J.B Nguyễn Hữu Vinh
Tôi nhận được các thông tin từ Giáo phận Vinh quê hương tôi, những thông tin nhói buốt con tim, làm mọi người bừng lên sự phẫn uất: Ngày 20/7/2009, nhà cầm quyền Quảng Bình đã huy động lực lượng công an đàn áp dã man giáo dân một Giáo xứ giữa lòng Thành phố miền Trung Việt Nam. Nhiều giáo dân là trẻ em, phụ nữ đã bị đàn áp bằng những biện pháp man rợ và đầy thú tính. Những hành động đê hèn đó nhằm để trấn áp những giáo dân đang cố gắng là một ngôi lán tạm bợ để dâng Thánh lễ trên nền đất Thánh đường Tam Tòa.
Những thông tin trong nước mắt của giáo dân Tam Tòa kịp thời gửi ra toàn thế giới đã làm bao con tim xúc động, bao ánh mắt hướng về Tam Tòa với sự cảnh giác cao độ và tinh thần hiệp thông mạnh mẽ.
Nhận được thông tin, tôi lên đường đến Tam Tòa vào một ngày nắng rát, những người tôi gặp, kể cả giáo dân và không phải giáo dân đã kể lại sự việc kinh hoàng trong nước mắt. Tôi cố hình dung lại những gì đã xảy ra với giáo dân Tam Tòa trong buổi sáng tội ác 20/7/2009 đó mà vẫn không thể tin nổi. Tại sao ở một đất nước, một dân tộc khao khát tự do hạnh phúc, đã dồn hết sức lực và ý chí để chiến đầu giành hòa bình mấy chục năm nay lại vẫn có thể tái diễn những cảnh này.
Tam Tòa, di tích tội ác?
Trên mảnh đất miền Trung Việt Nam thời kỳ của cuộc chiến Nam – Bắc khốc liệt nhằm “giải phóng miền Nam” chắc không sót một nơi nào không nếm trải những trận bom kinh hoàng. Những năm tháng đó, bất cứ nơi nào, từ trường học, bệnh viện cho đến Nhà thờ hay trận địa pháo cao xạ, cầu đường… tất cả đều có thể bị ném bom. Chiến tranh đã mang đến bao nỗi tang tóc và đau thương mất mát trên cả đất nước. Hàng triệu sinh mạng đã mất, cơ sở vật chất bị tàn phá nghiêm trọng.
Nói về cuộc chiến đó, nhiều cách suy nghĩ, nhiều người có những đánh giá khác nhau. Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng là sự bất hạnh của đất nước, của dân tộc, dù đó là chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa. Không ai mong muốn chiến tranh.
Mảnh đất Quảng Bình, nơi mà hàng ngày mưa bom, bão đạn cứ trút xuống, chỉ từ tháng 4 đến tháng 8-1968 đã có trên 12.000 phi vụ ném bom Quảng Bình thì đâu chỉ có Nhà thờ Tam Tòa mới là nơi bị tàn phá. Hàng loạt các cơ sở, các cơ quan, các di tích thắng cảnh và Thị xã Đồng Hới đã bị san bằng, bị tan nát.
Nhiều người trong đó có giáo dân Tam Tòa cứ tưởng rằng, sau chiến tranh, đất nước sẽ được hòa bình, người dân sẽ được sống trong độc lập, ấm no và hạnh phúc và người dân được tôn trọng.
Nhưng, sau chiến tranh, nhà nước đổ tiền, của và nhân tài vật lực cho xây dựng Thành phố Đồng Hới, thì kèm theo đó ngôi Nhà thờ Tam Tòa có “vinh dự” được UBND Tỉnh Quảng Bình dùng làm “Chứng tích tội ác Đế quốc Mỹ”. Còn đời sống tín ngưỡng của hàng ngàn giáo dân bị coi nhẹ và quên đi.
Nếu cần giữ lại cảnh đổ nát hoang tàn để làm “chứng tích tội ác” của chiến tranh, thì hẳn cả đất nước này phải là một cảnh tượng tan nát, TP Đồng Hới phải giữ nguyên là một bình địa bị san phẳng chứ không chỉ Nhà thờ Tam Tòa.
Nói đến sự kiện này, người ta không khỏi nghi ngờ động cơ đằng sau cái quyết định của UBND Tỉnh Quảng Bình. Phải chăng, trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó chỉ có Nhà thờ Tam Tòa mới chịu thiệt hại nên phải giữ nó làm chứng tích tội ác? Hàng loạt cơ sở khác như bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan… ở Quảng Bình bị chiến tranh san bằng có là chứng tích tội ác không? Hàng ngàn cơ sở, di tích của dân chúng cũng như của nhà nước bị phá hoại, sao chỉ chọn Nhà thờ Tam Tòa?
Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa… ở Việt Nam lại thêm một loại di tích: Di tích tội ác.
Người dân Giáo phận Vinh còn nhớ rõ, cũng với cách lấy Nhà thờ làm “di tích tội ác” mà Giáo phận Vinh đã mất đi khuôn viên Nhà thờ Cầu Rầm tại Thành phố Vinh trước đây, vốn tọa lạc ngay tại vị trí hết sức đẹp mắt và rộng rãi. Học được cách đó, nhà cầm quyền Quảng Bình cũng không bỏ lỡ thời cơ.
Việc lấy Nhà thờ làm “chứng tích tội ác” là một điều hết sức phản cảm đối với giáo lý của Giáo hội Công giáo vốn lấy thứ tha làm trọng, lấy yêu thương làm đầu. Nhưng với nhà nước thì không như vậy.
Điều làm người ta suy nghĩ là: Có phải nhà cầm quyền quý trọng các di tích, các chứng tích văn hóa, hay không? Nếu biết quý trọng các di tích, chứng tích văn hóa của cha ông, hẳn người ta sẽ không bằng mọi cách đập bỏ Hội Trường Ba Đình một cách vội vàng bất chấp sự phản đối của nhân sĩ, trí thức, kể cả các bậc công thần chế độ Cộng sản như Tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu biết quý trọng di tích, chứng tích, hẳn người ta đã đối xử tốt hơn với Hoàng Thành Thăng Long vốn đã có hơn 1000 năm tuổi.
Nếu biết quý trong di tích, hẳn đàn Nam Giao ở Huế đã được bảo tồn mà không phải bị đập phá.
Nhưng, di tích, di sản… chỉ có giá trị khi họ cần nó cho một mục đích nào đó mà thôi. Với những di sản đặt trên những mảnh đất vàng như Hỏa Lò Hà Nội, thì việc bảo tồn được một góc hết sức khiêm tốn đã là quá lắm rồi, phần còn lại nhường chỗ cho những công ty, những nhà tầng, những dự án ra tiền, ra của mà quan chức VN rất ưa chuộng.
Nhà thờ Tam Tòa bỗng nhiên bị xóa sổ, cả giáo xứ bỗng nhiên mất tích mà không có bất cứ sự trao đổi, thỏa thuận hay bất cứ sự tôn trọng nào với giáo dân và giáo quyền.
Chỉ đến gần đây, sau những ngày đấu tranh căng thẳng, Tỉnh Quảng Bình mới giới thiệu cho Tòa Giám mục Xã Đoài vài chỗ để xây nhà thờ thì lại là một sự đánh đố mà họ biết rằng giáo dân không thể nào chấp nhận bởi những vị trí xa xôi không thể có sinh hoạt tôn giáo được. Phải chăng đó cũng là một mục đích của họ để kéo dài sự đau khổ của giáo dân?
Việc UBND Tỉnh Quảng Bình ngang nhiên lấy Nhà thờ của Giáo hội công giáo mà không có bất cứ ý kiến nào của Giáo hội đã là hành động ngang ngược và đầy sự kẻ cả, hách dịch bất chấp lòng dân và coi thường Giáo hội. Nếu lấy đất Nhà thờ làm di tích tội ác, vậy thì Tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đến đời sống tín ngưỡng và tài sản của bà con giáo dân nơi đây như thế nào? Họ đã đền bù về vật chất, tinh thần cho bà con giáo dân như thế nào khi mà sau 35 năm chiến tranh kết thúc, giữa thành phố này vẫn không có bóng dáng một ngôi nhà thờ, một nơi thờ tự của giáo dân Công giáo?
Thực ra, nhiều người dân Quảng Bình đã rõ, mảnh đất của Nhà thờ Tam Tòa bên dòng Nhật Lệ là mảnh đất quá đẹp và mát. Ở đó ngay sát tháp ngôi nhà thờ đang ngạo nghễ tồn tại, là một con đường, và bên kia là một dãy phố mà dân Quảng Bình gọi là phố “Khân dông” – Không dân, cách nói ngược để chỉ con phố toàn nhà cửa quan chức.
Ngoài ra, với chính sách cộng sản vô thần, họ chẳng muốn cho Nhà thờ được phục hồi hoạt động dù nhu cầu tôn giáo không ngừng tăng lên khi niềm tin vào một lý tưởng bánh vẽ về Chủ nghĩa cộng sản “của cải tuôn ra dào dạt, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đã từ lâu dân đã nếm đủ vị đắng, không còn là món hấp dẫn.
Vì vậy mà ba mươi lăm năm sau chiến tranh, trên con đường xuyên Việt qua thành phố Đồng Hới, những tòa nhà cao ngất, tiện nghi của các cơ quan công quyền thi nhau khoe khoang thì cả thành phố này vẫn là một thành phố trắng nơi thờ phượng của người công giáo.
Tội ác của ai?
Đứng trước nền nhà Thờ Tam Tòa, xung quanh là hàng loạt những nhóm người lạ mặt được huy động đến theo dõi những người đến thăm, chúng tôi hiểu đâu là tội ác. Tội ác của một cuộc chiến đã xa cả đất nước này phải chịu bởi cuộc chiến tương tàn Bắc – Nam đã lùi xa 35 năm. Nhưng những tội ác mới ngày hôm qua tại nơi đây thì còn rõ nét. Những lỗ chôn các cây cột thép còn đó, những dấu vết còn lại trên nền nhà thờ cũ, chỗ bà con đun nấu phục vụ với vài ba cành lá dừa khô. Những lời kể của giáo dân và cả người ngoại giáo đã cho chúng tôi nghe về một tội ác mới: Ngày 20/7/2009, nhà cầm quyền và công an Quảng Bình đã dùng lực lượng công an và nhiều loai người khác nhau để đàn áp đổ máu các giáo dân đang dựng ngôi lán tạm che mưa nắng khi hành lễ.
Cảnh đàn áp khát máu đó xảy ra giữa ban ngày, giữa cộng đồng dân chúng bằng những hành động khát máu, đánh đập không thương tiếc, nhục mạ phụ nữ, đánh đập trẻ em vị thành niên… đã được nhiều người chứng kiến.
Trước những nhu cầu tôn giáo của nhân dân được Hiến pháp và luật pháp Việt Nam cũng như các văn bản Quốc tế mà VN tham gia đã minh nhiên thừa nhận nhưng bị đàn áp dã man. Đây là một tội ác của nhà cầm quyền Quảng Bình.
Việc đánh đập, nhục mạ và bắt đi người phụ nữ bằng cách kéo lê chị đến tuột hết quần giữa thanh thiên bạch nhật là tội ác.
Việc dùng những người không công giáo tấn công người công giáo, việc chia rẽ, kích động gây hằn thù tôn giáo trong lòng dân tộc Việt Nam làm mất đi sự đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh trước nạn ngoại xâm đang hiển hiện là tội ác.
Việc bắt bớ, tịch thu tài sản, đánh đập người dân không có bất cứ một văn bản, mệnh lệnh nào trong một nhà nước pháp quyền là tội ác.
Việc dùng hệ thống báo chí bôi nhọ, xuyên tạc sự thật qua sự việc này, đổ lên đầu những người dân vô tội những tội trạng mà họ không hề có nhằm giấu đi sự man rợ của mình. Đó là tội ác.
Việc ngang nhiên chiếm nơi thờ tự của giáo dân, nhằm cướp đoạt quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được Pháp luật bảo vệ là một tội ác.
Như vậy Thánh đường Tam Tòa một lần nữa là chứng tích rõ ràng, sống động cho tội ác của nhà cầm quyền cộng sản Quảng Bình.
Tất cả là Thánh ý
Trong thời gian qua, Giáo phận Vinh là một giáo phận mạnh mẽ, kiên cường và vững vàng, có sự thống nhất cao trong hàng ngũ từ Hàng giáo phẩm, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Với nửa triệu giáo dân đã có một quá trình dài 64 năm dưới chế độ cộng sản vô thần đã hiểu hết bản chất của nó và vẫn là một giáo hội kiên trung vững mạnh, hiệp thông và thống nhất. Trước những biến cố trong giáo hội từ những nơi xa đến gần, Giáo phận Vinh đã không ngần ngại lên tiếng bênh vực sự thật, công lý lẽ phải và hòa bình.
Cũng vì thế, đây là một địa bàn không dễ tự tung tự tác của những kẻ muốn bạo lực, chèn ép và khát máu. Vậy sự kiện Tam Tòa phải chăng là một miếng đòn nhằm nắn gân Giáo hội tại đây? Điều gì sẽ đến nếu sự kiện Tam Tòa cứ diễn ra với sự vô cảm của mọi người và giáo dân cứ thế bị bách hại? Tôi tin rằng sẽ lần lượt đến các giáo xứ, giáo họ khác khi mà nơi nơi chỗ nào có nhà thờ thì chỗ đó bị lấn chiếm, bị tước đoạt đất đai, tài sản.
Giáo xứ Tam Tòa là một giáo xứ lâu đời, tuy nhiên qua cuộc chiến tàn khốc, giáo dân tản mát đi khá nhiều nơi, cộng đồng công giáo tại đây không còn đông đúc mạnh mẽ như trước. Phải chăng đây là nút yếu nhất trong cộng đồng Công giáo Giáo phận Vinh mà nhà cầm quyền muốn chặt đứt dễ dàng?
Tôi tin rằng, khi những giọt máu tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô đã đổ xuống trên mảnh đất Tam Tòa này, thì ở đây sẽ lại có một cộng đồng mạnh mẽ và kiên vững. Xưa nay, khi máu tử đạo đổ xuống nơi nào, thì ở đó cánh đồng sẽ bội thu ơn kêu gọi. Những giọt máu tử đạo đó sẽ muôn đời được ghi nhận trong lịch sử Giáo hội ở thời kỳ khó khăn bách hại này.
Vì vậy, tôi vẫn tin rằng Tam Tòa sẽ là nơi được chúc phúc, được dùng là khí cụ bình an của Chúa và là nhân chứng cho Đức Kitô trong giai đoạn khó khăn của giáo hội Việt Nam dưới thời cộng sản.
Và như vậy Tam Tòa sẽ kiên vững và phát triển. Bởi Chúa vẫn chọn những nơi yếu đuối để thể hiện sức mạnh của mình.
Để có thể được như vậy, người công giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng nghĩ gì và làm gì cho Tam Tòa, để Tam Tòa mãi mãi là một nhân chứng sống động cho Đức Giêsu Kitô? Điều đó đang nằm trong tay tất cả các giáo dân, tu sĩ, linh mục và Hàng giáo phẩm Giáo phận Vinh cũng như cộng đồng dân Chúa Việt Nam.
Chúng ta phải làm gì khi những chứng nhân của Đức Kitô đang bị giam cầm và đàn áp? Chúng ta phải làm gì, khi mà đất đai Nhà thờ ngang nhiên bị chiếm đoạt bất chấp ý nguyện nhân dân và quyền tự do tối thiểu của họ là tự do tín ngưỡng?
Chúng ta phải là gì, khi chiếc Thánh Giá của chính Đức Giám mục Võ Đức Minh tặng giáo dân với ý nguyện sẽ được đặt trong Thánh Đường Tam Tòa đã bị cướp đi như một sự nhục mạ chính bản thân cá nhân Ngài, Giáo quyền, Giáo hội, giáo dân?
Xin hãy cất lên một lời cầu nguyện cho Tam Tòa, để nơi đó nhận được Hồng ân Thiên Chúa vững mạnh kiêu hãnh vượt qua thử thách này.
Giáo phận Vinh trong những ngày đầy nước mắt, 24/7/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: VietCatholic News
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment