Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đó nếu được VN quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước VN từng là "chư hầu" của Trung Quốc.
LTS: Nhà văn - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân gửi tới Tuần Việt Nam bài viết chia sẻ những suy ngẫm, trăn trở của ông khi xem giới thiệu phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long.
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông, để bạn đọc cùng thảo luận.
>> Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long: Tìm đâu hồn Việt?
Kiến trúc, cảnh quan không đúng lịch sử
Cụm kiến trúc tầng tầng lớp lớp và tháp cao đã có sẵn ở trường quay Hoành Điếm hoàn toàn chưa hề có cái tương tự trong bất kỳ thời kỳ nào ở VN - về qui mô cũng như kiểu dáng. Nên không thể áp đặt cho thời Lý cách đây 1000 năm được.
Kiến trúc cung điện, đình chùa ở VN xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim:
Cung điện nguy nga tầng tầng lớp lớp Nét kiến trúc tiêu biếu của TQ
Bộ mái cung điện, đền, chùa miền Bắc VN có Kinh đô Hoa Lư và Thăng Long xưa có các đầu đao bộ mái cong vút lên như ảnh cửa cổng và chùa ở Sơn Tây ngày xưa:
Bộ đầu đao vút cong của kiến trúc VN ở bắc bộ.
Cái hồn Việt ở Bắc Bộ khác Trung Quốc ở hình dáng vút cong đó.
So sánh cung điện của Trung Quốc trong trường quay Hoành Điếm đã được dùng trong phim với Cửa Ngọ Môn ta thấy:
Kiến trúc trong một cảnh phim và Cửa Ngọ Môn xây dựng từ đầu TK 19
Kiến trúc tòa lầu trong phim nặng nề. Kiến trúc lầu Ngọ Môn thanh thoát nhẹ nhàng. Thế mà những người làm phim vẫn cứ đưa vào.
Trường quay Hoành Điếm không có thiên nhiên và cảnh thôn quê Việt Nam nên họ đã dựng lên những cảnh giả tạo còn thua sân khấu cải lương do nông dân Nam Bộ đóng nữa. Ở Việt Nam không có cung vàng điện ngọc giả tạo như ở trường quay Hoành Điếm, nhưng nông thôn, làng xóm, đình chùa Việt Nam đâu có thiếu để phải dựng lên cảnh nông thôn bôi bác như tấm ảnh dưới đây:
Nhà cửa nông thôn VN giả tạo tùy tiện trong phim
Động tác múa võ tùy tiện: Nhân vật chính của bộ phim là Lý Công Uẩn. Ông từng ở trong chùa, nên đã phải học võ (Thiếu Lâm). Khi làm vua càng phải luyện võ nữa để rèn luyện thân thể và khi "quốc gia hữu sự" có thể cầm gươm ra trận. Diễn viên Tiến Lộc thủ vai Lý Công Uẩn thì phải có nhiều đoạn múa gậy, múa võ. Nhưng múa võ gì, múa gậy gì đều phải có thầy hướng dẫn.
Không rõ trong đoàn làm phim có thầy võ Việt Nam nào không, chứ qua những câu chuyện tự kể của Tiến Lộc đăng trên báo chí thì Tiến Lộc múa may lung tung không có bài bản nào cả.
Lý Công Uẩn (Tiến Lộc) múa võ gì đây?
Xin trích tự sự của Tiến Lộc: "Khi được yêu cầu múa gậy, tôi đã giơ gậy lên múa lung tung, và trong lúc múa quá say sưa, tôi đã đập gậy trúng đầu... anh quay phim. Tôi đã phải xin lỗi rối rít. Chưa hết hoảng hồn, đạo diễn lại yêu cầu tôi múa võ tiếp, và không may, tôi tiếp tục đạp trúng một diễn viên quần chúng khiến anh ấy ngã lăn".
Một bộ phim mà từ diễn viên được hóa trang theo kiểu cách Trung Quốc, trang phục, kiến trúc, đạo diễn, quay phim Trung Quốc (?), các động tác theo lối Trung Quốc như thế đủ để kết luận phim là bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đúng như nhận xét của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Kinh doanh phim với số vốn 100 tỷ, lời hay lỗ?
Báo chí đã đưa tin Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành (Hà Nội) hợp tác với EASTV Hồng Kông đồng sản xuất phim và sẽ chiếu ở Trung Quốc và các nước ASEAN.
Cũng có thông tin Cty Trường Thành hợp tác cùng Đài Truyền hình SCTV lưu hành bộ phim trên nhiều nước khác trên thế giới nữa.
Các phim Việt Nam có trước đây chưa bao giờ được chiếu ra nước ngoài như dự định của Cty Trường Thành đối với phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long cả. Nếu phim có giá trị và được quảng bá rộng rãi trên thế giới như thế thì thật phúc cho phim ảnh Việt Nam. Nhưng....
Người TQ nói gì về giá trị bộ phim này?
Một cô bạn ở Hà Nội biết tôi đang ngồi ở Huế viết bình luận một số hình ảnh trong bộ phim, liền phone cho tôi: "Thế thì tôi sẽ nhờ người giỏi Trung văn dịch cung cấp cho anh một thông tin về phía Trung Quốc rất đáng quan tâm về bộ phim ấy!".
Mấy tiếng đồng hồ sau chị gửi cho tôi địa chỉ trang blog của một người Trung Quốc có trách nhiệm đón đoàn làm phim của Việt Nam sang Trung Quốc hồi đầu năm. Sau vài thao tác kích chuột, máy vi tính của tôi nhận được cái giao diện dưới đây.
Trang blog của một người TQ viết về lịch sử Lý Công Uẩn và bộ phim
Bài trên trang blog này tương đối dài và nhiều chỗ rất dễ gây sốc với độc giả Việt Nam. Tôi chỉ xin trích đoạn viết về Lý Công Uẩn và bộ phim:
"Lý Công Uẩn là quân chủ khai quốc của triều Lý Việt Nam, niên hiệu Thuận Thiên. Năm 1010, tương truyền Lý Công Uẩn đích thân tới La Thành, bỗng nhìn thấy Rồng Vàng từ hồ bay lên, vụt thẳng lên trời. Thế là ông liền dời kinh thành đến La Thành, đồng thời đổi tên là Thăng Long, cũng chính là Hà Nội ngày nay. Lý Công Uẩn đổi thành Nguyên Thuận Thiên, kiến lập triều Lý, trở thành vương triều phong kiến thứ tư của Việt Nam. Việt Nam bắt đầu bước vào cường quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trung ương phong kiến. Thế nước mỗi ngày một mạnh lớn, xưng bá ở Nam cương (biên giới phía Nam - ND).
Để kỷ niệm 1000 năm lập kinh đô Hà Nội, do Đông Minh Vệ Thị (của Trung Quốc - ND) cùng Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành của Việt Nam đầu tư, vở kịch truyền hình lấy sinh thời Lý Công Uẩn làm đề tài đang được chính thức bấm máy tại Hoành Điếm, Trung Quốc vào ngày 9 tháng Giêng.
Ngày 13/12/2009, tại Hữu nghị auan Trung Quốc, chúng tôi đã đón đoàn diễn viên thuộc nhóm kịch "Lý Công Uẩn". Họ đều tới từ Việt Nam, đến Trung Quốc làm việc lần này, họ sẽ tới trường quay Hoành Điếm ở Chiết Giang, để tham gia quay vở kịch truyền hình chào đón ngày kỷ niệm hợp tác Trung-Việt lần đầu tiên.
Vở kịch truyền hình này do Trung Quốc và Việt Nam hợp tác quay, đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Cận Đức Mậu làm đạo diễn, nhà biên kịch kịch lịch sử Trung Quốc nổi tiếng Kha Chương Hòa chấp bút, đã hội tụ được nhiều diễn viên hàng đầu của Việt Nam tham gia quay, đội hình rất lớn. Đạo diễn Việt Nam của vở kịch truyền hình này cũng tràn đầy tin tưởng khi lần đầu quay ở Trung Quốc". (Tất cả những cụm từ được tô đậm và gạch dưới do người viết nhấn mạnh)
Qua đoạn trích trang blog trên, tôi đọc được vài thông tin mà báo chí Việt Nam chưa nhắc tới như: Đông Minh Vệ Thị (của TQ) là doanh nghiệp hợp tác với Cty Trường Thành (của VN) sản xuất bộ phim. Người "chắp bút" kịch bản là Kha Chương Hòa chứ không nhắc gì đến ông Trịnh Văn Sơn cả.
Có một thông tin không đúng là họ đã cho rằng những người làm phim đã "hội tụ được nhiều diễn viên hàng đầu của Việt Nam".Như tôi đã nêu ở đoạn trên đây, dàn diễn viên đóng phim thuộc loại trung bình thôi. Nếu nói đó là các diễn viên hàng đầu ở VN thì tội cho nền điện ảnh VN quá.
Điều lạ và bất ngờ nhất đối với tôi là họ xem bộ phim chỉ là một vở kịch truyền hình nhiều tập mà thôi. Lạ hơn nữa là đạo diễn TQ nổi tiếng Cận Đức Mậu đã đạo diễn những bộ phim cổ trang TQ lừng danh lại bỏ thì giờ đi làm đạo diễn cho một vở kịch truyền hình của VN(?)
Từ những thông tin trên, tôi có nhận định rằng: Cty CP Trường Thành (VN) hợp tác với Đông Minh Vệ Thị (TQ) đầu tư 100 tỷ ĐVN để làm một vở kịch truyền hình 19 tập để kinh doanh là một vấn đề cần phải bình luận.
Đi buôn thì phải tính lời - lỗ. Phát hành bộ phim ở Việt Nam thu lợi bằng các cách: Bán cho Truyền hình Việt Nam để phát sóng vào giờ vàng, vừa đóng góp một hoạt động văn hóa tầm cỡ cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, vừa thu tiền quảng cáo. Liệu 19 tập có thu được 19 tỷ không?
Phát hành bộ phim 19 a DVD, mỗi bộ cao tay độ 500.000 Đ, giỏi lắm cũng bán được vài ba trăm bộ là cùng, (chủ đầu tư thu khoảng 500.000 x 300 = 150.000.000Đ), Nếu phim hấp dẫn thì bị in lậu bán mỗi bộ 100.000 Đ ngay, chủ đầu tư phá sản chuyện in a. (Bài học của Thúy Nga by night)
Như vậy, nếu bộ phim được phát hành và đưa lên sóng Đài Truyền hình VN thì bộ phim chỉ được tiếng là đóng góp cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long còn thu lợi về kinh tế thì hoàn toàn thất bại.
Chiếu và phát hành bên Trung Quốc và thế giới còn phải trải qua một hậu kỳ nữa là phụ đề hoặc lồng tiếng Trung và tiếng Anh.
Chúng ta biết, Trung Quốc đã và đang sản xuất ra hàng trăm (có người nói hàng ngàn) bộ phim cổ trang cực kỳ hấp dẫn chen nhau chiếm lĩnh thời lượng giờ phát sóng của các đài truyền hình Trung Quốc, các đài trong thế giới biết tiếng Trung và ngay cả VN ta hiện giờ. Liệu người Trung Quốc có ưu ái mua hộ cho bộ "kịch truyền hình" này không? Nếu cái bộ "kịch truyền hình" hấp dẫn, liệu có bị họ "vi phạm bản quyền" in ra hàng triệu bản như thế giới đang kêu trời về họ không? Chuyện phát hành ở Trung Quốc và thế giới rất ít hy vọng thu được vốn.
Tôi là người sống bằng ngòi bút chưa từng biết kinh doanh chuyện gì, lấy chút hiểu biết của người buôn bán sách ngoài chợ tôi cũng đã thấy được chuyện kinh doanh bộ phim là thất bại rồi. Đối với Cty Trường Thành (VN) và Đông Minh Vệ Thị (TQ) thì chuyện kinh doanh, tính toán đầu vào, đầu ra, chuyện quảng cáo, phát hành, lời lỗ họ nắm chắt trong tay. Đầu tư cho một món hàng đến bạc 100 tỷ họ đã tính nát nước rồi. Biết chắc là không thu được vốn, nhưng vì sao họ vẫn khẩn trương lao vào làm bất chấp ngày nghỉ ngày tết, mùa đông lạnh giá dưới 0 độ, tốn kém vô cùng như thế? Phải chăng vì "cơ hội ngàn năm có một"? Đúng theo nghĩa đen!
Bộ phim kể chuyện 1000 năm trước ở Việt Nam có diễn viên được hóa trang theo kiểu Trung Quốc, trang phục cổ trang, các động tác, kiến trúc cung điện đền đài, cảnh quan đồng quê Trung Quốc .v.v. Bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt đó nếu được Việt Nam quyết định chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước Việt Nam từng là "chư hầu" của Trung Quốc.
Sự xác nhận ấy có giá trị hơn cả ngàn pho sử do sử gia hai nước hợp tác biên soạn trong tương lai. Nếu đúng như thế thì số vốn 100 tỷ ĐVN hay 7 triệu USD như báo chí đăng cũng không có nghĩa lý gì, bởi vì họ sẽ thu được một món lời không thể nào ghi lại được bằng con số. Có đúng như thế không, thực tế sẽ trả lời.
Xin những người có trách nhiệm hãy quan tâm đặc biệt đến vận mệnh văn hóa của dân tộc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment