Huy Phương
Bà con tôi thường hay có tính lo chuyện bao đồng. Hết lo việc nhà đến lo việc nước, nhất là chuyện quê hương, làng mạc ở bên kia. Trong khi nhà nước Cộng Sản đứng thứ nhì xuất cảng gạo ngon ra nước ngoài thì bà con tôi ca cẩm xin từng lon gạo cho những bà cụ già neo đơn, túng thiếu. Nhiều người có lòng còn đóng góp tiền chỉ để nấu được nồi cháo phát cho dân nghèo trong làng xóm hay ở những vùng xa.
Bà con lập hội, thành lập phái đoàn y tế về Việt Nam khám bệnh phát thuốc, đưa người đi mổ mắt, xây cả bệnh viện, giúp người cùi, kẻ khuyết tật. Có người kêu gọi là đóng góp, không có ai kêu gọi cũng tự nguyện san sẻ cho những người thiếu may mắn hơn mình. Thậm chí nhiều vị cất công, được chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho phép ra hải ngoại đều đều để quyên tiền về xây chùa, sửa nhà thờ.
Hải ngoại đầu tắt mặt tối vẫn một tấm lòng đối với người khốn khó hơn mình, nếu có bất mãn, thương xót đôi điều bất công trong nước, thì bị mang tiếng là bọn tha phương cầu thực, đánh phá tổ quốc. Tôi tự hỏi có một người ở ngoài nước Việt nào mỗi tháng, mỗi năm không rút ruột để giúp, không bà con ruột thịt thì cũng những người đói nghèo, bất hạnh vì thương tật.
Nhiều vị cao niên hết tiền còn xin ký cái chi phiếu ghi ngày cho đến tháng sau. Bà con trong cuộc sống thường nhật, mua thức ăn cũng chọn chợ, tính toán hơn thiệt đắt rẻ bó rau vài chục xu để bỏ ra hàng trăm gởi tiền về qua các dịch vụ mà không hề nuối tiếc.
Số tiền ấy tích lũy từ tình thương của bà con hải ngoại khắp năm châu, lên đến con số tám tỷ đô la mỗi năm, gởi về quê hương không bị ai kiểm soát, không hề đặt một điều kiện nào, giúp kinh tế phục hồi, làm cho khuôn mặt Việt Nam hồng hào, khởi sắc từ những nghèo đói, khốn nạn từ những năm miền Nam bị bức tử.
Bọn "vô cảm" lạnh lùng dửng dưng trước cái bất hạnh, khốn khổ của đồng bào, với thái độ "sống chết mặc bay," thì sá gì ba cái chuyện nhỏ nhặt như chuyện cái cầu tiêu cho các em trong các trường học. Theo phúc trình của một tổ chức Liên Hiệp Quốc, rất nhiều trường học trên cả nước Việt Nam không có nổi một cái cầu tiêu.
Chuyện này là chuyện lớn đây! Nghe nói theo tiêu chuẩn trên văn bản thì cứ 100 học sinh phải có một cái cầu tiêu, và cứ 60 học sinh phải có một cái vòi nước, nhưng thực tế là không có gì, vì chính các viên chức nhà nước đã mở cuộc khảo sát tại 11,200 trường học của xã hội chủ nghĩa tiên tiến, một phần ba các trường này không có cầu tiêu hay không đủ cầu tiêu.
Theo tôi, một người đã có thời gian đi dạy học, thì trường không có hiệu trưởng, không có giám thị, không có bảo vệ, kể cả không có chi bộ đảng Cộng Sản cũng chẳng sao, nhưng không có cầu tiêu thì cũng khá kẹt. Ở xứ văn minh chừng nào thì chuyện bài tiết và nơi bài tiết quan trọng chừng ấy, xứ tiến bộ chừng nào thì nhà có nhiều cầu tiêu chừng ấy. Trường không có cầu tiêu thì học sinh sẽ "xử lý nước thải" ra sao?
Chúng ta hãy nghe ông Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục-Ðào Tạo Nguyễn Thiện Nhân hát bài "đừng hỏi tại sao?" như sau: "Ðừng hỏi bộ trưởng giáo dục vì sao trường học thiếu nhà vệ sinh?"
"75% ngân sách giáo dục do các tỉnh quản lý, 21% do các bộ, ngành khác quản lý, Bộ Giáo Dục- Ðào Tạo chỉ quản lý 5%, không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách giáo dục cho bộ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu sử dụng kinh phí giáo dục không có hiệu quả, không quan tâm thỏa đáng đến yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, hầu như không bị chế tài gì. Vì vậy đừng hỏi bộ trưởng giáo dục vì sao trường học thiếu nhà vệ sinh."
