Friday, July 10, 2009

NHỮNG SUY NGHĨ VỀ ĐẤT NƯỚC (PHẦN 1)

Lời mở đầu: Trăn trở theo vận nước điêu linh, người viết nghiêm chỉnh trình bày những suy nghĩ riêng tư với tinh thần trách nhiệm, chấp nhận những phản biện của bất cứ ai thực sự quan tâm đến vấn đề Đất Nước và sẵn sàng thảo luận để mưu tìm một đường lối khả thi, hiệu quả trong công cuộc tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ ở quê nhà.

“Chủ nghĩa Cộng Sản là tai họa của Nhân loại”. Không phải người thua trận như tôi phát biểu câu nói đó. Quốc Hội Âu Châu với đa số tuyệt đối ra Nghị quyết với kết luận bằng câu nói ấy. Bởi vì cộng sản biểu hiện cho sự man trá, sự lừa đảo, sự bất nhân. Vậy thì, chống Cộng là nghĩa vụ rất bình thường của con người có lương tâm, không có gì ghê gớm để tự vỗ ngực khoe mình là người chống Cộng và không có gì tồi bại cho bằng con người phạm tội ác, chuyên lừa đảo, chuyên man trá lại chụp mũ người khác là cộng sản. Với nhận định này, tôi quan niệm một người không phạm vào tội ác, không lừa đảo, không man trá, sống lương thiện đã là người chống Cộng rồi.

Sau 30 Tháng Tư năm 1975, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi vì không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản. Trong hơn 34 năm qua, ở hải ngoại đã có nhiều tổ chức, đoàn thể chống Cộng ra đời, nhưng tại sao chúng ta vẫn còn ở trong vòng lẩn quẩn chia rẽ, gấu ó lẫn nhau thì phải tự hỏi chúng ta đã phạm khuyết tật gì để khiến tình hình xảy ra nông nỗi này. Thử kiểm điểm một số hoạt động của lực lượng chống Cộng ở hải ngoại suốt 34 năm qua bằng thái độ tỉnh táo, không để cho tình cảm chi phối, vọng động, dám nhìn thẳng vào sự thật thì ta sẽ nhận biết nguyên do vì đâu.

Về Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam:

Trước năm 1975, tôi không hề biết trong Quân chủng Hải Quân VNCH có vị Phó Đề đốc tên là Hoàng Cơ Minh. Cuối năm 1976, tại chung cư của tôi ở thành phố Arlington, Virginia có cuộc họp mặt của một nhóm người muốn làm “một cái gì đó” cho Việt Nam. Thành phần tham dự gồm:

- Lãnh đạo tinh thần: Thượng tọa Giác Đức, linh mục Trần duy Nhất.

- Dân sự: Lãnh tụ Đảng Đại Việt Hà Thúc Ký, cựu Dân biểu Nguyễn văn Kim, cựu Tổng trưởng Tài chánh Châu Kim Nhân, cụ bà Đức Thụ, cụ Chử Ngọc Liễn, Tham vụ Ngoại Giao Lê Chí Thảo, luật sư Đỗ Đức Hậu, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, bà Lê thị Anh, sinh viên quốc gia tranh đấu Ngô vương Toại …

- Quân nhân: Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Trung tá Nguyễn văn Phán và tôi.

Sau hơn ba giờ đồng hồ thảo luận, chúng tôi quyết định thành lập Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam để phơi bày trước dư luận quốc tế về thảm trạng thuyền nhân. Để tránh cho mọi người mang cảm tưởng tôi mời đến họp tại nhà mình là có mưu toan gì cho cá nhân, tôi nhất định không đảm nhiệm một chức vụ gì trong Ủy Ban. Có thể nói, đó là tổ chức Nhân Quyền được hình thành sớm sủa nhất ở hải ngoại. Dù hoàn cảnh tài chánh khó khăn, vì phần lớn đều đi làm với đồng lương tối thiểu, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, trước tiền đình Liên Hiệp Quốc, được đồng bào hưởng ứng hết sức nồng nhiệt.

