11 đã chính thức trở lại bàn làm việc sau nhiều năm gián đoạn vì tù tội hay quản thúc tại gia

Tại cơ quan của đảng Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia, còn gọi tắt là NLD, bà đã gặp các nhân vật cao cấp của đảng này trong khi nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục lảng vảng chung quanh tòa nhà
Sau khi đựơc trả tự do, Khôi nguyên Hòa bình năm 1991 tỏ ý muốn đối thoại với chính phủ quân sự Miến hầu tìm giải pháp chung cho tiến trình dân chủ của nước này sau bao nhiêu năm bất đồng với nhau giữa đảng NLD và chính phủ của tứơng Than Swe.
Bà Aung Shan Suu Kyi cũng cho biết sẵn lòng đối thoại với tất cả mọi lực lượng tranh đấu cho dân chủ khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Bà Suu Kyi cũng xác định đảng NLD sẽ chính thức mở cuộc điều tra về kết quả cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua để tìm hiểu độ tin cậy của nó đối với nhiều nguồn tin cho rằng có sự gian lận của chính phủ trong khi kiểm phiếu.
Trong khi người dân ăn mừng sự tự do của biểu tượng dân chủ và nhân quyền của đất nước Miến Điện thì cũng có rất nhiều mối lo âu về an ninh riêng của chính bà.
Người dân Miến tin rằng chính quyền quân sự Rangoon sẽ không chấp nhận để bà đi lại trong nước vận động công khai người dân để tiến hành thực thi dân chủ. Có những người dân bình thường như tài xế taxi hay công nhân lao động phổ thông đều tin rằng lãnh đạo tinh thần của họ sớm muộn gì rồi cũng gặp rắc rối với nhà cầm quyền được xem là khắc khe và chuyên quyền nhất Đông Nam Á này
Cũng có người tỏ ra lo âu cho sự nghiệp chính trị của bà vì theo họ thì trào lưu tranh đấu cho dân chủ nhân quyền của thế giới đã khác với cách của bà hơn hai chục năm trước đây, do đó họ cảm thấy tư tưởng cũng như cách thức vận động của bà không còn thích hợp

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/VietnameseNews/InternationalNews/Newly-freed-Suu-Kyi-gets-down-to-work-11152010083122.html

HT Thích Quảng Độ gửi thông điệp chia vui đến bà Aung San Suu Kyi

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 14.11.2010
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi thông điệp chia vui đến Giải Nobel Hòa bình, bà Daw Aung San Suu Kyi

PARIS, ngày 14.11.2010 (PTTPGQT) - Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được Thông điệp chia vui của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi đến Bà Daw Aung San Suu Kyi nhân được tin bà vừa được trả tự do hôm qua, thứ bảy 13.11.2010.

Thông điệp viết từ Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon ngày 13.11, nhân danh Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ hân hoan chào đón Bà Daw Aung San Suu Kyi được trả tự do hôm thứ bảy 13.11 sau 15 năm bị chính quyền quân phiệt Miến quản chế. Hòa thượng viết : “Đối với toàn thể nhân dân trong thế giới, đặc biệt với những ai đang bị đàn áp và mất tự do, đây cũng chính là ngày họ được hưởng tự do, ngày tự do cho chính chúng tôi, nên chúng tôi hân hoan mừng đón ngày này. Lòng tôi ở cùng bà trong ngày hôm nay, bởi vì bản thân tôi đang trải qua ba thập niên sống cảnh tù đày chỉ vì tôi mong cầu dân chủ cho nhân dân tôi, và hiện tôi đang còn bị quản chế tại thành phố Saigon”.

Sau đây là nguyên văn bức thông điệp bằng tiếng Anh từ Thanh Minh Thiền Viện gửi nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đến Giải Nobel Hòa bình, Bà Daw Aung San Suu Kyi, mà chúng tôi dịch sang tiếng Việt như sau :

THÔNG ĐIỆP GỬI ĐẾN GIẢI NOBEL HÒA BÌNH, BÀ DAW AUNG SAN SUU KYI

“Tôi xúc động và hân hoan được tin bà vừa được trả tự do. Nhân danh chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) xin bà nhận lời chúc mừng của chúng tôi nhân ngày vui hôm nay - Ngày bà được trả tự do. Đối với toàn thể nhân dân trong thế giới, đặc biệt với những ai đang bị đàn áp và mất tự do, đây cũng chính là ngày họ được hưởng tự do, ngày tự do cho chính chúng tôi, nên chúng tôi hân hoan mừng đón ngày này. Lòng tôi ở cùng bà trong ngày hôm nay, bởi vì bản thân tôi đang trải qua ba thập niên sống cảnh tù đày chỉ vì tôi mong cầu dân chủ cho nhân dân tôi, và hiện tôi đang còn bị quản chế tại thành phố Saigon.

“Trải qua những năm dài hiu quạnh, bà đã tiến hành cuộc chiến đấu thầm lặng chống bạo quyền, dùng phẩm giá của mình đương đầu với tù tội, lòng tự tại vô ngại đối đầu với cấm cố. Chẳng bao giờ bà khuất phục. Hình ảnh của bà gây cảm hứng cho nhân loại, và trở thành thông điệp vang động như một minh chứng, rằng bạo động đã bất lực trước ý chí tự do của nhân dân. Ở Việt Nam chúng tôi vẫn cảm nhận được bức thông điệp này, và mặc những chống đối mạnh mẽ, chúng tôi đang cùng tiến bước trong tinh thần bất bạo động để đòi hỏi nhân quyền, dân chủ và pháp quyền.

“Con đường tiến tới dân chủ ở Miến Điện còn dài và cam go, nhưng tôi đặt niềm tin vào lòng kiên quyết và sự sáng suốt của bà trong vai trò lãnh đạo tiến trình này. Tôi thúc giục nhân dân Miến Điện hậu thuẫn bà và nỗ lực của bà để mang lại sự hòa giải và hòa bình cho quê hương bà. Tôi kêu gọi chính quyền Miến Điện tôn trọng nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn cho bà và bảo đảm các tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do lập hội và tự do hội họp.

“Đón mừng ngày bà được tự do, chúng tôi không quên số phận của hai nghìn hai trăm tù nhân chính trị đang còn bị giam giữ trong các nhà tù Miến Điện, tôi kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho họ”.

Thanh Minh Thiền Viện, Saigon ngày 13.11.2010
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

Thế giới chào mừng bà Suu Kyi được tự do

Khoa Diễm, phóng viên RFA- 2010-11-14

Vào lúc 17 giờ chiều ngày thứ Bảy 13 tháng 11, đất nước Miến Điện vui mừng đón người con yêu dấu của họ trở lại với nhân dân Miến, trở lại với sinh hoạt mà mọi người đều quen thuộc nhưng đối với một phụ nữ mảnh mai, hiền dịu mang tên Aung Shan Suu Kyi giống như vừa thức giấc sau một thời gian dài, thật dài không được phép tiếp xúc với cuộc sống.
Quyền lực vô hình của bà Aung Shan Suu Kyi

Lúc 5 giờ 30 chiều, Bà Aung Shan Suu Kyi từ tốn bước ra khỏi cửa để chào đám đông đang chờ đợi sự xuất hiện của bà. Giọng nói nhỏ như con người bà vừa thốt lên đã bị sự xúc động của đám đông đè lấp. Bà Suu Kyi phải nhiều lần yêu cầu đám đông mới im lặng cho bà nói những câu nói đầu tiên với nhân dân của bà sau 7 năm bị cách ly khỏi đời sống với người dân Miến:

"Xin giữ im lặng, Nếu quý vị giữ im lặng thì sẽ nghe đựơc lời tôi nói với các bạn. Đây là lúc để chúng ta lên tiếng, nhưng không phải bây giờ. Đừng giữ im lặng khi cơ hội đến và hãy nói cho mọi người biết tiếng nói của bạn."

Khôi nguyên Hòa bình 1991 là khuôn mặt đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ Miến Điện suốt nhiều chục năm qua. Bà Aung Shan Suu Kyi là biểu tượng bất khuất, không khoan nhượng, tranh đấu đến kỳ cùng cho nền dân chủ Miến đã được gần như toàn thế giới chia sẻ. Nhân dân Miến Điện hãnh diện khi nhắc đến tên bà bởi vì đối với họ, bà là người có sức mạnh của một đạo quân thiện chiến đã và đang làm nhà cầm quyền quân sự Miến ngày đêm lo lắng và run sợ.

