Tuesday, September 14, 2010

Nhật Bắt Giữ Tầu Đánh Cá Trung Cộng. CSVN Có Dám Bắt Chước Nhật Không?

Trung cộng không những đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở vùng biển Đông mà còn tranh chấp chủ quyền những vùng biển gần Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ nữa . Cường độ của những sự tranh chấp này càng ngày càng cao trong những năm gần đây khi nhu cầu về tài nguyên của biển cả cũng như sự di chuyển trên biển là mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo TC trong việc phát triển kinh tế của nước này. Đến nay người ta không ngạc nhiên khi ngân sách quốc phòng của TC đã tăng vọt trong những năm gần đây. Cộng thêm với hàng loạt những vũ khí có tầm xa mới được chế tạo đồng thời với sự thành công phóng lên không gian những vệ tinh tình báo có được do ăn cắp kỹ thuật của Hoa Kỳ, TC thực sự đang dượng võ dương oai với những nước trong những vùng biển tranh chấp để lớn tiếng dành chủ quyền những vùng này.

Ngoài những đụng chạm với VN trong vùng biển đông qua việc bắt bớ, đánh chìm những thuyền đánh cà của VN trong những tháng gần đây, đầu tuần qua ngày 7 tháng 9 năm 2010 lại có sự đụng chạm giữa thuyền đánh cá của TC và thuyền tuần dương của Nhật Bản trong vùng quần đảo Diaoyu đang tranh chấp giữa hai bên.

TC và NB đều có những phản ứng quyết liệt và nhanh chóng trong vụ này, và nếu ta so sánh phản ứng của hai nước với những phản ứng của CSVN cũng trong trường hợp tương tự thì chúng ta phải ngạc nhiên về phản ứng hời hợt và không hiệu quả của VN trong sự bảo vệ quyền lợi đánh cá của công dân họ.

Trước nhất, khi tầu đánh cá của dân Việt bị TC tấn công, cướp tầu và bắt giam ngư phủ VN thì nhà cầm quyền VN chỉ phản ứng có lệ và đợi chính quyền TC thả những ngư phủ này sau khi họ phải đóng hàng chục hàng trăm triệu. Còn những ngư phủ bị họ đánh đập hay giết chết thì không được nhà cầm quyền VN đòi hỏi công lý. CSVN còn cấm cản các báo chí và dân chúng cũng như các đoàn thể lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh hải của VN.

Trong khi đó, khi tầu đánh cá của TC vào vùng biển đang tranh chấp với NB và bị tầu tuần dương NB bắt thuyền trưởng cùng giữ tầu làm bằng chứng thì lập tức, chỉ trong 4 ngày, TC đã có những phản ứng như sau:

Thứ nhất, TC đã lên tiếng tức khắc đòi NB phải trả tự do cho thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn vô điều kiện vì những người này đã đánh cá trong vùng biển của TC - mặc dù đang tranh chấp chủ quyền với NB.

Thứ hai, TC đã 3 lần triệu tập Đại sứ NB tại TC vào bộ Ngoại Giao TC để phản đối và de dọa sự liên hệ ngoại giao giữa 2 nước sẽ bị ảnh hưởng nếu những ngư phủ của họ không được thả tự do tức khắc.

Thứ ba, TC đã gửi tầu chiến đến vùng tầu đánh cá của họ bị bắt như là một hình thức nghinh chiến và gây áp lực quân sự với NB.

Thứ tư, họ lên tiếng cho rằng việc NB áp dụng luật của quốc gia NB đối với tầu đánh cá của TC hoạt động trong vùng này là vô giá trị, phản luật và quái đản.

Thứ năm, TC đã cho phép công dân của họ biểu tình trước tòa đại sứ NB phản đối NB đã bắt giữ tầu của dân TC. Báo chí TC cũng đã liên tục viét về đề tài này cùng kêu gọi lòng ái quốc của dân chúng trong việc bảo vệ lãnh hải và dân của họ..

Thứ sáu, TC đã ngưng lập tức mọi chuyện thương thuyết với NB về vùng biền đang tranh chấp giữa hai bên.

Thứ bẩy, TC ra lệnh NB ngưng hoạt động hai tầu tuần dương đang tìm hiểu đại dương gần TC, mặc dù hai tầu này đang hoạt động trong vùng biển của NB.

Thứ tám, TC, qua China Federarion for Defending Diaoyu Islands, sẽ đổ bộ lên quần đảo đang tranh chấp này nếu NB không trao trả tầu đánh cá và thủy thủ đoàn của họ.

So với tám điều mà TC đã làm để bảo vệ ngư dân của họ cũng như để lên tiếng mạnh mẽ minh định chủ quyền lãnh hải của họ mặc dù đang tranh chấp, người ta phải xấu hổ cho sự bảo vệ ngư phủ của nhà cầm quyền VN cũng như những phản ứng bảo vệ lãnh hải của VN. Thật là một con số không to lớn.

Hơn nữa, qua quyết định của NB nhất định bắt giữ tầu đánh cá của TC vì nhập lãnh hải của NB bất hợp pháp dù là vùng đang tranh chấp chủ quyền, và quyết định sẽ đưa thuyền trưởng tầu TC ra tòa án của NB để xét xử nếu viên thuyền trưởng này không nhận tội xâm nhập lãnh thổ NB bất hợp pháp,nguời ta thấy được cái cách hoạt động hèn nhát và vô hiệu quả của CSVN trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của mình. CSVN không những không bảo vệ ngư dân của mình mà còn tệ hơn nữa, không dám mang chiến hạm ra bảo vệ vùng biển của mình.

Tại sao đảng CSVN lại ngậm miệng một cách khó hiểu như vậy. Đã có những dàn xếp nào trong quá khứ giữa TC và CSVN về vấn đề chủ quyền biển Đông này? hay CSVN đang bị những áp lực nào mà phải im lặng? hay CSVN đang chờ sự giúp đỡ của một nước thứ ba?

Nhưng hỏi mà không chờ đợi câu trả lời thực từ CSVN. Chúng ta chỉ ước rằng CSVN hãy hành động như NB khi đặt mình là một quốc gia có lãnh thổ bị xâm phạm, và hãy hành động như TC khi ngư phủ của mình bị bắt bớ giam cầm.

Sở dĩ chúng ta chỉ ước vì chúng ta đã biết là CSVN đã không làm được những điều đó, những điều mà một quốc gia mang tiếng là độc lập, tự trị đương nhiên phải làm. Không làm được điều này mà còn ngăn cấm người dân lên tiếng phản đối TC đã vi phạm lãnh thổ VN là một hành động tiếp tay cho ngoại bang, đáng bị kết tội là phản quốc.

TSL/SBL

(bài này đã phát thanh trong motgocpho.com)

P/S tin mới nhất: NB thả thủy thủ đoàn, giữ lại thuyền trưởng

No comments:

Post a Comment