Monday, November 15, 2010

Thế giới chào mừng bà Suu Kyi được tự do

Khoa Diễm, phóng viên RFA- 2010-11-14

Vào lúc 17 giờ chiều ngày thứ Bảy 13 tháng 11, đất nước Miến Điện vui mừng đón người con yêu dấu của họ trở lại với nhân dân Miến, trở lại với sinh hoạt mà mọi người đều quen thuộc nhưng đối với một phụ nữ mảnh mai, hiền dịu mang tên Aung Shan Suu Kyi giống như vừa thức giấc sau một thời gian dài, thật dài không được phép tiếp xúc với cuộc sống.
Quyền lực vô hình của bà Aung Shan Suu Kyi

Lúc 5 giờ 30 chiều, Bà Aung Shan Suu Kyi từ tốn bước ra khỏi cửa để chào đám đông đang chờ đợi sự xuất hiện của bà. Giọng nói nhỏ như con người bà vừa thốt lên đã bị sự xúc động của đám đông đè lấp. Bà Suu Kyi phải nhiều lần yêu cầu đám đông mới im lặng cho bà nói những câu nói đầu tiên với nhân dân của bà sau 7 năm bị cách ly khỏi đời sống với người dân Miến:

"Xin giữ im lặng, Nếu quý vị giữ im lặng thì sẽ nghe đựơc lời tôi nói với các bạn. Đây là lúc để chúng ta lên tiếng, nhưng không phải bây giờ. Đừng giữ im lặng khi cơ hội đến và hãy nói cho mọi người biết tiếng nói của bạn."

Khôi nguyên Hòa bình 1991 là khuôn mặt đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ Miến Điện suốt nhiều chục năm qua. Bà Aung Shan Suu Kyi là biểu tượng bất khuất, không khoan nhượng, tranh đấu đến kỳ cùng cho nền dân chủ Miến đã được gần như toàn thế giới chia sẻ. Nhân dân Miến Điện hãnh diện khi nhắc đến tên bà bởi vì đối với họ, bà là người có sức mạnh của một đạo quân thiện chiến đã và đang làm nhà cầm quyền quân sự Miến ngày đêm lo lắng và run sợ.

Bà đã chứng tỏ cho chính quyền đang nắm giữ đất nước thấy rằng khả năng ôn hòa, bất bạo động của bà là vô tận và những bản án chà đạp pháp luật áp đặt lên con người nhỏ bé này không thể bịt được tiếng nói tha thiết với tự do dân chủ cho nhân dân Miến Điện.

Bà Aung Shan Suu Kyi đã ba lần bị quản thức tại gia kể từ sau năm 1988. Bản án mới nhất vào tháng 8 năm 2009 chính quyền tiếp tục cầm tù bà tại nhà thêm 18 tháng vì lo sợ sự có mặt của bà trong cuộc bầu phiếu tháng 11 sẽ gây trở ngại lớn cho chế độ.

Tướng Than Shwe biết rất rõ quyền lực vô hình của người phụ nữ bất khuất này và ông ta bất kể pháp luật, bất kể sự can thiệp quốc tế và bất kể những nguyện vọng chính đáng của dân tộc, ông và ekip những quân nhân thân cận bằng mọi cách giam giữ cho bằng được người phụ nữ này vì ông ta biết rằng nếu bà Aung Shan Suu Kyi tiếp xúc được với quần chúng thì câu đầu tiên của bà nói với họ vẫn là sự thách đố chính quyền quân sự bằng sự kêu gọi vận động tự do dân chủ cho đất nước Miến Điện.

Ngày thứ Bảy, 13 tháng 11 khi vừa bứơc ra khỏi căn nhà của mình sau 7 năm bị cô lập câu đầu tiên mà bà nói với hàng trăm người tụ tập trước cửa là kêu gọi mọi người cùng hợp lực vì tương lai đất nước. Để người dân biết là bà vẫn tiếp tục con đường chông gai tranh đấu cho dân tộc bà tuyên bố sẽ có một cuộc thuyết trình đầu tiên trước công chúng vào trưa ngày chủ nhật 14/11 tại trụ sở của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ.

Không chỉ dân Miến Điện mà cả thế giới chia sẻ niềm vui

Chính quyền quân sự Miến dù muốn hay không vẫn buộc phải trả tự do cho bà sau khi cuộc bầu cử mang lại chiến thắng tuyệt đối cho họ và phe cánh. Tiếp tục giam giữ bà là tiếp tục chống lại sự tiến bộ của thế giới. Hệ thống cầm quyền Rangoon tỏ ra không sợ hãi thế lực bên ngoài khi họ nhiều lần đóng cửa không tiếp các đặc sứ Liên hiệp quốc, tuy nhiên đối với người phụ nữ ngoan cường này thì thế lực quân sự dù mạnh bạo đến mấy vẫn không thể áp dụng vào con người này được. Sau lưng bà là quần chúng Miến, họ yếu đuối nhưng bền bỉ ủng hộ bà trên con đường gian nan tranh đấu cho tương lai dân tộc Miến

Ngay sau khi vừa được trả tự do, một làn sóng chúc mừng từ nhiều nguyên thủ quốc gia đã gửi tới bà như những lời khẳng định sẵn sàng ủng hộ khi bà cần. Những từ ngữ tốt đẹp nhất gửi tới chúc mừng bà như muốn bù lại khoảng thời gian quý giá mà người phụ nữ này đánh mất.

Bà bị cầm tù 15 năm trong thời gian 21 năm tranh đấu bằng nhiều cách nhưng chưa một tòa án nào tại Miến xác nhận được bà phạm tội gì.

Tội của bà, nếu có, là làm cho chính quyền mất ăn mất ngủ. Bà là tác nhân làm cho họ chùn tay khi muốn lún sâu vào tội lỗi đối với dân tộc. Bà cũng có lỗi lớn với họ khi không chấp nhận chính quyền được phép bắt giam người trái phép, không được phép chà đạp nền dân chủ bằng những biện pháp tối tăm nhằm áp đặt lên những con người mang ước vọng dân chủ. Cuối cùng bà đã phạm một lỗi lớn đối với họ là đã cản trở sự làm giàu bất chính trên xương máu của dân tộc bà.

Người dân Miến Điện chào đón bà như một anh thư vừa trở về từ địa ngục. Họ biết rõ rằng bà không hề bỏ cuộc và sự tranh đấu của bà chỉ mới bắt đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt với ban Miến Điện của đài Á Châu Tự Do sau khi ra hết lệnh quản chế bà chia sẻ kinh nghiệm của mình trong những tháng ngày sắp tới, bà nói rằng để có đựơc một nền dân chủ đích thực Míên điện cần nhiều người tham dự vào các cuộc tranh đấu hơn nữa. Không những người dân Miến trong và ngoài nước chúng ta cần sự hỗ trợ trên khắp thế giới mới hy vọng thay đổi được tình hình hiện nay.

Bà cũng kêu gọi người dân Miến hãy tận dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại để đấu tranh dân chủ, bà cho biết Đài Á Châu Tự Do được bà nghe hàng ngày và do đó bà kết nối được với thế giới bên ngoài để biết những gì đang xảy ra trong khi bà bị giam giữ.

Bà Aung Shan Suu Kyi không những là biểu tượng được người dân Miến hãnh diện mà bà còn là niềm cảm hứng cho các dân tộc khác đã và đang bị giới lãnh đạo đất nước họ chà đạp quyền tự do dân chủ của người dân. Những người tranh đấu nhìn bà như một tấm gương phản chiếu lại hoạt động của họ trên đoạn đường dài đầy gian lao thử thách.

Chúc mừng bà có nhiều lời lẽ của các nguyên thủ quốc gia nhưng có lẽ lời của Tổng thống Barak Obama là được chú ý nhiều nhất khi ông tuyên bố bà Aung Shan Suu Kyi là biểu tượng anh hùng của ông và nói rằng người phụ nữ 65 tuổi này là một nguồn cảm hứng cho những người tranh đấu cho nhân quyền tại Miến cũng như trên toàn thế giới.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Aung-Shan-Suu-Kyi-release-11142010135138.html

No comments:

Post a Comment