Bà đã chứng tỏ cho chính quyền đang nắm giữ đất nước thấy rằng khả năng ôn hòa, bất bạo động của bà là vô tận và những bản án chà đạp pháp luật áp đặt lên con người nhỏ bé này không thể bịt được tiếng nói tha thiết với tự do dân chủ cho nhân dân Miến Điện.

Bà Aung Shan Suu Kyi đã ba lần bị quản thức tại gia kể từ sau năm 1988. Bản án mới nhất vào tháng 8 năm 2009 chính quyền tiếp tục cầm tù bà tại nhà thêm 18 tháng vì lo sợ sự có mặt của bà trong cuộc bầu phiếu tháng 11 sẽ gây trở ngại lớn cho chế độ.

Tướng Than Shwe biết rất rõ quyền lực vô hình của người phụ nữ bất khuất này và ông ta bất kể pháp luật, bất kể sự can thiệp quốc tế và bất kể những nguyện vọng chính đáng của dân tộc, ông và ekip những quân nhân thân cận bằng mọi cách giam giữ cho bằng được người phụ nữ này vì ông ta biết rằng nếu bà Aung Shan Suu Kyi tiếp xúc được với quần chúng thì câu đầu tiên của bà nói với họ vẫn là sự thách đố chính quyền quân sự bằng sự kêu gọi vận động tự do dân chủ cho đất nước Miến Điện.

Ngày thứ Bảy, 13 tháng 11 khi vừa bứơc ra khỏi căn nhà của mình sau 7 năm bị cô lập câu đầu tiên mà bà nói với hàng trăm người tụ tập trước cửa là kêu gọi mọi người cùng hợp lực vì tương lai đất nước. Để người dân biết là bà vẫn tiếp tục con đường chông gai tranh đấu cho dân tộc bà tuyên bố sẽ có một cuộc thuyết trình đầu tiên trước công chúng vào trưa ngày chủ nhật 14/11 tại trụ sở của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ.

Không chỉ dân Miến Điện mà cả thế giới chia sẻ niềm vui

Chính quyền quân sự Miến dù muốn hay không vẫn buộc phải trả tự do cho bà sau khi cuộc bầu cử mang lại chiến thắng tuyệt đối cho họ và phe cánh. Tiếp tục giam giữ bà là tiếp tục chống lại sự tiến bộ của thế giới. Hệ thống cầm quyền Rangoon tỏ ra không sợ hãi thế lực bên ngoài khi họ nhiều lần đóng cửa không tiếp các đặc sứ Liên hiệp quốc, tuy nhiên đối với người phụ nữ ngoan cường này thì thế lực quân sự dù mạnh bạo đến mấy vẫn không thể áp dụng vào con người này được. Sau lưng bà là quần chúng Miến, họ yếu đuối nhưng bền bỉ ủng hộ bà trên con đường gian nan tranh đấu cho tương lai dân tộc Miến

Ngay sau khi vừa được trả tự do, một làn sóng chúc mừng từ nhiều nguyên thủ quốc gia đã gửi tới bà như những lời khẳng định sẵn sàng ủng hộ khi bà cần. Những từ ngữ tốt đẹp nhất gửi tới chúc mừng bà như muốn bù lại khoảng thời gian quý giá mà người phụ nữ này đánh mất.

Bà bị cầm tù 15 năm trong thời gian 21 năm tranh đấu bằng nhiều cách nhưng chưa một tòa án nào tại Miến xác nhận được bà phạm tội gì.

Tội của bà, nếu có, là làm cho chính quyền mất ăn mất ngủ. Bà là tác nhân làm cho họ chùn tay khi muốn lún sâu vào tội lỗi đối với dân tộc. Bà cũng có lỗi lớn với họ khi không chấp nhận chính quyền được phép bắt giam người trái phép, không được phép chà đạp nền dân chủ bằng những biện pháp tối tăm nhằm áp đặt lên những con người mang ước vọng dân chủ. Cuối cùng bà đã phạm một lỗi lớn đối với họ là đã cản trở sự làm giàu bất chính trên xương máu của dân tộc bà.

Người dân Miến Điện chào đón bà như một anh thư vừa trở về từ địa ngục. Họ biết rõ rằng bà không hề bỏ cuộc và sự tranh đấu của bà chỉ mới bắt đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt với ban Miến Điện của đài Á Châu Tự Do sau khi ra hết lệnh quản chế bà chia sẻ kinh nghiệm của mình trong những tháng ngày sắp tới, bà nói rằng để có đựơc một nền dân chủ đích thực Míên điện cần nhiều người tham dự vào các cuộc tranh đấu hơn nữa. Không những người dân Miến trong và ngoài nước chúng ta cần sự hỗ trợ trên khắp thế giới mới hy vọng thay đổi được tình hình hiện nay.

Bà cũng kêu gọi người dân Miến hãy tận dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại để đấu tranh dân chủ, bà cho biết Đài Á Châu Tự Do được bà nghe hàng ngày và do đó bà kết nối được với thế giới bên ngoài để biết những gì đang xảy ra trong khi bà bị giam giữ.

Bà Aung Shan Suu Kyi không những là biểu tượng được người dân Miến hãnh diện mà bà còn là niềm cảm hứng cho các dân tộc khác đã và đang bị giới lãnh đạo đất nước họ chà đạp quyền tự do dân chủ của người dân. Những người tranh đấu nhìn bà như một tấm gương phản chiếu lại hoạt động của họ trên đoạn đường dài đầy gian lao thử thách.

Chúc mừng bà có nhiều lời lẽ của các nguyên thủ quốc gia nhưng có lẽ lời của Tổng thống Barak Obama là được chú ý nhiều nhất khi ông tuyên bố bà Aung Shan Suu Kyi là biểu tượng anh hùng của ông và nói rằng người phụ nữ 65 tuổi này là một nguồn cảm hứng cho những người tranh đấu cho nhân quyền tại Miến cũng như trên toàn thế giới.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Aung-Shan-Suu-Kyi-release-11142010135138.html

Thư của tòa Giám Mục Kontum gửi gia đình giáo phận Kontum

Kontum ngày 11 tháng 11 năm 2010

VỤ VIỆC NGÀY 07.11.2010

Kính gửi

Quý Cha cùng toàn thể gia đình Giáo Phận Kontum.

Anh chị em thân mến,

Mấy ngày nay tôi liên tục nhận được điện thoại, điện thư, tin nhắn từ nhiều nơi, từ một vài Tòa Đại Sứ và cả từ Thánh Bộ ở Rôma. Tất cả đều hiệp thông về chuyến đi dâng lễ tại Kon Chro và K’Bang hôm Chúa nhật 07.11.2010 vừa qua. Tôi xin chân thành cám ơn mọi người đã quan tâm và cầu nguyện. Tôi tưởng chuyện hôm đó cũng sẽ âm thầm trôi qua như đã từng xảy ra tại các nơi như Thanh Hà, Hoàng Yên (h.Chư Prông), Ia Nan (h.Đức cơ), Ia Tô, Ia Sao (h.Ia Grai) hay ở Tơtung (h.K’bang) và nhiều nơi khác nữa! Nhưng trưa ngày thứ ba - nghĩa là 48 tiếng đồng hồ sau vụ việc - tôi nghe nói trên mạng đã đề cập tới chuyện này! Tôi không biết tác giả là ai? Tôi không chủ trương đưa lên mạng. Nhưng chuyện đã ra công khai. Có anh chị em muốn tôi làm sáng tỏ. Tôi thiết nghĩ anh chị em trong gia đình giáo phận có quyền được biết rõ đầu đuôi câu chuyện để khỏi hoang mang và diễn dịch không lợi cho ai., để tất cả dồn tâm sức cho việc xây dựng Đất Nước thân yêu. Cầu xin Thiên Chúa xoay chuyển mọi sự nên tốt đẹp đôi bề.

Câu chuyện đơn giản lắm!

Như anh chị em đã biết: Năm 1967, Tòa Thánh cắt tỉnh Buôn Ma Thuột (tức Daklak ngày nay) làm thành một phần của Giáo phận mới, Giáo phận Buôn Ma Thuột. Giáo Phận Kontum còn lại 3 tỉnh Kontum, Pleiku và Phú Bổn. Sau 1975, hai tỉnh Pleiku và Phú Bổn sát nhập thành tỉnh Gialai, trừ quận Thuần Mẫn của tỉnh Phú Bổn lại thuộc huyện Ea Hleo, tỉnh Đăklak. Giáo Phận Kontum vẫn còn là giáo phận rộng lớn với nhiều núi nhiều rừng. Nhicu vùng sâu vùng xa đã trở thành các căn cứ địa của chính quyền cộng sản trước 1975. Các căn cứ địa này – như Kon Chro, như K’Bang, như Ia Grai, như Chư Prông … - rất tự hào về quá khứ nhưng lại đóng kín với vấn đề tôn giáo, cách riêng với Kitô giáo. Hiểu biết của các cán bộ về tôn giáo thật hạn hẹp, nhiều người còn nghịch chống, nên các vùng cứ địa này được kể là những “vùng đặc biệt”, những vùng anh hùng, những “vùng trắng”, những vùng đã “sạch bóng mê tín dị đoan”, những vùng bất khả xâm phạm! “Người lạ” bước vào các vùng này thật khó! Về tôn giáo, tại các vùng này, đều có hiện tượng giống nhau: hiện tượng “3 không”: Không nhà thờ, không linh mục, không phụng tự hay sinh hoạt tôn giáo! Có xin phép cũng không cho. Tại những vùng này vẫn có đông đảo anh chị em giáo dân cũng như có rất nhiều người muốn được nghe Tin Mừng, muốn được bước vào ngôi nhà Hội Thánh công giáo. Biết rõ thế, nên ngày 11.09.2010 tôi đã gửi cho Ông Chủ Tịch Tỉnh Gialai chương trình dâng lễ - bản sao gửi đủ ban ngành từ tỉnh xuống xã cũng như các gia đình tại 3 họ đạo này (*). Trong văn thư, tôi cũng đề nghị Ông Chủ Tịch Tỉnh hoặc cơ quan thừa hành cứu xét nếu không chấp thuận thì cũng cho tôi xin một văn bản từ chối. Sau 57 ngày (từ 11.09 đến 07.11.2010), tôi không nhận được bất cứ văn bản hay lời chối từ nào, nên sáng 07.11.2010 tôi đã lên đường tới Yang Trung, An Trung và Sơn Lang.

* 06g30: Tôi tới dâng lễ tại nhà Ôb.Trần Đình Hinh, thôn 9 xã Yang Trung, huyện Kon Chro. Sau lễ, trên đường đi An Trung, tôi nhận được tin báo anh em công an xã thôn đã đến nhắc nhở gia đình bà Hinh - Ông Hinh hôm đó lại không có ở nhà! - và cảnh cáo lần sau không được cho tổ chức lễ trong nhà.

* 09g00: Tới An Trung, huyện Kon Chro – cách Yang Trung 10km - tôi dâng lễ tại nhà ông Bộ và bà Hệ chứ không dâng lễ tại nhà đã đề nghị trước, vì chủ nhà đi vắng xa chưa về! Vừa bước vào nhà thì Ông chủ tịch xã và một vị cán bộ cũng vào theo. Chúng tôi trao đổi ít phút về chương trình lễ như giấy đã báo. Lễ xong, các ông trở lại với 4,5 vị cán bộ thuộc nhiều ban ngành và đề nghị lập biên bản. Được giải thích, thay cho biên bản, các ông viết “Bản ghi nhận sự việc” để có tài liệu báo cáo cấp trên. Tôi đã ký. Rất nhẹ nhàng!

* 14g00: Tới Sơn Lang, huyện K’Bang, cách An Trung khoảng 135km. Cách thị tứ Sơn Lang khoảng 20km, gặp đoạn đường còn đang thi công với mưa dầm dề suốt mấy ngày qua, nên chúng tôi phải bỏ ôtô và dùng 8 Honda chở 16 người gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân và tôi. Gần tới thị tứ này, thì gặp một số anh chị em du kích (?) chặn lại. Sau khi hỏi giấy tờ tùy thân và biết mục đích đến dâng lễ tại nhà Ông bà Tuyền, vị cán bộ yêu cầu chúng tôi dừng lại chờ ý kiến chính quyền xã! 10 phút, 20 phút, 30 phút. Lúc nào cũng được trả lời sắp tới. Có một số đồng bào dân tộc cũng có mặt và có một người anh em dân tộc vui vẻ nói lớn “Đây là căn cứ cách mạng không cần cúng kiếng gì! Ở đây chỉ cần thịt gà, thịt bò, với rượu cần với cồng chiêng là tốt rồi!” Mọi người đều cười vui vẻ. Có người quay camera, chụp ảnh liên tục. Phía chúng tôi không được chụp.

*16g20: Đợi lâu không thấy vị cán bộ nào tới giải quyết. Trời đã sầm tối. Mưa nhẹ hạt hơn. Gió lạnh. Có vị cán bộ cho biết hôm nay ngày Chúa nhật, các cán bộ xã nghỉ làm việc, ông chủ tịch xã thì lại ở xa Ủy ban cả mấy chục cây số, không liên lạc được và yêu cầu chúng tôi về. Nghe vậy, chúng tôi chào mọi người có mặt và quay về tới Pleiku lúc 22g18 cùng ngày. Được biết Anh Tuyền – người cho tôi mượn nhà làm nơi dâng lễ - đã được giữ cả ngày trên Ủy ban, còn “các đầu mục khác” tôi không liên lạc được! Cuối cùng mọi người về trong an bình! Có thế thôi!

Nhưng được biết ngày 08.11.2010 - Bà Hinh (Ông Hinh đi xa chưa về) được mời lên Ủy ban làm việc lúc 14g00; còn Ông Bộ được mời làm việc lúc 14g30. Cả hai đều được yêu cầu nhận tội. Tội của hai gia đình cũng như tội của Giám Mục. Tội đã qui tụ người và tổ chức dâng lễ bất hợp pháp! Cả hai cũng được yêu cầu không tái phạm, không được mời linh mục hay giám mục về dâng lễ nữa! Cả hai đều trả lời: Không có gì sai trái hay phạm pháp, (1) vì Hiến Pháp và Pháp Luật đã xác nhận quyền tự do tôn giáo và quyền của giám mục trong mỗi giáo phận; (2) vì đã có văn thư báo chính quyền các cấp; các cấp không có văn bản từ chối; (3) vì không có nền văn hóa nào lại đi cấm con cái không được mở cửa đón cha của mình (Đức Giám Mục Giáo Phận) và anh chị em mình (giáo dân) về thăm nhà, vào nhà mình? Nghe nói, cuối cùng, người thì chỉ viết bản tường trình, người thì ký biên bản nhưng có ghi thêm “Tôi không đồng ý nội dung biên bản này”.

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện chỉ có thế! Câu chuyện đã từng xảy ra và sẽ còn có thể xảy ra, nếu chính quyền hôm nay vẫn còn quan niệm tự do tôn giáo như một ân huệ trao ban thay vì đó là một trong những quyền căn bản nhất của con người. Điều quan trọng là biến cố này nói gì với anh chị em cũng như với tôi? Tôi xin có vài suy nghĩ sau đây.

Thành thật mà nói: ai nấy đều cảm phục đức tin và lòng đạo của nhiều anh chị em vùng sâu vùng xa như ở Kon Chro và K’Bang. Sinh ra, lớn lên tại những vùng được mệnh danh là “3 không” – không nhà thờ, không linh mục, không phụng vụ hay sinh hoạt tôn giáo suốt 20,30,40,50 năm – thế mà anh chị em vẫn kiên trì sống đạo vượt qua mọi gian nan thử thách. Một phép lạ! Thật có Chúa ở với anh chị em!

Nhưng tôi vẫn tự hỏi: tôi và anh em linh mục, tu sĩ chúng tôi vẫn sống tốt và có làm gì sai trái đâu mà bị “thiên hạ” xua đuổi hay chặn cản như hôm 07.11 vậy? Phải chăng tại tôi cũng như anh chị em tôi đã không hăng say thi hành lệnh Chúa truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15)? Nếu chính anh chị em ở Yang Trung, An Trung hay Sơn Lang chưa biết Danh Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài, thì hôm 07.11, anh chị em có đứng trong hàng ngũ những ngăn cản không? Và nếu tôi là người xuất thân từ một gia đình tại Kon Chro hay Sơn Lang K’Bang, có cán bộ nào ở đó ra chặn không cho tôi vào nhà không? Rốt cùng chúng ta, đặc biệt là tôi, giám mục của anh chị em, phải khiêm tốn nhận lỗi chưa triệt để thi hành lệnh Chúa truyền và xin Chúa ban cho khả năng biết cảm nhận sâu sắc cái khốn nạn của người kitô hữu nếu không loan báo Tin Mừng! (x.1Cr 9,16). Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta có quyết tâm cao biết vun trồng ơn gọi, đặc biệt biết khai triển Gia đình ơn gọi và Gia đình Phanxicô Xaviê trong mỗi xứ họ để có nhiều ơn gọi phục vụ Giáo hội và Xã hội, để giúp cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em của nhau. Nhưng bức tường ngăn cách giữa giáo hội và các cấp chính quyền ở nhiều nơi, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vẫn còn đó. Làm sao đây?

Anh chị em rất thân mến,

Anh chị em có biết tôi ngại ngùng đến thế nào khi viết những dòng này? Chẳng lẽ chúng ta cứ phải bận tâm tới những chuyện “nhỏ” như sự việc 07.11 vừa qua trong một Đất Nước đã và đang phải lo giải quyết bao vấn đề to lớn như vấn đề biên giới lãnh thổ, vấn đề bauxite Tây Nguyên, vấn đề tham nhũng, vấn đề y tế, vấn đề giáo dục, vấn đề giàu nghèo ngày càng xa cách! Làm sao để tất cả những chuyện nhỏ bé và cục bộ kia được giải quyết nhẹ nhàng mau lẹ để người người dồn hết công sức cho việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mọi mặt tinh thần cũng như thể chất?

Anh chị em thân mến,

Chúa là chủ lịch sử. Chúa viết chữ thẳng trên đường cong! Chúa sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng, ra đi xây dựng một xã hội của chân lý, của công bằng, của tình thương, của an bình. Chúa hằng luôn dạy dỗ và tôi luyện lòng tin của chúng ta. Chương trình của Chúa, mai ngày chúng ta sẽ đọc ra. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ và tôn vinh Chúa bằng cách tiếp tục hăng say loan báo Tin Mừng yêu thương đến cho mọi người, cho cả các anh chị em cán bộ vô thần duy vật hôm nay, bằng chính cuộc sống hài hòa thống nhất của người môn đệ Chúa Giêsu, một cuộc sống thống nhất nhuần nhuyễn giữa hai giới răn mến-Chúa-yêu-người, là yêu quê hương yêu Giáo hội. Miễn sao Danh Đức Kitô được tôn vinh; miễn sao quê hương và dân tộc được tôn trọng và phát triển!

Riêng anh chị em Sơn Lang thân mến, hôm 07.11, anh chị em đã tham dự “một thánh lễ đặc biệt”. Không chỉ nửa tiếng, một tiếng, mà cả ngày “trong chờ đợi, hồi hộp, lo sợ với cả nước mắt và buồn phiền”. Chúa biết lòng anh chị em. Tất cả những thứ đó chính là của lễ “dễ thương” dâng lên Chúa và cầu cho quê hương đất nước. Khi tình hình êm dịu lại, tôi sẽ đến thăm anh chị em ngày gần nhất và thăm chính quyền địa phương.

Tôi cũng xin anh chị em vui lòng chuyển tới quí vị cán bộ các cấp tại địa phương những tâm tình quý mến của tôi. Một cách nào đó, tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với anh chị em cán bộ trong vụ việc vừa qua. Tôi vẫn nhìn anh chị em như những “sứ giả” Chúa gửi đến để tôi luyện tôi và tiếp tay giúp chúng tôi thi hành lệnh ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu trong những người đi với tôi hôm đó có nói lời gì làm anh chị em phải bực bội, buồn phiền, tôi thành thật xin lỗi anh chị em. Tất cả cũng một tha thiết mong cho nhau được sống hạnh phúc.

Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.

