Trọng Nghĩa,RFI
Bài đăng ngày 21/06/2009
Cập nhật lần cuối ngày 21/06/2009 14:35 TU
Hơn 11.000 công dân trong vùng lưu vực sông Mêkông (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước có liên can hủy bỏ kế hoạch xây đập thủy điện trên sông Mêkông. Bản kiến nghị do Liên minh Save The Mekong / Hãy cứu lấy sông Mêkông, chủ trương, còn được sự ủng hộ của khoảng 5000 người khác trên thế giới.
Trong một hành động bạo dạn hiếm thấy, thể hiện nỗi lo ngại ngày càng lớn của mình, ngư dân, nông dân sinh sống hai bên bờ sông Mêkông cùng với nhiều tấng lơpp khác trong xã hội đã ký tên vào bản kiến nghị, gởi đến thủ tướng các nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Nội dung kiến nghị kêu gọi các chính quyền từ bỏ các dự án xây dựng đập nước ngăn dòng sông để sản xuất điện.
Viết bằng 7 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, bản kiến nghị đã được Liên minh Hãy cứu lấy sông Mêkông đích thân trao cho thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, hiện là chủ tịch luân phiên khối Asean, vào hôm 17/06/2009, và gởi đến các lãnh đạo khác trong vùng. Ngoài ra, kiến nghị cũng được gởi đến Ủy Ban Sông Mêkông, cũng như các nhà tài trợ cho các nước trong vùng Mêkông.
Bản kiến nghị đã nêu bật mối lo ngại về tác hại của những con đập trên môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên trên sông và tha thiết kêu gọi : ''Hãy để cho dòng sông được chảy tự do, duy trì nguồn lương thực và thu nhập thiết yếu đối với hàng triệu người. Xin hãy cân nhắc các phương thức khác để đáp ứng nhu cầu điện năng...''
Theo các nhà quan sát, trong thời gian qua, từ ngày Trung Quốc xây dựng những con đập đầu tiên trên thượng nguồn sông Mêkông, nhiều tiếng nói đã vang lên cảnh báo về hiểm họa đối với môi trường cũng như với đời sống của những con người mà kế sinh nhai tùy thuộc vào tài nguyên thiên nhiên do dòng sông mang đến.
Cho dù vậy, từ năm 2006 đến nay, 11 đập thuỷ điện lớn khác đã được lên kế hoạch xây dựng, trên dòng chính của con sông ở vùng hạ nguồn : 7 đập tại Lào, 2 đập tại Cam Bốt và 2 đập tại vùng biên giới Lào - Thái. Chính quyền các nước đã tỏ thái độ kiên quyết xúc tiến công cuộc xây dựng bất chấp những lời phản đối về tính chất nguy hại tiềm tàng của các công trình này.
Việt Nam sẽ bị tác hại nhiều nhất
Theo giới quan sát, một khi các con đập kể trên được xây dựng xong, Việt Nam, nước ở cuối nguồn sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Số lượng người Việt Nam sinh sống ở vùng lưu vực sông Mêkông lên đến 17 triệu, chiếm gần 1/3 tổng số 60 triệu cư dân toàn khu vực.
Theo báo chí Việt Nam, ông Ngô Xuân Quảng, thuộc Viện Sinh Học Nhiệt đới Việt Nam đã cảnh báo : Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu tất cả các tác hại do việc dòng Mêkông bị ngăn chặn, từ việc không còn phù sa mầu mỡ, nước ngọt bị thiếu khiến đất hoá phèn, cho đến nguy cơ lượng cá đánh bắt tụt giảm, chưa kể đến hiện tượng dòng chảy của sông Mêkông yếu đi sẽ làm cho nước biển lấn vào gây ngập mặn...
Một cách cụ thể, theo ông Quảng, An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh sẽ bị nạn đất sói mòn nghiêm trọng nhất, trong lúc Tiền Giang sẽ bị khô hạn. Vấn đề được giới quan sát ghi nhận là bản kiến nghị chỉ gởi đến lãnh đạo 4 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan, nhưng không đề cập gì đến các con đập mà Trung Quốc đã xây dựng trên thượng nguồn cũng như hàng loạt công trình thuỷ điện khác đang nằm trong dự án của Bắc Kinh. Ngoài ra, số lượng người Việt Nam ký tên vào bản kiến nghị còn ít (hơn 300) chứng tỏ dư luận chưa nhận thức rõ hiểm họa.
No comments:
Post a Comment