Qua sinh hoạt, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và tôi trở thành đôi bạn vong niên khá tương đắc. Bỏ lối xưng hô ông Tướng, tôi thân mật gọi ông Hoàng Cơ Minh là anh. Tôi bàn: “Có lẽ chúng ta không thể kéo dài tổ chức biểu tình đòi nhân quyền mãi được, vì chỉ có hiệu quả gây tiếng vang. Nhất định phải tiến hành tổ chức một đảng cách mạng để đấu tranh bằng vũ lực với kẻ thù, bởi vì căn cứ theo lời khẳng quyết của Trường Chinh Đặng Xuân Khu rằng Đảng CSVN cướp chính quyền bằng bạo lực thì Đảng CSVN sẽ bằng mọi giá giữ chính quyền bằng bạo lực. Cuộc thảo luận kéo dài hơn một tháng trời, nhưng chúng tôi không thể nào đi đến một điểm mấu chốt: Tôi chủ trương hoạt động bí mật với phương châm “qúy hồ tinh, bất qúy hồ đa”, chọn đối tượng một cách cẩn trọng để tránh tối đa bị đối phương xâm nhập. Anh Hoàng Cơ Minh chê cách xây dựng tổ chức của tôi sẽ mất quá nhiều thời gian. Anh đề nghị tôi bay sang Hawaii với anh, tìm một cánh rừng na ná miền nhiệt đới Đông Dương, quay phim hoạt cảnh sinh hoạt của kháng chiến quân, rồi đem về Hoa Kỳ chiếu cho đồng bào xem để vận động tài chánh. Tôi kêu lên: “Không thể làm như thế được đâu anh Minh. Một ngày nào đó người ta phát giác việc làm khuất tất của anh em mình, thì chỉ còn có nước chui xuống hang mà sống”. Thuyết phục tôi mãi không được, anh Minh giận dỗi đứng lên. Tôi nắm tay anh, nhỏ nhẹ nói: “Nếu cuộc đấu tranh này phải kéo dài hết đời mình, mình vẫn phải kiên nhẫn làm và truyền lại cho thế hệ mai sau, anh ạ! Dục tốc bất đạt!”. Anh Minh cười khẩy: “Cậu là con người lý thuyết, tôi là con người hành động. Cậu hãy ngồi đó mà lý thuyết!”. Nói xong, anh bỏ ra về. Lúc bấy giờ tôi cũng khá giận anh, vì nghĩ rằng anh cho tôi chết nhát, nên tôi nói với theo: “Làm như cách của anh, anh sẽ trở thành thảo khấu!”

Được sự hỗ trợ của Richard Armitage, Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, đặc trách Á Châu Sự Vụ, dưới thời Tổng thông Ronald Reagan, trong công tác đi tìm người Mỹ mất tích ở chiến trường Đông Dương, anh Hoàng Cơ Minh dẫn đoàn chiến sĩ cách mạng Việt Nam lên đường đi Thái Lan. Ông Richard Armitage từng là Cố vấn cho Hải Quân Việt Nam, có vợ Việt nên nói được tiếng Việt. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, gửi ký giả Hoàng Xuyên đi theo đoàn để làm phóng sự. Nếu không thông rõ nội vụ, ai đọc bài phóng sự của ông Hoàng Xuyên đều cảm thấy hào hứng, mừng rỡ vô cùng. Tôi nói cho ông Hoàng biết bài phóng sự của ký giả Hoàng Xuyên viết hấp dẫn, nhưng không phản ảnh đúng sự thật. Ông Hoàng không tin, cho rằng tôi có lòng đố kỵ.

Có một nhân vật đi theo đoàn, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ – nguyên Tỉnh trưởng Thừa Thiên – cho tôi biết sự dàn cảnh quay phim Kháng Chiến quân để lộ nhiều sơ hở mà nếu kẻ nào tinh ý đều thấy. Anh Duệ là người sĩ quan rất thương yêu và kính trọng Tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh Hoàng Cơ Minh từ “Khu Chiến” trở về Hoa Kỳ, tổ chức Đại hội Chính Nghĩa ở California, Texas, Virginia có xe cảnh sát chớp đèn, hụ còi hộ tống. Ai nấy đinh ninh Mặt Trận được Hoa Kỳ ủng hộ, chứ không biết rằng ở Mỹ hễ có tiền là có thể thuê cảnh sát hộ tống. Mọi người nô nức reo hò như thể chứng kiến đoàn quân giải phóng của Mặt Trận ca khúc khải hoàn giữa thủ đô Sài Gòn. Phong trào yểm trợ kháng chiến bùng lên như diều gặp gió. Anh Minh sai người đi mời tôi đến gặp anh, giống như anh muốn khoe sự nồng nhiệt ủng hộ của đồng bào. Tôi không đến, vì anh đã đăng quang, đội vương miện, chẳng lẽ gặp anh, tôi nói sớm muộn gì rồi anh sẽ bị rơi mặt nạ thì buồn lòng nhau biết mấy!

