Thursday, September 2, 2010

Những người Việt kiên cường ở New Orleans

Ở rìa phía đông thành phố New Orleans, một cộng đồng 10 nghìn người Mỹ gốc Việt đã phải gánh chịu hầu hết các tai họa từ chiến tranh đến hận thù, bão lụt và ô nhiễm.

Bất cứ ai cũng có thể thấy hốt hoảng trước hàng loạt thảm họa kể trên. Nhưng hàng ngàn con người ấy vẫn kiên cường sống với một lòng tin và tinh thần yêu nước tuyệt đối. Vụ tràn dầu ở vùng vịnh Mexico mùa hè vừa rồi là tai họa mới nhất đổ lên đầu họ.

“Với một thị trấn, trong cả thế kỷ qua sống chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, vụ rò rỉ dầu thực sự là tai hoạ với chúng tôi, quả đúng như thế. Thực tế là dầu tràn lan trên mặt nước, lên cả thuyền và giá hải sản sụt giảm nghiêm trọng. Tất cả đều là sự thật. Nhưng đây là nước Mỹ, chúng tôi sát cánh bên nhau trong thị trấn này và ở Mỹ có hệ thống trật tự có thể giúp chúng tôi tồn tại được nếu chịu khó làm việc,” ông Giupseph Tony Tran nói. Ông là trợ lý giám mục trong nhà thờ Đức Mẹ Maria của Việt Nam – một nhà thờ lớn của cộng đồng gốc Việt trong thị trấn.

Trong chuyến hành trình 9000 dặm vòng quanh nước Mỹ, chúng tôi đã gặp vô số người lo lắng về tương lai của mình, nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên trước sự tự tin của ông Trần. Vào thời điểm đó, ông đang làm việc với các ngư dân địa phương chuyên đánh bắt tôm, họ đang bàn bạc về chiến lược tăng lượng tiêu thụ hải sản. Đây là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau, mọi người cũng hợp sức vượt qua khủng hoảng.

Khi cơn bão Katrina năm 2005 tràn vào đúng trung tâm của thị trấn – nhà thờ địa phương của người Việt đã bị hư hại nghiêm trọng. Họ cũng đi sơ tán cùng nhiều người khác, nhưng đã sớm đi xuồng quay lại những ngôi nhà bị ngập trong nước của mình. Nhà thờ không còn, nhưng người dân nơi đây đã cố gắng đi xuồng vào tới chỗ bậc thềm của bãi đỗ xe nhà thờ, chỗ này lúc đó vẫn khô ráo. Những giáo dân đầu tiên đã tụ tập tại đây. Sau đó, khi nước rút hết khỏi bãi đỗ xe, họ cùng nhau lau dọn bùn đất, thu nhặt thép và nhôm, cùng với các dụng cụ đồ nghề kim loại, sau cơn bão ba tuần họ đã tổ chức thánh lễ đầu tiên trong nhà thờ còn đang hư hỏng vì trận bão. Cuối cùng, họ cũng sửa lại được nhà thờ.

Đây là một trong những khu vực đầu tiên của thành phố quay trở lại nhịp sống bình thường sau cơn bão.

“Bạn phải nhớ rằng, chúng tôi đã sống sót qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi đã sống sót qua cơn bão Katrina. Không có gì có thể cản bước chúng tôi một khi chúng tôi có lòng tin và làm việc chăm chỉ,” ông Trần nói. Các cụm từ “lòng tin” và “làm việc chăm chỉ” như là câu cửa miệng của người dân địa phương ở vùng này.

“Khi mới sang Mỹ, chúng tôi không nói được tiếng Anh, cũng không có chương trình dạy tiếng Anh phù hợp cho người Việt Nam ở đây,” ông Trần nhớ lại. “Lúc đó thật vất vả. Những người bảo trợ đã đặt cho chúng tôi những cái tên như Clint Eastwood hay Marilyn Monroe để phân biệt cho dễ. Tôi được một gia đình người Ý nhận bảo trợ và họ nghĩ tên Giuseppe Tony hợp với tôi.”

Theo ông Trần, vấn đề cốt yếu đối với những người có thể sống sót được ở đây đó là “dù với những công việc đầu tiên như đi làm lao công trong các cửa tiệm hay cắt cỏ, cứ kiếm được 2 đôla là chúng tôi để dành 1.25 đôla cho tương lai. Chúng tôi chỉ tiêu trong giới hạn 75 xu còn lại.”

Khu chung cư do nhà thờ tài trợ xây dựng đã từng là nơi trú ngụ của những người tản cư đầu tiên đến đây, hiện giờ thuộc sở hữu của chính phủ, khu này nằm sát với khu dân cư - hiện đã là những ngôi nhà gạch kiên cố. Trong khi những ngôi nhà của người dân trong thị trấn giờ đã khang trang trở lại, với những khu vườn có cây chuối, những bức tượng Thiên chúa, khu chung cư cũ kỹ của chính phủ hiện vẫn hoang tàn kể từ sau cơn bão Katrina. “Tôi rất mong chính phủ cho phép chúng tôi sửa chữa lại khu vực này,” ông Trần nói. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc tu sửa khu này.”

Tuy nhiên người gốc Việt ở đây không phải lúc nào cũng được chào đón.

“Lúc trước khi mấy người chúng tôi lần đầu đi mua tàu đánh bắt tôm, đã xảy ra một vụ xung đột lớn ở vịnh biển trong cộng đồng ngư dân, họ cho rằng chúng tôi là mối đe doạ. Một người trong nhóm ngư dân của chúng tôi bị giết. Tình hình tồi tệ vẫn tiếp diễn sau đó một thời gian.” Bộ phim năm 1985 của Ed Harris – Vịnh Alamo – đã dựa trên câu chuyện xung đột ở đây, nhưng lấy bối cảnh là một ngôi làng không có thật ở biển Texas.

Trải qua cả thế kỷ xung đột, những người đứng đầu trong cộng đồng người Việt, trong đó có ông Trần, đã sống sót vượt qua định kiến và sự phân biệt. Năm 2005, họ là những cư dân đầu tiên quay trở lại thành phố sau cơn bão Katrina. “Có quá nhiều cảnh sát, những người được trang bị vũ khí và trực thăng bay trên đầu chúng tôi khi mới quay lại thị trấn, tôi như tái hiện lại ký ức chiến tranh Việt Nam,” ông Trần nói, “nhưng chúng tôi phải trở về bảo vệ cho ngôi nhà của mình khỏi bọn hôi của và phải xây lại nhà nhanh nhất có thể.”

Tai hoạ tiếp theo giáng xuống thị trấn này đã được ghi lại trong một phóng sự dài trên kênh PBS TV hồi năm ngoái. Do những sai lầm trên bản đồ quy hoạch, các quan chức thành phố New Orleans nói rằng họ không biết đến thị trấn này khi quyết định đổ một lượng rác thải khổng lồ sau cơn bão vào phần đất ngay sát cạnh khu dân cư và chỉ cách nhà thờ vài mét. Những người đứng đầu trong cộng đồng đã bị các quan chức thành phố “ngoảnh mặt làm ngơ” cho đến khi nhà thờ tổ chức một lễ cầu nguyện với sự tham gia của mọi người từ trẻ đến già. Các thế hệ cùng nắm chặt tay nhau và chặn xe chở rác thải. Cuối cùng, việc đổ rác cũng chấm dứt.

“Chúng tôi nghĩ mình có thể vượt qua mọi thứ kể từ sau khi vụ đổ rác năm 2006 chấm dứt,” ông Trần kể lại, “nhưng 60% dân cư trong vùng sống nhờ nghề cá, đánh bắt tôm và cá hồi là chủ yếu. Giờ đây chúng ta lại phải đối mặt với dầu bẩn, các vết dầu loang trên mặt nước và xung quanh thuyền của chúng tôi.”

“Tuần trước, họ đã cho ngư dân chúng tôi ra khơi, nhưng khi một người mang tôm về bến, anh ta chẳng thấy bóng dáng người mua hàng nào” ngay cả với mức giá giảm một nửa so với giá bán buôn hàng ngày. “Mọi người nghĩ hải sản của chúng tôi không ngon, điều đó không đúng. Công việc chính của tôi bây giờ là cố làm sao để có thể thu hút sự quan tâm của mọi người đối với hải sản trong vịnh.”

Nhưng điều đó có vẻ còn xa vời lắm.

“Chúng tôi đều học tiếng Anh và thị trấn này cũng đã sản sinh ra những bác sĩ và luật sư trẻ tuổi,” ông Trần nói, “nhưng nhiều ngư dân không rành lắm về các điều luật phức tạp liên quan đến đăng ký vào các chương trình đền bù. Những người không sống ở trong vịnh có thể nghĩ việc đăng ký để rửa tàu hay nhận tiền hỗ trợ thật dễ dàng, nhưng thực ra chuyện này vô cùng phức tạp. Hiện nay, đang có khủng hoảng nghiêm trọng về dầu và sụt giảm giá hải sản.”

Khi được hỏi tâm trạng hiện nay là “tức giận” hay “lo lắng,” ông Trần nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên. “Khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng không lo lắng hay cáu giận gì cả.” ông nói. “Không, chúng tôi tin tưởng nước Mỹ, hệ thống ở đây có thể giúp giải quyết vấn đề, nếu ta chăm chỉ và có lòng tin.”

Ở quảng trường Jackson lịch sử của thành phố New Orleans, chúng tôi hỏi chuyện một người bán hàng lâu năm về cộng đồng người Việt, và nhận xét của anh ta là: “rất ấn tượng.”

Hughes Drumm, sinh ra ở New Orleans và hiện là chỉ một cửa hàng lưu niệm Tabasco ở quảng trường đã tâm sự với chúng tôi: “Họ rất mạnh mẽ, sau những gì đã trải qua. Họ chăm lo cho gia đình mình và mọi người trong cộng đồng cùng hết mình giúp đỡ nhau bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Xung quanh đây, chúng tôi đều biết những gì họ đã làm. Họ đã xây dựng lại thị trấn dù rằng mọi tai hoạ cứ liên tiếp đổ xuống đầu họ. Phải nói rằng, rất nhiều người Mỹ có thể học hỏi đôi điều từ cộng đồng người Việt ở đây.”

Trích từ VNnet ...

No comments:

Post a Comment