Tuesday, September 28, 2010

1 THÁNG 10, 2010 KỶ NIÊM CỐ ĐÔ THĂNG LONG, NGÀY QUỐC NHỤC?

Từ ngày còn nhỏ học sử về những thời vua trong chính sử Việt Nam như Lý Lê Trần, tôi chưa bao giờ thắc mắc đâu là kinh thành của những triều vua này. Hình như cố đô Huế của những vị vua triều Nguyễn với những cung điện còn còn sừng sững đã che kín cái thắc mắc đáng lẽ đã phải có của học trò đang học về lịch sử nước mình.

Rồi lớn lên và để cả tuổi thanh niên cuốn theo cuộc chiến tranh tương tàn, tôi cũng quên bẵng đi cái cung đình của tiền nhân, không biết nó lưu lạc phương nào, được kiến trúc ra sao. Chỉ có một thời gian ngắn khi học về văn chương lúc mài đũng quần trên ghế trung học, tôi được học thuộc lòng bài thơ của thi sĩ có cái tên kỳ cục là Bà Huyện Thanh Quan và mới biết cái cố đô có tên là Thăng Long, nhưng lúc này đã điêu tàn, qua hai câu thơ buồn man mác của thi sĩ:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Lúc đó tôi cũng cảm với cái buồn của thi sĩ và đoán rằng cố đô đã tan hoang, còn lại chăng là cái nền đất đá nằm tĩnh lặng trong bóng chiều tàn. Hai câu thơ mà chắc ai cũng nghe qua đã để lại cho tôi cái tâm trạng của một dân tộc vì chiến tranh tàn phá liên tục nên không còn cái gì tồn tại với thời gian.

Theo lịch sử thì kinh thành Thăng Long đã được bắt đầu xây dựng từ năm 1010 trong vùng đất mà bây giờ là thành phố Hà Nội, và vua Lý…. Đã về ngự ở cung thành này vào tháng bẩy cùng năm. Và Thăng Long cũng đã là nơi nhiều triều vua dùng để cầm cân nẩy mực trị vì thiên hạ trên mấy trăm năm cho đến khi vua Gia Long nhà Nguyễn lên ngôi năm 1802, về Huế lập cung thành mới, bỏ mặc cho Thăng Long phơi sương cùng tuế nguyệt và từ đó cũng tàn tạ theo thời gian, chẳng ai trông nom hay giữ gìn. Nguyễn Du, cũng như bà Huyện Thanh Quan, khi đi sứ qua Thăng Long năm 1813 cũng cảm khái làm mấy câu thơ:

Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một ố cung

(Nhà lớn nghìn năm thành đường cái
Một mảnh tân thành mất cung xưa)

Câu thơ nói lên cái thay đổi theo thời gian của vật của đời của con người, hay cũng là cái vô thường của mọi vật, nhất là cái biểu tượng của lịch sử của những vị vua không phải từ triều Nguyễn.

Tôi không biết người Pháp, một dân tộc ưa chuộng những di tích lịch sử, khi đô hộ Việtnam trong 80 năm đã làm gì để bảo tồn những di sản lịch sử của dân Việt. Tôi nghĩ cũng không nhiều, và tôi cũng nghĩ rằng khi Cộng Sản chủ trương tiêu thổ kháng chiến, thì cái cung thành này lại bị đập phá tan hoang thêm nữa. Nhất là cộng thêm với cái chủ trương căm thù những giai cấp có quyền thế, có tài sản và kiến thức thì nhất định cái cung thành tiêu biểu cho sự tập trung quyền hành vào tay một số người, cha truyền con nối làm sao còn được bảo vệ và trùng tu. Đập hết, phá hết, giết hết những biểu hiệu của những gì không phải vô sản là chủ trương chính của CSVN trong những năm 1950, 1960, rồi cho đến khi CSVN nắm quyền cai trị miền Bắc trước năm 1975, và những năm hậu chiến, khi CSVN còn đang hăng say với chủ nghĩa CS trong nhũng năm 1980, 1990, cố đô Thăng Long đã không có giá trị gì trong lòng người CS.

Từ năm 2000, khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu mang về tiền bạc và quyền lợi cho đảng CSVN, và khi chủ nghĩa CS đã phải lùi bước trước luồng tiền tư bản thổi xoáy vào xã hội VN, từ đảng viên đến dân chúng, CSVN có chút thời gian và phương tiện để lục lọi lại những kho tàng của quá khứ, mà di tích của cố đô Thăng Long là một trong những kho tàng lịch sử mà CSVN khám phá ra năm 2003. Chúng ta hãy nghe một đoạn CSVN viết về cái khám phá này:

Trích: “…Phát lộ di tích Hoàng Thành năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong Thư chúc Tết năm Giáp Thân năm 2004, chủ tịch nước Trần Đức Lương có đoạn viết: “... tiến hành khảo cổ ở khu vực Ba Đình Hà Nội làm xuất lộ nhiều di tích lịch sử - văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Những thành tựu đó đang tiếp tục khích lệ, cổ vũ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta...” . Hết trích.

Tại sao TĐL lại cho sự khám phá này là “cổ vũ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta”. Một di tích lịch sử quan trọng của đất nước, nằm dưới sự quản trị của mình trên dưới 60 năm, từ 1945, mà mãi đến năm 2003 CSVN mới khám phá ra được cái di sản đã bị nát bét tan hoang rồi mà còn can đảm lên tiếng tự khen ngợi cái lòng tự hào của dân tộc. Tự hào cái gì, tôi vẫn không hiểu. Sự khám phá này, theo TĐL lại cổ vũ ý chí vươn lên của nhân dân ta. Ý chí vươn lên cái gì, tôi cũng không biết.

Trần Đức Lương cũng nói rằng Cố đô Thăng Long là cái di tích vô giá của dân tộc. Cũng cho là đúng đi vì đó là một phần lịch sử của dân tộc, của tiền nhân, và là cái gia sản của đất nước mà con dân phải có bổn phận giữ gìn, bảo vệ. Khám phá lúc này dù trễ vẫn còn hơn không và mặc dù những di vật được khai quật chỉ có thể được trưng bầy trong bảo tàng viện, còn những khu vực nơi kinh thành được xây cất, người ta chỉ còn tìm thấy được những cái nền, cái móng của những cung điện thời xưa.

Nhưng! Cái chữ nhưng này mới bộc lộ được khuôn mặt thật của CSVN, và nó sẽ chứng minh rằng CSVN đã không biết cái gì là di sản vô giá của dân tộc.

Nhưng, cũng trong năm 2000, khi CSVN bắt đầu khai quật gia sản quá khứ, thì CSVN lại làm một chuyện tầy trời, đó là bán đi hay nhượng một phần đất, phần biển lớn lao lên đến trên 20000 cây số vuông cho Trung cộng qua hiệp định ký với TC ngày 25/12/2000. Dân Việt Nam có nghe nói và có đọc công hàm của Phạn Văn Đồng năm 1958, công nhận chủ quyền của TC trên biển Đông ngoài hải phận VN, nhưng không hay biết gì về cái thỏa thuận năm 2000 này giữa CSVN và TC.

Ngoài ra, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc khi các nước liên quan phải nộp quan điểm của mình về vùng biển tranh chấp, CSVN có 10 năm để chuẩn bị hồ sơ (13 tháng 5, 1999 đến 13 tháng 5 năm 2009) nhưng mãi đến khi chỉ còn vài ngày nữa trong gia hạn 10 năm, ngày 7 tháng 5 năm 2009 CSVN mới nộp quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao CSVN lại để đến ngày thứ 3644 trong 3650 ngày mới công bố cho LHQ và dân chúng biết cái lập trường của mình. Theo sự phân tích của những chuyên viên về vấn đề biển Đông, CSVN làm như thế để dân VN phải chấp nhận một sự đã rồi, có ý kiến cũng đã muộn. Đồng thời CSVN lại giải thích quan niệm của mình theo tiêu chuẩn mới của LHQ nên đối với người dân thường, họ sẽ không nắm vững vấn đề, so với tiêu chuẩn cũ mà người dân quen thuộc. Chúng ta hãy đọc một phần bài viết của LS Nguyễn Thành, một điều hợp viên cho một Hội Luận Quốc Tế về Biển Đông do hội Nghiên Cứu Quốc Tế về Biển Dông tồ chức tại USA:

Trích: “…Ngày 7/5/2009, Hà Nội nộp Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa hồ sơ liên quan đến phía Bắc Biển Đông, tức liên quan đến Vịnh Bắc Việt và quần đảo Hoàng Sa. Tuy lời mở đầu hồ sơ này có nói Hoàng Sa và Trường Sa là của VN và nói tới việc "mở rộng" Thềm Lục Điạ VN ra ngoài 200 hải lý nhưng phần chính văn bản thì lờ đi không đề cập gì tới Hoàng Sa nữa và điều quan trọng là bản đồ kỹ thuật kèm theo hồ sơ thì đường ranh 200 hải lý đột ngột dừng lại ở vĩ độ 15 N khi vừa đụng tới nhóm đảo Hoàng Sa, với lý do vùng trên vĩ độ 15 N này đã "được giải quyết" giữa Hà Nội và Bắc Kinh.



"...Đến đây, xin được mượn lời của học giả Vũ Hữu San, chuyên về Biển Đông, để kết luận phần phân tích hai hồ sơ Hà Nội nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009: "Hà Nội đã lùi bước khi vẽ hải-đồ nộp LHQ. Dân chúng VN đừng bao giờ nghe chúng nói, hãy nhìn những gì chúng làm. Nếu xem hải-đồ do Hà Nội vẽ để nộp LHQ, chúng ta sẽ thấy: 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận Trung-quốc; VN chỉ còn 1 đảo độc nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa; 4/5 biển Trường Sa không còn trong hải phận VN; VN chỉ còn đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số hơn 100 đảo nổi, chìm của nhóm Trường Sa. Hà Nội đã công khai vẽ hải-đồ và chính thức nộp cho LHQ. Từ nay, Việt Nam cãi gì ngược lại về hải phận cũng không được. Hà Nội tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề Biển Đông và trong thời gian sắp tới, hai bên "cùng bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới biển. Khi đó, Trung Quốc sẽ dùng hải-đồ mà Việt Nam đã nộp LHQ để đàm phán thì số phận Hoàng Sa Trường Sa coi như xong!" Hết trích.

Đã nhượng đất đai của tổ quốc cho TC mà CSVN lại còn dám tuyên bố những câu như sau trong một trang Web chính thức của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch VN thì thật là đáng kết tội:

Trích: “…Một di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ chúng được cho đến hôm nay, vì thế chúng ta phải gánh vác trách nhiệm này tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau với nhiệm vụ cao cả là GÌN GIỮ BẢO TỒN MỘT DI SẢN VĂN HOÁ VÔ GIÁ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.: Hết trích.

Năm nay, CSVN đã tốn hàng ngàn tỷ để tổ chức mừng 1000 năm ngày vua nhà Lý dời đô về Thăng Long. Hãy bỏ qua đi những phí tổn mà đáng lẽ không nên tiêu phí, chúng ta nói đến cái ngày được chọn chính thức để kỷ niệm 1000 năm này. Trước đó CSVN đã có Nghị Định tổ chức vào ngày 28 tháng 10, 2010 sau đổi lại vào ngày 1 tháng 10, trùng với ngày quốc khánh của TC. Tại sao lại ngày quốc khánh của TC này thay vì trong tháng 7 khi vua Lý chính thức chọn và dời kinh đô về Thăng Long. Trong nước đã có bao nhiêu trí thức, nhà báo và nhân sĩ đặt câu hỏi này cho nhà cầm quyền CS chưa hay cả nước và trên 600 tờ báo đã ngậm miệng trước quyền lực.

CSVN đã đánh bóng quá mức cái kinh thành đã chỉ còn nền đất và những di vật sẽ nằm trong bảo tang viện, và trong lúc đó CSVN lại đã cho TC những cái tài sản đất đai vô giá mà đáng lẽ phải bảo vệ tới cùng, rồi lại còn chọn lại cái ngày kỷ niệm cho trùng với ngày quốc khánh của TC để thêm muối cho xót vào chỗ đau của dân tộc.

Có cái gì đáng để làm rùm beng lên. Một quốc gia có 4000 năm văn hiến nếu có những hoàng thành để vua quan trị vì đất nước thì cũng là điều bình thường, có gì đặc biệt hơn với những quốc gia có nền quân chủ như VN. Không còn được cái điện chính điện phụ, mà cái còn lại là những nền đất và hàng ngàn cổ vật chôn cất khắp nơi thì mới đáng xấu hổ chứ có gì mà hãnh diện. Chúng ta có gì để khoe với thế giới ngoài cái nền đất trong thành phố Hà Nội đầy bụi bậm và xe cộ, chưa kể những ngày mưa nền đất khó tránh khỏi ngập lụt. Khoe là Unesco đã công nhận Thăng Long là di sản văn hóa của thế giới rồi hàng năm cho CSVN tiền để giữ gìn tu bổ thì có gì mà khoe ầm làng nước. Con cháu đâu mà không đóng góp tiền của giữ gìn di sản của tổ tiên mình, phải nhờ đến người ngoài?

Theo tôi, những ngày lễ hội 1000 năm Thăng Long phải gọi là những ngày quốc nhục. Nhục vì CSVN khoe với thế giới chỉ là những cái nền đất của một kinh thành đáng lẽ ra phải còn nguyên vẹn. Nhục vì CSVN đã phải chọn ngày quốc khánh của TC để kỷ niệm một di sản của tổ tiên. Nhục vì người dân đã (bị) ngậm miệng không dám khóc vì mất chủ quyền biển Đông nhưng lại được đảng cho hưởng vui thú lễ lạc với những cái tàn dư của một kinh thành tàn phế. Và cái nhục lớn nhất là cái nhục CSVN không biết nhục là gì. Hay họ nghĩ rằng, có tiền và quyền lực trong tay thì không thể bị nhục.

SBL/TSL

No comments:

Post a Comment