Một người anh thúc bá của tôi – Đặng văn Đệ – đề nghị giới thiệu tôi với người đồng chí cũ từng lưu lạc sang Tầu, anh Phạm văn Liễu. Tôi từ chối và nói cho ông anh họ biết Mặt Trận Kháng Chiến của anh Hoàng Cơ Minh là bịp, đã khiến cho anh Đặng văn Đệ giận tôi một thời gian khá lâu, mãi cho đến khi Mặt Trận vỡ ra làm đôi thì anh Đệ mới hết giận tôi. Nhiều người tham gia Mặt Trận được tôi cho biết sự thật, cũng giận tôi, vì họ nghĩ rằng tôi gièm pha, nói xấu Mặt Trận. Ở đất nước tự do, kiểm chứng thông tin dễ dàng, nhưng người ta có xu hướng không dám nhìn vào sự thật, vì sợ vỡ mộng?! Đó là cái tâm lý giúp ta hiểu vì sao Hồ Chí Minh có thể đánh lừa cả nước.

Do nguồn yểm trợ tài chánh tuôn vào dồi dào, Mặt Trận vỡ ra làm đôi vì ăn không đồng, chia không đều? Anh Chín (bí danh của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh) muốn chứng tỏ Mặt Trận là tổ chức kháng chiến thật, nên anh dẫn một đoàn cán bộ xâm nhập nội địa Việt Nam. Dường như có viên tình báo phản gián Việt Cộng tên Bùi văn Nam Sơn xâm nhập vào tổ chức từ lâu mà Mặt Trận không hay biết. Tên này đã dẫn đường cho đoàn kháng chiến rơi vào ổ phục kích Việt Cộng. Trung tá Nhảy Dù Lê Hồng đến chào từ biệt tôi trước khi lên đường. Tôi đã hết lời khuyên can anh, nhưng chí Lê Hồng đã quyết, không thể thay đổi được. Tôi thương tiếc Lê Hồng xiết bao! Vì xốc nổi, đi ngược quy luật đấu tranh, anh Minh dấn thân vào chỗ chết đã đành, anh còn kéo theo nhiều đồng chí của anh chết thật oan uổng. Nhưng điều tệ hại hơn hết, Mặt Trận vẫn khai thác cái chết của anh để làm tiền. Theo tôi, anh Minh là con người lý tưởng, nuôi chí lớn, nhưng nóng vội để chứng tỏ mình là con người hành động. Một khuyết điểm nghiêm trọng là khi được tung hô, anh Minh quên những người quanh anh dám nói lời thật để cố vấn anh. Dù sao đã từng chia nhau điếu thuốc, gói mì, nằm đất với nhau, bàn tính cùng nhau mưu sự quang phục quê hương, anh Minh sai người tới gọi tôi lại là một kiểu cách trịch thượng.

Mặc dầu anh Hoàng Cơ Minh đã hy sinh trên vùng biên giới Thái – Lào, tờ báo Kháng Chiến của Mặt Trận vẫn tiếp tục đăng thư của chiến hữu Chủ tịch từ chiến khu quốc nội gửi ra thăm đồng bào và các cháu nhi đồng. Ngoài ra, tờ Kháng Chiến mỗi số đều phịa ra tin Kháng Chiến Quân đánh tan những đồn Công An của Việt Cộng để nhằm mục đích quyên tiền đồng bào yểm trợ kháng chiến. Ông Nguyễn Thanh Hoàng là người cực kỳ đa nghi mà bị cú lừa của Mặt Trận nên đau vô cùng. Tờ Văn Nghệ Tiền Phong với ngòi bút sắc, độc của Tú Rua Lê Triết đã “đánh” Mặt Trận tơi bời hoa lá. Chẳng bao lâu sau, vợ chồng Lê Triết bị bắn chết khi vừa mở cửa xe hơi đỗ trước sân nhà. Đó là sự bạo hành hết sức hèn mọn. Báo chí Hải Ngoại im rơ, không dám hé răng. Cho đến khi Việt Cộng mở cửa cho “Việt Kiều” về thăm nhà, sự bịp bợm không thể kéo dài, Mặt Trận mới chịu giải tán và đặt ra tổ chức khác có danh xưng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt: Việt Tân). Một đảng chính trị thoát thai từ một Mặt Trận lừa bịp đồng bào thì lấy gì bảo đảm Việt Tân không tiếp tục lừa bịp đồng bào? Tôi viết lên điều này để cảnh tỉnh những người Việt có lòng đừng mê muội mà tiếp tay với TỘI ÁC.

Mặt Trận Hoàng Cơ Minh có một số hành vi khá giống Đảng Cộng Sản Việt Nam. Về hình thức, Chủ tịch thay hình đổi dạng, để râu dê giống ông Hồ, mặc đồ bà ba quấn khăn rằn giống Nguyễn thị Định. Về phương pháp khủng bố, Mặt Trận có toán trừng giới K-9 để thanh toán kẻ nào lên tiếng công kích Mặt Trận. Nhà báo, nhà văn nào viết bài phơi bày sự thật đều bị giết chết một cách thê thảm. Có lẽ cơ quan an ninh cảnh sát Hoa Kỳ chẳng quan tâm đến chuyện giữa người Việt với nhau, nên tất cả các vụ án mạng không thủ phạm nào bị phát giác. Lợi khí đi làm tiền là Cờ Vàng dán trên các cái lon để lây lất ở chợ búa, hiệu ăn và các cơ sở thương mại. Nhờ giỏi lừa bịp đồng bào, tiền đẻ ra tiền qua các dịch vụ kinh tài, Việt Tân là đảng chính trị có nguồn tài chánh dồi dào hơn tất cả các đảng chính trị khác. Việt Tân trả lương cho cán bộ, lập ra nhiều đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, trang Web được phủ che bằng lá Cờ Vàng làm bùa hộ mạng. Cơ sở ngoại vi nhiều đến độ không ai biết hết được. Những thành phần cốt cán của Mặt Trận mà chúng ta có thể tin là người quốc gia như các ông Nguyễn Kim Huờn, bác sĩ Trần Xuân Ninh, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đều lần lượt bị đẩy ra khỏi Việt Tân để nhường chỗ cho ông Tổng Bí thư Lý Thái Hùng không ai có thể xác định nguồn gốc. Các ông Nguyễn Kim Huờn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Xuân Ninh là những người nằm trong gan ruột của Mặt Trận, phải có trách nhiệm nói lên Sự Thật. Nếu một ngày nào đó Việt Tân trở thành Đảng Đối Lập Cuội của Việt Nam Cộng Sản thì các ông này chính là kẻ tiếp tay cho TỘI ÁC.

Về Hội Đoàn Quân Đội:

Hội đoàn Quân Đội không thể là một đoàn thể chính trị. Tôi đã khẳng định điều này bằng nhiều bài viết từ thế kỷ trước. Bởi vì đoàn thể chính trị có Cương Lĩnh, Tuyên Ngôn và kết nạp đối tượng đảng viên theo một tiêu chuẩn nào đó. Trong khi ấy, Hội đoàn Quân Đội là nơi quy tụ những quân nhân có chung mầu cờ sắc áo của Quân, Binh chủng, đơn vị, quân trường … Ví dụ hội Không Quân đều đón nhận bất cứ người Không Quân nào, bất kể cấp bực, dĩ vãng, đạo đức. Hội không thể viện lý do anh Trần văn Xoài chỉ biết nịnh bợ xếp để xin đi sang Air Việt Nam lái tầu bay dân sự lắm tiền, rồi xin trở lại KQ khi thấy địch trang bị hỏa tiễn phòng không SA-7 để từ chối đương sự gia nhập Hội. Hoặc anh KQ Nguyễn văn Mít trước kia coi kho xăng, thường chở cả xe bồn xăng đi bán, cũng phải được Hội chào đón. Thậm chí, kể cả anh em quyết ở lại nước sau 30 Tháng 4 vì tin tưởng Mặt Trận Giải Phòng Mìền Nam, khi sang Mỹ còn được Hội nồng nhiệt tiếp đón. Ngoài ra, hội viên của Hội có những thành viên thuộc đảng tịch chính trị khác nhau hoặc không ưa chính trị, mà ông Hội trưởng dẫn dắt hội viên vào đường chính trị thì chắc chắn sẽ gây phân hóa, chia rẽ. Hội trưởng được bầu chọn là vì người ấy chấp nhận hy sinh “vác ngà voi”, chứ không phải là người có khả năng chính trị. Ngay như có vị từng đảm trách cương vị đứng đầu Quân chủng trước kia cũng không có khả năng điều hành trôi chảy một cuộc đầu phiếu, thì nói chi đến việc lãnh đạo Hội làm chính trị? Đoàn thể chính trị cần thống nhất tư tưởng để thống nhất hành động và chịu sự lãnh đạo của lãnh tụ. Hội đoàn Quân đội chỉ lấy lập trường Chống Cộng chung chung và thành viên muốn đến với Hội thì đến hoặc muốn đi thì đi. Hội trưởng không phải là lãnh tụ. Cho nên khi được bầu làm Hội trưởng, tôi yêu cầu hủy bỏ tiết mục Chế Tài trong Nội Quy. Nói tóm lại, Hội đoàn Quân Đội là hội ái hữu, tương thân tương trợ có tính cách thù tạc nhiều hơn là sự giúp đỡ đời sống vật chất thường nhật, vì đã có cơ quan xã hội (welfare) của chính phủ đảm trách rồi. Từng là trưởng ban tổ chức Đêm Không Gian “hoành tráng”, bây giờ nghĩ lại tôi tự cảm thấy thèn thẹn, vì cử hành chào cờ hát quốc ca xong, rồi quay ra ăn nhậu, nhảy đầm thì thật là khôi hài.

Tuy nhiên, chính trị bao trùm mọi mặt của đời sống: văn hóa, xã hội, khoa học … Thậm chí một người nào đó nói “tôi không làm chính trị” cũng đã là làm chính trị rồi! Vậy thì anh em quân nhân có cùng quan điểm, lập trường, ý chí đứng ra thành lập một đoàn thể chính trị cho riêng mình thì được; nhưng lấy danh xưng của Quân Đội để khoác cho đoàn thể của mình là không nên. Trường hợp điển hình mới đây nhất là ở San José, Tập Thể Chiến Sĩ và Liên Hội Cựu Quân Nhân cử hành Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu trong hai ngày khác nhau tại cùng một địa điểm, vì một bên chống cô Nghị viên Madison Nguyễn và một bên bênh cô Madison Nguyễn là bằng chứng hùng hồn nhất cho khẳng định trên.

Về Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa:

Năm 2003, một nhóm vài trăm quân nhân họp nhau lại và tự đặt cho mình cái tên “Đại Hội Toàn Quân” là một sự tiếm dụng danh nghĩa không thể chấp nhận được. Điều tê hại hơn nữa, Đại Hội lại chọn một vị giáo sư đã rời hàng ngũ từ lâu, chưa hề tác chiến, làm thủ lãnh thì hết nước nói. Lãnh đạo một Tập Thể phải là người từng lăn lộn sống chết với anh em, nếu không có cái uy do thành tích chiến đấu mang lại, thì tối thiểu ông ta phải là người có “máu” nhà binh, nhân dáng nhà binh, nói năng hùng hồn và lập luận vững chắc. Ông Chủ tịch Tập Thể Chiến sĩ không chịu nhìn nhận mình là Đại tá Cựu Tư Lệnh KQ, lại xưng là Giáo sư thì chứng tỏ ông coi khinh đám lính võ biền dưới tay thấy rõ. Ở Phi châu, nước Lybia có ông Đại tá tên là Momar Quadafi làm Tổng thống dưới tay có nhiều Tướng lãnh phục vụ đấy thôi. Do không có thành tích quân sự và bản tính ông Vinh nhát sợ vì khi được chính phủ VNCH mời về làm Bộ trưởng mà nghe đêm đêm Việt Cộng pháo kích vào Sàigòn, ông đã quay trở lại Hoa Kỳ, nên ông chỉ đặt trọng tâm hoạt động của Tập Thể trong việc hiếu hỉ, quan hôn, tang tế, hô hào mặc quân phục và … ngồi xe bỏ mui để được vệ sĩ hộ tống là điều đương nhiên. Con người chỉ chuộng hình thức, ưa kẻ khác tâng bốc nhằng, ông Vinh đang dẫn dắt Tập Thể đi theo chiều hướng “Lễ Hội” nổi đình nổi đám cờ quạt, hơn là thực sự đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ ở quê nhà.

Giữa ông Nguyễn Xuân Vinh và tôi không có vấn đề tư thù cá nhân như một ông sĩ quan KQ cố tình đánh lạc hướng. Trái lại giữa hai chúng tôi từng có mối giao tình, vì ông Vinh đã ca ngợi tôi trong một tác phẩm của ông. Bây giờ ông Vinh là khuôn mặt quần chúng, tôi có nghĩa vụ đề nghị Tập Thể Chiến Sĩ phải xét lại người lãnh đạo của họ để những chiến sĩ đã nằm xuống không tủi hổ vong linh.

Không hiểu do vận nước hay cơ trời hành hạ cái dân tộc này, văn đàn Đồng Tâm xuất bản một số báo tôn vinh ông Nguyễn Xuân Vinh là một nhân vật “Văn Võ Toàn Tài” mà bất cần khảo sát thành tích của đương sự. Về nghiệp Văn, ông Vinh chỉ viết một vài tác phẩm làng nhàng với mục đích đề cao cá nhân (Cái Tôi), không hề có tư tưởng cải tạo xã hội hay xây dựng tư duy quần chúng trong sự nghiệp đấu tranh về quyền con người. Về nghiệp Võ, ông Vinh được làm Tư Lệnh không do thành tích chiến đấu; là phi công, ông Vinh chưa hề được xác định hành quân, chỉ do tài “khéo léo” để được ông Đỗ Mậu – Quân ủy Cần Lao – tiến cử lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sự tâng bốc ông Nguyễn Xuân Vinh thành một nhân vật “Văn Võ Toàn Tài”, là tự đánh giá thấp danh xưng Văn Đàn và gián tiếp khinh miệt chiến sĩ có dự mưu. Bởi vì danh hiệu Văn Đàn chắc phải là nơi quy tụ của những con người có trình độ văn hóa cao, không thể hành động lấy lòng một cách bừa bãi để tổn thương một Quân Đội từng chiến đấu cho tự do của Miền Nam.

Về Hội Đồng Tướng Lãnh:

Hiệp định Genève năm 1954, các thế lực quốc tế chia Việt Nam ra làm hai nước: Bắc Vĩ tuyến 17 là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; Nam Vĩ tuyến 17 là nước Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30 Tháng 4, nước Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ, các cơ chế hành chánh, quân sự không còn. Quan to cũng như lính quèn đều là người tị nạn chính trị. Đó là một thực tế không cần luận bàn. Ông Tướng có binh quyền trong tay thì có quyền hành. Ông Tướng mất binh quyền thì cũng giống như anh Binh Nhì mà thôi. Nếu anh em cựu quân nhân còn nghĩ tới chút tình chiến hữu, các ông Tướng do tuổi cao, chức lớn có thể tạo cái UY cho mình giống như bậc Tiên Chỉ trong làng. Cái UY lớn hơn cái Quyền. Chẳng hạn, công nhân bến tàu Anh Quốc đình công, chính phủ thương lượng không xong. Cựu Thủ tướng Winston Churchill, mặc dầu không còn là Thủ tướng, nhưng ông đích thân kêu gọi công nhân trở lại làm việc, vì tàu bè là nguồn sống của đảo quốc. Các công nhân vui vẻ trở lại làm việc là do cái UY của ông. Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có QUYỀN mà không có UY, vì họ là những kẻ bội tín, bị dân khinh.

Suốt thời gian 34 năm qua, các ông Tướng không có một động thái nào để tạo cái UY cho mình mà mang danh xưng Hội Đồng Tướng Lãnh là cả một sự khôi hài. Giá như khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị bọn phản chiến Mỹ đòi trục xuất ông ra khỏi nước mà các Tuớng Lãnh đều đồng loạt ký vào affidavit để xin tòa bãi nại, thì cái UY của Tướng sẽ có. Giá như khi biết Tướng Hoàng Cơ Minh đã chết và Mặt Trận vẫn tiếp tục đánh lừa đồng bào, các Tướng phải yêu cầu Mặt Trận làm truy điệu đúng lễ nghi quân cách của vị Tướng đã hy sinh vì Đất Nước, thì cái UY của Tướng sẽ có. Giá như khi thấy ông cựu Đại tướng Quốc trưởng Nguyễn Khánh “bị” chính phủ lưu vong Nguyễn Hữu Chánh phong cho cái hàm Quốc trưởng mang hia đội mão, các ông Tướng đứng ra khuyên ông Đại tướng đừng làm trò hề khiến anh em binh sĩ bị nhục lây, thì cái UY của Tướng sẽ có. Giá như các ông Tướng tham gia vào công tác cựu trợ thuyền nhân chìm nổi ngoài Biển Đông, thì cái UY của Tướng sẽ có.

Tôi tin chắc rằng có nhiều cựu chiến sĩ như tôi không biết Hội Đồng Tướng Lãnh gồm những vị nào và ai là người đứng đầu Hội Đồng đó. Mới đây, ở San Jose, Hội Đồng Tướng Lãnh cử Đại tá Trần thanh Điền đến đọc diễn văn trong dịp cử hành Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 do một bên tổ chức là sai nguyên tắc đoàn kết. Theo thiển ý, vai trò Hội Đồng Tướng Lãnh là “hòa hợp, hòa giải” sự xung đột giữa các hội đoàn quân nhân, chứ không thể cử người đại diện của mình đi đọc diễn văn cho một phía. Nếu tôi nói các Tướng Lãnh trong Hội Đồng đã không ý thức giá trị thực của mình sau khi mất nước, lại hành xử kém cỏi không đủ tầm cỡ làm Tướng, thì sẽ có người cho tôi ngạo mạn? Nhưng thực tế là thực tế! Trong quá khứ, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, các Tướng đua nhau chỉnh lý, đảo chánh đã làm xấu đi hình ảnh Tướng trong lòng nhân dân và ngay cả trong lòng quân nhân. Đó là chưa kể có Tướng tham nhũng, lính ma lính kiểng, chứa bạc và Tướng Tư lệnh Tiền phương bỏ chạy trước quân lính.

Về Vai Trò Báo Chí, Truyền Thông:

Hơn ai hết, người làm công tác truyền thông có lương tâm mang một trọng trách, một sứ mạng lớn hơn tất cả các ngành nghề khác. Bác sĩ lầm lỗi chỉ có thể giết chết một con bệnh. Người làm công tác truyền thông loan tin với dụng ý xuyên tạc ảnh hưởng dư luận đám đông, có thể giết chết nhiều người. Dám mang trên mình cái “sứ mạng” thì dám đối diện SỰ THẬT dù có thể nguy hại đến bản thân. Ở nước tự do, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng thì không lý do gì để sợ hãi SỰ THẬT như sống dưới chế độ độc tài toàn trị. Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng, một cựu thành viên của Mặt Trận, nhìn thấy sự lừa đảo, bịp bợm của Mặt Trận, can đảm viết bài “Vàng Rơi Không Tiếc” gửi các báo, không báo nào dám đăng, ngoại trừ giai phầm Lý Tưởng của Không Quân. Khi một thành viên trong ban biên tập Lý Tưởng bị Mặt Trận chụp mũ cộng sản, gây nên cái chết oan ức cho người chiến sĩ từng chinh Nam phạt Bắc Phạm Đăng Cường, thì không một báo nào lên tiếng hài tội Mặt Trận. Phải chăng cái chết của ký giả Đạm Phong, của vợ chồng Lê Triết, của nhà văn Duyên Anh vì dám tố cáo sự gian trá, lừa đảo, bịp bợm của Mặt Trận đã khiến cho báo chí hải ngoại sợ hãi mà đành câm nín? Thế thì báo chí hải ngoại ồn ào lên án CSVN bịt mồm Cha Lý, bỏ tù người bất đồng chính kíến có chút giá trị nào không? Hay chỉ dám “chửi” cộng sản, vì đang sống ở hải ngoại? Một điều tệ hại hơn hết là nhiều vị chủ báo cho đăng bài không cần kiểm chứng để hạ uy tín, thanh danh người khác và khi nạn nhân gửi lời yêu cầu đòi cải chính thì tảng lờ làm như không nhận được sự khiếu nại. Hành động ấy có khác gì CSVN không cần cứu xét đơn khiếu kiện của dân oan? Nhận định của tôi là báo chí hải ngoại đã không làm tròn chức năng của truyền thông. Báo chỉ đăng bài hợp với thị hiếu quần chúng để câu độc giả. Người làm báo có quyền khai thác thông tin từ mọi phía. Việc gì ông chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến phải bí mật tiếp xúc với Nguyễn Tấn Dũng để ngày nay bị biểu tình đả đảo?

Về Chiến Dịch Cờ Vàng:

Bất luận ai đã chiến đấu dưới ngọn Cờ Vàng đều yêu qúy và tôn trọng Cờ Vàng. Chỉ có bọn con buôn chính trị mới dùng Cờ Vàng dán trên Thùng Tiền Chính Nghĩa như trong vụ Hồ Anh Tuấn chống Trần Trường hoặc Cờ Vàng dán lên Lon Lạc Quyên như Mặt Trận Kháng Chiến của HCM để làm tiền một cách bẩn thỉu. Nếu thực lòng yêu qúy ngọn Cờ Vàng, chúng ta phải có nghĩa vụ cấm ngăn, triệt hạ bọn lợi dụng Cờ Vàng vì mục tiêu bất chính. Khi còn nước Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta chiến đấu dưới ngọn Cờ Vàng để bảo vệ sự Tự Do – Dân Chủ của Miền Nam. Bây giờ hai miền Nam Bắc đã thống nhất làm một, bất kể thống nhất theo kiểu nào, sự đấu tranh vì Tự Do – Dân Chủ của chúng ta là cho cả nước Việt Nam, chứ không phải chỉ riêng cho Miền Nam. Nhân dân Miền Bắc cũng có nhu cầu Tự Do – Dân Chủ, nếu chúng ta bắt buộc phải hát Quốc ca VNCH và chào lá Cờ Vàng trong các cuộc hội thảo về tiến trình dân chủ là vô tình chúng ta đã loại một nửa thành phần Dân Tộc ra khỏi công cuộc đấu tranh chung. Về vấn đề này, tôi mong mỏi các nhà tranh đấu vì Tự Do – Dân Chủ thực sự cho Việt Nam phải suy nghĩ sâu sắc để tầm nhìn không bị giới hạn. Cờ Vàng đã bị lạm dụng một cách quá đáng.

Thời gian qua, chiến dịch Cờ Vàng được phát động rầm rộ, người Việt chống Cộng cảm thấy hân hoan, tự ái được vuốt ve. Nhưng đừng quên rằng dẫu cho ngọn Cờ Vàng được tất cả những quận hạt trên nước Mỹ thừa nhận, thì số phận của đồng bào mình trong nước vẫn không thay đổi. Vậy thì không nên nhọc công, phí sức vì cảm tính được thỏa mãn, mà quên mục tiêu của công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường là chủ yếu. Động cơ đấu tranh của người cộng sản là căm thù, động cơ đấu tranh của người Việt hải ngoài là do lòng thương yêu số phận cơ cực, nhục nhằn của đồng bào trong nước. Nơi nào có đàn áp, nơi đó có nổi dậy. Ở đây, chúng ta không bị ai đàn áp, không có lý do nổi dậy thì cuộc đấu tranh của ta phải sáng ngời chính nghĩa, nhất định không phạm vào tội ác hay đồng lõa với tội ác. Chụp mũ cộng sản bừa bãi là hành vi của tội ác.

***

Nêu lên những khuyết tật của hàng ngũ Chống Cộng, tôi không hề có chủ đích vạch áo cho kẻ thù xem lưng, mà nhằm mục đích đề nghị mỗi người hãy nhìn lại bản thân để công cuộc đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ ở quê nhà có kết quả. Kẻ thù nhìn thấy rõ lưng chúng ta hơn chính chúng ta, họ quá biết bản chất háo danh, chuộng hình thức, ưa mặc áo thụng vái nhau của lớp người tị nạn, nên họ đã thành công trong việc khai thác các khuyết tật của chúng ta để biến chúng ta thành những diễn viên phường chèo, làm trò giễu dở, vô duyên. Nhân dân Việt Nam đã khốn khổ lắm rồi, xin những ai còn có chút lương tri, có tấm lòng thì đừng khiêu vũ trên thân xác còm cõi của đồng bào. Mượn đầu heo để nấu cháo là hành động bất nhân, bất nghĩa.

Trong bài viết tới, tôi sẽ trình bày quan điểm của tôi về công cuộc đấu tranh cho tương lai Việt Nam mà tôi chủ quan tin rằng những ai chân thành muốn dấn thân vào sự nghiệp dân chủ hóa Đất Nước sẽ chấp nhận.

Bằng Phong Đặng Văn Âu, hoalong1@att.net
Viết xong ngày 1 tháng 7 năm 2009
Ngày kỷ niệm thành lập Không Quân VNCH

No comments:

Post a Comment