TS Mai Thanh Truyết
Đúng một tháng sau tai nạn thảm khốc ở Hungary do một bức tường chắn của một trong 10 hồ chứa bùn đỏ , phế thải của việc khai thác bauxite bị bể ngày 4 tháng 10, tin tức từ Việt Nam thông báo là vào đêm mùng bốn rạng mùng năm tháng 11, 2010, cơn “lũ” bùn đỏ kéo theo hàng vạn khối bùn đỏ từ thượng nguồn đổ xuống. Bùn nầy là phế thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng, tức công ty TKV, cũng là công ty đang thực hiện việc khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Đây là một sự kiện đã được tiên liệu trong hầu hết các công cuộc phát triển của Việt Nam qua việc khai thác khoáng sản cũng như xây dựng các đập thủy điện và các công trình phát triển khác. Tiên liệu vấn nạn môi trường sẽ xảy ra là một “logic tất yếu” vì một nguyên nhân căn bản chính là hầu hết dự án khai triển ở Việt Nam đều không có nghiên cứu tác động môi trường (Environmental Assessment Impacts-EAI), điều đã được ghi rõ ràng trong Luật Môi Trường Việt Nam (1993) và Luật Đầu tư trước khi cung cấp giấy phép xây dựng dự án…
Chúng ta đã từng nghe và thấy thảm nạn đã xảy ra cho các đập thủy điện trên các sông ngòi ở miền Trung bị bể hay xả nước vô tội vạ làm ngập nhiều làng xóm, thị xã từ nhiều năm qua, mỗi lần mùa mưa đến…
Chúng ta đã từng nghe và thấy dòng sông Thị Vải hầu như hoàn toàn bị ô nhiễm từ năm 1997 do công ty Vedan, ngay sau khi bắt đầu khai thác bột ngọt từ năm 1994. Qua mốc ngoặt, qua bao che v.v…tất cả đều êm xuôi mặc dù nước thải độc hại đã được thải hồi ngay sau khi sản xuất những mẽ đầu tiên. Năm 2007, chúng tôi đã nêu lên vấn nạn nầy, và đã được “phản hồi” bằng những lời lẽ cho là bôi bác chế độ! Mãi đến năm 2008, Công ty Vedan “mới” bị khám phá là có một đường ống “bí mật” xả nước thải thắng vào sông vào ban đêm từ hàng chục năm qua…
Và sự kiện tương tự đã diễn ra tại một công ty khai thác quặng sắt ở Cao Bằng ngày hôm nay…
Vài thông tin về quặng sắt
Sắt có công thức hóa học là Fe, là một thành phần kim loại chiếm 5% của vỏ trái đất. Khi nguyên chất, sắt có màu xẩm đen goi là màu xám bạc kim loại (silvery-gray metal). Đây là một kim loại rất dễ bị oxid hóa còn gọi là rỉ sét và biến thành màu đỏ giống như bùn đỏ trong công nghệ khái thác quặng sắt hay bauxite. Các màu đỏ, cam, hay vàng thường thấy trong đất và đá thông thường là các loại oxid sắt dưới nhiều kết nối giữa sắt và oxy với tỷ lệ khác nhau..
Phần dưới của vỏ trái đất được dự đoán là do hợp kim sắt và nickel vì hợp kim nầy là các “thiên thạch” (meteorites) thỉnh thoảng rơi vào mặt đất, và hợp kim nầy cũng được dự đoán là kim loại đầu tiên cấu tạo ra vũ trụ! Sao Hỏa (Mars) được gọi tên như thế là vì lớp vỏ ngoài được bao bọc bằng oxid sắt có màu đỏ.
Tên Sắt (Iron) có được từ danh từ Old English tên là Isaern, nguyên ủy từ tiếng Celtic là Isarnon.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 800 tỷ tấn quặng mỏ sắt dung chứa độ 230 tỷ tấn sắt ròng (nguyên chất). Hàm lượng sắt ở Hoa Kỳ chiếm độ 27 tỷ tấn. Hầu hết (gần 100%) sắt nguyên chất khai thác từ các quặng mỏ được chế biến thành các loại thép khác nhau tùy theo nhu cầu, như hỗn hợp sắt và tungsten, manganese, nickel, vanadium, hay chromium v.v..dùng cho kỹ nghệ xây cất, xe hơi v.v…
Các quặng sắt thường xuất hiện dưới dạng Hematite tức oxid sắt III (Fe2O3) chứa 70% sắt, dạng Magnetite tức oxid sắt sesqui (Fe3O4) chứa 72%, và dạng Taconite chứa độ 30% hỗn hợp hai dạng trên và nhiều kim loại khác.
Sắt còn là một nguyên tố tối cần thiết cho cơ thể con người. Cơ thể con người chứa 0.006% sắt, phần lớn tồn chứa trong máu. Tế bào máu chứa sắt mang oxy từ buồng phổi đi khắp châu thân. Nếu cơ thể thiếu chất sắt, sức miễm nhiễm của cơ thể sẽ bị giảm đi.
Câu chuyện bùn đỏ Cao Bằng
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, những nạn nhân ở xã Duyệt Chung đã điện thoại lên UBND Xã để báo tình hình. Và cũng ngay sau đó (?) (theo lời báo chí!), nhân viên xí nghiệp khai thác Nà Lũng đã tìm cách bít lỗ hổng của đập bị vỡ. Dòng chảy của bùn cao từ 2 đến 3 thước chảy như con rắn tràn vào nhà, tràn xuống giếng, vào các cánh đồng. Nhiều nhà tầng thứ nhứt, tức tầng trệt bị ngập hoàn toàn…
Mãi đến 4 ngày sau, bùn mới rút dần vào con suối cuối làng và chảy vào sông Bằng.
Chính Ông phó Chủ tịch UBND thị xã đã cho biết trước đây từ năm 2005, đã nhiều lần xí nghiệp xả bùn làm ngập đồng ruộng gây thiệt hại cho dân mà không đền bù thiệt hại gì cả.
Mỏ quặng Nà Lũng đã được khai thác từ năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào sới lên (giống như quặng bauxite, chỉ che phủ bới lớp đất thịt khoảng 1 m) sẽ được phun nước đểu tầy rửa chất bẩn như đất cát, và các hợp kim khác lẫn trong quặng như các oxid Manganese, Selemium, Arsenic v.v… Sau đó phế thải lỏng nầy chảy vào 4 đập lớn thông nhau và các bờ đập đều được đấp “sơ sài” bằng đất.
Chính đập số 4 là đập bị vỡ và nước thải bùn đỏ ở các đập 1,2,3 vẫn tiếp tục chảy vào đập số 4 cho đến khi công ty ngăn chặn dòng chảy lại. Do đó, ước tính lượng bùn đỏ tràn vào xã Duyệt Chung không chính xác. Nhiều cơ quan ước tính hàng ngàn m3, nhiều báo ước tính hàng chục ngàn…có lẽ những con số trên thay đổi tùy theo mức thay đổi của “thủ tục đầu tiên”.
Giải quyết vần đề của những người có trách nhiệm
Như đã nói ở phần trên, ngay từ đầu, Ông Lê Ngọc Quang, Phó CT UBND thị xã Cao Bằng cho biết không phải là lần đầu tiên người dân Nà Lũng bị ngập bùn, chính quyền đã yêu cầu nhiều lần, lên đến công ty, đến cơ quan bảo vệ môi trường và tài nguyên tỉnh…nhưng tất cả là “vũ như cẩn” cho đến khi có “sự cố” vừa qua.
Hiện nay (9/11), người dân phải đích thân dọn nhà cửa của chính mình, công ty chỉ cho máy hút bùn trên những đoạn đường đi vào cổng xí nghiệp. Con suối từ cuối xã Duyệt Chung, một nguồn nước sinh hoạt cho dân chúng của xã, hoàn toàn đặc quánh màu đỏ và vẫn từ từ chảy vào sông Bằng. Dấu hiệu cá chết nổi trên mặt nước cũng đã xảy ra.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bằng cho biết công tác khắc phục bùn đỏ như sau: “Đang khắc phục, mọi hoạt động trở lại chỉ có học sinh đi lại còn vất vả. Đang chuẩn bị gia cố lại hồ chứa. Bùn đỏ tràn ra thì hốt đi khỏi khu vực ấy. Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, kể cả người dân sử dụng máy gạt, máy ủi, đưa xuống nơi bùn tràn qua và đưa đi nơi khác”.
Quả thật người viết hoàn toàn mù tịt về phương pháp giải quyết của một Ông CT Hội BVMT của tỉnh…là làm sao hốt bùn tràn vào suối, tràn vào sông, hay bùn đã thấm vào lòng đất, vào mạch nước ngầm? (Nếu Ông Chủ tịch nhận được thông tin nầy xin giải thích cho người dân khắp nơi được rõ để viết bài về phương pháp xử lý bùn đỏ sau khi có “sự cố” bể bờ chắn hồ chứa, hay “xả “lậu” phế thải bùn đỏ”.
Tiếp theo, vào ngày 9/11, một nhà lãnh đạo chuyên môn của Tập đoàn Than-Khóang sản Việt Nam tức TKV, Ông Phó Tổng Giám đốc tuyên bố sẽ dùng máy hút bùn từ dòng suối trở lại đập chứa chất thải của công ty.
Giời ạ! Người viết chỉ còn biết đấm ngực ba lần xưng tội với Chúa, lạy 4 lạy sám hối với Trời Phật, xin tội với Alla…cầu mong có được một trí thông minh tối thiểu để có thể hiểu được và cảm nhận được một phương cách giải quyết vấn đề thần sầu của một nhà chuyện môn, đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ nhân loại!
Thay lời kết
Qua những phát biểu và các kế hoạch ban đầu của những người có trách nhiệm trong việc tràn bùn đỏ của xí nghiệp Nà Lũng, chúng ta có thể rút tỉa một số kinh nghiệm sau đây, mặc dù ngay từ sau 1975, chúng ta đã từng rút tỉa biết bao nhiêu kinh nghiệm “xương máu” trong cung cách điều khiển và vận hành những công trình phát triển Việt Nam. Đó là:
· Thái độ vô trách nhiệm của những người chiụ trách nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra;
· Cung cách phát triển chỉ tập trung vào lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường;
· Cung cách xem thường sự hiểu biết của người dân và những nhà khoa học trong nước và ngoài nước qua việc “giấu kín” chi tiết của các dự án;
· Bưng bít, che đậy, trấn áp người người tố cáo tai nạn, bịt miệng truyền thông, thông tin sai lệch là những thủ thuật của cường quyền áp dụng cho người dân trong nước;
· Coi thường sinh mạng, sức khỏe của người bằng cách che đậy mức nguy hại của tai nạn môi trường, nhứt là trong việc khai thác “dưới đất” (khoáng sản).
Tất cả những điều trên đây thể hiện một não trạng cứng ngắt. Đó là não trạng của một chủ nghĩa Sô Viết Liên Sô còn sót lại trong suốt quá trình thành lập và xây dựng cọng sản chủ nghĩa chúng ta đã “chiêm ngưỡng” qua sự bể từơng chắn bùn đỏ bauxite ở Ukraina vào năm 2005 (bể tường chắn bằng bê tông cao 140m), vụ bể tường chắn tại Hungary tháng vừa qua (tường chắn cao 41m), và tại Việt Nam qua vụ vỡ bờ chắn bằng đất của xí nghiệp Nà Lũng.
Xin hỏi, kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã khai thác bauxite tại Lâm Đồng bằng phương pháp thủ công để sản xuất hàng năm độ 12.000 tấn Alumina (oxid nhôm Al2O3) dùng trong việc lọc nước sinh hoạt ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như vậy số lượng bùn đỏ thải ra từ đó đến giờ đã được chứa ở đâu hay được xử lý như thế nào?
Mai Thanh Truyết
Nỗi đau bùn đỏ tháng 11/2010
Thursday, November 18, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment