Tuesday, June 23, 2009

Cảm Tưởng về Luật sư Lê Công Định

Nhân sự kiện Luật sư Lê Công Định bị nhà cầm quyền Việt Nam đặt nghi án và tống giam vào ngày 13 tháng 6 năm 2009 tại Sài Gòn, sau 5 ngày tra tấn khảo cung của Cục Công An, Luật sư Định buộc phải viết hai “bản tự phê” gây dư luận xôn xao và tâm lý hoài nghi kẻ chê người trách. . . Bởi thế, Thần Báo thử xin đưa ra một lời bình theo cái nhìn của mình từng là người lính Việt Nam Cộng Hòa bị tù nhiều năm trong trại giam Cộng Sản Việt Nam.

Ở đời nhục là điều khó nhịn, thà chịu chết chớ không chịu nhục (ninh thọ tử bất ninh thọ nhục). Cho nên kẻ nào, nhịn được cái điều mà người khác không thể nhịn, dung được cái điều mà người khác không thể dung thì kẻ ấy mới là người có độ lượng lớn, kiến thức cao, và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Tô Đông Pha đời Tống năm xưa nhận định: “Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt là phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ có hòai bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy.”

Chuyện kể rằng: Vua nước Việt Câu Tiễn thất trận, bị vua nước Ngô Phù Sai bắt về làm tù binh nô lệ. Đồng thời Phù Sai còn báo thù cho cha là Ngô Vương Hạp Lư, Chu Kinh Vương đã bị tướng Việt là Linh Cô Phù hạ sát trên chiến trường. Ngày ấy, Việt Vương Câu Tiển cùng cận tướng Phạm Lãi theo hầu, cả hai bị quân Ngô dẫn độ để ra mắt Ngô Vương Phù Sai.

Việt Vương phải để xõa áo, cùng Phạm Lãi phủ phục trước ngai vàng van xin tha tội. (Có lẽ thời xưa họ cũng đã có hình thức Voluntary và ép cung để phải viết bản tự phê Confession Of Guilty như trường hợp của Thần Báo trước đây, và Luật sư Lê Công Định ngày nay). Việt Vương Câu Tiễn nói: “Tôi là Câu Tiễn của nước Việt, không biết tự lượng sức mình nên đã đắc tội với Đại Vương. Nay khẩn xin Đại Vương xá tội cho tôi, để tôi được sống và hầu hạ Đại Vương thì thật lòng cảm nghĩa vô cùng.”

Sau đó Ngô Vương Phù Sai ra lệnh đánh đòn, và cho xây một thạch thất làm nhà tù ngay bên mộ Hạp Lư, để giam giữ vua quan nước Việt là Câu Tiển và Phạm Lãi. Mỗi khi Phù Sai rong chơi lại bắt Câu Tiển dắt ngựa. . . Dân chúng khắp nước thấy hình ảnh tù binh này, nhiểu người cười chê nhạo báng:

- Ô kìa! Xem kìa! Vua quan Nước Việt!

Nghe những lời thị phi, Việt Vương Câu Tiển lẳng lặng cúi đầu không nói tiếng nào, và chỉ lo giữ bổn phận của một tên lính hầu giữ ngựa (chấp kích lang) là hốt phân, quét chuồng, lau nhà… cùng với bao điều nhục nhã đắng cay!

Nhưng chuyện đáng nói là nhờ có Quân Sư Phạm Lãi, sớm hôm không lìa Việt Vương nửa bước. Phạm Lãi luôn luôn an ủi khuyến khích Việt Vương nuôi chí Phục Quốc. Phạm Lãi nói với Việt Vương rằng: “Ta mưu cầu đại sự thì không màng điều nhỏ mọn,” đã thành câu châm ngôn cho những ai muốn nuôi chí lớn, muốn “Diệt Cộng Cứu Nước” như Việt Vương Câu Tiễn và Phạm Lãi đã làm và đã thành công trong đại cuộc phục quốc của ông.

Theo thông tin báo chí trong nước: “5 ngày sau khi bị bắt khẩn cấp theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự, từ 13/6 đến 17/6/2009, Luật sư Lê Công Định (mật danh chị Tư) đã viết tường trình xin hưởng khoan hồng của đảng và nhà nước.” Và trên cuốn Video, Luật sư Lê Công Định đã thành thật khai báo và nhận hết tội lỗi theo Điều 88, Bộ Luật Hình Sự: "Do có các hành vi cấu kết với bên ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam." Tại trại giam của cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công An, Luật sư Lê Công Định đã viết hai bản tường trình dài 8 trang giấy A4 ghi ngày ký 17 tháng 6 năm 2009.

Đọc xong bản tin trên, tôi không khỏi ngạc nhiên khi chẳng thấy tội nào ở nơi Luật sư Lê Công Định. Mà trái lại, tôi chỉ thấy cái tội to lớn của của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, “đánh đập nghi can và ép cung,” của đám công an điều tra này. Dù rằng là chế độ tư bản hay cộng sản, nhưng pháp luật tựu trung lại cũng chỉ là phương tiện bảo vệ cho nhóm đặc quyền.

Ép cung (voluntary) là cái tội mà bè lũ tay sai của nhóm đặc quyền áp dụng. Chúng xử dụng mọi hình thức tra tấn, đánh đập, khủng bố, đe dọa và buộc nghi can phải nhận tội. Thần Báo đã từng bị Việt Cộng hành hạ trong trại tập trung cải tạo sau ngày mất nước, bằng cách chúng cho uống nước xình bụng vào người. Rồi chúng đứng lên dậm trên bụng Thần Báo cho vọt nước lẫn máu trong người phun ra. Đánh đập mỏi tay thì chúng treo ngược Thần Báo vặt cánh khỉ lên xà nhà… rồi sau cùng phải ngồi mà viết ra bản tự phê. Chính cái lúc viết này là lúc sáng tạo nhất, khôn ngoan nhất… “Chính lúc chết đi là khi vui sướng muôn đời! (Kinh Hòa Bình).”

Cũng thế, tôi đọc bản tự phê hay tường trình hành vi phạm pháp của Luật sư Lê Công Định mà thán phục cái tài “mưu sinh thoát hiểm” của ông. Tôi chỉ thấy trước mắt, bản văn này là một loại nhật ký hay sổ cái, gọi là Activities Ledger chớ không phải là bản tường trình hay báo cáo hoạt động đúng nghĩa (Activities Report). Mặt khác, Luật sư Định trong cương vị là một nghi can (chưa thành tội), nên ông không có bổn phận để phải báo cáo” cho bất cứ ai, dù đối tượng là công an điều tra. (He has the rights to remain silent) Ông có quyền giữ im lặng nếu không có mặt luật sư đại diện của ổng làm chứng. Và đúng lý ra, vì chỉ là nghi can cho nên thân nhân của ông vẫn phải được vào thăm ông, vì đây là một cái quyền (Human Rights) của con người, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã chỉ xem đây là nguyên tắc “xin – cho” và đã vi phạm Nhân Quyền!

Vậy thì công an điều tra đưa bản tự phê của nghi can Lê Công Định ra tòa, thì đó cũng chỉ là một loại văn kiện “để kính tường (FYI)” mặc nhiên chưa có giá trị gì. Hơn thế nữa, hai bản viết chỉ thể hiện nhìn nhận tội chớ chưa cho người ta thấy toàn bộ cuộc thẩm vấn đang liên quan đến vấn đề phạm pháp như thế nào. Vậy bản tự khai (Voluntariness) vẫn là một còn là một nghi vấn của bất cứ người luật sư nào. Ngoài ra công an muốn luận tội về sự ăn năn (Confession) thì cũng phải cung cấp cho công chúng (Public) thấy cuộn ghi âm phỏng vấn liên quan đến điều kiện và hoàn cảnh mà nghi can nhận tội. Bằng ngược lại, phía công chúng nhìn vào thấy là nghi can tư khai là đúng, thì khi đó mới là một bằng chứng mạnh (Strong Case).

Tiếp đến, chúng ta theo dõi nghi can Luật sư Lê Công Định nói: "... Thứ nhứt, tôi đã tham gia khoá huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức từ ngày 1 tháng 3, 2009 tới ngày 3 tháng 3, 2009 tại Thái Lan. Trong đó … do hai người Serbia trình bày. Một người tên là Blado, còn người kia thì tôi không nhớ rõ tên. Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam." Nghi can có nhận tham gia khóa huấn luyện của một tổ chức khủng bố, “đấu tranh bất bạo động” với thời gian ba ngày! Đang khi Bác Hồ đã phải học trường huấn luyện tình báo KGB tổng cộng tới hai năm. Thứ nhất Hồ Chí Minh theo học KGB (năm 1923 – 1924) trở về lập Ðảng Cộng Sản Ðông Dương gồm 3 quốc gia Việt Miên Lào. Thứ hai, Hồ Chí Minh lại học thêm năm 1934 – 1935 trước khi được thực sự giữ chức vụ điều hành đảng Cộng Sản tại Việt Nam, để tuân hành các chi tiết của chỉ thị và kế hoạch Cộng Sản Quốc Tế!

"Thứ hai, theo sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, tôi đã tham gia tổ chức Đảng Dân chủ Việt Nam do Nguyễn Sĩ Bình Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động đứng đầu. Ông Bình mời tôi tham gia ban Thường vụ của Đảng Dân chủ. Ngày 26 tháng 3, 2009 tôi sang Phukhet gặp ông Nguyễn Sĩ Bình và ông Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam, và về chủ trương thành lập thêm hai đảng là Đảng Lao Động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút thêm mọi người tham gia." Đảng Dân Chủ mà lại do ông Chủ Tịch Đảng Nhân Dân Hành Động đứng đầu. . . Luật sư Định có nhận tham gia đảng phái hay hiệp hội nào cũng là để thực thi quyền hiến định mà thôi chớ nghi can không có hành vi cụ thể nào chứng minh rõ ràng mục tiêu lật đổ chính quyền, thì nghi can là người có quyền thực hiện, hợp hiến hợp pháp?

Tiếp đến, hai đảng Nhân Dân Hành Động và Đảng Dân Chủ lại chủ trương thành lập thêm hai đảng Lao Động và Đảng Xã Hội... Vậy là ba người này họp nhau tại Thái Lan để bàn tính chuyện thành lập một lúc tới bốn đảng chính trị. . . Đọc tới đây, Thần Báo cam đoan nếu ông Hồ có đội mồ sống lại/ hay chí đến phỗng đá (chó đá) mà đọc được thì cũng phải bật cười! Không hiểu trung ương đảng CSVN nghĩ sao, hợp hiến hợp pháp?

“Trước mắt, tôi thống nhứt thành lập một Blog mang tên là “Đảng Lao động Việt Nam” do tôi phụ trách và Blog kia tên là “Đảng Xã hội Việt Nam” do anh Thức phụ trách. Và cũng tại Phukhet chúng tôi đã bàn về việc viết chung một cuốn sách mang tên là “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội kinh tế và pháp luật cho Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nhận định thời cơ của sự thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm 2010, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng. Sau khi về nước tôi đã lập một trang blog và viết lời tuyên cáo thành lập đảng Lao động Việt Nam nhưng do lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện và công bố thì nay tôi đã bị bắt. Thành lập Blog thì mang tội, sao Bộ Luật Hình Sự không nói? Còn cái vụ tên đảng chính trị hay nội dung của đảng thế nào. . . là thuộc quyền tự do lập hội đã được Hiến Pháp CHXHCNVN qui định, miễn là không có hành vi cụ thể lật đổ chính quyền thì hợp hiến hợp pháp?

Thứ đến, viết sách nghiên cứu nhằm tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội, kinh tế và pháp luật cho Việt nam là việc làm tốt, là một học thuật thì sao lại có tội? Không bày ra cách thức lật đổ chính quyền, thì hoàn toàn hợp pháp. Tóm lại, quyền lập hội được Hiến Pháp qui định, và không thể qui trách nếu còn trong giai đoạn dự bị chưa có công bố (out of jurisdiction).

"Trong quá trình tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam tôi cũng đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong và thuật ngữ của bản điều lệ của Đảng Dân chủ Việt Nam. Tôi cũng đã được ông Nguyễn Sĩ Bình chuyển cho tham khảo và nghiên cứu một bản tân hiến pháp nhằm phục vụ cho việc soạn thảo một bản hiến pháp của Đảng Dân chủ Việt Nam." Góp ý chỉnh sửa văn phong và thuật ngữ thì bị ghép vào tội gì? Tham khảo và nghiên cứu một bản tân hiến pháp để soạn thảo bản hiến pháp cho đảng Dân Chủ thì cũng chỉ là học thuật mà là có tội? Chứng cứ nào mà vu cáo cho Luật sư Lê Công Đi5nh đi rao truyền là sẽ lật đổ chính quyền?

Kết luận:

Bản tường trình của Luật sư Lê Công Định đã bị trung tướng công an Vũ Hải Triều nâng quan điểm lên thành bản thú tội. Một bản văn đã không có nguyên nhân, không có động cơ, không có chứng cớ nào có thể buộc tội Luật sư Định thành tội danh! Mà chỉ toàn là “tội đổ thừa” từ nhóm đặc quyền.

Toàn bộ cái gọi là hành vi phạm pháp của Điều 88 mà Luật sư Định phải tự thú trong bản tường trình này, đã chỉ là những sinh hoạt chính trị bình thường mà bất cứ công dân của một quốc gia dân chủ pháp trị nào trên thế giới cũng có quyền thực hiện. Dù cho Luật sư Định có viết hoặc nói gì chăng nữa. . . thì ngay trong hòan cảnh ngục tù nghi can đã bị khủng bố đánh đập, tra khảo hành hạ, ép cung. . . chúng ta cũng cần nhìn lại bài học Việt Vương Câu Tiễn mà thông cảm cho Luật sư Lê Công Định. Với tấm gương nhịn nhục mà Luật sư Định đã làm và đang làm để mưu cầu đại sự, chớ chúng ta không thể nhìn ông qua cái nhìn của kẻ hời hợt bàng quan.

Xin cầu an cho người bạn trẻ và là Công Dân Việt Nam Lê Công Định.

Thần Báo Phạm Văn Bản
Lynnwood ngày 20 tháng 6 năm 2009

No comments:

Post a Comment