Hiệp thông,

Giám Mục Giáo Phận Kontum.
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh

Tuesday, November 9, 2010

Thư Phản kháng về việc Công An đàn áp Thương Phế Binh không cho nhận quà

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO

Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P\. 15, Q\. Phú Nhuận, TP\. Sài gòn

Phật lịch 2554 Số : 13/VHĐ/VT

Thư Phản kháng về việc Công An đàn áp Thương Phế Binh không cho nhận quà



Kính gửi :
Ông Nguyễn Tấn Dũng,
Thủ tướng nước CHXHCNVN

Phật Lịch 2554 - Sài gòn, ngày 01.11.2010

Thưa Thủ tướng,

Việt Nam bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ý thức hệ quốc tế làm cho đất nước bị chia đôi\. Đảng Cộng sản miền Bắc vì theo đuổi chủ thuyết Mác-Lênin, muốn nhuộm đo? Miền Nam bằng bạo lực, gây ra cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, làm cho dân tộc Việt Nam phải hứng chịu bao đau thương tang tóc\.

Vào thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã có một cuộc nội chiến\. Ngay sau khi chiến thắng, các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc, được lệnh không có bất cứ hành động nào vô lễ với sĩ quan và binh sĩ miền Nam bại trâ.n\. Vì nhân dân và chính giới Hoa Kỳ hiểu rằng, khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc, người Mỹ nói chung đang bị sỉ nhục\. Nên trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ được thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ\. Khi chiến tranh chấm dứt, không có tù binh, không có trại tập trung cải tạo, ai về nhà nấy, cùng nhau xây dựng lại quê hương\.

Hơn một thế kỷ sau, tại Việt nam, với chủ thuyết vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc, với lòng hận thù đấu tranh giai cấp, Nhà cầm quyền Cộng sản miền Bắc, sau ngày chiến thắng, không noi theo gương sáng của Hoa Kỳ, đã bắt hàng trăm ngàn sĩ quan, binh sĩ bại trận miền Nam bỏ vào nhà tù dưới mỹ từ "trại học tập cải tạo" để trả thù, đày đoạ cho đến chết\. Ai còn may mắn, sống sót, đều đau ốm, tật nguyền, sống lê lết qua ngày bên lề xã hội, chẳng ai thương xót, đoái hoài\.

Vừa qua, Hoà thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ra chùa Phước Huệ, tỉnh Quảng Trị, thay mặt cho những người có tấm lòng vàng, gửi quà cho anh em Thương Phế Binh Việt Nam Cộng hòa, món quà tình thương cao quí của những người dân Việt ly hương, thương về những mảnh đời đau khổ nơi quê nhà\.

Từ sáng tinh mơ, có người lê đôi nạng gỗ từ Cam Lộ về đến Đông Hà, có người gồng mình với chiếc xe lăn từ Gio Linh đến Chùa Phước Huệ, nơi hội ngộ của tình thương, hy vọng nhận được món quà mọn sưởi ấm gia đình\. Thế nhưng niềm hy vọng nhỏ nhoi đã tan thành mây khói khi hàng chục công an, dân phòng tấn công chùa Phước Huệ, xua đuổi, giải tán những con người tàn tật, làm náo loạn chốn thiền môn\.

Xuyên suốt lịch sử bi thương nhưng hào hùng của dân tộc Việt, từng chịu đựng bao lần ngoại xâm, bao phen nội chiến, nhưng chưa có một triều đại nào nuôi dưỡng lòng hận thù dân tộc lâu như chế độ hiện nay\. Chiến tranh đã chấm dứt hơn 35 năm mà lòng thù hận vẫn chưa nguôi, nhẫn tâm tước đoạt cả hạnh phúc nhỏ nhoi của người phế binh bên lề cuộc sống, dẫu trong quá khứ họ là đối phương nhưng nay đã là những người tàn phế\.

Để giữ gìn truyền thống văn hoá khoan hoà, thương yêu, nâng đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tôi yêu cầu Thủ tướng hãy cho ngưng ngay những hành động thiếu văn hoá, thiếu đạo đức của Công An đối với những anh em Thương Phế Binh thuộc Việt Nam Cộng hòa cũ\.

Trong hoàn cảnh đất nước đang bị ngoại xâm, cần đoàn kết dân tộc trong thể chế đa nguyên, khoan hoà, tiến đến tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn dân mới hy vọng tạo được sức mạnh để cứu nguy tổ quốc\.

Trân trọng\.

Thanh Minh Thiền Viện, Sai gòn

Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống

kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN

(ấn ký)

Sa môn Thích Quảng Độ