Blog's Gió Heo May
NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH VI ĐẠO ĐỨC CỦA SINH VIÊN
41% sinh viên không thích cao thượng …
Có 36% SV đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt, 39% cho rằng tự do không phải là điều ai cũng cần.
"41% sinh viên không thích cao thượng" - cái tít làm tôi hơi bị shock- Bài viết đăng trên báo Pháp Luật ngáy 22/6/09 xin được giới thiệu cùng các bạn.
Đây là một bài viết nói về một đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức- nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường Đại học tại thành phố HCM trong giai đoạn hiện nay”, đây là đề tài nghiên cứu cấp bộ đã được hội đồng khoa học phản biện đề tài đồng thuân đánh giá cao .Đề tài nghiên cứu đã cho thấy diện mạo SV hiện nay còn nhiều dao động, chưa rõ ràng trong việc lựa chọn lối sống và các giá trị đạo đức nhân văn.
LÀM THEO LƯƠNG TÂM SẼ BỊ THUA THIỆT:
Một tỉ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra có 32% SV chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Hơn nữa còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong SV. Cụ thể : 39% SV chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước; 43% SV chấp nhận rằng có hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc.
Một tỉ lệ khá cao là 41% SV đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó có 18% SV chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình.
Trong phạm vi quan hệ gia đình có đến 60% SV đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con.
NHIỀU KHI CHẤP NHẬN HÀNH VI TIÊU CỰC:
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy SV tự đánh giá về hành vi của mình trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn. Trong đó hàng loạt hành vi như: xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt cho người già và trẻ em, tự nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi, kiềm chế và tránh xúc phạm người khác, bảo vệ và trồng cây xanh, giúp người khác dù biết thiệt hại… thì lại không có hành vi nào được SV xếp vào mức rất thường xuyên thực hiện.
Nhiều hành vi tiêu cực cho thấy SV đôi khi hoặc nhiều khi thực hiện như: nói xấu người khác, tiêu xài lãng phí, trễ hẹn, gian lận và mưu mẹo trong thi cử, chưng diện lòe loẹt, nhậu nhẹt nói tục, chửi thề, xem thường người khác, cãi vã với cha mẹ, vô lễ với thầy cô và người lớn tuổi, đánh nhau, phá hoại môi trường, sai giờ, xả rá bừa bãi, trộm cắp, mê tín dị đoan, rủ bạn bè xem phim sex, sống thử.
Trương Hiệu
Những con số không vui, những con số nói lên nhiều điều tuy đã phần nào biết mà vẫn làm tôi bất ngờ. Điều đáng tiếc là công trình nghiên cứu không nêu ra được nguyên nhân tại sao những người trí thức trẻ bây giờ lại như thế.
Tôi chạnh nghĩ đến thế hệ chúng tôi cái thời đã xa . Cái thời mà mọi giá trị đạo đức cứ xanh tươi niềm tin. Chung quanh chúng tôi là ông bà,´cha mẹ, thầy cô, là chị Ba tàu hũ, cô Bảy hàng rong cứ hồn hậu giữa đời, cứ vất vả trong cái thật thà, lễ nghĩa. Cái thời mà những bài học đạo đức trong nhà trường và cuộc sống cứ hòa lẫn vào nhau như bản giao hưởng tuyệt vời. Cái thời mà anh chàng hippi tóc dài, quần loe đúng ở góc đường vẫn hiền lành như một chàng lãng tử. Cái thời không có nhiều những “người nhớn” làm bậy, tham ô vơ vét, ích kỉ, thực dụng như bây giờ. Cái thời mà những người trẻ chúng tôi không được dạy phải yêu một hình ảnh lý tưởng nào… mà lòng vẫn xanh ngời lý tưởng ,mà lòng cứ rời rợi ý nghĩa của những bài học làm người .Cái thời mà những cái xấu không trở thành “bình thường” như hiện nay.
Tôi chạnh nghĩ và thương những người trẻ bây giờ. Họ nghĩ và sống như thế là điều tự nhiên thôi. Chung quanh họ có quá nhiều những minh chứng cho một sự tồn tại, cho cuộc sống “vinh thân phì da”, trong khi những bài học đạo đức trong nhà trường lại quá mỏng ,quá xa vời với cuộc sống và khi thế hệ đi trước không là tấm gương trong sáng thì đừng đòi hỏi thế hệ đi sau là một hình ảnh trong lành. Trách người nhỏ một phải trách người nhớn mười.
Sẽ có người bảo: thì nhà trường và gia đình vẫn dạy chúng những điều tốt đấy thôi. Vâng, nhưng những bài học trong nhà trường không minh chứng được điều gì, không đủ sức thuyết phục những người trẻ khi họ bước vào cuộc đời với muôn vàn thử thách. Bài học cay đắng và hạnh phúc ở đời sẽ dạy họ nhiều hơn, thực tế hơn những gì mà nhà trường và gia đình dạy họ. Chung quanh họ có bao điều chứng minh “đôi khi cao thượng lại là mù quáng…”. Và họ tìm con đường đi an toàn, thuận lợi nhất như cha anh, cô chú họ đã chọn đấy thôi.
Cũng lo đấy phải không? Đất nước sẽ thế nào với những con số như thế trong một cộng đồng nhỏ những người trí thức trẻ cả nước? Những người chủ đất nước mai sau sẽ làm gì đây. Tôi không thể hình dung được một đất nước sẽ sánh vai cùng các cường quốc năm châu bằng suy nghĩ, nhân cách của những người trẻ mang những thông số đáng buồn như thế!!!
Có lẽ nhiều "người lớn" và nhiều "người làm lớn" phải vắt tay lên trán thôi… muộn rồi.
Thursday, July 2, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment