VietCatholic News (25 Jul 2009 18:09)
Việc nhà cầm quyền Quảng Bình dùng công an và một số người mặc thường phục tấn công đánh đập tàn nhẫn, man rợ, và bắt đi một số giáo dân đang dựng ngôi lán tạm trên nền đất Nhà thờ Tam Tòa cũng như phá hoại và tịch thu tài sản của họ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp đất nước bởi những người có lương tri và thiện chí hòa bình. Không chỉ có trong nước mà cả thế giới đang được đánh thức bởi một địa danh vốn lặng lẽ tồn tại: Tam Tòa
Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, làn sóng hiệp thông, cầu nguyện cho Tam Tòa đang dâng cao mạnh mẽ. Trên thế giới, các hãng thông tấn lớn đã có những thông tin nhanh chóng về vụ việc này, nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ thái độ.
Kích động hằn thù, chia rẽ tôn giáo - con bài ngu xuẩn
Xưa nay, việc kích động xung đột tôn giáo trong lòng dân tộc là những điều mà kẻ ngu xuẩn nhất cũng không bao giờ làm. Vì đó sẽ là đại họa cho dân tộc, sẽ là vết thương khó chữa lành nhất trong mọi vết thương trên đất nước. “Kẻ cầm gươm sẽ chết vì gươm, người châm lửa sẽ chết vì lửa” là kinh nghiệm mà bao đời nay đã đúc kết.
Đã có biết bao cuộc chiến day dứt triền miên không thể giải quyết triệt để chỉ vì xung đột tôn giáo, sắc tộc. Không có một đất nước nào được bình yên khi các mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc tồn tại.
Mới đây cuộc xung đột sắc tộc ở Tây Tạng rồi Tân Cương - Trung Quốc với hàng trăm người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và nhiều tài sản, xe cộ bị đốt cháy, đập nát… là một ví dụ còn nóng tính thời sự.
Rồi những cuộc xung đột sắc tộc ở Kenya và những cuộc xung đột tôn giáo như ở Ấn Độ, ở Indonesia, Ai Cập… luôn luôn làm cho đất nước bất ổn và nhà cầm quyền phải đau đầu.
Chính vì lẽ đó, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải nhận biết điều này nếu muốn có một đất nước yên bình và hùng mạnh.
Thế nhưng, hầu như gần đây, cách hành xử của nhà cầm quyền nhiều nơi trên đất nước Việt Nam lại thể hiện một điều rằng: họ không học thuộc bài học này. Việc dùng các phương tiện truyền thông nhục mạ lãnh tụ tôn giáo, bóp méo sự thật, vẽ thêm râu thêm vuốt cho người Công giáo thời gian qua trong vụ Thái Hà và Tòa Khâm sứ là một ví dụ. Việc dùng đám “quần chúng tự phát… tiền” và đám thanh niên đến bao vây nơi thờ tự và gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là đi minh chứng điển hình.
Việc dùng bạo lực cướp bóc tài sản nhân dân là những hành động đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa lòng dân.
Mới đây, nhà cầm quyền Quảng Bình lại lao sâu vào tội ác khi dùng những người vô đạo có quyền lợi khi chiếm đất đai Nhà thờ đến đánh đập giáo dân ngay giữa thanh thiên bạch nhật với những đòn thù tàn bạo mất nhân tính, dùng công an đánh đập dã man giáo dân và lấy đi tài sản, Thánh Giá – Biểu tượng tối cao tinh thần tôn giáo của họ.
Hệ thống truyền thông lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại”, vu cáo giáo dân, bóp méo sự thật. Theo người dân Quảng Bình cho biết, Đài TH Quảng Bình còn vu cáo giáo dân Tam Tòa “tiếp tay cho Đế Quốc Mỹ nhằm che giấu tội ác chiến tranh” (?)
(Việc ai che giấu tội ác thì nhiều ví dụ thực tế đã rõ, những người dân Việt đánh cá trên biển của mình thời gian qua phải nằm bờ vì lệnh cấm của Trung Quốc, việc các nạn nhân ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển mà không được sự bảo vệ cách chính đáng đã là hành động che giấu tội ác hiển nhiên. Việc Ải Nam Quan, một số đảo Trường Sa rơi vào tay quân thù của đất nước mà người dân không được tự do bày tỏ tinh thần yêu nước của mình thì đó là gì?
Đài TH Quảng Bình nên định nghĩa lại khái niệm về tội ác và che giấu tội ác).
Qua những ví dụ trên, người ta thấy rằng: Họ dường như chưa chịu học lấy bài học về xung đột tôn giáo.
Nói cách khác họ “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”.
Phải chăng, họ đang muốn gây nên một cuộc xung đột tôn giáo mới giữa một bên là tôn giáo từ hàng ngàn năm nay vẫn đứng vững, với một tôn giáo dựa trên bạo lực, súng đạn và sự dối trá?
Chân mình cứt lấm bê bê…
Vị thánh trẻ Anrê Phú Yên tử đạoTrước hết, cần nói ngay rằng: Việc nhà cầm quyền Quảng Bình ngang nhiên lấy đất đai, tài sản nhà thờ cho mục đích làm “chứng tích tội ác” là một việc làm bất chấp pháp luật và lòng dân. Bởi trước khi thực hiện điều này, tài sản đó đang là của một cộng đồng tôn giáo ở đây mà họ không hề đếm xỉa đến.
Hẳn nhà cầm quyền Quảng Bình cũng biết một điều đơn giản: Khi mình muốn vào nhà ai đó làm gì, trước hết phải xin phép chủ nhà, ngược lại điều đó là sự vi phạm, lấy nhà người khác ngang nhiên là sự cướp.
Hầu như cái não trạng chính quyền coi của người khác là của mình, những bổn phận mình phải làm khi hưởng lương của người dân là một sự ban ơn đã khắc sâu và in đậm vào tâm trí của họ. Vì vậy khi chiếm đoạt cơ sở thờ phượng của người dân, của tổ chức tôn giáo, họ coi như thò tay vào túi lấy tiền mình?
Điều này chỉ hợp với những năm tháng chiến tranh đóng chặt cửa với thế giới bên ngoài. Lúc đó cũng giống như những ngôi nhà đóng chặt cửa, ông bố nghiện hút tha hồ đánh đập, hạch sách vợ con mà xã hội không hề hay biết.
Nhưng thời thế đã đổi khác, khi hội nhập với thế giới, những tư duy đó phải bị đào thải, tất cả phải theo Hiến pháp và Pháp luật. Người dân đã ý thức cao hơn về một nhà nước pháp quyền phải như thế nào. Do vậy, việc lấy đất đai của một tổ chức xã hội, tôn giáo bất chấp ý kiến của đương sự là điều không ai có thể chấp nhận được.
Dù họ có biện minh kiểu nào đi nữa, dù có hứa hẹn năm hay mười địa điểm khác nhau, nhưng đến nay, khi chưa có sự đồng thuận của giáo dân và giáo quyền mà họ đã cướp đoạt, sử dụng đất đai đó thì đều là trái pháp luật. Đến nay đất đai đó vẫn thuộc giáo xứ Tam Tòa, đó là điều không thể chối cãi.
Phải chăng, họ đang học theo con bài của UBND TP Hà Nội ngang nhiên lấy đất Thái Hà cho Xí nghiệp Dệt thảm len Đống Đa, sau chuyển cho Công ty Cổ phần May Chiến Thắng, rồi lại lấy đất đó làm công viên, điều đó được thực hiện bằng súng, đạn, chó, công an và muôn vàn mưu kế khác nhau? Khuôn viên Tòa Khâm sứ cũng tương tự, cuối cùng Hà Nội có hai vườn hoa bất đắc dĩ?
Chưa cần nói đến tính hợp pháp, chỉ tìm hiểu vì sao chứng tích tội ác lại phải là nhà thờ? Điều này không chỉ có ở Quảng Bình, mà ngay ở Nghệ An cũng đã thực hiện.
Phải chăng, nhà cầm quyền cũng hiểu rằng: Việc phá hoại tài sản tôn giáo, ném bom các nhà thờ, nơi thờ tự của tôn giáo là tội ác khó được tha thứ nhất dù là trong chiến tranh, vì vậy chứng tích tội ác thì nhất định phải là nhà thờ?
Nếu họ đã hiểu điều đó thì họ cũng nên hiểu thêm điều này: Khi người khác xâm phạm đời sống tín ngưỡng là tội ác, vậy khi họ xâm phạm ngang nhiên tài sản và tín ngưỡng của nhân dân có là tội ác không? Việc họ muốn xây dựng chứng tích tội ác bằng cách thực hiện những tội ác mới với chính nhân dân mình, đồng bào mình thì được định nghĩa là gì?
Thật chí lý khi cha ông ta nói rằng: “Chân mình cứt lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
Hậu quả không nhỏ cho thói hung hăng dựa trên bạo lực
Thói thường, những kẻ hung hăng, thích sử dụng bạo lực lại là những kẻ ít suy nghĩ bằng cái đầu. Trong dân gian, người ta gọi dùng nhiều ngôn từ khác nhau để chỉ những kẻ dùng sức trâu bò giải quyết các xung đột.
Nhà cầm quyền Quảng Bình đã đối xử với giáo dân bằng bạo lực, bằng chia rẽ tôn giáo và kỳ thị một bộ phận nhân dân với nhiều trò ma quỷ. Điều đó sẽ dẫn đến cái gì?
Có thể nhà cầm quyền Quảng Bình đã suy nghĩ thật đơn giản như khi trấn áp một đám dân chúng bức xúc vì các dự án ảnh hưởng môi sinh mà họ không đồng tình, cứ dùng công an, vũ lực bắt, rồi xét xử dăm bảy năm tù những người nào có uy tín để đe dọa, răn đe những người khác phải ngậm miệng, câm nín cho nhà cầm quyền tha hồ hành động…
Với đại đa số quần chúng nhân dân, khi những việc chung của mọi người nhưng ảnh hưởng đến cá nhân mình, thì đành im lặng, đó cũng là thói quen “cha chung không ai khóc” được rèn luyện cho mỗi cá nhân thấm nhuần sau hơn 60 năm trời sống dưới chế độ cộng sản với lý thuyết “làm chủ tập thể”(!).
Nhưng, khi họ sử dụng con bài đó với giáo dân, dù là ít ỏi, thì họ đã nhầm lẫn một cách tai hại.
Họ không biết rằng với người công giáo, dù bất cứ nơi đâu, ở tại địa phương hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tài sản và danh dự của Giáo hội đều được giáo dân quyết tâm bảo vệ, dù phải trả bằng máu. Nhất là với những biểu tượng tôn giáo của mình như Thánh Giá, ảnh tượng, nhà thờ...
Họ không biết rằng, Giáo phận Vinh với gần 500.000 giáo dân luôn sẵn sàng đứng bên nhau để bảo vệ lẽ phải và sự công bằng, luôn đoàn kết và được dẫn dắt dưới một hàng giáo phẩm và đội ngũ các linh mục kiên trung luôn sẵn sàng hi sinh vì đoàn chiên.
Họ không biết rằng dù Giáo xứ Tam Tòa là một địa danh nhỏ, nhưng nơi đây đã là nơi đánh dấu nhiều dấu tích của ơn kêu gọi, nơi đây đã sản sinh cho Giáo hội Việt Nam những con người làm rạng danh Giáo hội và đất nước. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình Thế giới tại Tòa Thánh Vatican đã từng sống và làm mục vụ tại đây hiện đang được lập hồ sơ phong Thánh.
Đức Cha phó Võ Đức Minh – Giáo phận Nha Trang đã là người từ nơi này sinh ra. Ngài cũng chính là người đã tặng GX Tam Tòa cây Thánh giá hiện đang bị nhà cầm quyền Quảng Bình cướp đoạt. Nhà thơ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ nổi tiếng nhiều thời đại đã từng nhận ơn gọi làm tín hữu nơi đây… Vì vậy, địa danh Tam Tòa là địa danh mà nhà cầm quyền có muốn, cũng không thể nào xóa được.
Và một điều nữa họ chưa hề biết, đó là tinh thần tử đạo của giáo dân Giáo phận Vinh luôn luôn mãnh liệt. Sự đoàn kết của họ đã được chứng minh qua nhiều thử thách.
Trong lịch sử VN hiện đại, người ta còn nhớ thời cộng sản sắt máu nhất là những năm chiến tranh 1969, một giáo xứ nhỏ nằm lẻ loi như Đông Yên, đã giữ gìn linh mục Vũ Đình Giáo hàng hơn nửa năm trời bằng tất cả tấm lòng mình, đến khi nhà cầm quyền buộc phải nhờ TGM với Đức Cha Trần Hữu Đức can thiệp mới đưa nổi Ngài ra khỏi đó, thì ngày nay đừng nghĩ đơn giản rằng dùi cui, hơi cay hoặc bạo lực có thể làm họ khuất phục.
Ngày mai và những ngày sau đó, Giáo dân Giáo phận Vinh sẽ làm gì khi các nạn nhân oan khuất vẫn bị giam giữ, những người bị đánh đập vẫn mang trên mình đầy thương tích, những giáo dân đang đứng trước một sự đe dọa của những phiên tòa xét xử các Giáo dân làm chứng cho Đức Kitô?
Hãy đọc những văn bản, những hành động mạnh mẽ, kiên quyết và vững vàng thống nhất của Tòa Giám mục Xã Đoài để hiểu hậu quả của hành động hung bạo nhất thời này.
Xin nhắc lại lời cuối của bản kiến nghị từ TGM Xã Đoài: “Nếu những yêu cầu trên không được đáp ứng, Chính quyền tỉnh Quảng Bình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và công lý”.
Trách nhiệm của mỗi giáo dân chúng ta là phải hiệp thông với tất cả anh chị em bị hoạn nạn khi làm chứng cho Đức Kitô, “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:14b,15).
Hà Nội, Ngày 25/7/2009
JB. Nguyễn Hữu Vinh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment