Wednesday, July 1, 2009

Các hiểm họa từ thượng nguồn sông Cửu Long

Kỹ Sư Phạm Phan Long


Các hiểm họa từ thượng nguồn sông Cửu Long đang đổ xuống có khả năng từ từ dìm Cà Mau và duyên hải Nam Việt xuống biển, ép nước mặn lấn dần vào sâu trong châu thổ sông Cửu Long, và ngăn chặn tôm cá đi đi về về sinh sản tại hạ nguồn. Ô nhiễm từ kỹ nghệ quặng mỏ Vân Nam sẽ theo dòng nước đổ xuống, những hồ chứa nước, đập thủy điện khổng lồ và khai thác quặng mỏ ở thượng nguồn sẽ còn là những mối hiểm họa ghê gớm, có khả năng gây sóng thần tràn ngập lưu vực và gây tê liệt vựa lúa Việt Nam nếu việc quản lý có sự tắc trách vô tình hoạc cố ý. Việc gia tăng sử dụng than đá và phát triển kỹ nghệ luyện kim trên Vân Nam sẽ tăng độ ô nhiễm không khí; ô nhiễm này sẽ lan rộng và tỏa xuống Bắc Việt theo gió mùa không ngăn cản được.

Sông Mekong từ Tây Tạng chảy qua sáu nước, do đó vừa là phương tiện giao thoa của nhiều nguồn văn hóa ngôn ngữ, có thể mang lại tình hữu nghị và cũng là mối tranh chấp quyền lợi. Mekong là mạch máu chính và cũng là dòng sữa mẹ cưu mang hàng chục triêụ ngư dân và nông dân, có các nền văn minh lâu đời đa dạng, là nơi ẩn trú và sinh tồn của hàng chục ngàn giống loài, trăm ngàn thảo vật rất hiếm qúy. Mekong vẫn còn là nơi tiếp tục cống hiến những phát hiện mới góp phần làm phong phú cho kho tàng sinh học của nhân loại [1].

Tương lai của lưu vực sông Mekong, và vì thế nhất là của Việt Nam tại cuối nguồn, sẽ lệ thuộc nặng nề vào chính sách phát triển của các nước thượng nguồn nhất là Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc với 1,3 tỉ dân số đang mắc vào nạn hạn hán và sa mạc hóa trầm trọng lan rộng trên lành địa của họ. Sông Songhua, hằng mang nước về cho dân cư Hoa Bắc nay đã khô cạn. Nửa tỉ người sống từ Mông Cổ đến Tân Giang (Xinjiang) đang mất dần nước dùng; có đến 400 trong số 668 thành phố đang thiếu nước sinh hoạt. Chỉ cách Bắc Kinh 70 cây số, đã có những trận bão cuốn cát vàng (hoàng thổ) từ sa mạc Mông Cổ Gobi thổi về bao phủ cả thành phố và làng mạc; có những đụn cát nổi lên cao đến 100 mét tiến về hướng kinh đô với vận tốc 5 mét mỗi năm. Tại Hà Bắc một đoạn của Vạn Lý Trường Thành bỗng nhiên ngoi lên từ đáy hồ cạn Phan Gia Khẩu (Pan Jiakou) [2].

World Bank dự dự đoán rằng hai phần ba sản xuất nông nghiệp của cả Trung Quốc là nằm ở Hoa Bắc lại là nơi không đủ nước dùng, đến năm 2050 thu hoạch ngũ cốc sẽ giảm mất 7% [3]. Trung Quốc đã bơm nước từ Hoàng Hà lên cứu Hoa Bắc, hậu quả việc này là 226 ngày trong năm 1997 nước Hoàng Hà không còn chảy được tới biển. Trung Quốc đang lập kế hoạch chuyển 45-60 tỉ mét khối nuớc từ Dương Tử từ phía Nam lên lưu vực Hoàng Hà. Dự án vĩ đại này tốn khoảng US$30 tỉ [4], hơn cả đập Tam Giáp; mà Tam Giáp vốn là một công trình
xây cất lớn bậc nhất của nhân loại. Trung Quốc đã để dân số tăng quá nhanh, chăn nuôi quá sức chịu đựng của đất đai, và khai thác rừng quá sức phục hồi của tạo hóa [2]. Sau 50 năm, Hoa Bắc đã rơi vào thảm trạng bi đát, đến nỗi châu thổ Hoàng Hà -cái nôi của nền văn minh Trung Quốc- đã bị hy sinh.

Bây giờ, không thể tránh được nữa, Mekong với tiềm năng 71 triệu kW [5] tuy ở phương Nam nay đã thành mục tiêu khai thác chiến lược của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có quan tâm gì về hạ nguồn để tránh cho sông Mekong khỏi rơi vào cùng số phận với sông Hoàng Hà hay không? Liệu biển hồ Tonle Sap, Ðồng Tháp Mười và châu thổ sông Mekong có tránh khỏi phải đón nhận các chất thải kỹ nghệ độc hại như cyanide, arsenic, acid vốn có từ các quặng mỏ từ
Vân Nam chảy về hủy hoại hệ sinh thái của họ hay không? Phù sa có còn đủ để bồi đắp cho duyên hải Cà Mâu và đem dinh dưỡng giữ cho thủy hệ biển Ðông được tồn tại hay không?

Hiện nay việc khai thác tiềm năng thủy điện và chứa giữ nước từ Lạn Thương giang (Lancang) thượng nguồn Mekong, tại Vân Nam đã được tiến hành đại quy mô và với tầm vóc kỷ lục thế giới. Họ đã thực hiện xong các đập thủy điện lớn ngang dòng chính như Mãn Loan (Manwan) 1500 MW và Ðại Chiếu Sơn (Dashaohan) 1350 MW [6]. Bốn nước Trung Quốc, Thái, Miến, Lào đã thỏa thuận sẽ phá các cù lao đảo, vét lòng sông và mở rộng ghềnh thác cho tàu bè trọng tải 500 tấn có thể đi từ hải cảng Simao xuống tận Chiang Khong/Chang Sean, Thái Lan [7] [8]. Trung Quốc sắp khai dựng thêm đập Hiếu Loan (Xiaowan) 4200 MW, cao gần 300 m, cao bằng các toà nhà chọc trời 100 tầng [9]. Họ còn các dự án lớn khác nữa như Nuozhadu (5500MW), Mengsong và Gongguoqiao [14]. Như thế họ sẽ tận dụng hết các tiềm năng Lạn Thương giang trên Vân Nam để phục vụ việc khai thác quặng mỏ nói trên. Lào cũng không kém nỗ lực, họ đã chận ngang hầu hết những sông nhánh của Mekong như Nam Ngum, Nam Thuen, Nam Leuk, Houay Ho trên lành thổ họ. Họ vừa phá rừng lấy gỗ, làm hồ giữ nước, làm điện bán cho kỹ nghệ Thái [10] . Lào lại đang dự định cho công ty Oxiana của Úc vào khai mỏ vàng và đồng tại
Sepon; và Lào đã cấp 40 giấy phép khai mỏ khác đang chờ vốn đầu tư vào khai thác [11] [12]. Thái Lan cũng đã thực hiện xong đập Pak Mun, và có tham vọng hàng năm sẽ chuyển 8 tỉ mét khối nước sông Mekong khỏi dòng chính để biến sa mạc Ðông Bắc Thái thành vùng canh tác mới.

Từ kinh nghiệm 50 năm qua của nhân loại về thủy điện trên các dòng dông quốc tế như Danube, Colorado, Columbia, Nile, Missisippi, Hoàng Hà, Dương Tử thì những công trình thủy điện tuy đã giúp phát triển tiện nghi, đem lại ánh sáng, dẫn thủy nhập điền, và nâng cao đời sống hàng trăm triệu người nhưng cũng có khả năng tác hại nặng nề trên nguồn thực phẩm và kế sinh nhai của hàng chục triệu người khác. Chúng thay đổi hoàn toàn chế độ thủy vận
trên toàn lưu vực, và gây nguy hiểm ghê gớm cho hệ sinh thái hạ nguồn [13].

Tại Côn Minh, Vân Nam, hồ Điền Trì (Dianchi), lớn hàng thứ sáu của TQ, đã bị ô nhiễm nặng nề vì nước thải từ các nhà máy luyện kim, nông nghiệp và sinh hoạt dân cư. Theo tường trình tháng 4, 2000 của Sứ Quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh: TQ đã tốn trên US$2 tỉ để làm sạch, nhưng theo WB ô nhiễm vẫn không thuyên giảm vì vẫn TQ không kiểm soát hết được các nguồn chảy. Tại Dali cũng thế, Nhĩ Hải (Erhai), nơi khởi thủy của truyền thống dạy chim cormorant bắt cá

-hồ lớn thứ bảy của TQ- với dung tích 3 tỉ mét khối do 120 con sông ô nhiễm đổ vào. Hồ này không bị tù hãm như hồ Điền Trì nhờ chảy ra sông Xier, và Xier lại chảy ngay vào sông Mekong để đổ xuống hạ nguồn mà ra biển.

Các hồ nước lớn chặn hết khả năng chuyển tải phù sa, ngăn trở cá không lội ngược về nguồn sinh sản dần dần đi đến tuyệt chủng, phá mất đi diện tích lớn rừng già, nơi trú ngụ của hoang thú. Việc điều hòa lưu lượng sông làm giảm ngay diện tích vùng lụt nước theo muà (seasonally flooded area), vốn nhờ vào đó mà hàng năm tôm cá sinh sản và dân cư tìm được thực phẩm. Ðồng bằng hạ nguồn sẽ thiếu hụt phù sa để bón ruộng, thiếu dinh dưỡng nuôi phiêu sinh vật và thu hoạch hải sản sẽ sa sút. Duyên hải thiếu đất bồi và sóng biển sẽ ăn vào thềm lục địa. Nước mặn sẽ lấn sâu hon vào đất liền và việc canh tác trên châu thổ sẽ không còn thực hiện tốt lành được. Những nghiên cứu khoa học về các hậu quả kinh nghiệm này ngày càng hiện rõ và phổ quát.

Ở hạ lưu Mekong, trên 10 triệu dân nghèo hai nước Cam Bốt và Việt Nam vẫn phải sống nhờ vào phù sa và thủy sản của dòng sông này, chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: Sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng gì trước những biến đổi to lớn đang dồn dập trên thượng nguồn như thế?

Lịch sử cho thấy môí căng thẳng giữa các quốc gia nằm chung lưu vực những dòng sông lớn thường bùng nổ thành các cuộc tranh chấp lớn trên thế giới: Giữa Ai Cập và Sudan-Ethiopia trên sông Nile; Israel và Jordan trên sông Jordan vùng Ðịa Trung Hải; giữa Turkey và Syria-Irak trên sông Euphrates vùng vịnh Persian, giữa India và Bangladesh trên sông Ganges, giữa
Parkistan và India trên sông Indus [4]. ---

Vấn đề khai thác các dòng sông lớn là vấn đề còn nan giải giữa nhiều dân tộc, Mekong và nhân loại không thể ngừng lại trước trở ngại và để lịch sử tái diễn như vậy mà phải tìm phương cách giữ hoà bình, giảm thiểu tai hại và chia sẻ phúc lợi công bình cho toàn lưu vực. Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc (UN) đã bỏ ra 20 năm để soạn thảo ra bộ một luật thông qua vào tháng 5 năm
1997: "United Nations Law of the Nongaginational Uses of International Watercourses" cho cả thế giới trong đó có ba nước bỏ phiếu chống là Burundi, Turkey và Trung Quốc [4]. Gần hơn nữa, World Bank và International Union Conservation Network (IUCN) đã thành lập và tài trợ cho World Commission on Dams (WCD) thực hiện một công trình nghiên cứu để tìm giải
pháp chung. Sau bốn năm, những chuyên gia khoa học kỹ thuật và chính khách nổi danh trên khắp thế giới do WCD quy tụ đã hoàn thành bản tường trình và đưa ra những khuyến cáo được UNEP, ADB và nhiều nước đón nhận như kim chỉ nam cho tương lai khai thác thủy điện.
Việt Nam cũng như tất cả các nước Mekong đều trong nằm tình trạng thiếu thốn năng lượng gay go không khác Trung Quốc hay Thái Lan; nên việc phát triển tiềm năng thủy và điện Mekong vì nhu cầu phúc lợi không thể tránh nhưng cần phải vô cùng nghiêm túc. Việt Nam và Cam Bốt là các nước cuối nguồn, sẽ phải gánh chịu hầu hết mọi thiệt thòi do khai thác thượng nguồn gây ra, nếu các nước thượng nguồn không nghiên cứu tác động cho toàn lưu vực, không thực nhiện những biện pháp an toàn cho hạ nguồn.

Tây Tạng và cả sáu chính phủ Mekong từ đâu nguồn đến cuối nguồn phải ngồi chung lại trên một bàn họp nhìn nhận nhau là những thành viên cốt yếu cùng chung sống trong một lưu vực lớn, sẽ cùng nhau phát triển tài nguyên dòng sông này trên căn bản bền vững và công bằng cho toàn lưu vực. Mekong sẽ không thể mang hiểm họa mà phải là dòng sữa mật ngọt ngào cho cả 100 triệu dân cư trong lưu vực.

Hợp tác cả sáu nước lại sẽ tạo nền hòa bình thịnh vượng trong vùng và gìn giữ kho tàng thiên nhiên lâu bền cho đời sau. Ngày nay Mekong tương đối vẫn còn trinh nguyên khi các dòng sông lớn khác trên toàn cầu đều đã bị khai thác hủy hoại nặng. Các dân tộc lưu vực Mekong có một sứ mạng và cơ hội giữ lại cho loài người một kho tàng sinh thái to tát cho mình và cho cả nhân loại.


Kỹ Sư Phạm Phan Long

Nguồn : kimchivuong@hotmail.com

No comments:

Post a Comment