Thursday, July 16, 2009

Chuyện nước ta: Căn bệnh dị ứng với luật pháp, thâm thù luật sư

Bùi Tín


Trong ngôn ngữ cộng sản, những danh từ pháp luật, pháp quyền, pháp chế...đều là những danh từ vô nghĩa, trống rỗng, cấm kỵ. Vì từ Lénine, Staline, Mao Trạch Đông... đều chủ trương thực hiện nền "chuyên chính vô sản" của học thuyết cộng sản, nghĩa là nền chuyên chính của một giai cấp - giai cấp vô sản - do đảng cộng sản độc quyền nắm trọn.

Đường lối của đảng, chính sách của đảng là "pháp luật" cao nhất.

Ở nước Việt Nam ta, sau tháng 8-1945, trường Đại học Luật đóng cửa, giải thể, nghề luật sư trong xã hội biến mất. Trong các tòa án nhân dân, chánh án tuyên án theo nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy hay huyện ủy đảng cộng sản.

Trong Cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1955, đã có hàng chục vạn phiên "tòa án nhân dân" xử tử hơn 23 ngàn nông dân (theo thống kê mật), sau khi chụp cho họ chiếc mũ: 'địa chủ cường hào ác bá" theo lệnh của cố vấn cộng sản Tàu. Lãnh đạo đảng vỗ ngực: luật pháp là ta.

Tâm lý khinh thị luật pháp, đảng trị thay pháp trị, cái thói”ngồi xổm trên luật pháp”như thế ắt sinh ra thái độ kỳ thị luật sư, thâm thù luật sư.

Năm 1956, khi "sửa sai" (để không sửa gì hết về não trạng phủ nhận pháp luật), ông Trường Chinh mời luật sư Nguyễn Mạnh Tường phát biểu về sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Luật sư Tường đậu tiến sỹ Luật ở Pháp khi 23 tuổi, liền ngay thật phê phán kiểu độc tài đảng trị khinh thị pháp luật đang thịnh hành, trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc.

Thế là ông Hồ và Bộ Chính trị cộng sản nổi giận, lập tức trả thù. Ông Tường bị tước hết chức vụ (giáo sư, hiệu trưởng đại học, đuổi khỏi Ủy ban trung ương Mặt trận, đuổi khỏi đảng Xã hội do đảng CS lập ra) không cho cả dạy tiếng Pháp tại nhà, cúp lương và trợ cấp, triệt mọi đường sống. Ông phải lén lút bán mấy bộ com-plê quý giá cho đoàn kịch nói trung ương theo giá bèo để mua gạo, chăm nuôi một con gà mái đẻ lấy trứng cho vợ, con gái đều đang ốm yếu...

Lãnh đạo cộng sản dị ứng dai dẳng với pháp luật và thâm thù giới luật sư là lẽ đương nhiên, là do bản chất toàn trị không thể từ bỏ của họ.

Ngày nay, trong thời đổi mới, đảng CS buộc phải nói về hiến pháp, về pháp luật, còn ghi trong cương lĩnh về xây dựng một "nhà nước pháp quyền", về xây dựng một ”xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh"(!). Họ đã phải mở ra khoa luật ở trường đại học, đào tạo luật sư trong nước và từ nước ngoài. Hiện đã có 4.400 luật sư hành nghề trong cả nước. Không thấm vào đâu trong nước 84 triệu dân, nhưng so với trước đã là một bước khá dài.

Nhưng khi vẫn còn độc quyền đảng trị, vẫn còn nền "dân chủ một đảng", "đảng chọn dân bầu" thì vẫn chỉ là "tự do què quặt", là nền "dân chủ bị thiến", vẫn là pháp luật bị cưỡng chiếm, chà đạp, và giới luật sư cùng với giới báo chí tự do vẫn còn bị lườm nguýt, bị thâm thù nữa.

Luật sư lão thành Trần Lâm, từng là hội thẩm Toà án nhân dân tối cao, tình nguyện cãi cho một số chiến sĩ dân chủ, là luật sư bị công an ghi tên vào sổ đen đầu tiên. Ông không nao núng, vẫn dấn thân cho pháp quyền dân chủ.

Luật sư Lê Chí Quang nổi lên từ bài viết nảy lửa "Hãy cảnh giác với Bắc triều", bị lãnh đạo đảng bỏ tù 2 năm - từ 2002 đến 2004 - nhằm xoa dịu cơn giận của Bắc triều, nay anh vẫn là nguồn cảm hứng cho các luật sư trẻ.

Luật sư Bùi Kim Thành bênh vực dân oan liền bị trói đưa vào bệnh viện tâm thần và bị tiêm thuốc để tâm thần thật sự rối loạn, rồi đẩy ra nước ngoài.

Luật sư Lê Thị Công Nhân nhỏ nhắn tuyên bố đanh thép "dù chỉ còn một mình tôi, tôi vẫn đấu tranh đến cùng cho tự do và quyền làm người của đồng bào tôi".

Luật sư Nguyễn Văn Đài vững tin ở nền pháp lý quốc tế hiện đại khi chỉ rõ:”chính quyền này đã ký và cam kết tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, họ buộc phải thực hiện đúng và đầy đủ. Đây là danh dự quốc gia và nhân cách làm con người của họ! Không vậy, họ là kẻ phạm pháp!”


Họ bắt giam luật sư Lê Công Định vì anh dám hô hào cả xã hội "Quyết không khiếp nhược!", với lời than đầy tâm huyết: "Tiếc thay! Sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi!", và anh kêu gọi: "Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân thành sự bạc nhược của cả một dân tộc!".

Họ thâm thù luật sư cứng cỏi Lê Trần Luật và nữ luật sư gan góc Tạ Phong Tần vì 2 luật sư này đứng ra bênh vực dân oan bị đảng viên-địa tặc hiếp đáp, còn chuẩn bị cãi cho bà con Thái Hà bị vu cáo là đã cúi đầu nhận tội!

Họ phát điên lên khi thấy trong số trí thức ký kiến nghị đòi ngừng ngay việc khai thác bôxít độc hại, có không ít luật sư trong nước. Số này, bên cạnh Lê Công Định, Tạ Phong Tần, còn có LS Hà Huy Sơn, LS Hoàng Minh Thanh (Sài Gòn), LS Bùi Trần Đăng Khoa (Lâm Đồng), LS Nguyễn Chính (Hà Nội), LS Phùng Tường Vân, LS Ngô Đình Thuần (Sài Gòn), LS Phan Hồ Thiên Vũ (Sài Gòn), LS Bùi Tường Vũ, LS Hoàng Gia (Hà Nội)... Một số LS trên đây khi ký cho biết đã đắn đo, biết trước những hệ luỵ có thể xảy đến, nhưng vì trách nhiệm xã hội, vì nghĩa vụ công dân, sống chết theo nghề, nghiệp đã chọn, tin ở pháp luật và cán cân công lý cuối cùng sẽ thắng, nên dấn thân với sự đồng tình của gia đình, bạn bè, cả khách hàng quen biết và nhân viên trong công ty mình...

Cuộc đọ sức giữa nhóm lãnh đạo đảng trị có trong tay công cụ hung dữ gồm: công an, cảnh sát, nhà tù, tòa án và bộ máy tuyên truyền lừa dối chống lại luật pháp nghiêm minh và các luật sư ngay thẳng đang diễn ra quyết liệt.

Yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng hay bại xét cho cùng là thái độ của dân chúng trong xã hội. Dân chúng ngày càng bớt thờ ơ với việc nước, ngày càng bớt nhu nhược, bớt sợ hãi cường quyền. Khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, danh dự dân tộc bị thách thức, lãnh thổ Tổ quốc bị lấn chiếm, quốc thể bị chà đạp, đa số nhân dân Việt Nam liền bật dậy đồng loạt.

Nhóm toàn trị hung bạo, quỵ luỵ trước ngoại bang đang tính sai nước cờ tàn của họ. Ở thời đại hội nhập này, chỉ có thẳng thắn và trung thực tôn trọng các Công ước quốc tế về nhân quyền, tôn trọng thật sự, không gian lận, những điều khoản của Hiến pháp Việt nam hiện hành về thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí và tự do lập hội của mọi người công dân, người lãnh đạo mới dành được sự quý trọng và tín nhiệm của nhân dân. Chỉ có quý trọng những luật sư có tâm huyết, có trí tuệ, coi đó là của quý của quốc gia để cùng họ xây dựng chế độ pháp trị dân chủ, bình đẳng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, người lãnh đạo mới dành được uy tín và sự tín nhiệm của dân chúng.

Căn bệnh dị ứng với pháp luật và căm thù giới luật sư không lo trị cho dứt thì nhóm lãnh đạo độc đoán theo kiểu "đảng trị" sẽ còn khốn đốn và bế tắc dài dài.

No comments:

Post a Comment