Nguyễn Hồng Dũng Ph.D
Tôi sinh sau ngày Hiệp định Genève 1954 nên không là chứng nhân lịch sử để có thể viết ra những gì mắt thấy tai nghe như độ Bảy lăm khi thủ đô Sài gòn thất thủ. Dù vậy cũng không có nghĩa là “vô tri bất mộ” để nghe những gì mà nhà đương quyền ra sức tuyên truyền, tô son cho cuộc chiến thần thánh chẳng linh thiêng chút nào. Nỗi niềm đó đã thúc tôi tìm đọc nhiều tư liệu về hồi ký, sử liệu, phóng sự cũng như tạp ghi của những người một thời là chứng nhân hay ít ra cũng cầm súng tham gia trận địa Điện Biên Phủ ngày Bảy tháng Năm năm ấy. Sự hiếu kỳ để biết cái thật trong nét nhìn chính kiến về một biến cố lớn nhất, đau buồn nhất và cũng đáng lên án nhất trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam, có thể đó là lý do u uẩn trong tâm tư để chảy thành dòng chữ hầu chia sẻ quan điểm trong bối cảnh sau hơn nửa thế kỷ đi qua mà chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn là sự lừa bịp kinh hoàng đối với tuổi trẻ Việt Nam.
Huyền thoại về tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Minh chỉ huy cuộc tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ như phần lớn sử sách viết sau năm Bảy lăm hoàn toàn mâu thuẩn với rất nhiều sử gia Trung Quốc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ và cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam vì rằng, thắng lợi trận địa này là nhờ Liên Sô tích cực tài trợ súng ống, đạn dược và các tướng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa gồm tướng Vi Quốc Thanh, tướng Mai Gia Sinh, tướng Trần Canh và tướng Lã Quí Ba trực tiếp điều động quân lính hổn hợp Việt Minh và Trung Cộng, dĩ nhiên sự hiện diện của tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó trong vai trò tham mưu trưởng bộ đội Việt Minh gián tiếp hợp tác với Trung Cộng để chiến đấu, và chiến thắng trận địa Điện Biên Phủ nơi lính lê dương đồn trú dẫn đến nội tình nước Pháp chia rẽ khá sâu; nguyên nhân này khiến thủ tướng Joseph Laniel từ chức dọn đường cho nội các Mendes France thuộc đảng Xã Hội Cấp Tiến thay thế với chủ trương rút lui khỏi Đông Dương càng sớm càng tốt.
Tình hình Đông Nam Á bấy giờ là mục tiêu nhuộm đỏ từ điện Cẩm Linh qua đàn em Cộng sản Trung quốc đang mặn nồng tình đồng chí vô sản quốc tế, vì vậy ông Hồ Chí Minh được hai nước đàn anh nổ lực ủng hộ bằng mọi giá để hoàn thành sứ mạng quốc tế quan trọng này, vì thế tình hình bất ổn trong lòng đất nước giữa một bên là cực tả Việt Minh và bên còn lại có khuynh hướng dân tộc tự tồn đã manh nha ý thức trái ngược. Hơn nữa vai trò thực dân Pháp hiện hữu trên lãnh thổ đã giúp cho Việt Minh chỉa mũi dùi kháng chiến chống Pháp khá thuyết phục nhân tâm, dễ che dấu nhiệm vụ quốc tế hóa Cộng Sản Đông Dương nên cán cân “yêu nuớc” nghiêng hẳn về Việt Minh, thúc đẩy hàng triệu thanh niên tham gia kháng chiến với tấm lòng chống ngoại xâm nồng nàn chứ không có ý niệm gì về chủ thuyết Cộng Sản ẩn núp phía sau Đảng Lao Động Việt Nam. Từ ngày 19/8/1945 Cộng Sản cướp chính quyền tại Hà Nội khiến Hoàng đế Bảo Đại thoái vị để hoan hỷ làm dân một nước độc lập. Tinh thần yêu nước khá cao từ mọi tầng lớp vì ai cũng mong nước nhà khỏi ách ngoại xâm. Chính phủ đoàn kết ra đời nhưng ông Hồ Chí Minh tìm cách sát hại những ai không theo chủ nghĩa Cộng Sản khiến Bảo Đại chạy qua Hồng Kông, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam của Việt Nam Quốc Dân Đảng sang Nam Kinh, Nguyễn Hải Thần sang Quảng Tây, Tạ Thu Thâu bị giết và Chính Phủ Liên Hiệp tan rã.
Cao trào đòi độc lập từ các nước thuộc địa Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã khiến cho các chính phủ thực dân đổi chính sách thuộc địa ra chính sách hợp tác và trao trả độc lập cho nhiều quốc gia Á, Phi. Năm 1949 Bảo Đại sang Paris thương thuyết với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol yêu cầu trao trả độc lập cho Việt Nam.
Ngày 8/3/1949, thỏa ước Elysée được ký kết giữa Bảo Đại và Vincent Auriol, theo đó Việt Nam được độc lập và nằm trong Liên Hiệp Pháp, đến ngày 2/7/1949 Bảo Đại về nước thành lập Chính Phủ Quốc Gia.
Giả thuyết nếu không có trường kỳ kháng chiến và chiến thắng Điện Biên Phủ xảy ra thì Việt Nam cũng đã được trao trả độc lập bởi chính sách nêu trên mà máu xương của lính Trung Cộng và Việt Nam không đổ ra quá nhiều. Trên thực tế xác lính Trung Cộng chồng chất cho trận địa Điện Biên Phủ đã được nhà nước Cộng Sản Việt Nam chi trả và bồi thường bằng lãnh thổ, lãnh hải đến ngày hôm nay vẫn chưa dứt nợ!.
Để đạt đến hội nghị chấm dứt chiến tranh Đông Dương, Pháp là quốc gia lâm chiến vì muốn rút quân nên mời Anh, Hoa Kỳ và Liên Sô tham dự. Trung Cộng bấy giờ chưa nắm ghế chính thức của Liên Hiệp Quốc nên chỉ là quan sát viên, nhưng sau nhiều lần nài nỉ từ ông Viacheslav Molotov, trưởng đoàn Cộng Sản Liên Sô, ba nước Anh do Anthony Eden làm trưởng đoàn, Hoa Kỳ do Bedell Smith làm trưởng đoàn và Pháp do ông Georges Bidault trưởng đoàn mới đồng ý để Trung Cộng tham gia hội nghị do Chu Ân Lai dẫn đầu tới Genève ngày 26 tháng 4 năm 1954 đặng bàn thảo về Đông Dương. Cũng trong hội nghị này các phe lâm chiến được đề nghị mời tham dự nên phiên họp sau đó một tuần, ngày Hai tháng Năm có mặt các phái đoàn Cam Bốt do Tep Than trưởng đoàn, Lào do Phumi Sananikone trưởng đoàn, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Phạm văn Đồng trưởng đoàn và chính phủ Quốc Gia Việt Nam do ông Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn.
Pháp và Việt Minh ký Hiệp định Geneva
Cuộc họp chưa ngã ngũ thì trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc, bắt buộc hòa đàm tái nhóm với sự thỏa thuận ngưng bắn giữa Pháp và Việt Minh. Phạm Văn Đồng là Phó Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa làm trưởng đoàn đề nghị chia đôi đất nước ở vĩ tuyến mười ba; Hoa Kỳ và Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại làm Quốc trưởng kịch liệt phản đối. Liên Sô, Trung Cộng, Anh và Pháp tán thành ý kiến chia đôi khiến cho toàn dân tại Sài Gòn phẩn nộ bùng phát cuộc biểu tình rầm rộ ngày 26/5/1954 chống lại hành động ngông cuồng của Việt Cộng đang tâm chia cắt Việt Nam.
Mãi đến ngày 20 tháng 7 năm 1954 thì hiệp ước đình chiến soạn thảo xong được gọi là Hiệp Định Genève ký kết bởi Thiếu tướng Henri Delteil, thay mặt Tổng tư lệnh quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và ông Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng năm chữ ký của phái đoàn Anh (Anthony Eden), Liên Sô (Viacheslav Molotov), Trung Cộng (Chu Ân Lai), Cam bốt (Tep Than) và Lào (Phumi Sananikone). Riêng Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bác sĩ Trần Văn Đỗ trưởng đoàn và Hoa Kỳ do ông Bedell Smith dẫn đoàn không chấp nhận chia đôi đất nước nên từ chối đặt bút ký tên.
Nội dung Hiệp định đình chiến Việt Nam có 6 chương và 47 điều khoảng áp đặt vài điểm quan trọng như sau: Chia đôi hai miền Nam Bắc lấy làng Bohushu sát biên giới Lào Việt đến cửa sông Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị làm ranh giới, Quốc Gia Việt Nam phía nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phía bắc, hiệu lực thực thi từ ngày 14-8-1954 quy định hai bên rút quân trong vòng 300 ngày. Riêng về việc thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì bản thông cáo chung ghi nhận cuộc tổng tuyển cử sẽ được nghiên cứu tổ chức vào tháng 7 năm 1956 dưới sự kiểm soát của ủy ban quốc tế do những quốc gia ký tên phía trên đảm trách. Rõ ràng điều này đã tố cáo sự bất công, thiên vị của những kẻ đặt bút ký kết mà không thèm đếm xỉa đến nguyện vọng thật sự của nhân dân miền Nam nói riêng và toàn dân tộc Việt nam nói chung vì hai lẽ: thứ nhất là sự việc tự ý chia đôi đất tổ, chủ mưu từ phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Liên Sô, Trung Cộng theo kế hoạch nhuộm đỏ từng phần kiểu tằm ăn dâu cùng thỏa hiệp với Pháp. Thứ hai là cuộc tổng tuyển cử nếu xảy ra năm 1956 chỉ như cách hợp thức hóa toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong ý đồ dâng nạp chủ quyền cho Cộng Sản quốc tế vì phía Quốc Gia Việt Nam chưa đủ thời gian hình thành cơ cấu chính quyền từ trung ương đến địa phương. Trong các quốc gia liên hệ thì khỏi bàn đến Liên Sô và Trung Cộng, riêng Pháp như đã nói trên rất muốn rút khỏi Đông Dương bởi chủ trương của phái Xã Hội Cấp Tiến còn Anh Quốc thì chỉ tham dự lấy lệ vì vai trò tứ cường trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, riêng Hoa Kỳ đã thấy được điều bất lợi nghiêng về chính quyền phôi thai tại miền Nam, nên dễ bị ông Hồ Chí Minh tóm thâu nhuộm đỏ.
Sở dĩ chúng ta khẳng định sự liên hệ bất khả phân giữa Trung Cộng và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà không sợ sai lầm là vì bằng chứng cụ thể bởi Đảng Lao Động tức là đảng Cộng Sản chủ trương đưa Việt Nam trở lại làm chư hầu cho Trung Cộng qua tờ truyền đơn rãi khắp nơi vào năm 1951. Nhật báo Tiếng Dội số 462 năm thứ 3, đề ngày Thứ Sáu 24 August 1951, Âm lịch 22 tháng Bảy (Thiếu) năm Tân Mão do Chủ nhiệm Trần Chí Thành tự Trần Tấn Quốc đảm trách, Tòa soạn tại 216 Đường Gia Long Saigon, có bài mang tựa đề “Việt Minh vận động cho Việt Nam làm chư hầu Trung Quốc”, in nguyên văn một tờ truyền đơn do Trường Chinh ký tên như sau:
”Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm thứ VII
Tổng thư ký Đảng Lao Động Việt Nam,
Số 284/LĐ
Hỡi đồng bào thân mến!
Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào!
Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế ?
Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối âu tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc.
Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?
Còn nói gì đến y khoa của Âu Mỹ: Chúng chỉ cắt, đục, khoét, nạo! Có thế thôi!
Hỡi đồng bào yêu mến! Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn Ðế quốc phương Tây đem qua xứ ta!
Ta hãy bỏ nhà bảo sinh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng, ta hãy dùng thuốc dán của ông cha ta để lại và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp cả hoàn cầu.
Ta hãy trở về phương pháp này, trước nữa để ủng hộ các bạn Trung Hoa, sau nữa để loại ra khỏi nước Việt Nam yêu mến của ta bao nhiêu những đồ nhập cảng thực dân như là khoa hoc, phát minh v.v…
Ta hãy quét sạch lũ “trí thức” đã xuất thân ở các trường Âu Mỹ, đế quốc và thực dân!
Chúc “Tổng phản công” và “Thi hành mọi phương pháp bài trừ thực dân”.
Trường Chinh, Tổng thư ký đảng Lao Ðộng”(*)
Từ mối lo này mà chính phủ Quốc Gia Việt Nam và Hoa kỳ phản đối không ký vào vì theo ý kiến Quốc trưởng Bảo Đại thì Việt Minh sẽ cứ tiếp tục chiến tranh, một cuộc chiến mới sẽ tàn phá toàn quốc…với hy vọng hão huyền đặt một ý thức hệ không hợp với cá tính người Việt Nam (**), còn Ủy ban Quốc Gia An Ninh Hoa Kỳ nhận xét vào ngày 12-8-54 rằng “Thỏa hiệp Genève là một thất bại đã chấp nhận một bước tiến quan trọng của chủ nghĩa Cộng Sản và có thể đưa đến sự mất toàn thể Đông Nam Á Châu” (***)
Sinh viên Sài gòn biểu tình phản đối Hiệp định Geneva, treo cổ hình nộm De Gaulle và Hồ Chí Minh
Hậu quả tệ hại cho một quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến lại bị rơi vào tình huống nô lệ từ ý thức đến hành động khởi đi từ tâm thức phe nhóm, đảng phái hơn quyền lợi quốc gia dân tộc. Hãy bỏ tất cả những định kiến về Quốc-Cộng mà hãy nhìn ở góc độ dân tộc thì sau năm 1954 với hai miền Nam Bắc, những người sinh sau Hiệp Định có thể tìm ra những chứng tích cụ thể qua nhiều tư liệu trung thực:
1/ Phía Quốc Gia Việt Nam mà sau này trở thành Việt Nam Cộng Hòa chưa có bằng cớ nào chứng tỏ đem Việt Nam dâng hiến hoặc sang nhượng cho bất cứ một quốc gia ngoại bang dù từng là đồng minh với Hoa Kỳ, Úc, Canada… dù vậy họ không hề tuân thủ ý kiến của ngoại nhân làm tổn thương dân tộc. Chưa có một tội danh nào gọi là bán nước cầu vinh gán cho phía chính phủ miền Nam kể cả cảng Cam Ranh, Chu Lai, Long Bình là những nơi cho Hoa Kỳ thuê mướn, khi Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam thì nơi ấy trở lại chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa từ 1973-1975. Đảo Hoàng Sa là đất của nam Việt Nam bị Trung Cộng xâm lăng năm 1974, Hải quân Việt Nam chống đỡ và nhiều chiến sĩ hy sinh, cuối cùng bị mất vì thua chứ không phải dâng tặng cho ngoại bang. Ngày 30/4/1975 miền Nam sụp đổ vì thiếu đạn dược, quân vụ dẫn đến việc cựu Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống vi hiến tuyên bố đầu hàng.
2/ Phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau này là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã có nhiều bằng chứng thể hiện ước mơ của Đảng Cộng Sản đưa Việt Nam trở thành một chư hầu cho khối Cộng Sản Quốc Tế theo tờ truyền đơn kêu gọi dân Việt Nam làm chư hầu Trung Cộng nêu trên. Hành động bán nước được thể hiện từ năm 1958 do ông Phạm văn Đồng ký công hàm chấp nhận Hoàng Sa và Trường Sa KHÔNG phải là của Việt Nam. Hành động này tái diễn vào năm 1999 khi ký kết hiệp định biên giới Trung Việt để hợp thức hóa Trung Cộng chiếm đóng biên giới phía Bắc và vùng biển vịnh Bắc bộ. Cũng từ năm này thì thác Bản Giốc và Ải Nam Quan KHÔNG còn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, chỉ vì muốn thực hiện cuộc chiến xâm lăng miền Nam bằng mọi giá mà biết bao tang thương, sầu khổ gieo rắc cho cả hai miền. Bao vong linh oan khiên tức tưởi chết trong phong trào giảm tô, bài phong, cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại, chống đảng, tết Mậu Thân, pháo Cai Lậy, chiến tranh ở Lào, ở Cam bốt, dựng lên mặt trận giải phóng miền Nam, chiếm cứ Sài Gòn, tập trung quân cán chính miền Nam lao động khổ sai, đánh tư sản, ép buộc di dân kinh tế mới để rồi hàng triệu người liều mình bỏ nước vượt biên, vượt biển tìm tự do bị chết vẫn chưa siêu thoát.
Chưa hết, ngày nay còn biết bao nổi nhục nhằn mà con dân Việt Nam phải gánh chịu như sự oan ức của ngư dân Việt bị Trung Cộng hành hung, sát hại ở biển đông; Trường Sa và Hoàng Sa thành Tam Sa ô nhục, Bauxite Tây nguyên bị lợi dụng khai thác để hợp thức số dân Trung Cộng tràn vào Việt Nam như Tây Tạng, Tân Cương. Hối lộ, mại dâm, bán tuổi trẻ thanh xuân ra ngoại quốc, hạ nhân phẩm phụ nữ thua xa thời thực dân phong kiến khi hàng trăm gái trinh cởi truồng cho vài đứa ngoại lai lựa vợ, làm hầu. Văn hóa Việt bỗng chốc sượng sùng, đạo đức luân thường chỉ như bọt nước, thần tượng cá nhân, tôn sùng lãnh tụ và lừa lọc, dối trá để sống dưới vòm trời Chủ Nghĩa Xã Hội thơm tho!
Giờ đây sau 55 năm trôi qua chúng ta được gì và mất gì thì tự trong tâm mỗi người nhận biết, có điều người dân ở hai phía Bắc Nam chưa từng được quyết định vận mạng tương lai chính trị cho mình, sau bao lần can qua hoàn toàn do các thế lực ngoại bang mượn tay định đoạt, Pháp và Việt Minh đẻ ra Hiệp định Genève chia đôi đất nước hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng chân chính của người Việt Nam. Đối với chúng ta thì 55 năm vừa tròn một kiếp nhân sinh nhưng lịch sử dân tộc lại là mốc thời gian trường cửu. Hậu thế sẽ học được gì qua những hành động mang tính cách cục bộ, phe nhóm khiến đất trời nghiêng ngữa tái tê. Bánh xe lịch sử cứ quay đều nhưng mong rằng mai sau đừng ai theo vết cũ; chia sẻ điều này với hy vọng sự bừng tỉnh lớp thế hệ tương lai nhìn đúng hướng lịch sử để thể hiện đứng đắn tình tự dân tộc, góp phần xây dựng lại những gì đổ nát và tìm cách tự quyết định tương lai vận mạng của đất nước, đồng thời chống lại âm mưu bành trướng của bá quyền Bắc kinh. Nguyện xin hồn thiêng sông núi phù hộ cho chúng ta, lớp người sinh sau cuộc chiến luôn tỉnh thức rằng, chỉ có người Việt chân chính mới yêu thương và bảo vệ đất nước mình mà thôi, đừng ỷ lại hay trông chờ ngoại bang ra tay cứu rỗi.
Nguyễn Hồng Dũng
20/7/2009,
Kỷ niệm 30 năm ngày quốc tế cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam
và 55 năm Hiệp định Geneve chia đôi đất nước.
Tài liệu tham khảo:
-U.S. Congress, Senate, Committee on Foreign Relations, 90th Congress, 1st Session, Background Information Relating to Southeast Asia and Vietnam (3d Revised Edition) (Washington, DC: U.S. Government Printing Office, July 1967), pp. 50-62
-Negotiations and Vietnam: A Case Study of the 1954 Geneva Conference by Melvin Gurtov.
-Việt Sử Khảo Luận: Hoàng Cơ Nghị
-Hồi Ký của Võ Nguyên Giáp.
-1945-1964:Việc Từng Ngày. Hai Mươi Măm Qua: Đoàn Thêm.
-Vietnam War – Ngo Dinh Diem on Geneva Agreement of 1954
-(*) Nhật báo Tiếng Dội 1951, Thư Viện tiếng Việt, British Museum, London.
-(**) Le Dragon D’Annam Bảo Đại, trang dịch của tác giả từ version English: The Dragon of VN
-(***) Hồ sơ Mật Pentagon, USA 1950s.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment