Khúc tráng ca bên dòng Nhật Lệ
VietCatholic News (30 Jul 2009 15:16)
(GPVO) - Khi công lý mặc nhiên bị chà đạp và bạo quyền giơ những bàn tay hung hãn; khi “kẻ mạnh” ra sức biểu thị quyền uy và lên tiếng dạy dỗ phần còn lại, người ta hiểu rằng, có một niềm tin đã chết. Những ngày này, bên dòng Nhật Lệ, Tam Toà đang cất lên khúc tráng ca bất hủ…
Có lẽ, ít có khi nào, đời sống của giáo phận Vinh lại sôi động với dồn dập những biến cố như lúc này. Làn sóng mang tên Tam Toà đang thực sự chuyển mình dữ dội. Cuộc xuống đường lần thứ nhất ngày 26/7/2009 đã và đang phát đi bức thông điệp có sức lay động lòng người. Cũng trong những ngày này, gần 500 ngàn giáo dân đang nói về một cuộc hành trình mới, bất chấp nhiều dự cảm chẳng lành phía trước.
Ngày 27/7 vừa qua, nhiều người đã bật khóc khi hay tin những linh mục và anh chị em giáo dân của mình bị đánh đập ngay tại Tam Toà. Sự thật được các chứng nhân kể lại đã vượt xa những hình dung có thể về cách hành xử vô luân mà con người dành cho nhau, ngay giữa thế kỷ của nền văn minh ưu việt.
Báo chí Việt Nam những ngày qua vẫn tiếp tục những miếng đánh “vỗ mặt” vào giáo dân Tam Toà - những miếng đánh được thực hiện bằng những thủ thuật hạ đẳng, đê hèn và giảo hoạt. Trên báo Lao động số 169 ra ngày 29/7/2009 đăng bài Họ đang chà đạp lên lịch sử với lối quy chụp ngang ngược và xấc láo: “một số người theo đạo Thiên chúa đang cố tình chà đạp lên lịch sử đau thương của chính bản thân họ” (…) “Thế nhưng những tháng đầu năm 2009, linh mục Lê Thanh Hồng - Quản sứ Sen Bàng (Bố Trạch), phụ trách giáo dân Đồng Hới - đã chà đạp lên nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tổ chức nhiều cuộc lễ tôn giáo, xâm phạm sự thiêng liêng của khu chứng tích”.
Thật kỳ lạ! Một chiếc lán được dựng lên tạm thời để che mưa, che nắng, để người giáo dân có thể yên tâm thực hiện niềm tin tôn giáo ngay trên chính mảnh đất của mình (trong khi chính quyền Quảng Bình vẫn cứ lần lữa hứa hẹn về một địa điểm thờ tự “xa xăm” nào đó) lại bị xem là “đang chà đạp lên lịch sử”, là “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (?!).
Và cũng thật nực cười, nhiều người đã tự hỏi nhau tại sao Tam Toà phải được giữ lại làm “chứng tích tội ác đế quốc Mĩ” trong khi cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung ngày 17/02/1979 lại không hề có bất cứ một dòng tưởng niệm (?!).
Phải chăng máu đã nhuộm thắm trang sử buồn của hơn 30 năm về trước - khi những người lính ngã xuống vì sự tồn vong của non sông này, đất nước này trước 32 sư đoàn quân đội Trung Quốc - không phải là máu của con dân đất Việt? Phải chăng, chúng ta đang “giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” bằng sự phân biệt về xương máu của ông cha, bằng một nỗi sợ hãi vô hình nào đó?
Thực sự thì ai đang chà đạp lên lịch sử? Ai đang huỷ hoại chính hình sông, dáng núi của dân tộc này? Không khó để có câu trả lời, nhưng người viết tin rằng, làng báo Việt không dám và không đủ tư cách để trả lời nó, bởi họ đã vô cảm lặng câm trong ngày tưởng niệm sự kiện xót đau ấy (17/02/2009), cũng như đã từng lặng im trong những thời khắc đáng ra cần phải lên tiếng nhất.
Có thể, trong những ngày tới, sự vụ ở Tam Toà vẫn sẽ tiếp tục cho thấy nhiều diễn biến khó lường. Nhưng sẽ là một sự xuẩn ngốc cho ai đó ngây ngô tin rằng, ý đồ lạm dụng bạo lực, sự can thiệp của một loạt mệnh lệnh hành chính kết hợp với chức năng “dọn đường” của giới truyền thông… đủ sức làm chồn chân những cuộc “xuống đường” vì công lý trên dải đất miền Trung gió cát này.
Còn nhớ, trong Công văn số 1628/UBND-NC của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình gửi Toà Giám mục giáo phận Vinh ngày 24/7/2009 có đoạn: “UBND tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Toà Giám mục Địa phận Vinh nói chung và các xứ đạo, họ đạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng, góp phần xây dựng đoàn kết giáo lương, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Những ngày qua, người Công giáo đã hỏi nhau về “sự quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi” và “góp phần xây dựng đoàn kết giáo lương” ấy, khi những giáo dân tử tế và trong sáng bị giam giữ và truy tố, khi hai linh mục và nhiều anh chị em đồng đạo của họ phải chuyển tới nhà thương.
Trung Nghĩa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment