Thursday, July 16, 2009

Đức GH tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam

BẢN TIN DẶC BIỆT kính gởi Tạp Chí Dân Văn “để tùy nghi”


Đức GH tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam

VATICAN. Sáng hôm 27-6-2009, ĐGH Biển Đức 16 đã tiếp kiến chung 29 GM Việt Nam, và khích lệ các vị quan tâm tới các LM, đẩy mạnh việc đào tạo giáo dân, mục vụ giới trẻ, khuyến khích giáo dân dấn thân xây dựng xã hội.

Lúc 11 giờ sáng, Đức GH Biển Đức 16 bắt đầu tiếp kiến riêng các GM thuộc giáo tỉnh Huế, bắt đầu là Đức TGM Stephano Nguyễn Như Thể, và Đức Cha Phụ Tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng; kế đến là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, tân GM Ban Mê Thuột và sau đó là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, GM giáo phận Đà Nẵng.
Lúc 12 giờ, tại Sảnh đường Công Nghị, trong dinh Tông Tòa, Đức GH đã gặp gỡ chung đoàn Giám Mục Việt Nam.

Lời chào của Đức GM Chủ Tịch Nguyễn Văn Nhơn


Mở đầu, Đức GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã đại diện mọi người chào mừng Đức GH.


”Sau những gây phút khó quên bên mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô để suy niệm và cầu nguyện, để trở về nguồn cội tâm tình và củng cố đức Tin trong sự hiệp nhất với Giáo Hội hoàn vũ, giờ đây chúng con, các GM của 26 giáo phận Việt Nam, quây quần bên Đức Thánh Cha để bày tỏ lòng thần phục kính cẩn và biểu lộ sự hiệp thông phẩm trật với Đức Thánh Cha là Đấng kế vị Thánh Phêrô, bởi lẽ chúng con ý thức rằng Đức Thánh Cha chính là nguyên lý và là nền tảng trường tồn và hữu hình của sự hợp nhất của Giáo Hội hoàn vũ (x GH 23).

”Giáo Hội tại Việt Nam sắp cử hành một Năm Thánh đặc biệt kéo dài từ đại lễ các Thánh Tử vì đạo Việt Nam, ngày 24 tháng 11 năm 2009, đến ngày lễ Hiển Linh năm 2011. Trong năm 2009 này chúng con kỷ niệm 350 năm thành lập hai Địa phận Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong được giao phó cho hai Đức Cha Francois Pallu và Pierre Lambert de la Motte. Rồi ngày 24 tháng 11 năm 2010, sẽ đánh dấu 50 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng Giáo Phẩm Công Giáo tại Việt Nam bằng Tông Hiến ”Venerabilium Nostrorum” ký ngày 24 tháng 11 năm 1960.

”Việc ôn lại quá khứ lắp đầy vào lòng chúng con tâm tình tri ân đối với Đức Chúa của Lịch Sử và Hiền Thê của Người là Hội Thánh, Hiền Mẫu yêu dấu của chúng con. Nhưng sự nhận thức về ân huệ nguồn cội không cho phép chúng con tự khép kín vào quá khứ hoặc vào bản thân mình, trái lại sự nhận thức đó đưa đẩy chúng con vào những nẻo đường mới mẻ của thời đại hiện tại và tương lai. Thật vậy, khi tưởng nhớ các Tổ Tiên của chúng con trong đức Tin, và các vị Chủ Chăn tận tụy của chúng con, cách riêng rất nhiều những Chứng nhân tử vì đạo trung kiên mà máu đào đổ ra đã làm gia tăng con số các tín hữu và khơi dậy biết bao ơn gọi linh mục và tu sĩ cho đến tận hôm nay, thì chính việc tưởng nhớ đó mời gọi chúng con hãy sống ân huệ đức Tin một cách sâu sắc và tiếp nối sự làm chứng của các ngài cho Phúc Âm giữa lòng thế giới và giữa lòng một xã hội đầy ắp những hứa hẹn cũng như những thách đố.

Hàng Giáo Phẩm địa phương được tạo lập vào một thời điểm mà Việt Nam bị chia cắt trên bình diện chính trị, và điều đó đã kéo theo những hậu quả sâu đậm trong nhiều lãnh vực của xã hội trên Đất Nước chúng con. Phải chờ đến năm 1980, sau khi hai miền Nam, Bắc thống nhất vào năm 1975. Hội Đồng Giám Mục của cả nước Việt Nam mới được khai sinh. Với biến cố lịch sử này, Giáo Hội tại Việt Nam bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử của mình. Giáo Hội tại đây đứng trước một khúc ngoặt mới, đặt ra cho Giáo Hội một đòi hỏi là, hơn bao giờ hết, phải lớn lên trong đức Tin, phải xây dựng chính mình trong đức Mến, và phải dấn thân cách quyết liệt hơn nữa trong công cuộc Phúc Âm hóa thế giới dưới sự thức đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng khơi dậy lòng Cậy Trông. Hiện nay chúng con đang triển khai mọi nỗ lực của chúng con trong không gian được định hình bởi ba chiều kích hướng thần ấy.

Đức Thánh Cha quý mến, chúng con sẽ vô cùng hạnh phúc khi dám mơ đến một ngày nào đó, chúng con được đón tiếp Đức Thánh Cha tại mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng con, để kính mời Đức Thánh Cha đến thăm và chúc lành cho cả ba Giáo Tỉnh của chúng con, cách riêng tại Trung Tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang.

Vâng, trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con thâm tín rằng Đức Chúa của Lịch Sử và Mẹ Hội Thánh sẽ đồng hành với chúng con trong cuộc lữ hành đức Tin của chúng con, thế nên chúng con lại ra khơi cùng với Đức Thánh Cha là người cầm lái con thuyền của Thánh Phêrô, mắt chúng con luôn hướng về Ngôi Sao Biển lấp lánh ở cuối chân trời và lòng chúng con đầy ắp niềm Hy Vọng mang sức mạnh cứu độ (x. Rm 8,24).

Nhân danh tất cả các giám mục hiện diện nơi đây, con xin cảm tạ Đức Thánh Cha về những lời hướng dẫn mục vụ Đức Thánh Cha sắp ban cho chúng con, và con cũng xin Đức Thánh Cha ban Phép lành Tông Tòa cho chúng con và các Giáo phận của chúng con.

Huấn từ của Đức GH


Trong lời đáp từ, Đức GH nhắc đến Năm Linh Mục và khuyến khích các GM đặc biệt quan tâm đến hàng LM, đặc biệt và việc thường huấn cho các vị; ngài nhắc đến vai trò của giáo dân và kêu gọi các GM Việt Nam tăng cường việc huấn luyện về nhiều mặt cho các giáo hữu. Đức GH cũng mời gọi các GM chú ý đến việc mục vụ giới trẻ, đặc biệt cần đề ra một nền mục vụ thích hợp cho người trẻ từ miền quê ra thành thị học hành và làm việc. Ngài không quên nói đến quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, khuyến khích các giáo dân dấn thân xây dựng xã hội công bằng tốt đẹp. Sau đây là nguyên văn huấn dụ của Đức GH. Ngài nói:

Thưa Đức Hồng Y,

Anh em quí mến trong hàng GM,

Tôi rất vui mừng đón tiếp anh em, các vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ của chúng ta mang một ý nghĩa đặc biệt trong những ngày mà toàn thể Giáo Hội mừng lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và thật là một niềm an ủi lớn đối với tôi vì được biết những mối liên hệ sâu xa về lòng trung thành và yêu mến Giáo Hội mà các tín hữu tại đất nước Anh Em vẫn nuôi dưỡng đối với Giáo Hội và Giáo Hoàng.

Chính nơi mộ hai vị Thủ Lãnh của các Tông Đồ mà Anh Em đến để biểu lộ tình hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô và củng cố tình hiệp nhất vốn luôn phải tồn tại giữa Anh Em và phải tăng trưởng hơn nữa. Tôi cám ơn vị Chủ tịch HĐGM của Anh Em, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà Lạt, vì những lời khả ái đã nói với tôi nhân danh Anh Em. Xin cho phép tôi đặc biệt chào các GM được bổ nhiệm từ lần hành hương trước đây của Anh Em viếng Mộ Các Thánh Tông Đồ. Tôi cũng muốn nhớ đến ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, TGM giáo phận Hà Nội trong nhiều năm trời. Cùng với Anh Em, tôi cảm tạ Chúa vì lòng nhiệt thành mục tử Người đã khiêm tốn biểu lộ trong một tình yêu phụ tử sâu xa đối với dân tộc và tình huynh đệ sâu đậm đối với các Linh Mục của Người. Ước gì tấm gương thánh thiện, khiêm tốn, đời sống đơn sơ của các các vị đại mục tử tại đất nước Anh Em là một khích lệ cho Anh Em trong sứ vụ GM phục vụ dân tộc Việt Nam, mà tôi muốn bày tỏ lòng quí mến sâu xa.

Anh em quí mến trong hàng GM, cách đây vài ngày, Năm Linh Mục đã bắt đầu. Năm này sẽ giúp làm nổi bật sự cao cả và vẻ đẹp của sứ vụ Linh Mục. Tôi xin Anh Em vui lòng cám ơn các Linh Mục triều và dòng tại đất nước yêu quí của Anh Em vì cuộc sống thánh hiến của họ cho Chúa và vì những nỗ lực mục vụ nhắm thánh hóa Dân Chúa. Anh Em hãy quan tâm đến các Linh Mục, đầy cảm thông đối với họ và giúp đỡ họ chu toàn việc thường huấn. Để là những người hướng dẫn đích thực và phù hợp với con tim của Thiên Chúa cũng như giáo huấn của Giáo Hội, các Linh Mục phải đào sâu cuộc sống nội tâm và hướng đến sự thánh thiện như Cha sở khiêm hạ của giáo xứ Ars đã chứng tỏ. Ơn gọi Linh Mục và tu sĩ dồi dào, nhất là nơi đời sống thánh hiến của nữ giới, là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những đoàn sủng của họ, những đoàn sủng mà Anh Em khuyến khích họ tôn trọng và thăng tiến.

Trong Thư Chung của Anh Em hồi năm ngoái, Anh Em đặc biệt tỏ ra chú ý đến các tín hữu giáo dân bằng cách làm nổi bật vai trò ơn gọi của họ trong lãnh vực gia đình. Điều thật đáng mong ước là mỗi gia đình Công Giáo, khi dạy con cái sống hợp với lương tâm ngay chính, trong sự trung thành và sự thật, trở thành một tổ ấm các giá trị và các đức tính nhân bản, một trường dạy tin yêu đối với Thiên Chúa. Về phần mình, các giáo dân Công Giáo cần chứng tỏ - qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích, - rằng một tín hữu Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt. Để được vậy, Anh Em hãy chú ý giúp các giáo dân được huấn luyện tốt, thăng tiến nơi họ đời sống đức tin và trình độ văn hóa, để họ có thể phục vụ hữu hiệu Giáo Hội và xã hội.

Tôi muốn đặc biệt phó thác giới trẻ cho sự ân cần chăm sóc của Anh Em, nhất là giới trẻ ở nông thôn bị lôi kéo về thành thị để học cao hơn và tìm kiếm công ăn việc làm tại đó. Nên phát triển một nền mục vụ thích hợp cho những người trẻ di cư trong nội địa bằng cách củng cố sự cộng tác giữa các giáo phận nguyên quán của người trẻ và các giáo phận tiếp cư, và giúp họ những lời khuyên bảo về luân lý đạo đức và các chỉ dẫn thực hành.

Giáo Hội tại Việt Nam hiện đang chuẩn bị mừng 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Việc cử hành này sẽ được đánh dấu đặc biệt trong Năm Thánh 2010, có thể giúp Giáo Hội hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với mọi người Việt Nam bằng cách đổi mới những dấn thân truyền giáo. Nhân dịp này dân Chúa phải được mời gọi cảm tạ vì hồng ân đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hồng ân này đã được đông đảo các vị tử vì đạo quảng đại đón nhận, sống và làm chứng, các vị muốn công bố sự thật và tính chất đại đồng của niềm tin nơi Thiên Chúa. Theo nghĩa này, chứng tá về Chúa Kitô là một việc phục vụ tột đỉnh mà Giáo Hội có thể dành cho Việt Nam và toàn thể các dân tộc Á châu, vì việc phục vụ này đáp ứng sự tìm kiếm sâu xa đối với sự thật và những giá trị bảo đảm sự phát triển nhân bản toàn toàn (Xc. Giáo Hội tại Á châu). Đứng trước nhiều thách đố mà việc làm chứng tá ấy hiện đang gặp phải, một sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa các giáo phận và dòng tu là điều cần thiết, cũng như giữa các dòng với nhau.

Thư Chung của HĐGM Việt Nam công bố năm 1980 nhấn mạnh về ”Giáo Hội của Chúa Kitô giữa lòng dân tộc”. Khi đóng góp phần đặc thù của mình - là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô -, Giáo Hội góp phần vào sự phát triển con người về mặt nhân bản và tinh thần, nhưng cũng góp phần vào sự phát triển đất nước nữa. Sự tham gia của Giáo Hội vào tiến trình này là một nghĩa vụ và là một đóng góp quan trọng nhất là trong lúc Việt Nam đang dần dần cởi mở đối với cộng đồng quốc tế.

Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo Hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo Hội không bao giờ có thể chuẩn chước cho mình việc thực thi bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và đàng khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng bác ái của mỗi tín hữu Kitô, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương (Deus caritas est, n.29). Ngoài ra, tôi thấy cần nhấn mạnh rằng các tôn giáo không phải là một nguy hiểm cho tình đoàn kết quốc gia, vì các tôn giáo nhắm giúp mỗi người tự thánh hóa, và qua các tổ chức của mình, các tôn giáo mong muốn quảng đại phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi.

Thưa Đức Hồng Y, Anh Em quí mến trong hàng GM, khi trở về nước, xin Anh Em chuyển lời chào nồng nhiệt của tôi đến đến các Linh Mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, giáo lý viên và toàn thể các tín hữu, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người đang đau khổ về thể lý và tinh thần. Tôi nồng nhiệt khuyến khích họ hãy trung thành với niềm tin đã lãnh nhận từ các Tông Đồ và hãy là những chứng nhân quảng đại của các vị trong những hoàn cảnh nhiều khi khó khăn và chứng tỏ sự cương quyết khiêm tốn mà Tông Huấn ”Giáo Hội tại Á châu” (n.9) đã nhìn nhận như đặc tính của các ngài. Xin Thánh Linh của Chúa là người hướng đạo và là sức mạnh của họ! Trong khi tôi phó thác Anh Em cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Mẹ Lavang và sự chuyển cầu của các thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi thân ái ban Phép lành Tông Tòa cho tất cả Anh Em.

No comments:

Post a Comment