Câu giải thích này của ông bộ trưởng quả là tối mò mò, "hiểu được chết liền," tuy nhiên diễn dịch theo phong cách Hà Nội là: "trường học đ... có cầu tiêu, đ... phải là trách nhiệm của bộ trưởng giáo dục!" Vậy thì trách nhiệm về ai, cha mẹ phải lo cho con mang bọc ny lông đến trường hay là trách nhiệm của bà con hải ngoại cũng chưa biết chừng, vì đã lo thì phải lo cho đến cùng, nghĩa là chúng sẽ phát động một chiến dịch xây cầu tiêu cho các trường học ở quê nhà. Nhưng nếu hải ngoại có lòng xây cầu tiêu cho bọn nhỏ, thì phải cho những giới chức có trách nhiệm ăn khoảng 30% theo đúng lệ làng. Có điều là cầu cống, đường sá bị rút ruột, vậy hải ngoại có tổ chức nào về xây cầu tiêu cho kế hoạch trồng người thì cũng nên cẩn thận.
Nhiều nhân vật đã quên quá khứ để về góp công xây dựng đất nước như kế hoạch xây dựng thêm sân golf cho nước Việt được đi vào kỷ lục là một nước nghèo đói nhất mà lại có tỷ lệ nhiều sân golf nhất thế giới. Theo thống kê chính thức của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, hiện nay trên cả nước có tới 166 dự án sân golf, trong đó 145 dự án đã cấp đất, 84 cấp giấy phép đầu tư.
Những con số cho thấy sân golf tại Việt Nam đang nhiều gấp 10 lần trung bình của thế giới, với 41 trên 63 tỉnh trong cả nước có dự án sân golf. Trong đó Hà Nội và Bình Thuận nhiều nhất với 19 dự án; Bà Rịa Vũng Tàu 14 dự án, Lâm Ðồng 11 dự án, Khánh Hòa 9 dự án. Liệu những sân golf 18 lỗ hay 30 lỗ thì thằng dân được cái gì?
Việt Nam đã nghèo mà thích "chảnh" thích đua đòi, học làm sang, nhất là gần đây lại nổi lên phong trào thích tạo kỷ lục "Việt Nam Guinness," mà những kỷ lục vô duyên nhất thế giới. Thông Tấn Xã Việt Nam vừa đưa tin trường Cao Ðẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Du Lịch Nha Trang (cái tên nghe đã phát mệt) vừa nấu một nồi phở cung cấp cho 650 khách ăn, và năm ngoái đã làm một cái nem chua dài 11 thước, nặng 450 kg. Loại kỷ lục này cũng như loại kỷ lục bánh chưng, bánh tét làm cho cả mấy trăm người ăn thì có ích quốc lợi dân gì, mà chỉ thêm tốn tiền, ăn cho nhiều "vào" mà không lo chuyện "ra" để lại đạt thêm cái kỷ lục là nền giáo dục ít cầu tiêu nhất thế giới.
Chúng tôi mỏi mệt quá rồi, nước Mỹ đang sạt nghiệp, lương nhân viên, trợ cấp cho người nghèo cũng không có đủ, phải ký giấy nợ mà đồng bào vẫn phải tuồn tiền về cứu giúp đồng bào. Việt Nam bây giờ là một đất nước mà cấp lãnh đạo giàu có vì cung cách cường hào ác bá gấp trăm lần thời thực dân phong kiến ngày xưa, mà dân đen thì khốn khổ lầm than hơn mười lần thời nô lệ.
Ðể tránh chuyện "đái bờ, ỉa bụi" của các em học sinh trong một xã hội tiên tiến, văn hóa cao như Việt Nam, là một "Việt kiều yêu nước," lúc nào cũng nghĩ đến quê hương, tôi xin có một đề xuất với ông bộ trưởng giáo dục như sau: Mỗi trường học chưa có cầu tiêu, quyết tâm học tập noi theo gương Bác, xin đào một cái "ao cá bác Hồ" đầy "dân tộc tính," xây dựng theo đường lối ở các vùng sông rạch miền Nam, nghĩa là dưới cá trên cầu.
Phương án này, vừa có ngân sách cho Bộ Giáo Dục của ông phó thủ tướng tuyên bố "đ... có trách nhiệm" ở trên, vừa có chỗ cho học sinh giải quyết khi cấp bách. Bộ Ngoại Giao, Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Ủy Ban Về Người Việt Nam ở Nước Ngoài, Hội Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài, năm ngoái, đã từng tuyên dương cho mười bảy ông bà "Việt kiều yêu nước", lẽ nào đề xuất này không được lưu tâm ghi công cho người có lòng với quê hương, đất nước?
Huy Phương
Nguồn: Người Việt Online
Thursday, July 9, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment