Tuesday, September 14, 2010

BIỂN ĐÔNG BÃO LỚN VỚI VŨ KHÍ MỚI CỦA TRUNG CỘNG

Bài học từ chiến tranh VN là một bài học không bao giờ có thể quên được. Đó là bài học về những trận chiến quy ước và du kích. Có những trận đánh nhau xẩy ra sau khi hai bên dàn binh bố trận, nhưng cũng có những trận chiến mà một bên đứng yên một chỗ tự vệ và không biết lúc nào mình sẽ bị tấn công bởi bên kia, từ đâu họ đến, và lúc nào họ đến. Để chuẩn bị và bảo vệ cho một đơn vị quân đội đứng yên một chỗ không những sẽ tốn kém hàng trăm lần so với những đơn vị di chuyển, mà còn nguy hiểm cho sự an toàn của quân nhân.

Trong trận chiến Vietnam, CSVN ít khi có những đơn vị quân đội đóng yên lâu dài tại một chỗ vì nếu vậy sẽ là mục tiêu cho bom đạn của máy bay và hỏa pháo. Ngược lại, đa số quân đội VNCH lại đóng yên một chỗ ngoài những đơn vị được gửi đến những mặt trận theo nhu cầu như Nhẩy Dù, Biệt Động hay Thủy Quân Lục Chiến. Hậu quả của sự đứng yên này là một đơn vị quân đội nhỏ đứng yên của VNCH thường bị sự tấn công của nhiều đơn vị quân đội CSVN di chuyển hợp lại.

Ngày nay, trên biển Nam, giáp Đông của Vietnam, nơi có Trường Sa và Hoàng Sa, các đơn vị quân đội của những phía đối nghịch, nếu có chiến tranh, thì cũng nằm trong một ý niệm tương tự, quy ước và du kích hay, yên và động.

Trước 1975, khi bỏ bom Hà Nội Mỹ đã dùng máy bay từ những chiến hạm ngoài khơi biển đông bay đến mục ee6u. Những chiến hạm này luôn luôn có thể di động và an tòan vì lúc đó hệ thống phòng không của những chiến hạm này sẽ bẻ gẫy mọi sự tấn công bằng máy bay từ đất liền của CSVN hay của Trung cộng.

Mấy năm gần đây và nhất là mấy tháng gần đây, vấn đề chủ quyền biển Đông lại được hâm nóng. Mỹ đã lên tiếng và ngụ ý không để cho Trung cộng hay bất cứ quốc gia nào nắm chủ quyền những vùng biển, kể cả biển Đông, nếu những vùng biển đó thuộc phạm vi quốc tế, nghĩa là ra khỏi một số hải lý quy định bởi LHQ. Những nước trong vùng biển Đông mặc dù trước đó cũng đã lên tiếng về chủ quyền biển Đông của mình, nay lại dựa vào Mỹ mà lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa.

Sau khi Mỹ và các quốc gia Á châu lên tiếng và Trung cộng phản đối với lý do là Mỹ đã không tôn trọng chủ quyền của mình tại biển Đông, nhiều phe phái đã tổ chức những cuộc binh tập ngoài biển khơi quốc tế. Các chiến hạm, tầu chiến, tầu ngầm và máy bay cùng trọng pháo, hỏa tiễn, phi đạn được tung ra để biểu dương lực lượng với ngầm ý đe dọa tinh thần đối phương.

Trong tuần này, trận bão biển đông lại có mòi nóng bỏng hơn về phương diện vũ khí khi chúng ta biết được rằng Trung cộng đang chế tạo và trên đường thành công, theo tin của Asociate Press, sáng thứ sáu ngày 6/8/2010, một loại vũ khí với cái tên là Dong Feng 21D mà từ đất liền vũ khí này có thể được bắn ra và rơi đến những mục tiêu ngoài biển khơi với độ sai lệch rất ít. Nói một cách khác, hỏa tiễn này có thể được bắn lên từ một căn cứ đặc biệt trong đất liền đến những chiến hạm của Mỹ, đứng yên hay di chuyển xa đến 900 miles hay 1500 cây số, với độ chính xác là hỏa tiễn này có thể được căn để chui vào hầm tầu, vào máy hay một vị trí định sẵn nào đó. Vũ khí này cũng bay với vận tốc là nhanh gần 10 lần vận tốc âm thanh nên khó mà hỏa tiễn phòng vệ của những chiến hạm này có thể được bắn lên với độ chính xác để phá nổ những hỏa tiễn địch trên đường bay tới. Mặc dù Trung cộng chưa xác định, vì họ chủ trương không loan báo cho đến khi hoàn hảo, nhưng vũ khí này đã được trưng bày trong lần diễn hành vũ khí năm ngoái tại Bắc Kinh, và các tin tình báo quân sự cho rằng, vũ khí này sẽ rất có thể hoàn hảo trong 10 năm nữa. Người ta dự đón rằng, vệ tinh của Trung cộng trên không gian mà TC đã gắn trên không gian mấy năm gần đây là một phần trong vũ khí mới này, vì nó sẽ hướng dẫn hỏa tiễn đến những mục tiêu di chuyển hay cố định, cũng như khi lái xe chúng ta dùng hệ thống GPS, và vệ tinh sẽ điều chỉnh vị trí của chiếc xe ta đang lái.

Những chiến hạm của Mỹ với những phi cơ chiến đấu mang theo luôn di chuyển, một đơn vị quân đội không thể bị xâm phạm trong chiến trận Việt nam nay lại có thể trở thành một đơn vị đứng yên một chỗ dưới cái "định nghĩa" của vũ khí này và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Và nếu thế, người ta e ngại cái quyền lực trên biển của Mỹ sẽ giảm đi, nhất là những nơi hải phận quốc tế dọc theo bờ biến dài 11,200 miles hay 18,000 cây số của Trung cộng. Và với vũ khí mới, nếu chế tạo thành công, TC không cần có những chiến hạm để đương đầu với chiến hạm Mỹ.

Mỹ chắc chắn phải biết điều đó, và tháng Chín trước đây trong một buổi họp tại căn cứ Không Quân, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo thế giới về vũ khí này. Ông ta cũng dè chừng về sự giới hạn khả năng di chuyển của những chiến hạm Mỹ trong tương lai nếu vũ khí này đến tay nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa,dù chắc chắn Mỹ cũng có những vũ khí tương tự; nhưng để bảo vệ cho những chiến hạm ở cách Mỹ mấy chục ngàn miles, xa hẳn với tầm bảo vệ đất liền như những chiến hạm ngoài biển Đông, đối với những vũ khí bắn từ Trung cộng, người ta chưa biết Mỹ phản ứng ra sao.

Một trong những giải pháp mà chúng ta có thể phỏng đoán được, đó là Mỹ sẽ điều đình với những quốc gia trong vùng biển Đông để xây dựng những căn cứ quân sự, để chứa những vũ khí tương tự như của Trung cộng, vừa bảo vệ các quốc gia đó, vừa ở gần những chiến hạm của mình để bảo vệ, và nhất là để tấn công hay phản công kẻ thù một cách nhanh chóng. Không những SẼ, mà hình như Mỹ Đã điều đình về chuyện đặt để những căn cứ này rồi. Nói một cách khác, nước Mỹ, vì quyền lợi của mình, và vì an ninh quốc gia, không thể không tìm cách trở về Á châu và không thể không tìm cách xây dựng những căn cứ quân sự tại những quốc gia đó. Hay ít nhất là cũng giúp những quốc gia này phòng bị với những vũ khí tối tân nhất.

Trung cộng đã đưa ra một lá bài vũ khí quan trọng trong cuộc chơi với Mỹ, nay đến phiên Mỹ cho thế giới biết mình sẽ dùng lá bài gì để trấn an thế giới và trấn át đối phương. Tuy nhiên, người ta vẫn không chắc chắn là Trung cộng sẽ thành công trong việc chế tạo vũ khí này như ý muốn của họ. Dẫu kết quả có sao chăng nữa, Mỹ và thế giới tự do không thể ngồi yên.

Biển Đông lúc này không những dậy sóng mà còn đang có những cơn bão lớn. Không những thế, nếu thực sự vũ khí Dong Feng 21D này được vệ tinh điều khiển để đến mục tiêu, thì Mỹ sẽ có thể tìm cách để vô hiệu hóa cái kỹ thuật này. Lúc đó chúng ta không những thấy bão ngoài biển Đông, mà còn thấy được những trận bão lớn trên bầu trời xanh của những ông bà thi sĩ.

sbl/tsl

No comments:

Post a Comment